Buồn này có ai mua? 

by Tim Bui
Buồn này có ai mua?

TRẦN HỮU NGƯ

Tự nhiên nghĩ về nhạc, tôi lại nghĩ về chiến tranh. Tôi đoán chừng, chưa có đất nước nào có nhiều bài hát viết về chiến tranh nhiều như Việt Nam? Thơ, văn, truyện ngắn, truyện dài, tranh ảnh, kịch, phim…viết về chiến tranh không đến công chúng mau lẹ bằng nhạc phẩm. Vì bài hát nghe là thấy, nghe là hiểu, nghe là cảm xúc dâng trào khi chiến tranh đi qua, có đôi chiến tranh âm thầm ở lại, lại có chiến tranh nóng, chiến tranh lạnh.  Lịch sử có thể đếm được xác chết, đếm được thắng Thua, nhưng chắc chắn không bao giờ đếm được ‘nỗi đau của con người’. Và hình như chỉ có âm nhạc đã làm được việc này? 


Có một ngày hòa bình, bỗng dưng tôi hát:

   “… Chiều về
   Một chiều trên quãng đường xa
   Bóng người anh dũng 
   Năm xưa ra đi chốn này (ư ư ừ)
   Chàng về nay đã cụt tay
   Chàng về, chàng về nay đã cụt chân…” 
   (Nhớ người thương binh-Phạm Duy).


Tôi sinh ra và lớn lên ở miền Nam. Có hai sự kiện trong đời mà tôi không bao giờ quên được: Đình chiến 1954 và ‘thống nhất’ đất nước 1975.
Những năm tháng ấy có người từ miền Trung vào, có người từ miền Tây lên, lại có người từ miền núi xuống… họ gặp nhau ở một nơi nào đó để mà “An cư lạc nghiệp”, nơi đất lành chim đậu, dù biết rằng cuộc đời chưa dừng lại vì vận nước vẫn còn nổi trôi?
Những ngày còn bé tôi đi học. “Đi học”, hai từ đó nghe sao nó đơn giản và thân thương. Tôi, quần xà lỏn, áo bà ba ôm mấy cuốn vở, miệng nhai củ khoai ung dung đi vào thẳng lớp Năm (lớp Một bây giờ) mà không phải qua Mầm, Chồi, Lá… rồi cứ thế mà lên lớp Tư, Ba, Nhì, Nhất.

Những ngày đi học trường làng cho tôi nhiều kỷ niệm. Thầy, cô ngày ấy những thần tượng, có thể nói không quá là những “tượng đài”, sừng sững trước mặt của những đứa học trò nhà quê. Thầy cô nói cái gì với chúng tôi cũng đều là… chân lý! Làng xã, thôn ấp nhìn ông thầy, bà cô với sự nể nang vô hạn. Tôi đã từng bị đòn roi bầm đít, xưng tay, nhưng nào có oán than gì. Thầy ra thầy, trò ra trò, có đôi khi trừng phạt xong, thầy cô nhìn cả lớp ngồi im mà chúng tôi biết trong lòng thầy cô rưng rưng!

Rồi thời gian đi qua… rồi chiến tranh mỗi ngày mỗi lan rộng, rồi tôi cũng phải xa mái trường đong đầy kỷ niệm tuổi thơ. Dù trí nhớ đã không còn như xưa, dù chỉ là những thoáng nhớ, nghe trong đầu những âm vang như xa lắm, có đôi khi là những khắc khoải, chen lẫn những ca khúc mà tôi đã từng hát hò dưới mái trường thân yêu của một thời, để bây giờ là những nhớ nhớ quên quên những câu được câu mất.

Hòa bình, tôi đã có lần trở lại ngôi trường đầu đời này. Đất thì còn đây, nhưng trường xưa là những dãy bê-tông cốt thép, con đường dẫn vào trường là hai hàng cờ bay phất phới, cửa vào trường nặng trịch một ổ khóa to bằng nắm tay nằm bất động trên một thanh sắt cũng bất động và cậu bảo vệ nhìn ai cũng là người gian!

Đứng đây, tôi bỗng thấy xa lạ, tôi thoáng một chút ngập ngừng!

Kỷ niệm xưa ùa về, nhưng đứng trước “trường xưa”, đầu tóc thoáng nhớ bài hát “Trường làng tôi” của nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu – một bài hát đã đi cùng năm tháng – bài hát mà chúng tôi đã từng cất lên dưới mái trường thân yêu này, nó gói ghém những câu chữ không dư, không thừa, viết về mái trường đầy nắng mưa, cát bụi gió bão này, mà chắc rằng đó là một ca khúc Thuộc “văn hóa phi vật thể” dù trải qua biết bao dâu bể, thời cuộc thay đổi ngôi thứ,  mà ngày ấy chúng tôi đã hát vang làm lay động núi rừng trong giai điệu Valse như đánh thức bình minh, chào một ngày mới.

Hát “Trường làng tôi”, tôi nhớ nhạc sĩ Phạm Trọng – người nhạc sĩ thương binh. Anh tên thật là Phạm Trọng Cầu, có khi lấy bút hiệu là Phạm Trọng. Sinh năm 1935 tại Phnôm Pênh, Campuchia, nguyên quán anh ở Hà Nội, có nơi ghi là Nghệ An. Mất năm 1998 tại Sài Gòn.

Anh là một nhạc sĩ chẳng may cụt chân vì đi bộ đội từ năm 1948 bị thương, nên phải cưa một chân. Có thể vì ngày ấy phương tiện chữa trị còn thiếu và yếu, nên buộc lòng người chữa trị phải cắt chân anh!

Tôi đã gặp anh một lần tại “Trung Tâm Trẻ Em Bại Liệt” (vì lúc đó tôi đang làm ở cơ quan này ở đường Võ Thị Sáu). Lâu quá rồi, nếu tôi nhớ không lầm là năm 1990, đáng lẽ tôi vào biên chế, nhưng không có hộ khẩu, đành ngậm ngùi ra đi tìm đường… cứu đói!). Anh đến đây ôm đàn và hát giúp vui cho trẻ bại liệt. Tiếc rằng, tôi không để ý là anh cụt ở chân trái hay phải. Tôi chỉ nhớ anh mang kính râm, có một sợi dây cột hai bên gọng kiếng tòong teeng! Trông rất bụi đời… và thấy nó “bụi… bụi” làm sao ấy, và trông nó, thấy nó… (khó nói quá!)

Anh có nhiều nhạc phẩm, nhưng có hai nhạc phẩm thật khó quên là “Trường làng tôi” và “Mùa Thu không trở lại.”   

Trường làng tôi(sáng tác năm 1948)
Sau 1975, cũng có nhạc sĩ viết nhạc về nhà trường, mang tâm sự của phấn trắng, hoa phượng, thầy cô. Nhưng tôi nghe nó… giả giả, gượng gạo làm sao ấy! (Xin lỗi nhé, vì tôi nghe nhạc hơi… cá biệt!) 

Chắc trong cuộc đời không ai là không từng cắp sách đến trường. Vậy thì nghe lại nhạc phẩm “Trường làng tôi”, một ngôi trường đã đưa chúng tôi vào đời mà không có lầu cao cửa rộng, không có cờ bay phất phớt, không có khẩu hiệu quây quanh, chỉ có cây xanh, chim hót. Không có cái trống sơn son phết vàng, chỉ là miếng sắt cắt ra từ đường rầy xe lửa treo trên cây bàng cạnh trường, đánh beng beng báo giờ vào, tan lớp. Lấy thế kỷ 20 để so sánh với thế kỷ 21 là có phần “khập khiễng”, nhưng nói ở đây là nói “kỷ niệm” đẹp của một thời đã qua:

   “… Trường làng tôi cây xanh lá vây quanh
   Muôn chim hót vang lên êm đềm
   Lên trường tôi, con đê bé xinh xinh
   Len qua đám cây xanh nhẹ lướt
   Trường làng tôi hai gian lá đơn sơ
   Che trên miếng sân vuông mơ màng
   Trường làng tôi không giây phút tôi quên
    Nơi sống bao kỷ niệm ngày xanh…
    ĐK:
      “… Nơi sống bao mái đầu xanh màu
      Đời tươi như bao lá xanh lá xanh
      Theo tháng ngày chiến cuộc lan tràn
      Qua xóm thôn nát ngôi trường xưa…”

Khi nghe bài này, tôi nghe một “lũ kỷ niệm tràn về”. Và tôi cứ tưởng quanh tôi có “Muôn chim hót vang lên êm đềm…,” nhưng giật mình tỉnh lại chỉ nghe “Muôn xe nổ vang lên nhức đầu!”.

Mùa Thu không trở lại” (Sáng tác tại Pháp năm 1962)

Thi sĩ Hàn Mặc Tử: Ai mua trăng tôi bán trăng cho?
Nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu: Buồn này ai có mua?
Một thi sĩ bán trăng, một nhạc sĩ bán nỗi buồn: Bên tám lạng, người nửa cân!
Mùa Thu không trở lại” là một ca khúc viết về Thu đã được người nghe nhạc đón nhận như một bông hoa nồng nàn, thơm ngát điểm tô trong vườn nhạc Thu khoe sắc, dù nó được sinh ra từ Pháp, nơi mà tác giả đã từng đi qua vườn Luxembourg. Và biết đâu “Mùa Thu không trở lại” nếu được viết ở Việt nam, thì… không hay? 

Nhắc đến “Mùa Thu không trở lại” người ta nhớ ca sĩ Thái Thanh, người đã gieo vào lòng người nghe từng con chữ, từng nhịp điệu, từng âm thanh thánh thót, trong veo, tiếng hát lúc xa lúc gần, tưởng chừng như nắm bắt được, nhưng vụt bay, khi nghe Thái Thanh dịu dàng “Em ra đi mùa Thu” và hồn nhiên “Đếm lá úa mùa Thu” để sau cùng chỉ để… “Đo sầu ngập tim tôi”:

   “… Em ra đi mùa Thu
    Mùa Thu không trở lại
    Em ra đi mùa Thu
    Sương mờ giăng âm u
   Em ra đi mùa Thu
    Mùa Thu không còn nữa
    Đếm lá úa mùa Thu
    Đo sầu ngập tim tôi…
    Ngày em đi
    Nghe chơi vơi não nề
    Qua vườn Luxembourg
    Sương rơi che phố mờ 
    Buồn này ai có mua?…”

   Tôi thỉnh thoảng nghe lại nhạc của Phạm Trọng Cầu. Tôi buồn!
   Nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu có một câu hỏi bất hủ: “Buồn này ai có mua”?
   Xin đốt cho anh một nén nhang, mong ở suối vàng anh bán được nỗi buồn!

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights