YẾN TUYẾT
Trong cuốn sách có tên “Moral choice in public and private life,” tạm dịch “Đạo đức trong đời sống xã hội và cá nhân” triết gia Sissela Bok viết: “trong thời đại hiện nay, khả năng phân biệt sự thật và điều dối trá của con người không còn dễ dàng vì có quá nhiều thông tin khác nhau, do đó, người nói dối không ngại ngùng khi nói ra những điều không đúng sự thật.”
Theo ý kiến của bà Bok thì khi những lời nói dối trở nên quá phổ thông, mọi người sẽ nghĩ rằng chúng vô hại và điều này khuyến khích người nói dối tiếp tục nói dối.
Tuy nhiên, chúng ta nên biết rằng cho dù vô hại đi nữa, một khi sự thật không được tôn trọng thì lòng tin của con người cũng có thể bị soi mòn hay hủy họai, tùy theo mức độ nặng hay nhẹ của lời nói dối!
Trong xã hội, người ta ghi nhận việc nói dối xảy ra trong rất nhiều tình huống. Ngay chính những chuyên gia như luật sư, học giả, chính trị gia, và ngay cả một số nhà truyền giáo… cũng bóp méo sự thật, hay tranh cãi quanh co, chỉ để làm sao cho sự thật phần nào phù hợp với những gì mà thân chủ hay người ủng hộ mình cần có và cần nghe.
Giáo sư Bella DePaulo dạy về môn tâm lý tại University of Virginia ở Charlottesville đã quy tụ được 77 sinh viên và 70 cư dân của thành phố. Những người này tình nguyện tham gia vào một chương trình khá khác thường là bằng lòng giữ một cuốn nhật ký trong vòng một tuần lễ để ghi lại, một cách trung thực, chi tiết về số lần mà họ đã nói dối.
Kết quả chỉ có một sinh viên và sáu cư dân trong số đó cho biết là đã không bao giờ nói dối. Trong khi số 140 người còn lại thì cung cấp chi tiết của đến 1,535 lần nói dối của họ.
Không phải tất cả những chuyện nói dối này đều kinh khủng, mà đôi khi chỉ là chuyện một người phải làm bộ lạc quan hay tỏ tinh thần hỗ trợ cho người thân hoặc bạn bè trong khi họ không phải là ngườI như thế. Hoặc cũng có thể họ phải giả vờ đồng ý với quan điểm của người bà con cho dù họ thật tình nghĩ khác.
Giáo sự DePaulo cũng căn cứ trên lời thú nhân của những người tham dự cuộc tìm hiểu nói trên để nói rằng phụ nữ thường nói dối với bạn gái của họ nhiều hơn để làm giảm xúc động của người đó. Trong khi đàn ông nói láo vì muốn tự tăng giá trị về công việc nào đó mà họ làm.
Ít ra, việc gây ấn tượng nhất trong sự thú nhận về hơn một ngàn lần nói dối này là những tác giả của chúng cảm thấy ân hận và bị ám ảnh vì việc mình đã không thành thật.
Có thể bạn cũng cảm thấy xấu hổ hay ân hận khi phải nói dối?
Thế nhưng, việc nói những chuyện không đúng sự thật được chứng minh là rất phổ thông trong đời sống.
Đặc biệt, tin giả giờ đây lan tràn khắp nơi không kiểm soát nổi.
Nhất là trong những năm gần đây, một vài người nổi tiếng hay cơ quan truyền thông có số đông người nghe, không hề xấu hổ khi đưa những lời nói dối về các vấn đề quan trong liên quan đến chính trị hay y tế.
Và buồn thay, những điều được phát biểu không đúng sự thật như thế lại xảy ra hầu như hàng ngày và nhiều người lại cho là vô hại.
Thật ra, ở Hoa Kỳ từ lâu đã có những chuyện nói dối mà người ta cho là vô hại (white lies) rất phổ thông và quen thuộc, nhất là trong những mối liên hệ gia đình.
Chẳng hạn như việc chàng rể dù không thích món phở dở ẹc của bà mẹ vợ, nhưng vẫn cứ khen lấy khen để vì sợ bà buồn lòng!
Giáo sư Josephson thuộc tổ chức vô vụ lợi Josephson Institute of Ethics ở Marina Del Rey, California, cho rằng cho rằng dù lời nói dối ấy có vẻ như vô hại nhưng nó có thể đưa đến kết quả xấu một khi bà mẹ vợ biết ra là chàng rể đã không thành thật với mình. Hoặc chẳng hạn như khi đứa cháu ngoại của một bà vô tình nói cho bà biết sự thực. Lúc đó, bà mẹ vợ sẽ có hai phản ứng, một là cảm ơn con rể về sự tế nhị, hoặc sẽ nổi giận và mắng cho chàng rể rằng: “Tại sao bao nhiêu năm nay, con lại có thể nói những lời dối trá ấy với mẹ? Như vậy còn những điều dối trá gì khác mà con đã nói với mẹ hay không?”
Rồi điều nói dối “vô hại” này cũng có thể làm cho bà mẹ đánh giá ông con rể một cách khác đi, và lo sợ rằng sự nói dối của chàng rể sẽ ảnh hưởng đến tính thành thật của thằng con trai anh ta nữa!
Có bao nhiêu lần chúng ta khen ngợi người khác về dung nhan của họ và ngỏ lời cảm ơn về những món quà tặng trong khi lòng chúng ta không thật sự nghĩ như vậy?
Dĩ nhiên, những việc nói dối dễ thương này có vẻ vô hại vì đó là cách cư xử cần có trong xã hội, thế nhưng theo giáo sư Josephson thì mọi người cần cẩn thận và để ý đến lời của tiểu thuyết gia người Anh nổi tiếng Walter Scott viết: ”Nói dối chính là một mạng lưới rối rắm mà chúng ta tự đan vào nhau, trong khi lúc bắt đầu chúng ta chỉ định nói dối một cách vô hại mà thôi”.
Như thế, chẳng lẽ người ta không bao giờ được dùng những lời nói dối được xem là vô hại hay sao?
Giáo sư Josephson và những nhà luân lý nói rằng không hẳn là cần phải như vậy.
Một số lời nói dối có thể được thông cảm và tha thứ khi chúng có mục đích nhắm đến việc tạo dựng lòng tin hay sự hy vọng về một điều gì đó tốt đẹp.
Chẳng hạn như nói với trẻ con rằng cái răng sữa của nó sẽ được bà tiên đền bù cho một món đồ chơi vì nó đã tỏ ra ngoan ngoãn. Hay nói với người bạn đang xuống tinh thần vì việc lên cân rằng họ không phải là một người mập.
Tuy nhiên, với những lời nói dối có tầm vóc quan trọng đến vận mệnh quốc gia của một vị lãnh đạo chẳng hạn, hay của một người về chuyện ngoại tình của chồng bạn mình thì chúng có những nguy hại và ảnh hưởng ghê gớm đến nhiều người.
Do đó, người lương thiện và có tinh thần trách nhiệm phải tránh tối đa, nếu không muốn nói là đừng bao giờ phạm phải việc nói dối.
Với ngành tin học càng ngày càng phát triển, những kẻ nói dối nhan nhản khắp nơi, họ còn dùng technology để lừa dối và lường gạt người dễ tin khiến nạn nhân có thể bị tổn thương về tâm lý và tài chánh.
Một bài viết hữu ích của ký giả Lynn Brenner trên tuần san Parade của tờ OC Register nhằm giúp cho chúng ta cảnh giác hơn về những vụ lừa gạt xảy ra trên hệ thống điện toán – online fraud – hiện đang là một dịch vụ thương mại béo bở.
Và khách hàng của họ có thể là bất cứ ai trong chúng ta.
Chẳng hạn một hôm nào đó, bạn tình cờ mở email ra để xem có ai gửi thư cho mình không và thấy một cái email mời gọi rất là hấp dẫn: “Ngồi nhà và có thể kiếm được số tiền từ 50 ngàn đến 80 ngàn một năm với công việc bỏ hàng vào bì thư.” Cho dù ngón tay của bạn đã đánh vào nút xóa (delete), thế nhưng trong đầu bạn cũng thoáng qua ý nghĩ không biết chắc đó có phải là một email gian không nhỉ?
Điều bạn đoán quả không sai tí nào vì những vụ gian lận hay mưu đồ bất lương trên internet – online fraud – mà tiếng Anh gọi là “Scam”, làm hao tốn khoảng 100 triệu mỹ kim hàng năm trên thế giới.
Theo cơ quan National Consumers League (NCL) thì chỉ riêng số tiền mất mát được báo cáo trong hai năm qua đã lên đến con số 22 triệu mỹ kim.
Sau đây là những điều bạn cần biết về những cái lưới được giăng ra trên internet và tại sao ngay cả những người thông minh cũng bị mắc bẫy.
Kẻ lừa bịp biết được mơ ước của chúng ta
Những kẻ lừa bịp chuyên nghiệp này không chỉ thực hiện mưu đồ vì tham lam không thôi. Chúng làm bạn cảm thấy may mắn và xứng đáng được hưởng điều mà bạn mơ ước.
Thí dụ như một người lạ hứa rằng sẽ chia cho bạn hàng triệu mỹ kim nếu bạn giúp hắn ta chuyển một gia tài kếch sù ra khỏi Hong Kong. Đề nghị này làm bạn thấy mình như được chọn lọc để đóng vai chính trong một chuyện phim có thật, cho dù cái thư của người lạ có vẻ hơi buồn cười: “Tôi tên là Wang Qin, nhận viên lo về tín dụng cho ngân hàng Hang Seng. Tôi có một dịch vụ thương mại kín đáo dành cho ông. Một nhân viên ngoại giao của chính phủ đã bỏ lại một cái thùng chứa khoảng 36.5 triệu Mỹ kim trong kho hàng của chúng tôi trước khi đột nhiên chết. Chúng ta hãy cùng nhau hợp tác trong việc chia chác tài sản này”.
Dĩ nhiên, không phải email nào cũng tức cười và dễ nhận diện ra như email nói trên. Thí dụ như một email nhắm vào những người đang gặp khó khăn về tài chánh, hứa hẹn sẽ cho họ mở credit chỉ với một lệ phí nhẹ.
Bà Susan Grant, giám đốc của cơ quan NCL Internet Fraud Watch cảnh cáo: “Lời hứa vừa kể đối với những nạn nhân là một bàn tay cứu vớt. Thế nhưng trên thực tế là bàn tay bỏ vào trong túi áo để vét sạch đồng xu cuối cùng của họ.”
Tiếc thay, các mưu đồ bịp bợm này quyến rũ những người không hề có kinh nghiệm về credit, nên họ dễ bị lừa.
Bà Deborah Platt Majoras, chủ tịch của cơ quan Federal Trade Commission xác nhận rằng không có một ngân hàng cho vay hợp pháp nào mà lại tính lệ phí khi cho mở thẻ tín dụng hay cho mượn nợ.”
Đừng điền vào chỗ trống
Kẻ gian thường dùng emails hay các website giả để lấy thông tin cá nhân. Những emails này tự nhận là của ngân hàng mà bạn gửi tiền, của công ty mà bạn có credit card hay của một tên hiệu thương mại nổi tiếng nào đó. Loại emails này thường yêu cầu bạn xác nhận – confirm- tư liệu bằng cách bấm một cái website liên hệ, trông giống như thật, và điền vào chỗ trống những câu hỏi về tên tuổi, địa chỉ, số An sinh xã hội… tất cả những gì mà kẻ trộm cần đến.
Có khoảng 150 triệu cái emails như vậy được gửi đi mỗi ngày trên thế giới.
Bạn sẽ phải trả nợ và trả nợ
Một vụ gian lận thông dụng rất giản dị: Bạn bị thuyết phục để trả cho một món hàng mà bạn sẽ không bao giờ nhận được.
Sau một thời gian, may ra thì bạn tỉnh ngộ ra, hoặc vì đã mất hết tiền rồi!
Nếu bạn trả lời cho một thông báo cho biết là bạn trúng số ở ngoại quốc, ngay sau đó bạn cũng sẽ được cho biết là để nhận được số tiền trúng số này bạn phải đóng thuế trước đã.
(Chính tôi cũng nhận được một cái email hay text nói rằng một người triệu phú Việt Nam ở New York có cùng họ với tôi, mới qua đời và tìm thấy tôi là người cháu của ông ta nên muốn để lại một gia tài nhiều triệu Mỹ kim cho tôi hưởng. Chỉ cần tôi cho họ số thẻ SSA và account của ngân hàng thì số tiền sẽ được chuyển đến trong vài ngày sau khi tôi đóng thuế. Dĩ nhiên, tôi đã không trả lời và xóa email láo khoét nói trên bởi vì tôi biết mình chỉ có tiền nhờ vào mồ hôi và khả năng làm việc của mình, chứ không thể có từ trên trời rơi xuống như thế!).
Tuy nhiên, một số người nhẹ dạ hay tham lam thì đã trả lời và cung cấp thông tin cá nhân cho kẻ gian vì họ thấy so với số tiền mà họ sẽ nhận được thì món tiền phải chi trước không đáng kể.
Giới điều tra về các vụ lường gạt qua hệ thống internet này cho biết là những nạn nhân càng trả tiền nhiều chừng nào thì họ lại càng tin tưởng vào mưu đồ này chừng ấy. Trong khi những kẻ ăn trộm kia thản nhiên vơ vét đến đồng tiền cuối cùng của họ mà họ không hay.
Love Scam
Gần đây, tin về việc một số người cao niên bị kẻ gian lợi dụng sự cô đơn, thiếu thốn tình cảm của họ bằng cách làm quen qua internet và hứa hẹn đem đến tình yêu và hôn nhân để lường gạt. Nạn nhân tin vào lời nói dối của kẻ gian và chuyển hết tiền bạc dành dụm cho chúng, đến khi tiền hết sạch thì “người yêu” biến mất.
Sống trong một xã hội đầy rẫy những kẻ nói dối và lừa đảo, chúng ta phải cùng nhau cảnh giác để đừng tin tưởng vào những gì nhóm người bất lương nói hay hứa hẹn.
Người nói ra sự thật bao giờ cũng đạt được sự kính phục của người khác hơn là những kẻ lừa bịp và nói dối.
Có một câu danh ngôn mà tôi thấy rất đúng:“Sự thật vốn cô đơn vì nó chỉ có một mà thôi. Trong khi đó, sự dối trá thì thiện hình vạn trạng nên ta dễ bị lừa. Sự dối trá lại đông đảo, tạo thành sức mạnh nên ta còn bị sự uy hiếp nữa”.