Chuyện báo chí Sài Gòn xưa, kỳ 13 – Những nhà báo bị ám sát

by Tim Bui

TRẦN NHẬT VY

Ông Nguyễn Văn Sâm ngồi vô ghế chủ nhiệm tờ Đuốc Nhà Nam chưa nóng chỗ thì nhiều việc xảy ra khiến tờ báo xuống dốc. Đó là chuyện ông chủ bút Đào Trinh Nhất rút lui và bị trục xuất về Bắc, rồi chuyện vợ ông Sâm thất lộc khiến ông Trương Văn Bền, người tài trợ tài chánh cho tờ báo cũng quay lưng làm cho báo thiếu trước hụt sau. Đã vậy việc ủng hộ phong trào đá banh cũng xuống lần và chia tay khiến độc giả của báo thấy báo không còn hấp dẫn nữa…

Đúng vào lúc dầu sôi lửa bỏng đó, ông Trần Quang An xuất hiện. Trần Quang An là cháu ruột của ông Gilbert Trần Chánh Chiếu, một nhà báo có tiếng từ đầu thế kỷ 20, chủ bút tờ Lục Tỉnh Tân Văn, và là bạn học của ông Sâm. 

Sau khi trúng thầu làm hầm đường xe lửa ở Tuy Hòa ông An trở thành triệu phú. Là người linh hoạt, giàu sáng kiến, thấy tình cảnh dân chúng, bạn bè bị khủng hoảng kinh tế hoành hành ông liền hô hào thành lập Hợp tác xã! Đây là một ý tưởng hoàn toàn mới ở Sài Gòn khi ấy nhưng rất ít người hiểu tường tận. Theo kế hoạch của ông An thì mọi nhu yếu phẩm của “xã viên” cần dùng đã được mua dự trữ với số lượng nhiều và sẽ được cung cấp đến tận nhà. Điều kiện là phải gia nhập Hợp tác xã, có thẻ tiếp tế và đóng góp một số tiền nhất định. Tuy nhiên, do không nắm được thói quen của người Sài Gòn là quen “ăn trước trả sau” và lại nghi nghi là ông An lấy tiền để quảng cáo cho bản thân, nên phong trào không lên mà xẹp lần.

Để cổ động cho phong trào này, ông An thương lượng với ông Sâm và bỏ tiền lo tờ Đuốc Nhà Nam để làm tiếng nói cho phong trào, nghĩa là ông Sâm vẫn có tiếng là chủ nhiệm nhưng quyền quyết định là ông An. Sau đó, tờ báo được giao cho nhà báo Phi Bằng-Cao Minh Chiếm làm chủ bút, với một số cây viết có tên tuổi như Phạm Văn Điều, Nguyễn Văn Đính, Lư Sanh Hạnh, Bùi Thiên Lượng, Chí Bửu…

Báo Đuốc Nhà Nam dưới tay ông An đã ra mặt ủng hộ mạnh mẽ phong trào Hợp tác xã với hình ảnh và những bài diễn thuyết của ông.

Với sự hợp tác này, Đuốc Nhà Nam từ ngày 12/12/1935, báo đánh số lại và ông Sâm chính thức là chủ nhiệm và người cầm lái là ông Trần Quang An. Trong số báo “đổi mới” này, ông Sâm đã viết bài “Đuốc Nhà Nam bước vào con đường cải cách”, có đoạn:

báo Đuốc Nhà Nam (ĐNN) sắp chết!…

Nhưng sự thật thì không vậy, mỗi ngày ĐNN cứ đi tới, nó vẫn sáng suốt để rọi khắp trên vùng đất này, sang sớt công việc cùng các bạn đồng nghiệp khác mà mưu tiềm những sự ích lợi cho đồng bào.

…Chẳng phải là cơ quan cho đảng phái nào ĐNN lấy quyền lợi chung làm mục đích, chẳng để cho một thế lực nào khác đè ép cái lẽ phải đặng.

…Phải gánh vác lấy công việc nặng nề, may sao ông Nguyễn Văn Sâm nhận được nhiều bạn đồng chí quý yêu đến sang sớt công việc…”

Cũng trong số báo ngày 12/12/1935 này, ông Đào Trinh Nhất, nguyên chủ nhiệm và là người phụ trách mục Chuyện thị phi, cũng có mấy lời cuối cùng:

Từ bữa mai, tôi thôi không viết mục này ký tên Nam Chúc nữa. Cái biệt hiệu này tôi đặt ra từ ngày 16 Avril 1930 nghĩa là cái tên báo Đuốc Nhà Nam dịch ra Hán văn đó thôi chớ không phải là biệt hiệu riêng của ai. Có điều mấy năm nay tôi viết nhiều hơn hết nên có nhiều bạn độc giả tưởng là biệt hiệu của tôi.

Nay tôi thôi giúp ĐNN thì cái tên Nam Chúc hoặc ở lại hoặc là mất đi sự đó không ở quyền của tôi và tôi cũng không biết tới. Chỉ biết từ nay phần riêng tôi không bao giờ nhìn nhận đó là biệt hiệu tôi hay là đem ra dùng ở báo khác. Đào Trinh Nhất

Dưới sự điều hành của ông Trần Quang An, tờ báo hướng độc giả tới những cảnh đời dưới đáy xã hội, đi sát vào đời sống dân chúng, với nhiều bài vở, tin tức nặng chất “dân sinh”. Nhờ vậy tờ báo từ từ hồi phục sức lực.

Tờ báo sống được nhưng phong trào thì chết. Qua năm sau, nhờ ủng hộ phong trào Đông Dương đại hội và đả phá cái gọi là Đông Dương đại hội trá hình của nhóm Trần Văn Khá nên cũng sống được qua ngày. Sang năm 1937, có cuộc bầu cử Thượng hội đồng thuộc địa (chức danh dành cho người Việt trong Hạ viện của Pháp và làm việc ở Paris), ông An mới định lấy tiếng và uy tín cho tờ báo nên ra lệnh cho bộ biên tập chơi tối đa, tẩy chay bầu cử, tẩy chay Thống đốc Pagès. Thậm chí có số báo ông An còn cho chạy tít 6 cột lớn trên trang một khẩu hiệu “Hãy bỏ thăm trắng! Tất cả đều như một, hãy bỏ thăm trắng!”. Không chỉ vậy, ông An còn kêu gọi nhà cầm quyền “thả hết chính trị phạm”, kêu gọi “tự do”… khiến tờ báo nhiều lần bị tịch thu, tòa soạn bị khám xét. Vì vậy mà Thống đốc Pagès gọi ông Sâm lên và đóng cửa tờ báo vào tháng 7-1937 sau khi ra được 461 số!

Không còn làm chủ nhiệm báo nữa nhưng ông Sâm vẫn là nghị viên Hội đồng quản hạt. Sau khi Đông Dương đại hội bị giải tán, nhà báo ở Sài Gòn bị hành tơi tả, thì anh em quyết định tổ chức lại bộ máy AJAC [Hiệp hội báo chí Nam Kỳ] như một nghiệp đoàn và ông Sâm được bầu làm chủ tịch, ông Lê Trung Cang, chủ báo Điện Tín được cử làm phó chủ tịch Hội. Mục đích của Hội lần này là làm chỗ dựa cho các nhà báo và tranh đấu cho quyền tự do báo chí.

Sở dĩ chọn ông Sâm là để dựa vào thế nghị viên, còn với ông Cang thì có tiền và có tiếng nói của tờ Điện Tín. Với cái thế “vững vàng” ấy, làng báo tin tưởng lắm! Nhờ vậy mà anh em gia nhập Hội đông đảo và tổ chức được rất nhiều buổi hát của các gánh cải lương để quyên góp tài chính cho Hội. Hầu như đoàn hát nào cũng ủng hộ. Thậm chí Bầu Thắng còn hát luôn một tuần lễ để lấy tiền ủng hộ Hội AJAC. Nhờ vậy mà hội có tiền hoạt động và giúp đỡ cho các hội viên thất nghiệp.

Tháng 8 năm 1938, Thống đốc Pagès ban hành tự do báo chí theo luật 1881 cho báo chí ở Nam Kỳ, nghĩa là báo chí quốc ngữ muốn xuất bản chỉ cần thông báo trước cho Biện lý cuộc 24 tiếng đồng hồ và không cần xin phép ai cả. Với uy tín sẵn có từ Hội AJAC, ông Sâm cho ra đời tờ Tự Do, tuần báo thông tin chính trị. Tờ báo được giao cho ông Phan Văn Hùm làm chủ bút với sự hỗ trợ tài chánh của ông Lê Trung Cang và đặt tòa soạn ở đường Catinat. 

Có tờ báo trong tay, ông Hùm tha hồ viết vung vít đả phá nhà cầm quyền Pháp. Nhưng chỉ có số người có tiền mua báo đọc và… lo ngại! Không bao lâu thì Đệ nhị thế chiến nổ ra, lấy cớ tình hình nghiêm trọng, chính quyền Pháp ban bố tình trạng khẩn trương và kiểm duyệt…báo chí trở lại như xưa! Rất nhiều tờ báo trước đó lớn tiếng đã bị đóng cửa, ký giả bị bắt. Năm này cũng là năm ông Sâm mãn hạn nghị viên Hội đồng quản hạt nên ông cũng bị hốt luôn. Tuy vậy ông không bị nhốt mà bị “thải hồi nguyên quán” tức là bị đuổi về quê không cho ở Sài Gòn nữa.

Mãi cho đến sau ngày 9/3/1945, ông Sâm lại xuất hiện làm chủ tờ Hưng Việt, với bút hiệu Minh Sơn và hô hào cho một chính đảng mới Việt Nam quốc gia độc lập đảng do Hồ Văn Ngà làm chủ tịch đảng. Sau khi thành lập chính phủ ở Huế, Trần Trọng Kim đã quyết định giao cho ông Nguyễn Văn Sâm chức Khâm sai đại thần Nam Kỳ.

Khi ông Sâm ra Huế “lãnh chức” với ấn ký của Hoàng đế đề ngày 1/8/1945 thì Minoda Thống đốc Nam Kỳ người Nhựt Bổn phản ứng dữ dội, vì y không muốn giao miền Nam lại cho chính phủ Trần Trọng Kim. Nhưng khi ông Sâm về Sài Gòn thì Nhựt đã bị Mỹ thả bom nguyên tử nên Minoda buộc lòng trao trả chủ quyền Nam Kỳ cho ông Sâm. 

Để có tiếng nói trong quần chúng ông Sâm cho xuất bản tờ Quần Chúng. Tờ báo không có tiếng vang gì lắm và nhiều lần bị khủng bố.

Năm 1947, Nguyễn Bình, một chỉ huy kháng chiến, muốn gặp ông Sâm để thảo luận về vấn đề độc lập của đất nước trong chiến khu. Để chắc ăn, Nguyễn Bình hứa sẽ bảo đảm chuyện đi và về của ông Sâm. 

Và một buổi chiều cuối tháng 9 năm 1947, sau khi sắp xếp công việc ở tòa soạn báo Quần Chúng rồi ra bến xe buýt ở chợ Cũ Sài Gòn để về nhà trong Chợ Lớn, chuẩn bị sáng mai vô khu gặp Nguyễn Bình.

Đến ngã tư Tổng đốc Phương-Cây Mai (Châu Văn Liêm-Nguyễn Trãi) trên xe có tiếng súng nổ. Ông Sâm bị bắn ba phát súng vào ót chết liền tại chỗ. Cho tới nay, vẫn chưa có ai hay tổ chức nào nhận trách nhiệm vụ ám sát này. Và cái chết của ông Sâm cũng lần lần chìm khuất vào quá khứ!

Than ôi, một kiếp người!

(Kỳ sau: cái chết của nhà báo Nam Quốc Cang)

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights