Thầy giáo làng, kỳ 23

by TYTNT
Thầy giáo làng, kỳ 36

Những trận đòn bắt đầu ngay khi cánh cửa nhà tù đóng lại sau lưng Tâm. Chàng thấy mình đang ở trong một hành lang lờ mờ với hai hàng cột gỗ cứng chắc. Trước khi nhìn thấy bất cứ cái gì khác, chàng đã bị đẩy đầu xuống sàn một cách thô bạo. Với chiếc gông quanh cổ và hai tay bị trói vào đó, chàng ngã quị và đập mạnh xuống đất. Chàng cố gắng trườn về phía trước nhưng một loạt đòn cước đã buộc chàng phải co người lại vào tư thế thai nhi. Điều duy nhất chàng có thể làm là co chân lại để bảo vệ mặt và nửa trên cơ thể. Chàng thấy chỉ có một người đàn ông đá chàng. Kẻ tấn công chàng thở ra thật mạnh mỗi lần để truyền lực tối đa vào mỗi đòn cước.

Tâm tựa đầu vào một trong những cột gỗ trong khi chàng gồng người chống lại những đòn đá. Bỗng có một giọng đằng sau cột gỗ thì thầm.

“Đừng kháng cự! Giả chết đi!”

Những đòn đánh ngày càng dồn dập và Tâm không cần phải bị giục nhiều. Cơn đau bùng nổ lên từ bất cứ nơi nào bàn chân đối thủ hạ xuống. Trước khi cơn đau từ một đòn dịu đi, đòn tiếp theo đã phát nổ từ một điểm khác, dồn thêm cơn đau đớn vào khắp cơ thể của chàng.

Chàng cố gắng không chống lại nữa, và tự bảo mình đừng nao núng hay phản ứng gì khác. Chàng nghĩ đến mẹ mình và lấy làm vui vì bà không thể nhìn thấy những gì đang xảy ra. Chàng nghĩ đến Giang và mong nàng sẽ không bao giờ phải chứng kiến hình phạt mà chàng đang phải gánh chịu. Chàng nghĩ đến những học trò của mình và những đứa trẻ thỉnh thoảng nhìn chàng với ánh mắt trìu mến. Chúng cũng không bao giờ nên nhìn thấy sự nhục nhã mà chàng đang phải chịu đựng.

Khi tỉnh lại, Tâm thấy mình ở trong một phòng giam lớn và đang được chăm sóc bởi một người đàn ông tiều tụy với tóc bạc phơ trong khi những người đàn ông khác đứng nhìn. Gông đã được lấy ra khỏi cổ chàng.

Tâm nghe thấy tiếng sấm, tiếng mưa rơi trên mái nhà, và nhìn thấy những tia chớp chiếu sáng từng khoảng thời gian ngắn qua cửa sổ nhỏ có chấn song trên một bức tường của phòng giam. Gió mùa đã đến. Các tín hiệu đau đớn chạy khắp cơ thể chàng với cường độ gần giống như những tia sáng.

“Anh ấy đang tỉnh dậy,” một giọng nói cất lên. “Tôi tưởng anh ta cỏn bất tỉnh lâu hơn nữa.”

“Anh ấy là một người khỏe mạnh,” ông già tóc bạc nói, rồi quay sang Tâm. “Thầy Tâm, phải uống nước này và rửa sạch máu trong miệng.”

Một bàn tay đỡ chàng dậy và một bàn tay khác đưa một cái bát lên môi chàng. Tâm khát và uống chất lỏng đó, quên cả nhổ nó ra. Chàng nhìn những khuôn mặt xung quanh mình, tất cả đều lộ vẻ thương hại, quan tâm và khích lệ. Chàng nhận ra giọng nói của ông già là ngưởi lúc nãy đã bảo chàng hãy giả chết.

“Thưa bác là ai?” Tâm hỏi.

“Tất cả chúng tôi ở đây đều là tù nhân của triều đình,” ông già thay mặt cả nhóm trả lời. “Chúng tôi biết chuyện của thầy.”

Chàng tự hỏi họ đã nghe được gì về chàng và làm thế nào tin tức có thể lan truyền nhanh đến mức ngay cả những người bị giam trong tù cũng biết.

“Không ai trong chúng tôi tin rằng thầy đã phạm húy trong các bài thi của thầy,” ông già nói. “Chắc thầy đã xúc phạm một vị triều thần nào đó và người ấy đang bắt thầy phải trả giá cho việc đó.”

Tâm cố ngồi dậy nhìn đám người vây quanh. Phòng giam được chiếu sáng từ một ngọn đèn dầu treo trên trần ở giữa hành lang bên ngoài. Khi mắt đã quen với ánh sáng yếu ớt đó, anh thấy người chung quanh mình đều là những người đàn ông lớn tuổi, quần áo đã trở thành giẻ rách treo trên thân hình da bọc xương của họ. Tuy nhiên, khuôn mặt và đặc biệt là đôi mắt của họ thể hiện những bộ óc thông minh và tính tình nhân hậu.

“Các bác đã ở đây bao lâu?” chàng hỏi.

“Một số người trong chúng tôi đã ở đây được vài năm, đặc biệt là những người ở phía bên kia hành lang. Hầu hết chúng tôi ở bên này đều mới vào đây chưa đầy một năm.”

Chàng ta định hỏi tội của họ là gì, nhưng ông già tiếp tục.

“Tội trạng cúa chúng tôi là đã chọn phải phe thất sủng trong các trận chiến kế vị ngai vàng. Chúng tôi là những người may mắn không bị hành quyết.”

Ông già chống cằm chỉ vào những người bạn đồng hành của mình và tiếp tục nói.

“Chúng tôi cũng là những người đã bị bỏ quên. Ngay cả một số những người bắt chúng tôi vào đây đã bị hành quyết, nhưng không ai đứng ra bảo cai ngục thả chúng tôi ra. Nhà Vua còn trẻ quá, chắc chẳng biết gì về chúng tôi, và ngay cả nếu có biết, chưa chắc Hoàng Thượng đã muốn trả lại tự do cho chúng tôi.”

Một số gật đầu buồn bã trong khi những người khác thở dài.

“Thế còn gia đình của riêng của bác thì sao?” Tâm vừa hỏi vừa nghĩ đến mẹ.

“Gia đình, họ hàng đều sống rải rác mọi nơi. Sau khi bị đuổi khỏi kinh đô, đa số trở về quê tổ sau khi mất tất cả nhà cửa và của cải,” ông già trả lời và trấn an Tâm. “Nhưng trong trường hợp của thầy, đối với tội phạm húy, gia đình thầy sẽ không bị ảnh hưởng. Gia đình thầy chắc chưa biết thầy đang ở trong ngục này, vì thầy đến từ miền Bắc rất xa đây, phải không? Trước sau, tin cũng sẽ đến với họ, nhưng phải mất ít nhất vài tuần nếu không muốn nói là vài tháng.”

Ngay khi đó Tâm không muốn gia đình biết chàng đang ở đâu. Chàng chỉ muốn tìm cách thoát khỏi tình trạng đáng buồn mà chàng đã rơi vào, để có thể thanh minh và được tự do trở về nhà. Trong khi đó ông già vẫn nói chuyện và giải thích hoàn cảnh của phạm nhân mới cho các bạn tù của mình.

“Việc người thầy giáo làng này bị ném vào đây với chúng ta có ý nghĩa gì đó. Họ biết thầy không thể bị xử tử. Tội phạm húy không thể bị trừng phạt bằng cách xử trảm.”

Những người khác trong buồng cũng gật đầu nhìn Tâm như để trấn an. Ông già cũng làm như vậy nhưng ánh mắt của ông giận dữ và hung dữ.

“Tuy nhiên, các ngươi hãy nhìn thầy Tâm, bị bầm tím khắp nơi và khuôn mặt trông thật khủng khiếp, sưng tấy và chuyển sang màu tím và đen. Thầy Tâm không bị gãy xương là may mắn. Nếu là một người yếu đuối hơn, thầy ấy chắc đã phải rên rỉ rồi.”

Ông già nhìn chàng chằm chằm, một bên lông mày nhích lên trên trán.

“Họ thường không đối xử với một học giả như thế này. Sự sỉ nhục bằng cách diễu hành thầy khắp thành phố với một chiếc gông quanh cổ lẽ ra đã là quá đủ. Nhưng đánh đập? Không. Thầy có biết mình đã xúc phạm niềm tự hào hoặc cảm xúc của ai không?”

Tất cả những sự kiện trong cuộc đời chàng từ ngày thi cuối cùng hiện lên trong trí óc của Tâm, những giờ phút êm dịu nhất với Giang cũng như những lúc bị hành xác dẫn đến phòng giam trong nhà tù. Chàng nghĩ đến điều mà chú của chàng, một tu sĩ khổ hạnh, đã dạy về nghiệp chướng và nhân quả của những hành động của con người, không chỉ giữa kiếp trước và kiếp hiện tại, mà ngay cả trong cùng một kiếp sống. 

Tâm thấy tất cả những người đàn ông trong phòng giam đang chờ đợi lời giải thích của chàng.

“Tôi thực không biết mình đã xúc phạm đến ai. Nhưng vài ngày trước, tôi đã cố gắng ngăn cản một nhóm công tử đang làm khó dễ cho ba người đàn bà, trong đó có hai cô còn trẻ. Đó không phải là một tình trạng dễ xử, và cuối cùng tôi đã bị bó buộc chiến đấu với một trong những công tử và  một người lính của anh chàng đó. Người lính ấy chính là người đã đánh đập tôi hôm nay ngay trước mắt các bác trong phòng giam này.”

Ông già đã suy luận ra hầu hết những gì Tâm không nói ra. Trên đời, người ta tranh giành quyền lực, tiền bạc hay tình cảm của một người đàn bà. Ông ta có thể đoán được dễ dàng thầy Tâm thuộc loại nào và kẻ thù của thầy là ai.

“Vậy thì thầy đang đối đầu với một triều thần, một ông quan có nhiều quyền lực, và tôi không nghĩ là người ấy đã xong việc với thầy.”

***

Mưa đêm hôm trước chỉ làm tăng độ ẩm mà không làm giảm nhiệt độ bao nhiêu. Huế nóng ngột ngạt khi vị Đặc Sứ Pháp bước vào phòng bệ kiến. Chuyến thăm viếng của ông không được dự định trước, và giờ đó còn quá sớm đối với triều đình. Vì vậy Bonneau phải chờ đợi trong khi các hoạn quan chạy đi chuẩn bị đưa nhà Vua đến ngai vàng.

Nhóm quan triều thần thông thường không có mặt ở trong phòng, và Bonneau bước đi bước lại trong khi chờ đợi. Ông ta muốn gặp riêng nhà Vua, dù cho có vi phạm nghi thức, một điều mà Bonneau và Khâm Sứ Pháp đã làm quá nhiều lần rồi.

Bonneau đến một mình và tự hứa sẽ cố gắng cư xử lễ độ hơn và tuân theo nghi thức càng nhiều càng tốt. Ông đã để lại thanh kiếm của mình trong xe ngựa như một cử chỉ thiện chí. 

Rốt cuộc, Bonneau làm theo lời của con gái út của mình sau khi nàng chạy về nhà vào tối hôm trước để báo cho cha biết rằng thầy Tâm đã bị lính của nhà Vua đến quán trọ bắt. Sáng hôm sau, ông sai thư ký Kham đi tìm hiểu thêm về vụ bắt giữ, nhưng vẫn chưa nhận được tin tức gì từ người thư ký. Bonneau có thể đợi Kham trở lại, nhưng gần đây ông bắt đầu bán tín bán nghi về những gì Kham, con người lươn lẹo, thường báo cáo cho ông. Trong trường hợp này, Mai đã thấy những gì nàng thấy, và không thể có chuyện nghi ngờ.

Đó là điều đã thúc đẩy Bonneau tìm cách yết kiến nhà Vua. Ông muốn nhà Vua ra lệnh, nếu không trả tự do cho anh thầy giáo làng, thì ít nhất cũng phải đưa trường hợp của Tâm ra trước công chúng và xét xử xem Tâm có phạm tội gì không. Bonneau nghi ngờ đây là một trong những trường hợp mà sự kết hợp giữa chính trị và gian kế đã phá hủy danh tiếng của một người dân. Đó không phải là lần đầu tiên hoặc lần cuối cùng, ở kinh thành Huế.

Bonneau nghe thấy tiếng bước chân và quay lại thì thấy một đoàn tùy tùng đang hộ tống nhà Vua trẻ lên ngai vàng. Hoàng Thượng mặc lễ phục chỉnh tề, nhưng dưới chiếc mũ đội môt cách vội vàng, tóc Vua vẫn còn ướt. Một giọt nước chảy xuống má phải và nhà Vua lo lắng lau nó đi khi ngồi xuống. Tổng Quản Thái Giám đứng phía sau bên phải Hoàng Thượng. Bonneau cúi đầu thật sâu trước khi đứng thẳng dậy. Ông đi ngay vào vấn đề.

“Thưa bệ hạ, tôi được tin chiều hôm qua lính của bệ hạ đã bắt và bỏ tù một học giả đến tham dự kỳ thi Đình năm nay. Vì cá nhân tôi biết người đàn ông đã bị bắt, tôi xin bệ hạ thông cảm và cho phép tôi hỏi: tại sao?”

Nhà Vua có vẻ ngạc nhiên và quay sang Tổng Quản Thái Giám. Cả hai thấp giọng và nói chuyện với nhau thật nhanh chóng. Chữ duy nhất mà Bonneau cố gắng hiểu được là “hỏi”, được lặp đi lặp lại nhiều lần. Cuối cùng, nhà Vua quay lại với vị Đặc Sứ.

“Hãy cho tôi biết tên của học giả.”

“Thưa Bệ Hạ, người ấy tên là Lê Duy Tâm.” 

Một lần nữa, nhà Vua quay lại Tổng Quản Thái Giám, bây giờ trông có vẻ bối rối. Không đợi Hoàng Thượng cho phép, vị thái giám nói thẳng với Bonneau bằng một giọng the thé.

“Chúng tôi được báo cáo rằng học giả này đã sử dụng một trong những tên húy của nhà Vua trong một bài thi. Mặc dù đây là một vi phạm tội nghiêm trọng, vẫn chưa có lệnh bắt giữ học giả. Bệ hạ còn đang duyệt xét trường hợp này. Đặc Sứ có biết chắc về tin này không?”

“Tôi biết những người đã chứng kiến vụ bắt giữ học giả ấy vào chiều hôm qua. Họ nói rằng anh ấy đã bị dẫn đi với một chiếc gông quanh cổ.”

Một cuộc trao đổi vội vã khác diễn ra giữa nhà Vua và Tổng Quản Thái Giám. Cả hai đều tỏ ra mất bình tĩnh, và Bonneau ngay lập tức nghi ngờ rằng ai đó đã ra lệnh bắt giữ Tâm, một lệnh mà nhà Vua không hay biết hoặc không đồng ý. Có rất nhiều phe phái trong triều đình, nhiều bằng số quan triều thần, tướng lĩnh và họ hàng nhà Vua. Chính quyền thuộc địa Pháp biết rằng vị Vua trẻ vẫn chưa kiểm soát được những phe phái ấy. Lão thái giám đứng bên cạnh nhà Vua lại chủ động nói chuyện.

“Đặc Sứ có biết học giả đã bị đưa đi đâu không?”

“Người ta nhìn thấy anh ấy bị dẫn vào Tử Cấm Thành.”

“Nếu vậy, việc chúng ta tìm ra anh ấy ở đâu chỉ là vấn đề thời gian. Chúng tôi sẽ cho Đặc Sứ biết ngay khi chúng tôi tìm thấy anh ta.”

“Thưa bệ hạ, chúng tôi lo lắng cho số phận của anh ấy. Xin cho tôi đi cùng và hỗ trợ người mà bệ hạ sắp cử đi tìm anh ấy.”

Nhà Vua gật đầu và Tổng Quản Thái Giám lên tiếng đồng ý với nhà Vua.

“Hoàng Thượng chấp nhận yêu cầu của Đặc Sứ. Trong chốc lát, một số thái giám của ta sẽ gặp Đặc Sứ ở bên ngoài để làm thành một nhóm người đi tìm học giả Tâm.”

Bonneau lại cúi đầu thật sâu và còn cố lùi lại vài bước trước khi quay người rời khỏi phòng bệ kiến.

***

Sáng hôm sau, chính người lính canh đã đánh Tâm hôm trước đến đưa chàng ra khỏi trại giam. Hắn không nói gì và cau mày khi quan sát những vết bầm tím đen cùng những vết sưng trên mặt tù nhân. Hài lòng với kết quả, hắn một lần nữa đặt chiếc gông quanh cổ Tâm và dẫn chàng ra ngoài. Những tù nhân còn lại nhìn với vẻ ngạc nhiên xen lẫn thương hại, và một số còn quỳ xuống và bắt đầu cầu nguyện. Nhiều người nghĩ chàng đang bị đưa đi hành quyết.

Kẻ hành hạ Tâm đi phía trước trong khi một lính canh khác đi theo phía sau. Toàn thân chàng đau nhức, nhưng chàng thấy mình có thể đi lại gần như bình thường, chỉ thỉnh thoảng bị một cơn đau co thắt. Chàng tự nhủ rằng đau đớn không thành vấn đề vì dù sao cuộc đời chàng cũng sẽ sớm kết thúc. Chàng tự hỏi ý nghĩ cuối cùng của mình sẽ là gì, và hình ảnh của mẹ chàng và của Giang cứ hiện lên trong đầu anh. Chàng không muốn lính canh nhìn thấy mình khóc và cố nén những giọt nước đang đe dọa làm mờ mắt trước khi rơi xuống mặt chàng.Tâm nhận thấy họ đã đưa chàng ra khỏi Tử Cấm Thành. Chẳng mấy chốc nhóm người đã rời khỏi kinh thành và tiến về hướng chợ Đông Ba. Liệu cuộc hành quyết của mình sẽ được chứng kiến bởi tất cả dân chúng đang tập trung đông đúc ở chợ vào giờ đó hay không? Đã có những toán người qua đường dừng lại để tò mò nhìn nhóm lính và chàng đi qua.

Tuy nhiên, trước khi đến chợ, người cầm đầu toán lính đột ngột rẽ về phía một biệt thự. Cổng trước mở ra, Tâm được dẫn vào trong sân, nơi có một chiếc xe ngựa đang được chuẩn bị để lên đường. Xe trông giống với cái mà chàng đã thấy ở dinh thự Bonneau, và là một biểu tượng cho quyền lực và tầm ảnh hưởng của chủ nhân biệt thự. Chàng phải đứng ở giữa sân trong khi kẻ hành hạ chàng đi vào phía trong.

Tâm nhìn quanh mình. Chủ ngôi biệt thự rõ ràng thuộc là một quan chức cấp cao. Có lính gác ở mỗi góc và ở cổng chính, và những con ngựa buộc vào cỗ xe trông khỏe mạnh. Khu vườn được chăm sóc cẩn thận và sánh ngang với khu vườn ở dinh thự của Đặc Sứ Bonneau. Hai bên con đường dẫn từ hiên trước đến cổng chính được trồng toàn là những bụi hoa hồng tươi tốt, không có một bông hoa nào tàn úa.

(còn tiếp)

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights