Ba con song làm nên trường ca

by Tim Bui
Ba con song làm nên trường ca

TRẦN HỮU NGƯ 

Nhạc Việt-Nam có tất cả bao nhiêu bản trường ca?  
Nhạc sĩ Phạm-Duy có trường ca “Con đường cái quan,” Lê-Thương có “Hòn vọng Phu,” Phạm-Đình-Chương có “Hội trùng dương,” Văn-Cao có “Trường ca Sông Lô ”…

Và có còn Trường ca nào nữa không?

Bài viết này, xin mạo muội nói về ca khúc “Hội Trùng dương,” trường ca về ba con sông nổi tiếng của Việt Nam.


Nhạc sĩ Phạm-Đình-Chương còn có nghệ danh Hoài Bắc khi đứng trong ban hợp ca Thăng Long, ngoài những nhạc phẩm sáng chói như Ly rượu mừng, một bài ca mà hầu như Tết nào cũng được vang lên ở mọi nhà người Việt, ông còn là một nhạc sĩ “mát tay” phổ thơ những bài thơ của nhiều thi-sĩ nổi tiếng. Bài thơ nào qua tay ông đều được người nghe đón nhận nồng-nhiệt. Tôi nói điều này không quá: Có những bài thơ hay, ngủ yên, nhưng nhờ phổ nhạc nó thức dậy được mọi người chào đón!

Rải-rác trong các bài viết về âm-nhạc, thỉnh-thoảng tôi có nhắc đến một số ca khúc của nhạc sĩ Phạm-Đình-Chương. Do một sự cạn nghĩ nào đó… đôi khi định viết rồi buông bút, nay giật mình mới hay rằng viết nhạc mà không nhắc đến Phạm-Đình-Chương là một điều thiếu sót chẳng những với ông mà ngay cả những người yêu mến nhạc ông. Thôi thì, tôi viết dù muộn, nhưng có còn hơn không, khi ông đã thành người thiên cổ từ năm 1991.

Mặc dù không những chỉ riêng mình tôi mà còn có hàng triệu người rất mê nhạc ông, nhưng như nhiều người, tôi chưa một lần gặp ông, dù qua những hình ảnh, vì lúc ban Hợp-ca Thăng-Long nổi tiếng qua đài phát thanh, tôi còn là một cậu học sinh nhà quê  học ở một trường nhà quê và một tỉnh cũng nhà quê.

Nay viết về ông là một chọn lựa có phần khó khăn: tài liệu quá ít, một số tác phẩm đầu tay của ông như “Ra đi khi trời vừa sáng” được sáng tác năm 1946 và “Sáng rừng” 1951… đã không còn bản gốc có nốt nhạc, mà chỉ còn lại lời và giọng ca, và một số nhạc in lại sau này chưa chắc đã đúng với bản gốc?

Thời của các nhạc sĩ được gọi là “tiền-chiến” sáng tác nhạc khi tuổi đời còn rất trẻ, Phạm-Đình-Chương cũng không ngoại lệ, ông đã được biết đến tên khi tuổi đời mới chỉ 18 mà đã viết nên hai tuyệt phẩm “Ra đi khi trời vừa sáng,” “Hò leo núi,”… mang giai-điệu hùng-tráng, vui tươi, yêu đời. Đó là thời kỳ tin yêu của những chàng trai trẻ.

Công bằng mà nói, làm nên diện mạo một nền âm-nhạc (ca khúc) ở miền Nam trước 1975, phần đông là do các nhạc sĩ miền Bắc, từ những thập niên 50, Phạm-Đình-Chương là một trong nhóm nhạc sĩ này.
    
Cũng cần nhắc lại rằng Phạm-Đình-Chương sinh năm 1929 tại Hà Nội. Trong những năm đầu kháng-chiến anh chị em ông  là Phạm-Đình-Viêm (Hoài Trung), Phạm-Thị- Quang-Thái (Thái-Hằng), Phạm-Thị-Băng-Thanh (Thái-Thanh) gia nhập ban Văn-nghệ Quân đội ở Liên Khu IV.

Viết về Phạm-Đình-Chương là phải viết về trường ca của ông. Nói về trường ca thì không phải nhạc sĩ nào cũng viết được. Phạm-Đình-Chương có “Hội trùng dương” – một cuộc hội-ngộ của ba con sông: Hồng, Hương và Cửu Long xuôi dòng ra Biển Đông. Đây có thể nói là một kiệt tác của ông được ban Hợp-ca Thăng- Long trình bày đã làm nức lòng khán-thính-giả miền Nam lúc bấy giờ.

Cuộc đời đã đi qua biết bao thăng trầm, hãy nghe “Hội Trùng Dương,” một Trường ca đồ-sộ viết lên trong chiến-tranh, nhưng nghe rất thanh-bình, và có lẽ đây là một tác phẩm độc nhất viết về ba con sông mang tình nước, tình người, và tình của ba chị em, Bắc-Trung-Nam Việt Nam:

    “… Trùng dương…
    Chốn đây ngàn phương
    Có ba dòng sông cuốn xuôi biển Đông
    Nhắc câu chờ mong…”

  Tiếng sông Hồng:

  “…Chiều nay nước xuôi dòng đại dương
   Có em tên sông Hồng dâng sóng tuôn trên nguồn  
   Vẩn vơ nắng quái vương trên phù sa
   Có những cô thôn mờ xa đón bầy dân đánh cá…”

   Rồi tiếng sông Hương:

  “… Miền Trung vọng tiếng
    Em xinh em bé tên là Hương giang
    Đêm đêm khua ánh trăng vàng mà than
   Quê em nghèo lắm ai ơi
    Mùa Đông thiếu áo Hè thời thiếu ăn
    Trời rằng, trời hành cơn lụt mỗi năm à ơi
    Khiến đau thương thấm tràn, ngập Thuận An 
    Để lan biển khơi, ơi hò ơi hò…”

   Sau cùng là tiếng sông Cửu-Long:

    “… Nước sông dâng cao cá lội ngù ngờ
   Nước xanh xanh lơ bóng in cây dừa… 
   Trùng dương…
   Ba chị em là ba miền  
   Nhưng tình thương đã nối liền
   Gặp nhau bên trời biển Đông thắm duyên
  Hẹn nhau… 
   Pha hòa sóng lan bốn phương trời
   Đem tự do tranh đấu bao người
   Cho quê hương ấm no muôn đời…”

Nhạc Phạm-Đình-Chương không nhất thiết phải là Boléro, Tango, Rumba, Slow… mà pha trộn nhiều thể loại.

“Hội Trùng Dương” đã cho chúng ta nỗi vui hân-hoan, nỗi buồn ngấn lệ, nỗi sầu chứa-chan… Ba con sông như một kiếp người chảy qua ghềnh thác cuộc đời.
  
Xin kính cẩn đốt ba nén nhang: 

   -Một cho Phạm-Đình-Chương
   -Một cho những dòng sông
   -Một cho đất trời

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương, (hình wikipedia)

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights