LƯƠNG MINH
Ở thành phố làm việc nhưng Tết đến là năm nào cũng phải về quê, cái hay của ở quê là có không khí Tết rõ rệt, còn ở Sài Gòn, ngày Tết vắng hoe, người thì đi về quê, người thì đi du lịch nước ngoài, bỏ thành phố không còn nhộn nhịp. Các bạn tôi ở Chợ Lớn gợi ý, năm này anh ăn Tết ở Chợ Lớn xem sao, có vui bằng du lịch Hong Kong không?
Phố viết chữ
Muốn nhìn không khí Tết ở Chợ Lớn thì phải đi vào những ngày giáp Tết. Những con đường như Hải Thượng lãn Ông, Phùng Hưng, Chợ Bình Tây bày hàng bán cho người mua sắm trang trí ngày Tết thật là đông vui. Cửa hàng nào cũng bán đèn hoa, câu đối, hoa giả, con rồng con cá màu sắc sặc sỡ. Người ta mua hộp nhựa đựng bánh mứt, các câu đối in sẵn, chữ Phúc, chữ An, chữ Đại Cát đều được in đẹp, chữ mạ vàng, giá rất rẻ. Những giấy vuông nhỏ này đem về dán ở trái dưa hấu, trái bưởi chưng ở bàn khách hoặc bàn thờ đều đẹp. Ở đây có cả hình thần Tài cầm 4 chữ “Chiêu tài tiến bảo” hay câu đối “Thổ năng sinh bạch ngọc – Địa khả xuất hoàng kim” để trang trí cho bàn thờ ngày Tết thêm nhiều tài lộc.
Trong nhà người Hoa thường gắn Thần hồng, tiếng Quảng Đông gọi là sành hùng có trái châu nằm giữa trong cái bông vải Kim Hoa, đọc là cấm phá. Hai vật này gắn trên trang thờ mang ý nghĩa may mắn đến trong năm. Do vậy, mỗi năm mỗi thay Thần hồng mới.
Cũng trên con đường này còn vài tiệm viết chữ Hoa do những người có hoa tay viết khéo phụ trách. Họ viết bài vị Táo Quân, viết câu đối theo yêu cầu của khách, viết thông báo khai trương cửa tiệm ăn, xưởng sản xuất. Tôi hỏi anh bạn, bây giờ hầu hết người Hoa ở Chợ Lớn đều biết chữ quốc ngữ thì cần gì viết tiếng Hoa. Bạn nói, những người lớn tuổi thích như vậy, nhìn có vẻ truyền thống, hơn nữa chủ nhà mê tín, trước giờ tiệm này viết cho mình làm ăn được trong năm qua, nay tiếp tục dù chữ của người viết không đẹp lắm.
Ở đường Phùng Hưng có những người khắc triện, con dấu. Với doanh nghiệp hay các tiệm bánh mỗi năm cần thay con dấu cho hên. Dấu in trên bánh bao, bánh in xài nhiều cũng mòn cần làm mới. Cũng có các nhà văn, nhà thơ người Việt đến đây đặt triện để đóng vào tờ giấy hoa tiên khai bút đầu năm. Họ yêu cầu khắc chữ cổ hay chữ âm dương đều được đáp ứng.
Danh lam ở Chợ Lớn
Ở Chợ Lớn có nhiều ngôi chùa Tàu xây dựng từ thời người Minh Hương sang lập nghiệp ở miền Nam. Những ngôi chùa như Thiên Hậu, Đình Minh Hương hàng ngày vẫn được khách nước ngoài tới thăm, thử hỏi vô Chợ Lớn không đi viếng đình chùa xưa thì đi đâu? Tôi nhờ người bạn ở đây dẫn đi tham quan.
Chùa Thiên Hậu nằm trên đường Nguyễn Trãi, Quận 5. Chùa được xây năm 1760 do người Hoa đóng góp. Chùa có nhiều nét đẹp về kiến trúc nên năm 1993 được Bộ Văn Hóa công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc Gia. Trong chùa có bộ lư Phát Lan. Hai bên là thuyền rồng có chạm người, cùng kiệu cổ sơn son thếp vàng để rước bà vào ngày lễ lớn. Tượng Thiên Hậu thánh mẫu bằng gỗ cao một mét thờ ở giữa, bên phải là Kim Hoa nương nương, bên trái là Long mẫu nương nương. Hai gian kế bên có thờ Quan công và Thần tài.
Điểm đáng chú ý là bên ngoài chùa có nhiều tranh nổi, phù điêu bằng gốm nung theo tích truyện Tàu. Giới khảo cổ, chơi gốm rất thích đến đây ngắm các pho tượng đá, gốm nung, tranh nổi được sáng tác với đường nét tinh xảo. Tiếc là không trúng ngày vía bà nên không chứng kiến nhiều nghi thức đặc biệt, nhưng ngày Tết bà con đến đông cúng bái thắp hương trầm nhang khoanh trong rất đẹp.
Đình Minh Hương nằm trên đường Trần Hưng Đạo, Quận 5, được xây dựng năm 1789. Theo lịch sử thì năm 1808, vua Gia Long ban cho đình tên Gia Thạnh Đường hay Minh Hương Gia Thạnh. Bên trong đình được bày trí không khác đình người Việt nhưng có nhiều bức hoành phi, câu đối rất tinh xảo. Trên mái đình có trang trí hai rồng tranh châu, tượng ông Nhật, bà Nguyệt và những phù điêu theo truyện Tam Quốc chí, lân phụng cây leo và hoa. Bên trong là võ ca, chính điện, kế đó là miếu nhỏ thờ 5 bà ngũ hành.
Ông từ đình cho biết, đình này thờ ông Trịnh Hoài Đức và Ngô Nhân Tịnh, hai người Minh Hương làm đến chức thương thư, trong nhóm Gia Định Tam gia. Bên trái trong chính điện có thờ Nguyễn Hữu Cảnh và Trần Thượng Xuyên.
Món ăn đặc sản
Ăn Tết ở quê thì thịt kho hột vịt, canh khổ qua, ở vùng Chợ Lớn nổi tiếng vịt quay, lạp vịt. Bạn tôi hỏi, ông ăn lạp vịt tôi đi đến Lý Hòa Trân, đường Nguyễn Trãi mua về ăn. Thèm Lạp vịt (Vịt khô) đã lâu nhưng chẳng lẽ ăn trong nhà. Mất đi không khí đi chơi Chợ Lớn. Thấy vậy, hắn đề nghị tối nay dẫn gia đình tôi đi phố Sủi Cảo đường Hà Tôn Quyền, tôi đồng ý ngay.
Đường Hà Tôn Quyền khu vực bán sủi cảo dài chứng hai trăm mét, đèn sáng choang, khách vừa đến nơi thì nhân viên chạy ra mời chào, có người dắt xe, có người hướng dẫn chỗ ngồi dọc theo hai bên đường nếu không muốn vào trong tiệm nóng nực. Các bảng hiệu Ngọc Ý, Thuận Hảo… đèn xanh đỏ như muốn cuốn hút thực khách. Nói là phố sủi cảo nhưng món ăn gì của người Hoa đều có: Hoành Thánh mì, Hủ tiếu cật, hủ tiếu tôm đều có.
Thế nào là sủi cảo? Đó là tên của bánh xếp nước. Sủi là nước, hình dạng như viên hoành thánh nhưng trong nhân có tôm dai dai, ngon hơn và giá cũng cao hơn. Đi đường hà Tôn Quyền mới thấy sinh hoạt ăn uống vùng Chợ Lớn.
Ăn xong đứa em tôi đòi ăn chè Tàu, tức đồ ngọt. Người Hoa không gọi là chè mà là đồ ngọt. Những món đồ ngọt như Chí mè phủ (chè mè đen) Lục tàu xá (chè đậu xanh) Hùng tàu xá (chè đậu đỏ) Sâm bổ lượng, Hột gà trà. Sâm Bổ lượng bây giờ trở thành món ăn Việt bán khắp chợ lớn nhỏ nhưng Hột gà trà và Chí mè phủ thì hiếm thấy. Thế là về tiệm Hà Ký ở Châu Văn Liêm, điểm nổi tiếng về chè người Hoa.
Trên đường về ngang qua Phó Cơ Điều thấy có tiệm Đồ Ngọt ở lề đường, tắp lại cho tiện. Cả bốn người đều dùng hột gà trà, chén trứng gà luộc nấu với trà đen đặc trưng của người Hoa. Em tôi khen ngon vì mới ăn lần đầu, cô là người khéo tay nói kỳ này về quê bắt chước nấu đãi gia đình. Tôi hỏi, được không đó?
Nói ăn Tết ở Chợ Lớn nhưng rồi mùng 2 phải về quê, mua quà gì bây giờ, bánh mứt thì chợ nào cũng có, nhứt là bánh hộp chạy từ thành xuống tỉnh. Bạn tôi đề nghị mua bánh pía đem về quê. Tôi nói bánh pía Sóc Trăng bán từa lưa ở các chợ, hắn cười bánh này không đâu có, đó là bánh pía của tiệm Triệu Minh Hiệp, to và mắc tương đương với bánh trung thu. Bánh của người Tiều dành cho người biết ăn và Việt Kiều về quê.
Hỏi ngon dở thế nào? Hắn nói ai ăn nấy biết, vả lại không muốn quảng cáo không công cho tiệm. Khi nào bà con ở quê chê thì cho là hắn nói dóc.