BBT tạp chí TYTNY
Đã gần 50 năm ròng rã, hàng năm, vào mỗi tháng Sáu dương lịch, tại khắp các quốc gia trên thế giới, nơi nào có người Việt tỵ nạn, nơi đó đều tổ chức những buổi lễ nhằm vinh danh những người lính trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).
Trong dịp này, ngoài những chương trình văn nghệ, hay diễn hành trọng thể, nhắc nhở cho mọi người nhớ lại những hình ảnh của người lính thân yêu của miền Nam Việt Nam trước năm 1975, các cơ quan truyền thông Việt, Mỹ khắp nơi cũng trình bày nhiều tài liệu lịch sử, nhận định về một quân lực, đánh giá sự can trường của những người lính và muôn vàn khó khăn mà một quân đội phải đảm đương, phải vượt qua suốt trên hai mươi năm, qua hai nền Cộng Hoà trẻ trung, cuối cùng bị bức tử một cách đau thương, hờn tủi!
Riêng những nhà nghiên cứu về lịch sử, quân sử đều đồng ý rằng: Trong lịch sử thế giới vào thế kỷ gần đây, chưa có một quân đội nào phải gánh chịu nhiều đau thương, nghiệt ngã, tủi nhục như quân đội VNCH, một quân lực có lúc được coi như hùng mạnh nhất miền Đông Nam Á, quân số lên đến cả triệu. Quân đội đó đã từng chiến đấu anh dũng, hiên ngang đối mặt với kẻ thù Cộng sản trên khắp các mặt trận, đã từng chiến thắng vinh quang, từng gây cho kẻ thù những tổn thất kinh hoàng, nặng nề trên khắp vùng lãnh thổ, giữ từng tấc đất quê hương, không hề dâng cúng, sang nhượng một tấc đất nào của tổ tiên cho bất cứ kẻ thù nào, kéo dài trên hai thập niên. Vậy mà chỉ có một sớm một chiều, quân đội hùng dũng ấy lại bị tan hàng, buông súng, dẫn đến tháng Tư tang thương, để từ đó dân tộc Việt Nam phải chìm xuống vũng lầy đỏ đến bây giờ vẫn chưa tìm ra lối thoát! Tại sao? Tại ai?
Làm thế nào để đóng đinh một quân lực oai hùng vào thập giá?
Tích xưa kể rằng: Có một người kia muốn làm thịt con chó nhà hàng xóm, hắn ta chờ con chó ra đường rồi rượt theo, la lớn: “Bớ làng nước ơi, con chó điên này nó định cắn tôi!” Thế là mọi người hưởng ứng tức thì, người cầm gậy, người đá, người đấm, con chó chết tươi! Nhìn con chó chết, kẻ lập mưu cám ơn mọi người rồi xoa tay nói lời ân nghĩa: “Để nó chết bờ chết bụi tội nghiệp, tôi xung phong đem nó về chôn!” Ai cũng khen anh ta biết lo chuyện an nguy cho mọi người và là kẻ tốt bụng! Đúng là được cả tiếng lẫn miếng! Vì thế, cổ nhân đã tóm gọn trong câu: “Muốn giết chó, hãy gọi nó là con chó điên!”
Với Chúa Cứu Thế, người chủ trương hòa bình, yêu thương với cả kẻ thù: “Vả má này, đưa tiếp má kia” cho kẻ muốn đánh mình đánh tiếp. Hoàn hảo như thế làm sao có lý do để giết? Dễ thôi, chỉ việc đổ cho ngài là người có máu cách mạng, muốn lật đổ chính quyền để làm Vua! Chỉ cần một lý do sơ đẳng này, đã quá đủ để đưa Người lên Thập Tự giá.
Mưu kế hèn hạ này cũng đã được dùng để giết chết một quân đội oai hùng. Một đồng minh bội ước, tham lợi hơn tình, cấu kết với quân thù tạo nên phong trào phản chiến, bôi bẩn những người lính anh hùng, đang ngày đêm xả thân chiến đấu bảo vệ lý tưởng tự do. Thật đúng với câu: “Khi đồng tiền và quyền lợi xâm chiếm, lương tâm sẽ đội nón ra đi!”
Đau đớn thay một quân lực, chỉ vì quyền lợi của những tham vọng thỏa hiệp trên bàn cờ quốc tế, đồng minh tin cậy nhất đã phản bội họ, bằng “Một nụ hôn Giuđa bán Chúa” qua Hiệp định Bàn tròn Ba Lê năm 1972, từ đó ngưng tiếp tế vũ khí, trói tay bạn trên chiến trường, lũng đoạn hậu trường chính trị để làm nản chí và mất niềm tin chiến đấu, tạo điều kiện thuận lợi và dọn đường cho bọn Cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm miền Nam.
Hãy trả lại sự thật cho lịch sử
Để bôi bẩn và bức tử một quân lực kiêu hùng, quân thù đã cấu kết với bọn ngụy hoà bôi nhọ hình ảnh người lính VNCH. Nào là quân đội ấy chỉ có những tướng tá tồi tệ tham nhũng, những quân nhân vô kỷ luật hèn nhát, bỏ chạy trước quân thù, giỏi hà hiếp dân, đi đến đâu thì ăn cắp gà, cắp vịt. Thật là rừng rú!
Hình ảnh tướng Loan xử bắn tên đặc công Việt Cộng tại Chợ Lớn đã sát hại nhiều thường dân vô tội, là một bằng cớ để buộc tội tính chất dã man, ngậm máu phun người của kẻ thù và bọn tay sai.
Đám bất lương này nâng cao kẻ thù lên tận mây xanh, báo chí phản chiến thì đăng hình ảnh chị tài tử Fonda ngồi vắt vẻo, tươi cười bên họng súng phòng không có các “anh bộ đội ” vây chung quanh hít hà, bên cạnh tấm ảnh người lính VNCH đang chĩa súng vào đầu một người dân (thật ra là tên Cộng sản trá hình) nhưng nào ai biết lòng lang dạ thú và mưu mô xảo quyệt của Việt Cộng đã dàn dựng. Chiến dịch bẩn thỉu này đã dìm hình ảnh người lính VNCH xuống tận bùn đen mà không có cơ hội được giải thích.
Nhưng sau tháng Tư 1975, hình ảnh “hiền từ” của kẻ chiến thắng đã hiện nguyên hình là những tên đồ tể khát máu đã làm thế giới sửng sốt. Trại tù “cải tạo” mọc lên khắp nước, thực chất là những nhà tù khổ sai, chẳng những đày đọa tù nhân về thể chất, mà còn hành hạ cả tinh thần. Hàng triệu người phải bỏ nước ra đị, một phần ba số người này đã vùi thân trong lòng biển cả hoặc nơi rừng sâu nước độc khi tìm đường chạy trốn bọn người “giải phóng.” Các lương tâm thật sự lu mờ hay cố tình lu mờ bắt đầu mở mắt để nhìn thấy đâu là sự thật.
Bây giờ thì đã quá trễ để người đồng mình hối hận chuộc lại những tội lỗi của họ khi nhẫn tâm bỏ rơi miền Nam vào tay Cộng sản. Đã bắt đầu có những bài báo thú nhận những lỗi lầm trong việc bôi bẩn một quân lực dũng cảm. Tác giả chụp tấm hình tướng Loan đã ngỏ lời xin lỗi. Đài kỷ niệm các chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến Việt Nam mọc lên khắp nơi, hình ảnh người lính VNCH đã chiến đấu cho tự do cũng được vinh danh, miền Nam Cali bắt đầu khởi công xây thêm một tượng đài. Phải mất một thời gian, những sự thật đã trả lại cho lịch sử.
Hàng loạt những tác giả đã biết nhận thức đúng hình ảnh của người lính mà họ từng gọi là “bé nhỏ “, nhưng có một tấm lòng dũng cảm bao la, một lý tưởng cao cả vì dân vì nước mà hy sinh thân mình.
Điển hình, trên tiêu đề Heroic Allies, tạp chí Việt Nam tháng 8, 1994, tác giả Harry F. Noyes đã viết như sau: “Thật đau lòng khi có nhiều cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam lại đi cấu kết với đám phản chiến, với những tên trốn quân dịch và bọn chính khách hoạt đầu, xúm nhau vào bôi lọ một quân lực không có một cơ hội để tự bào chữa. Nhục mạ một quân đội bị phản bội vì chính đồng minh của mình, hành động đó thật đê tiện, bất xứng.
QUÂN ĐỘI VNCH ĐÃ CHIẾN ĐẤU ANH DŨNG NHƯ THẾ NÀO?
Để cho thế hệ trẻ ngày nay biết đâu là sự thật, chúng tôi xin phép trích dẫn một số mẩu chuyện điển hình từ những người trong cuộc.
Trong trận quân Cộng sản Bắc Việt vây hãm Khe Sanh. Giới truyền thông đều nói chiến thắng đó là do nhờ đơn vị Thuỷ Quân Lục Chiến của Hoa Kỳ, nhưng họ đã quên hơn một tiểu đoàn Biệt Động Quân đã cùng sánh vai chiến đấu, chia xẻ nỗi gian lao mới có chiến thắng kể trên! Nếu không có đơn vị thiện chiến này, trận đánh Khe Sanh không còn được nhắc nhở.
Chỉ riêng trận đánh Tết Mậu Thân đã chứng minh khả năng chiến đấu của quân lực VNCH. Cộng Sản với ý đồ đánh lén, sau khi đã ký hòa ước đình chiến 7 ngày trong dịp Tết, bất ngờ tổng công kích vào thời gian thiêng liêng nhất trong năm, nhằm chiếm lấy miền Nam. Nhưng chúng đã thất bại nặng nề, binh sĩ VNCH đã chống trả mãnh liệt, không một đơn vị nào tan rã, tháo chạy. Thậm chí cảnh sát, nhân dân tự vệ, với vũ khí thô sơ đã chống lại những lính chính quy Bắc Việt, trang bị vũ khí hạng nặng. Sau thời điểm này, số người tình nguyện nhập ngũ bảo vệ đất nước lên quá cao, đến nỗi chính phủ phải ngừng tuyển mộ lính trong một thời gian dài. Nếu thiếu lòng can đảm, tinh thần ái quốc, sao họ làm được công việc thần thánh đó?
Rồi trong trận chiến mùa hè đỏ lửa năm 1972, các chiến binh VNCH bị vây hãm tại An Lộc đã anh dũng tử thủ chống trả lại lực lượng hùng hậu của địch, kèm theo những trận mưa pháo triền miên bất tận, vậy mà cuối cùng họ cũng đã đè bẹp được những trận tấn công liên tục của các chiến xa địch quân. Một cố vấn Mỹ đã kể lại: “Chỉ có một tiểu đội Bộ binh, lại được lịnh phải phá huỷ ba cỗ xe tăng của địch. Ông tiếp tục kể, như lạc vào chuyện thần thoại, các binh sĩ này lại có ý định bắt sống những chiếc xe tăng kia, lạ lùng thay họ gần làm được điều đó, họ bắt sống được hai, còn một chiếc chạy thoát!
Rồi trận tái chiếm lại cổ thành Quảng Trị làm nên sự tích anh hùng cho quân sử VNCH đến nổi những người miền Nam xúc động cùng ca theo ca khúc bất hủ “Cờ bay trên thành phố thân yêu”:
“Cờ bay, cờ bay oai hùng trên thành phố thân yêu
Vừa chiếm lại đêm qua bằng máu
Cờ bay. Cờ bay tung trời ta về với quê hương
Từng ngóng đợi quân ta tiến về
Ta ôm nhau mắt lệ nghẹn ngào quỳ hôn đất thân yêu
Quảng Trị ơi, chào quê hương giải phóng
Hồi sinh rồi này mẹ này em
Vui hôm nay qua đêm đen tìm thấy ánh mặt trời …”
Đại tá Robert Monelli đã kể lại trên báo Armed Force Journal số 19 tháng Tư năm 1972 như sau: “Thật là một phép lạ, một tiểu đoàn VNCH với khoảng 429 binh sĩ, bị bao vây liên tiếp trong ba ngày bởi một trung đoàn Cộng sản từ 2,500 đến 3,000 tên. Vì địa thế hiểm nghèo không thể tiếp tế cho họ được, nên họ đã phải chiến đấu cho đến hết đạn, rồi mở đường máu bằng chính khí giới tịch thu của địch. Kỳ diệu thay, họ đã mang theo tất cả binh sĩ bị thương, cả những xác chết đồng đội của họ. Cố Vấn Mỹ không tin, cho không ảnh thám sát, chụp hình đếm được đúng 673 xác địch nằm ngổn ngang chung quanh căn cứ. Đến bây giờ ông vẫn không hiểu tại sao họ đã làm được những điều lạ lùng như thế! Họ là những người lính cừ khôi, gan dạ.
Rồi trận đánh cuối cùng ở An Lộc, cửa ngõ vào Sài Gòn, Chuẩn tướng Mạch Văn Trường, chỉ huy Sư đoàn 21 bộ binh đã đánh quân Cộng sản Bắc Việt thất điên bát đảo.
Hãy nhớ là Hoa Kỳ đã cắt viện trợ nặng nề từ năm 1973, hậu quả là không còn nguyên liệu, đạn dược đủ cung cấp cho chiến trường. Phi cơ, quân xa nằm ụ trong bãi, đại bác chỉ được bắn tối đa ba trái mỗi ngày, những người lính anh dũng của Quân lực VNCH bị trói tay toàn diện.
Nhưng Quân lực VNCH mặc dù bị bỏ rơi, vẫn kiên trì chiến đấu đơn độc, chiến đấu một cách dũng cảm trước kẻ thù đông hơn gấp bội, với vũ khí tối tân hơn và nhiều hơn gấp nhiều lần, cộng thêm sự yểm trợ của Liên Xô, Trung Cộng, và cả khối Cộng sản. Nếu như cấp chỉ huy của họ không ra lệnh buông súng đầu hàng quân địch thì chưa biết phần thắng đã thuộc về ai.
Chính điều này đã được tướng VC Văn Tiến Dũng công nhận trong tác phẩm Đại Thắng Mùa Xuân: “Từ khi Mỹ cúp viện trợ, khả năng di động và hoả lực của quân đội VNCH sa sút hơn phân nữa.” Vậy mà Cộng Quân vẫn phải kinh khiếp, “họ vẫn không ngờ là họ đã thắng!”
Niềm đau bị bức tử vì bị đồng minh phản bội đã không cho người lính VNCH có cơ hội một mất một còn với quân thù để làm chủ vận mệnh của mình như ý nguyện. Vào thời điểm đó, những người lính VNCH như “những con cọp nằm trong cũi sắt giương mắt nhìn bầy khỉ đỏ nhố nhăng mặt sức làm trò.” Những đau nhục sau khi cuộc chiến kết thúc kéo dài từ ngày đó cho đến mỗi tháng Sáu của mỗi năm, vĩnh viễn sẽ không bao giờ phai mờ được.
Thành thật mà nói, chính vì lịnh chỉ huy sai lầm của những tướng lãnh của họ, quân đội VNCH đã chiến đấu gần như tầm thường trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến, ngoại trừ trận đánh hào hùng tuyệt hảo tại mặt trận Xuân Lộc.
Họ chỉ bất hạnh một điều là đã cộng tác với một đồng minh thiếu chân thành. Nếu được yểm trợ đầy đủ, họ có thể tạo ra những trận thư hùng nảy lửa, không thua bất cứ một quân lực nào trên thế giới này! Chúng ta có lỗi lầm bỏ lỡ cơ hội cho những người lính có dịp cứu vãn đất nước. Ngoảnh mặt cho tội ác chiến thắng công lý, lịch sử mang một vết nhơ suốt đời không thể gột rửa.
Tưởng niệm
Nhân dịp kỷ niệm ngày Quân lực VNCH, chúng ta hãy, một lần nữa, cùng nhau mặc niệm:
Hơn hai trăm năm mươi ngàn (250,000) chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã bỏ mình trong cuộc chiến bảo vệ lãnh thổ miền Nam Việt Nam.
Những cái chết anh hùng của tướng Nguyễn Khoa Nam, Lê văn Hưng, Trần Văn Hai, Hồ Ngọc Cẩn, Lê Nguyên Vỹ, Phạm Văn Phú và hàng trăm sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ đã tuẫn tiết trong ngày cuối cùng của cuộc chiến
Những chiến sĩ chết trong thầm lặng. Những người đã bỏ nắm xương tàn tại những nơi rừng sâu núi thẳm vì không chịu đựng được sự hành hạ về vật chất và cả tinh thần trong các trại tù của Cộng Sản, đói không có cơm, đau không có thuốc.
Và hàng trăm ngàn thuyền nhân đã chết trên biển cả vì không chịu nổi cái thiên đường Cộng sản.
Viết lại theo tài liệu từ internet của tác giả Không quân Lê Văn Hải.
BBT tạp chí TYTNY