LÊ MINH HẠ
Sài Gòn có khá nhiều ngôi chùa cổ, nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến những ngôi cổ tự này Phước Tường, Hội Sơn, Giác Lâm, vì vẻ đẹp đẽ của kiến trúc chùa và cả sự hài hòa với không gian chung quanh.
Cả ba ngôi chùa này đều là những ngôi cổ tự nổi tiếng của đất Sài Gòn- Gia Định xưa. Những ngôi chùa mang trên mình vẻ đẹp độc đáo,cổ kính, có giá trị về mặt kiến trúc truyền thống của những thế kỷ trước, chứa đựng những giá trị lịch sử và chứng kiến bao thay đổi thăng trầm vì thời cuộc.
Chùa Phước Tường nơi xin xăm rất linh thiêng
Với tục xin xăm đầu năm lấy hên, nhằm biết được vận rủi may trong năm, người ở Sài Gòn – Gia Định trước thường đến những ngôi chùa, như lăng Ông ở Bà Chiểu, chùa Bà ở góc đường Hồng Thập Tự-Lê Văn Duyệt [nay là Nguyễn Thị Minh Khai – Cách mạng tháng Tám]. Đặc biệt chùa Phước Tường là nơi thu hút nhiều Phật tử.
Chùa Phước Tường được Thiền sư Linh Quang – Phật Chiếu sáng lập vào năm 1741. Ban đầu, chùa ở gần chợ Nhỏ, xã Tăng Nhơn Phú, Thủ Đức. Đến năm 1834, chùa được dời về địa điểm hiện nay. Chùa đã được trùng tu nhiều lần vào những năm 1930, năm 1952 và năm 1991. May mắn là, sau nhiều lần trùng tu, chùa vẫn giữ được nét cổ kính ban đầu.
Xưa kia, chùa không có tường rào, đến năm 1990, mới có rào và xây cổng tam quan. Cổng chùa được xây dựng quay về hướng Bắc nên bạn sẽ thấy khác lạ ngay khi vừa qua khỏi cổng tam quan, trong khi các ngôi chùa khác với kết cấu tiền điện và chánh điện nằm ở phía trước gần cổng chính, tiền điện và chánh điện của chùa Phước Tường nằm ở phía sau cách xa cổng.
Điều đáng nói về chùa Phước Tường không chỉ giới hạn trong kiến trúc cổ tuyệt đẹp. Nhiều người đến viếng chùa lý do tâm linh dành cho Phật tử ở phía Sau sân Thiên tĩnh của chùa, nơi có gian thờ Mẹ thai sanh. Dân gian vẫn gọi là Mẹ Sanh- Mẹ Độ luôn phù hộ cho những gia đình hiếm muộn được có con hoặc độ cho những trẻ hư lành tính lại. Một gian thờ gây ấn tượng với 7 nữ thần chính và 2 nữ thần bồng con đứng hầu. Người ta nói rằng các vị thần này rất linh thiêng, những gia đình nào hiếm muộn hoặc sinh con khó nuôi đều đến đây cầu khấn. Cùng với điện Ngọc Hoàng (chùa Phước Hải) ở Dakao, chùa Phước Tường là một trong hai ngôi chùa được người dân Sài Gòn luôn tìm đến để cầu tự. Mà không chỉ dân Sài Gòn, nhiều lúc bắt chuyện, tôi còn được biết có không ít cặp vợ chồng ở miệt Bình Dương, Biên Hòa, thậm chí từ Đà Nẵng bay vô để cầu tự. Nếu chúng ta còn nhớ, khi Tổng thống Hoa Kỳ Obama thăm Sài Gòn năm 2016 đã từng đến thăm chùa Ngọc Hoàng.
Đối diện bàn thờ Mẹ-sanh-Mẹ độ là bàn thờ Quan Âm thị kính bồng con và tượng Giám trai sứ giả bồ tát. Khách thập phương hay đến đây để xin xăm vì dân gian lâu nay vẫn truyền tai nhau rằng xin xăm ở chùa Phước Tường, ngay tại các gian thờ này, rất linh! Để biết được điềm kiết hung cho mình.
Bên trong khuôn viên chùa còn có một nghĩa trang nghe đâu có từ xưa, nên đến chùa vào lúc chạng vạng, khói hương bay lãng đãng khiến không khí cũng nhuốm vẻ liêu trai.
Điều tiếc nuối duy nhất, đối với tôi, là những hàng cây cổ thụ ở đây đều bị tỉa nhánh hoặc chặt cụt đầu, có lẽ nhà chùa sợ cây cổ thụ lâu năm bị ngã đổ. Trông tạo hình thì cũng đẹp như cây kiểng khổng lồ, nhưng vào chùa bây giờ thì bây giờ nắng chang chang. Có lẽ vì vậy mà nhà chùa cho treo rất nhiều nón lá, vừa là trang trí, vừa để bớt oi!
Hội Sơn, ngôi chùa cháy năm nào
Chùa Hội Sơn nằm cách trung tâm Sài Gòn độ 20km, trên một ngọn đồi mà dân chúng xưa nay thường gọi là “núi Châu Thới”. Hội Sơn là một trong những ngôi cổ tự nổi tiếng nhất của đất Sài Gòn-Gia Định, là ngôi chùa cổ hiếm hoi có phong cảnh hữu tình, trên bến dưới thuyền, cạnh dòng Đồng Nai trong xanh.
Tôi cũng là một người mang tâm trạng ngạc nhiên thú vị như thế khi lần đầu đến chùa Hội Sơn cách đây gần 30 năm. Cảnh chùa khi đó dĩ nhiên khác xưa nhiều, mỗi lần đến lại thấy thêm nhiều công trình kiến trúc, tượng to nhỏ khác nhau, chùa cũng trải qua mấy đợt trùng tu. Nhưng khung cảnh và vị trí ngôi cổ tự nằm giữa những hàng cây râm mát như khu rừng nhỏ, trên triền đồi rất đẹp ven bờ sông Đồng Nai, mà chân đồi lộ ra toàn đá ong vẫn là nơi xứng đáng là thắng cảnh nổi tiếng của Gia Định xưa.
Cho đến khi lần trở lại đầu năm 2013, vài tháng sau khi chùa Hội Sơn bị hỏa hoạn thiêu rụi chánh điện, tiền điện, giảng đường gây tiếc nuối bàng hoàng công chúng khi toàn bộ hoành phi, câu đối cổ, hầu hết các tượng Phật, hiện vật cổ quý như 6 bức hoành phi cổ, trong đó có bức ghi chữ “Vạn Đức Hồng Danh” do vua Khải Định tặng, khoảng 30 pho tượng cổ, trong đó tượng đức Phật A Di Đà cao 1,2 m, tượng Chuẩn Đề cao 1 m và tượng Tiếu Diện cao 1 m được tạo tác từ thế kỷ XVIII, đều bị thiêu rụi. Thiệt hại quá lớn, đệ nhất thắng cảnh Gia Định xưa cứ loang lổ cảnh hoang tàn và tạm bợ vì chùa cháy, chánh điện dựng mái lá tạm để có chỗ chư tăng Phật tử hành lễ, mãi hơn 3 năm sau, chùa mới được khởi công xây dựng lại, mất 2 năm thì hoàn thành.
Công trình hoàn tất vào cuối năm nay 2016. Từ đó đến nay, những ai đến thăm chùa Hội Sơn đều thở phào nhẹ nhõm, vì việc trùng tu không sa vào vết xe đổ khi phục cổ biến thành “làm mới” của nhiều công trình kiến trúc cổ khác.
Công trình chùa Hội Sơn phục dựng theo kết cấu không gian và phong cách kiến trúc cũ, với kết cấu móng đơn, bê-tông cốt thép trên nền đất thiên nhiên. Theo các số liệu, so với diện tích nền chánh điện cũ, chiều ngang nền mới được nới rộng thêm 4 mét. Chiều cao và chiều dài cũng được nới rộng theo tỷ lệ tương ứng với thiết kế tổng thể. Hệ khung cột, kèo và hệ mái gỗ dựa theo kiến trúc cũ, lợp mái ngói âm dương nhưng không tráng men. Hệ thống cột, lan can, mặt đứng thiết kế, các thước cột, gờ chỉ, lan can theo phong cách kiến trúc cổ điển Pháp. Tuy tường bao, lan can xung quanh, trụ hành lang bằng bê-tông (xưa là làm bằng gỗ), nhưng nội thất với cách bố trí bàn thờ, đồ thờ phượng thì theo công trình trùng tu năm 2000 (là lần trùng tu sau cùng của chùa Hội Sơn trước khi bị cháy).
Nhìn tổng thể, chánh điện mới của chùa vẫn hài hòa với không gian chung quanh và không bị sa vào xu thế hễ xây mới phải to lớn hoành tráng và lắm màu sắc hơn của nhiều chùa Việt.
Nếu cần một nơi thư giãn, tránh xa cảnh “ngựa xe như nước, áo quần như nêm” thì Hội Sơn là một nơi như thế. Dù đứng giữa hai trung tâm văn hóa là Sài Gòn và Biên Hòa nhưng Hội Sơn vẫn giữ được cái riêng là thoáng mát, thanh tịnh.
Giác Lâm, cổng tam quan lạ và chốn an trí của nhà thơ lớn
Nằm ở quận Tân Bình giáp quận 11, Giác Lâm là một trong hai ngôi chùa xưa nhất Sài Gòn được xây vào giữa thế kỷ 18. Chùa còn giữ được 118 tượng cổ, có lối kiến trúc độc đáo như một minh chứng cho sự giao lưu văn hóa giữa kiến trúc Phật giáo-Nho giáo-Đạo giáo. Với tôi, ngôi cổ tự này còn độc đáo vì có cổng tam quan rất lạ so với nhiều chùa khác. Đây có lẽ là ngôi chùa hiếm hoi của đất Sài Gòn-Gia Định xưa có chiếc cổng tam quan độc đáo “không giống ai”. Cổng tam quan của một ngôi chùa thường là nơi đi thẳng vào chánh điện. Riêng Giác Lâm thì, ai đến chùa, nếu không biết chuyện, sẽ thấy lạ lùng khi cổng tam quan ở một nơi mà chánh điện một ngả, trông như không liên quan gì nhau. Và mọi người dễ lầm cổng ngay trước thềm chùa, trước cây bồ đề, lối vào khu vườn chùa là cổng tam quan. Thật ra, cổng tam quan hiện hữu mới được xây lại sau này, còn chiếc cổng có hai lối ra vô và một bia dựng ở giữa trông như lối vào vườn chùa kia chính là cổng tam quan xưa.
Để có chiếc cổng ấy, có cả một câu chuyện dài.
Chuyện rằng, xưa kia, hai cửa tả hữu hai bên luôn mở thường trực, còn cửa chính chỉ mở đôi lần trong năm, khi có lễ lớn hoặc sự kiện trọng đại nào đó của nhà chùa, và thường chỉ quan lại hay đón rước những vị chức sắc lớn trong Phật giáo mới dùng đến cổng này. Thời Pháp thuộc, quan Tây đến chùa hay đòi đi bằng cửa chính, không cho thì không được, cho đi lại ngứa mắt. Thế nên nhà chùa đã nghĩ ra cách là cho xây bít luôn cái cổng ở giữa. Rồi sau đó cho khắc thêm một đoản thơ Nguyện Hương trên tấm vách mới đó, vừa tránh được việc tế nhị, lại có dịp cho bá tánh học thêm điều hay khi thành tâm dâng hương. Thành thử, suốt một thời gian dài Giác Lâm tự được người ta nói là “chùa không có cổng tam quan”.
Mãi sau này, nhà chùa cho xây dựng lại một cái cổng tam quan khác vào năm 1955 ở vị trí khác, ở phía ngoài, chính là vị trí hiện tại.
Diện tích chùa hiện nay so với xưa kia, bao gồm cả ruộng dành cho chùa là 10ha, dù đã bị lấn chiếm khá nhiều, vẫn cho thấy mức độ rộng lớn, vẫn còn nhiều cây xanh cao bóng mát nên có cảnh quang khác với các ngôi chùa khác trong nội đô. Điều này khiến khuôn viên chùa như một công viên, nên chùa luôn đông người vào mỗi sáng sớm tinh mơ. Cư dân quanh vùng thường chọn đến chùa để đi bộ, tập thể dục vào buổi sớm. Trong chùa có Bảo tháp Xá lợi, được xây kéo dài với thời gian lâu kỷ lục, qua nhiều thăng trầm thời cuộc, từ 1970 đến 1994 mới hoành thành. Trên đỉnh Bảo tháp thờ xá lợi Phật, theo tài liệu ở chùa, được đích thân đức Từ Cung (thân mẫu vua Bảo Đại) tham gia trong đoàn cung thỉnh rước xá lợi Phật từ Sri Lanka về chùa năm 1953. Sự kiện này còn được lưu dấu với cây bồ-đề được đem về cũng từ Sri Lanka, được đại đức Narada trồng đến nay cũng đã hơn 70 năm, vẫn tỏa bóng mát ngay trước mặt tiền chùa, ngay sau chiếc cổng tam quan trứ danh ấy.
Tòa tháp lục giác này gồm 7 tầng, cao 32,7m, đến vào dịp rằm, mùng một, mới mở cửa các tầng trên, cũng là dịp để tôi có thể leo lên tầng trên cùng, sau khi chiêm bái xá lợi, là ngắm cả một vùng quận 11, Tân Bình từ trên cao.
Điều đặc biệt nữa là, trong khuôn viên vườn chùa Giác Lâm (đường Lạc Long Quân, Q.Tân Bình, Sài Gòn), từ 20 năm nay, có lăng mộ của một trong Gia Định tam gia là Thượng thư Bộ Công Ngô Nhân Tịnh nằm gần cổng tam quan cũ của chùa, dưới những hàng cây râm mát.
Ông là người có tài học, làm thơ hay, từng theo học với xử sĩ Võ Trường Toản, từng làm Hiệp tổng trấn thành Gia Định, tước Tịnh Viễn hầu. Ông có tập thơ Gia Định tam gia thi tập viết cùng Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định. Ông được người đương thời xem là một nhà thơ lớn của đất Gia Định xưa. Cuối đời, ông sống ẩn dật và mất tại Gia Định.
Trước đây, lăng mộ Ngô Nhân Tịnh an táng tại làng Chí Hòa, tổng Dương Hòa Thượng, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Năm 1936, để giải phóng mặt bằng cho việc xây dựng ga Sài Gòn, lăng mộ Ngô Nhân Tịnh di dời về làng Tân Hóa, tổng Tân Phong Trung, tỉnh Gia Định, (khu vực đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú hiện nay). Từ năm 2004 thì lăng mộ Ngô Nhân Tịnh được dời về tại vị trí hiện nay. Việc chọn nơi an trí này cũng ý nghĩa khi sơ tổ chùa Giác Lâm, thiền sư Viên Quang cũng là bạn đồng môn với ông và Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức, Ngô Tùng Châu.Chùa Giác Lâm, cũng như các chùa Phước Tường, Hội Sơn, có không gian xung quanh chùa rộng lớn, nhiều cây xanh, trong đó có những cây cổ thụ. Trong cơn lốc đô thị hóa, những ngôi chùa này trở thành mảng xanh hiếm hoi của thành phố đang có quá nhiều bê tông này.