Nhân ngày 30 tháng Tư – Nhìn lại kết quả của Chủ nghĩa Cộng sản

by Tim Bui
Nhân ngày 30 tháng Tư Nhìn lại kết quả của Chủ nghĩa Cộng sản

LÝ THÀNH PHƯƠNG

Trong quá trình tiến hóa của loài người, căn cứ theo Chủ thuyết Xã hội thì con người phát triển từ mô hình Công xã nguyên thủy, đến chế độ Chiếm hữu nô lệ, rồi hình thức Phong kiến và Quân chủ chuyên chế. Hai hình thức phong kiến và quân chủ chuyên chế thường được gọi là chế độ phong kiến mặc dù hai hình thức này có những điểm khác nhau.

Trong mô hình phong kiến, vị vua là quân chủ của quốc gia được sự hỗ trợ của một số quý tộc mà đại đa số là hoàng thân quốc thích của nhà vua và một số quần thần có công trong việc chiếm lấy chính quyền.
Về phương diện kinh tế trong thời kỳ phong kiến, sản xuất nông nghiệp cung cấp thực phẩm các loại là chủ yếu. Bên cạnh đó là một hệ thống thủ công nghiệp cung cấp các sản phẩm như quần áo, giày dép, đồ dùng trong nhà, và các công cụ cho việc sản xuất. Thương nghiệp chỉ có tính địa phương, chưa có tầm vóc quốc gia, thậm chí ở nhiều nơi còn bị cấm đoán vì chính quyền cho rằng họ là thương gia là tầng lớp ăn bám, không góp phần trong việc sản xuất.

Xã hội thường phân chia thành ba giai cấp: quý tộc/địa chủ, bình dân, và nô lệ trong đó giai cấp nô lệ phải phục vụ cho hai giai cấp kia và thường bị bạc đãi.

Vào kỷ nguyên 1700, máy hơi nước bắt đầu hình thành và phát triển. Năm 1765 nhà bác học James Watt đưa máy hơi nước vào sử dụng trong ngành dệt. Kỹ nghệ may mặc bước một bước tiến nhảy vọt. Quần áo các loại được sản xuất với một tầm vóc lớn và sau đó là các sản phẩm tiêu dùng khác cũng được công nghiệp hóa. Hàng tiêu dùng trở nên dồi dào, đủ sức để phân phối trong phạm vi quốc gia. Có thể nói đây là bước khởi đầu cho cuộc cách mạng công nghiệp. Một giai cấp mới xuất hiện trong xã hội mà theo Chủ thuyết Xã hội, mang một cái tên không mấy thân thiện lắm là “giai cấp tư sản.”
Trong thời kỳ phôi thai này, giai cấp tư sản thường bao gồm các nhà quý tộc và những người làm ăn lớn. Để đạt đến lợi nhuận tối đa, công nhân phải làm nhiều giờ, trong điều kiện tồi tệ, và nhận được đồng lương ít ỏi nhất.
Với cách thức điều hành như vậy, những nhà tư bản nhanh chóng trở nên giàu có mà những người theo chủ nghĩa xã hội gọi là những người “ngồi nhà mát, ăn bát vàng” và “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”.

*** 

Không đồng cảm với tình trạng như vậy, vào năm 1867, một nhân vật lịch sử xuất hiện. Karl Marx, một triết gia người Đức xuất bản quyển “Tư bản luận” (Das Kapital). Tác phẩm này qua nhiều năm được hoàn thiện bởi một triết gia người Đức khác là Friedrich Engels để trở thành cuốn kinh điển của chủ thuyết Cộng sản.
Trong tác phẩm Tư bản luận, Marx phân tích cái gọi là “giá trị thặng dư”, hiểu một cách nôm na là lợi nhuận trong việc sản xuất hàng hóa mà vào thời kỳ đó, đại đa số thuộc về tay giai cấp tư sản. Người công nhân được dùng như một công cụ để đẻ ra tiền cho giới chủ nhân.
Theo các triết gia này, mối quan hệ như vậy có tính bóc lột và họ đề nghị một mô hình mới mà mọi người trong xí nghiệp cùng nhau nỗ lực làm việc và cùng nhau chia sẻ lợi nhuận theo phương thức “làm theo năng lực và hưởng theo lao động”. Và muốn thực hiện một mục tiêu như vậy thì cần có một công cuộc đấu tranh. Giai cấp vô sản cụ thể là những người công nhân cần đoàn kết lại qua các hình thức công đoàn và phải chiếm lấy nhà máy từ giai cấp tư sản. Nhưng vì chính quyền là của giai cấp quý tộc và tư sản cho nên họ sẽ không làm ngơ, vì vậy giai cấp vô sản phải chiếm lấy chính quyền để thực hiện mục tiêu Cộng sản của họ. 

***

Vào thời điểm mà chủ thuyết Cộng sản đang phát triển, thì xã hội Âu châu cụ thể là các nước tiên tiến như Anh và Pháp đang diễn ra những cải cách dân chủ. Cuộc cách mạng Pháp mở màn cho một hình thức chính trị mới cởi mở hơn so với thời kỳ phong kiến – quân chủ . Người dân bắt đầu có cơ hội bầu ra chính quyền các cấp quản trị quốc gia. Quan hệ giữa chủ và thợ dần dần cũng được tốt hơn. Cụ thể là chế độ lương bổng, môi trường làm việc, và thời gian lao động được cải thiện tốt hơn so với lúc trước.
Nhưng ở tận cùng của Âu châu, nơi có mùa Đông lạnh giá nhất thì thành quả của cách mạng dân chủ chưa được lan tới. Nước Nga dưới sự cai trị khắc nghiệt của các Nga Hoàng, người dân phải tuân theo những luật lệ khắt khe và công nhân vẫn còn sống trong cảnh bần cùng và khốn khổ nhất.
Khi Nga Hoàng dẫn dắt nước Nga vào cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất vào năm 1914, nhân lực và vật lực của nước Nga được đổ vào một cuộc chiến tuyệt vọng và thảm bại khiến hàng trăm ngàn người phải bỏ mạng và nước Nga lâm vào cảnh bần cùng.
Một nhân vật lịch sử thứ hai xuất hiện là Vladimir Lenin, người lãnh đạo của đảng Cộng sản Nga Bolshevik.  Năm 1917, Lenin cùng với Hồng quân Cộng sản làm cuộc cách mạng tháng 10, đánh bại quân đội phong kiến của Nga Hoàng và làm chủ nước Nga. Lenin dẫn dắt nước Nga trở thành nước Cộng sản đầu tiên trên thế giới.

Chủ thuyết Cộng sản của Karl Marx chỉ đề ra việc đấu tranh của giai cấp vô sản chiếm lấy chính quyền chứ không đề cập khi chiếm được chính quyền rồi thì giai cấp vô sản làm thế nào để quản trị đất nước. Nhưng với những sáng tạo của riêng mình và được sự ủng hộ của đại đa số quần chúng, Lenin đưa ra một kế hoạch kinh tế hoạch định cứng rắn và đã đưa nước Nga đang trong tình trạng nghèo đói ra khỏi cảnh bần cùng. Thành quả của nước Nga được nhiều nước nhược tiểu ngưỡng mộ và học hỏi. 

Trong thời kỳ này những thế lực thực dân lớn như Anh, Pháp, và Tây Ban Nha đã cùng nhau làm bá chủ thế giới. Các Đế quốc thực dân này lần lược đánh chiến khắp nơi và cướp đoạt của cải tài nguyên và làm giàu cho nước mình.
Một thế lực thực dân sinh sau đẻ muộn khác là nước Đức. Người Đức rất thông minh, cần cù, và sáng tạo, nhưng vị trí quốc gia không thuận lợi mấy trong công việc vượt đại dương đi chinh phục các quốc gia yếu kém. 
Không cam lòng chịu lép vế. Năm 1939, nước Đức, dưới sự lèo lái của đảng Quốc Xã, đứng đầu là Hitler, tiến chiếm các lãnh thổ ở Âu châu, bắt đầu là Đông Âu, Bắc Âu, nước Pháp cùng một số nước khác ở Tây Âu. Nước Anh đang trong tầm tay xâm lược của nước Đức, lúc đó đang cố vùng vẫy, cố thoát khỏi nanh vuốt của lực lượng quân đội cực kỳ hùng mạnh của Đức Quốc Xã.
Với tham vọng ngất trời làm bá chủ Âu châu, trong một mặt trận khác, nước Đức tiến qua nước Nga. Nhưng người tính không bằng trời tính, quân đội Đức bị sa lầy Moskva và Stalingrad khi mùa Đông khủng khiếp ở Nga chụp xuống.
Vào năm 1942, để bảo vệ các quyền lợi tài chính của mình và giúp Mẫu quốc Anh không bị diệt vong, nước Mỹ tham gia lực lượng Đồng minh. Với sự viện trợ hùng hậu của Mỹ đến Anh, Pháp và cả Cộng sản Nga, nước Đức cuối cùng bị thảm bại.

Nhân cơ hội ngàn năm một thuở này, Nga tung tất cả các lực lượng quân sự có thể có được tiến trước các lực lượng Đồng minh khác vào Bá Linh.  Những của cải mà Đức thâu tóm được khắp Âu châu mà trước đó các thế lực Thực dân chiếm về từ khắp nơi trên thế giới, chuyến này bị Cộng sản Nga chiếm lấy phần lớn về tay mình. Không những thế các nhà máy chế tạo máy bay, tàu ngầm, tàu chiến, vũ khí nguyên tử các loại cùng với những nhà bác học cũng bị Nga bí mật hốt hết về nước. Nước Nga, sau đó thâu tóm các nước lân cận trở thành Liên bang Xô Viết và nghiễm nhiên trở thành một siêu cường nguyên tử. 
Nhưng Liên bang Xô Viết chỉ kế thừa những phát minh của Đức trong các lĩnh vực quân sự. Các lĩnh vực kỹ nghệ khác như sản xuất xe cộ và  đồ dùng trong xã hội thì, có lẽ không có bí kíp của Đức, cho nên trình độ của Nga chỉ lẹt đẹt phía sau các quốc gia tiên tiến.
Thực tế chứng minh mô hình Cộng sản với khái niệm làm chung ăn chung và từ chối quyền tư hữu của người dân không làm cho xã hội tiến bộ. Chỉ qua một vài thế hệ, khi tiền bạc của cải chiếm đoạt đã sử dụng hết, thì Cộng sản Nga cũng bắt đầu sụp đổ.  

****

Trong khi ở phương Tây, xã hội đã trở mình với những cuộc cách mạng kỹ nghệ, rồi cách mạng dân chủ, thì ở phương Đông, cụ thể là ở Trung Hoa, vẫn còn chìm đắm trong chế độ vua chúa bảo thủ với chế độ bế quan tỏa cảng không cho nền văn minh Tây phương du nhập vào. Dưới thời Mãn Thanh, với tàu chiến, đại bác, và súng trường, các nước phương Tây tiến vào xâu xé nước Trung Hoa lạc hậu. 

Với những vận động dân chủ tự cường của Quốc dân Đảng dưới sự lãnh đạo của Tôn Dật Tiên. Cuộc cách mạng Tân Hợi bùng nổ vào năm 1911 lật đổ nhà Thanh, triều đại cuối cùng của chế độ phong kiến Trung Hoa. Nhưng Tôn Dật Tiên lại bỏ mất thời cơ làm chủ đất nước. Trung Hoa đi vào tình trạng các quân phiệt cát cứ, xâu xé lẫn nhau qua mấy chục năm, cuối cùng được thống nhất bởi quân phiệt Tưởng Giới Thạch. Tưởng Giới Thạch chỉ nắm được giới tư sản thành thị; còn ở nông thôn, đại đa số quần chúng là nông dân khổ sở qua nạn quân phiệt ngã theo nhóm Cộng sản vào lúc đó đang được sự giúp đỡ của Cộng sản Nga bắt đầu lan rộng trong lãnh thổ Trung Quốc. Một nhân vật lịch sử thứ ba xuất hiện. Nhân vật ấy chính là Mao Trạch Đông.

Vào thời điểm này, nước Nhật qua mấy chục năm cải cách dưới thời Minh Trị Thiên Hoàng đã trở nên hùng mạnh và là một Đế quốc ở Á Châu. Với chủ thuyết Đại Đông Á, quân phiệt Nhật tiến chiếm Trung Quốc. Hai lực lượng Quốc gia thành thị dưới sự lãnh đạo của Tưởng Giới Thạch và lực lượng Cộng sản nông thôn dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông phải liên kết với nhau để chống lại quân đội xâm lăng của Nhật.
Thế giới bước vào Đại chiến thứ hai phát động bời Phe Trục là Đức, Ý, và Nhật với tham vọng thâu tóm và phân chia quyền làm chủ thế giới. Cuối cùng thì Phe Trục thất bại, quân đội Nhật đầu hàng đồng minh vô điều kiện và rút khỏi Trung Hoa. Tưởng Giới Thạch làm chủ đất nước, xúc tiến cuộc Vạn lý trường chinh tiêu diệt lực lượng Cộng sản. 

Nhưng qua cuộc Vạn lý trường chinh này, Tưởng không tiêu diệt được Mao mà lại làm cho Cộng sản càng lớn mạnh hơn. Cuối cuộc trường chinh, vào năm 1949, Cộng sản trở mình đánh bại quân đội Tưởng và buộc Tưởng cùng thế lực Tư bản thành thị mang của cải chạy ra đảo Đài Loan và lập ra nước Trung Hoa Dân Quốc.
Làm chủ lục địa, Mao lên nắm chính quyền và thực thi công cuộc Cách mạng Vô sản dựa vào những người nông dân với tham vọng đưa nước Trung Hoa lên hàng vĩ đại của thời Đế quốc.
Chính sách đầu tiên là cuộc Cách mạng Văn hóa nhằm hủy diệt các sáng tạo qua hàng ngàn năm của nền văn minh Trung Hoa để những thế hệ sau không còn khái niệm Phong kiến và chỉ biết có hai chữ Cộng sản.
Tất cả các sách vở đều bị đốt bỏ. Có lẽ chỉ còn lại một quyển gối đầu giường của Mao là quyển Tây Du Ký, trong đó Mao tâm đắc với cái phép thần thông của Tề Thiên Đại Thánh, bứt một nắm lông ra, thổi một cái, là biến ra hàng trăm, hàng ngàn những con khỉ Tề Thiên. Những con khỉ này cũng có thước bản như Đại Thánh Mao Trạch Đông, nhưng không có đầu óc, chỉ biết nghe lệnh và thi hành. 
Các chú khỉ Tề Thiên thực hiện lệnh “Trăm hoa đua nở” buộc quần chúng phải giết hết chim chóc vì chúng ăn lúa làm sản xuất lương thực bị thiệt hại. Nhưng Đại Thánh và các Tề Thiên không nghĩ xa là chim chóc cũng ăn sâu bọ. Chim chóc chết hết thì sâu bọ sinh sôi nảy nở khủng khiếp, tàn hại mùa màng còn dữ dội hơn. Kết quả là các mùa vụ sau đó bị thất thu thảm hại. Mấy chục triệu người chết đói…

Kế hoạch “Đại nhảy vọt” muốn đưa nước Trung Hoa thành cường quốc kỹ nghệ trong vài chục năm với chương mở đầu là kỹ nghệ luyện thép. Với kiến thức ít ỏi của những người vô sản, để đạt được chỉ tiêu của thượng cấp, trưởng thôn, trưởng xã, lấy nồi niêu xoong chảo, dụng cụ cày bừa, máy móc nông nghiệp đi nấu thành sắt để nộp cho cấp trên.

Với một cuộc cách mạng điên rồ như vậy, chỉ trong một thế hệ thôi, Trung Hoa đi vào tình trạng đói kém, lạc hậu còn hơn cả những thời kỳ đói kém và lạc hậu nhất trong mấy ngàn năm lịch sử.
Có lần Mao Trạch Đông về quê ở Hồ Nam, được thân nhân ở địa phương thật tình tiết lộ là vì để báo cáo ai cũng phải nói láo với cấp trên, chứ sự thật thì đâu đâu cũng không có lương thực để ăn, người chết đói nhiều vô kể.
Cộng sản Trung Hoa cuối cùng cũng tỉnh ngộ và tìm đường chuyển hướng. Khi Mao Trạch Đông qua đời, người thừa kế sau này là Đặng Tiểu Bình đã không ngần ngại bắt tay với tư bản Mỹ.  

***

Trong công cuộc Thực dân chinh phục thế giới, một trong những mục tiêu của Đế quốc Pháp là vùng Đông Dương trong đó có Việt Nam.  Nước Pháp khởi đầu chinh phục Việt Nam vào năm 1858 và đô hộ Việt Nam cho đến năm 1954. Trong giai đoạn này, nhiều nhà chí sĩ yêu nước không cam tâm chịu phận nô lệ, lãnh đạo dân quân kháng chiến, nhưng mọi cuộc nổi dậy đều bị dập tắt. Một nhân vật lịch sử thứ tư xuất hiện. Đó là Hồ Chí Minh mà ở Việt Nam dân chúng thường gọi là bác Hồ.

Trước những thất bại của các phong trào cách mạng trong nước, theo quan điểm của Hồ Chí Minh thì nguyên nhân là thiếu một Chủ nghĩa Quốc gia – Dân tộc có thể tập hợp được tất cả các lực lượng yêu nước. Do đó ông đã ra nước ngoài đi tìm một con đường để cứu nước.

Hoàn cảnh đưa đẩy ông tiếp cận với thành quả của cuộc Cách mạng Tháng 10 thành công ở Nga và phong trào Cộng sản Đệ tam Quốc tế với lời hứa hẹn là giúp các nước nhược tiểu giành lại độc lập từ các thế lực thống trị của Đế quốc-Thực dân. Ông đã xúc động thốt lên: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộckhông có con đường nào khác con đường Cách mạng Vô sản.

Về mặt tư tưởng chính trị, Hồ Chí Minh là một người theo Chủ nghĩa Mác-Lenin và là một tín đồ trung thành với lý thuyết của Đại Thánh Mao. Ông là lãnh đạo phong trào Độc lập Việt Minh, thực hiện cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau cuộc tổng tuyển cử năm 1946. 

Thấm nhuần phép thần thông của Đại Thánh Mao, bứt một nắm lông thổi ra những chú Tề Thiên vác thước bảng đi chinh phục thiên hạ. Đại Thánh Việt Nam bắt đầu bằng chiến dịch “Đấu tố địa chủ”. Nhiều địa chủ trước đó từng cống hiến gia tài cho sự nghiệp cách mạng, thậm chí là thân nhân của những nhân vật cao cấp của Đảng cũng bị đem ra đấu tố và chôn sống. Có người thấy bác không cầm lòng được trước sự dã man của cuộc đấu tố đã rơi nước mắt hỏi bác tại sao không dừng lại thì bác trả lời rằng: “Nếu không đấu tố họ thì làm sao lấy được tài sản của họ.” Rồi sau này, khi chiếm được miền Nam, trong các chiến dịch diệt “Tư sản mại bản,” các Đại Thánh cũng nói “nếu không làm thì làm sao tịch thu khối tài sản kếch xù của họ được.” Rồi làm sao thực hiện được mục tiêu Cộng sản làm chung hưởng chung. 

Chính sách của Đảng trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội là: tạm thời Đảng tập trung hết tài sản quốc gia lại theo hình thức Đảng lãnh đạo, hệ thống nhà nước do đảng chỉ định quản lý tài sản, còn nhân dân làm chủ tài sản trên bảng hiệu. Bây giờ thì Đảng thực hiện bước đầu của cách mạng là làm chung, còn chuyện hưởng chung thì “khi nào lên đến Chủ nghĩa Xã hội thì Đảng sẽ quyết định sẽ chia tài sản cho mọi người.” 

Năm 1954, những Tề Thiên với sự lãnh đạo của Đại Thánh làm nên chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ trước sức yếu kém của Thực dân Pháp đã kiệt quệ sau Thế Chiến thứ Hai.
Nước Pháp thua trận phải rút quân về nước để lại miền Nam Việt Nam lại cho Mỹ. Với nguy cơ làn sóng Cộng sản lan rộng đến miền Nam và các nước khác ở Đông Nam Á, Mỹ thay thế Pháp xây dựng miền Nam làm tiền đồ chống Cộng. 
Quân đoàn Tề Thiên, lại một lần nữa tiến vào để giải phóng miền Nam.
Năm 1968, bất chấp nghị ước đình chiến Tết Mậu Thân, các Tề Thiên gốc miền Nam bất ngờ làm cuộc tổng tấn công và nổi dậy, gây ra được một tiếng vang lớn, nhưng kết quả là toàn quân gần như bị tiêu diệt.
Năm 1972 các Tề Thiên gốc Bắc vượt khu phi quân sự, vĩ tuyến 17, tấn công và chiếm được Quảng Trị.  Nhưng sau những cuộc phản công dữ dội, quân đội miền Nam tái chiếm được Quảng Trị. Kết quả là quân đoàn Tề Thiên chủ lực miền Bắc gần như bị phá sản. 
Tình hình thế giới thay đổi khi Đặng Tiểu Bình với chủ trương, “Mèo trắng, mèo đen hay mèo nhà, mèo rừng hễ bắt được chuột đều được sử dụng.” hạ quyết tâm ly dị với đàn anh Liên Xô quay qua bắt tay với Tư bản Mỹ.  Nước Mỹ không còn động cơ gì để phải tiếp tục hy sinh xương máu và tiền bạc để bảo vệ miền Nam Việt Nam. Họ đột ngột rút quân mặc cho đám Đại Thánh và đám Tề Thiên tướng như què quặt, nhưng với sự viện trợ khổng lồ của các đàn anh Cộng sản, chiếm lấy miền Nam.

Các bộ óc vĩ đại của các Đại Thánh kế thừa di chúc của bác quyết định đưa nước Việt Nam “tiến thẳng lên Chủ nghĩa Xã hội” kinh qua (bỏ qua) giai đoạn phát triển Tư bản Chủ nghĩa, không như các kinh điển của các triết gia Cộng sản chỉ dạy.

Các nhà kinh tế phương Tây tự hỏi là làm thế nào các Đại Thánh và các chú Tề Thiên chỉ biết cầm cây thiết bảng đi đánh giết thiên hạ lại có thể đem lại của cải dồi dào cho xã hội như họ hồ hởi phấn khởi tuyên bố mà không qua giai đoạn phát triển công nghiệp như các nước Tư bản phương Tây đã làm qua.

Nhưng những bộ óc, siêu việt, đỉnh cao trí tuệ của loài người cho rằng “với sức người sỏi đá cũng thành cơm.”

Để tiến thẳng lên Chủ nghĩa Xã hội với sản xuất dư thừa mà không theo trình tự công nghiệp hóa, việc đầu tiên là Đại Thánh ra lệnh các Tề Thiên dẹp hết các máy móc, hãng xưởng công nghiệp vừa chiếm được ở miền Nam để không còn mầm mống của Chủ nghĩa Tư bản độc hại.

Với chủ trương dùng sức người để tăng năng suất, tạo nên của cải dồi dào cho xã hội, bước kế tiếp của các Đại Thánh là ra lệnh xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp, tập đoàn sản xuất, khu kinh tế mới, rồi đoàn đoàn  thanh niên xung phong, sinh viên đại học, toàn thể nhân dân vác cuốc vác xẻng ra đào kinh khai phá đất mới. Một con kinh dài 1km, nếu dùng vài cái máy xúc máy ủi thì chỉ cần  một toán nhân viên làm độ 1 tuần lễ là xong. Đám Tề Thiên, mỗi ngày không kiếm được một củ khoai trong bụng, phải mất mấy tháng mới hoàn tất. Rồi khi con kinh mới được đào xong thì dẫn thủy nhập điền, làm dấy phèn lên, nước chảy ngược lại vào các vùng đất tốt làm lụn bại luôn mấy miếng đất tốt này.

Sau 10 năm tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Chủ nghĩa Xã hội, cả nước Việt Nam bắt đầu lâm vào tình trạng khô cạn lương thực, dù rằng trước đó miền Nam Việt Nam từng là một trong những nơi xuất khẩu lương thực lớn ở Á châu. Việt Nam đi vào tình trạng nghèo đói và  lạc hậu chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc. 

Khi còn sống “bác Hồ” thường nói: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người.”  Các Đại Thánh kế thừa liền tìm cách sản xuất ra nhiều con người. Trai lớn lên thì đưa qua Đông Âu làm lao động chân tay, nữ thì cho đi lấy chồng nước ngoài. Chỉ trong vài chục năm sau đó đã có hàng trăm ngàn người qua Đông Âu làm thuê làm mướn. Nói về phận gái thì theo thống kê có khoảng 200 ngàn người lấy chồng Đài Loan, 100 ngàn lấy chồng Hàn Quốc, 50 ngàn lấy chồng Trung Quốc, 50 ngàn các nước khác, chưa kể hàng chục ngàn cô gái Việt Nam xinh đẹp làm tiếp viên (làm gái) ở Macao, Hồng Kông, Thái, Campuchia, và nhiều nước khác trên thế giới.

Nhưng việc trồng người này lại có một kết quả thần diệu không ngờ khác. Các Tề Thiên có cơ hội định cư ở nước ngoài lại bảo lãnh cha mẹ anh em qua định cư cho nên không lâu sau thì bỗng dưng số Việt Kiều ở khắp nơi trên thế giới lên đến 4 triệu người. Số lượng này còn tiếp tục gia tăng.

Những kiều hối gửi về, các chuyến bay về thăm quê hương, và các dịch vụ du lịch khác như khách sạn, nhà hàng, massage thư giãn thu hút hàng đống đô la tươi đổ vào. Phố xá mọc lên khắp nơi, khu giải trí du lịch, tiệm ăn đủ loại nổi lên như nấm, Việt Nam trở thành nơi ăn chơi có tiếng trên thế giới đến nổi các Đại Thánh phải buột miệng thốt lên: “Nhà cao cửa rộng nhờ ơn Đảng, áo ấm cơm no nhớ bác Hồ.”

Câu chuyện của Việt Nam nói hoài không hết. Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin chia sẻ với quý độc giả một câu chuyện mà chúng tôi được cha mẹ kể lại trong buổi thiếu thời.

“Có bà nội trợ kia nuôi một con gà và một con khỉ. Qua nhiều năm nuôi nấng, hai con vật này muốn trở thành con người. Bà nội trợ nói, ngày mai tao đi vắng, con gà ở nhà làm món ăn trưa nghe.  Hôm sau khi đến giờ ăn, con gà nhảy qua nhảy lại bên cái chảo kêu cục tác, cục tác rồi đẻ ra cái trứng chiên ốp la. Khi bà nội trợ về bà phán, cũng tạm được mặc dầu có dính chút vỏ trứng. Ngày kế đến lượt con khỉ. Đến giờ ăn trưa, con khỉ cũng nhảy qua nhảy lại bên cái chảo, kêu khẹt khẹt rồi ị một bãi vào chảo.”

Con người ta cũng từ giống khỉ mà tiến hóa thành, nhưng phải mất hàng triệu năm, qua bao quá trình học hỏi thì mới trưởng thành được. Còn mấy con khỉ Tề Thiên không chịu học hành, chỉ biết khẹt khẹt, mà muốn chuyển hóa thành người, thì giỏi lắm cũng chỉ làm được vài cái trò khỉ khẹt khẹt mà thôi.

Cùng một tác giả: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/category/tac-gia/i-to-p/ly-thanh-phuong/

You may also like

Verified by MonsterInsights