HAI DỐT
Trên trang Quốc ngữ Việt Nam văn hiến có cuộc trao đổi khá thú vị về hai chữ Bản và Bảng. Người hỏi có tâm mà bên trả lời cũng đầy bản lãnh. Xin trích:
Hỏi: Mỗi phương tiện giao thông (xe, tàu, thuyền…) đều được ghi một dãy số, in đậm nét, rõ ràng trên một tấm bảng nhỏ, gọi là “bảng” số (có g). Có người cho rằng viết vậy là sai vì “bản” số là một vật dụng có kích thước nhỏ như bản đồ, bản vẽ xây dựng… Còn “bảng” (có g) là các vật dụng có kích thước lớn như bảng đen, bảng hiệu…Vậy thì “thôn bản”, “bản làng” có kích thước lớn hơn bảng đen mà chữ “bản” vẫn không có g? Trước 1975, chúng ta thường gọi là “bảng số”, nhưng nay trong nước gọi là “biển số”. Vậy “bảng” hay” biển” mới đúng?
Đáp: “Bảng” (có g) hay “biển” đều một nghĩa, nhưng người Bắc ưa dùng “tấm biển”, “biển số”, “biển hiệu”, chúng ta thấy từ thời văn chương Tự Lực Văn Đoàn lận, hiếm khi có ai dùng chữ “bảng” dù là để tả một tấm gì lớn ghi chữ lên đó. Trong khi đó, người Nam trước giờ vẫn dùng chữ “bảng” không dùng “biển”.
Riêng tấm ghi số đăng bạ gắn đằng sau xe cộ, trước giờ người miền Nam vẫn gọi là “bảng số xe” chứ không ai nói “biển số xe” bao giờ. “Biển số xe” là chữ ngoài Bắc đem vào. Tuy nhiên, “bảng số xe” hay “biển số xe” đều là phương ngữ đúng, không có chữ nào sai, nhưng người miền Nam quen dùng “bảng số xe” thì cứ dùng, không ai có quyền nói chỉ có “biển số xe” mới đúng, hay ngược lại.
Nhưng có điều ngay người Bắc cũng gọi “bảng tên đường” như người Nam, chứ không gọi “biển tên đường”, ít ra là người Bắc đã vào Nam. Còn ở ngoài Bắc có lẽ họ vẫn nói “biển tên đường”.
Nói chung, “bảng” hay “biển” là những chữ chúng ta dùng tùy theo vùng miền. Có điều không phải tấm nào lớn mới gọi là “bảng”, còn nhỏ thì gọi “biển”, không phải vậy.
Chữ “bảng’’, viết có g, là những chữ sau: bảng đen, bảng vàng, bảng cấm, bảng hiệu, bảng quảng cáo, bảng tên (người), bảng tên đường, bảng lộ trình, bảng biểu đồ, bảng giá (biểu), bảng niêm yết, bảng danh dự, bảng hướng dẫn, bảng nhãn (danh hiệu thời xưa ban cho người thi đậu đứng thứ nhì sau trạng nguyên), v.v.
Còn ai đó nói tấm bảng nhỏ phải viết là “bản”, không g, mới đúng, đó là lập luận hoàn toàn sai chánh tả rồi. Chữ “bản” không bao giờ được dùng cho vật thể đem treo lên trong không khí, dù lớn hay nhỏ, lại càng không thể dùng thay cho chữ “bảng”, viết có g. Chỉ ngoại trừ “bản thông báo” được in hay viết lên trên một cái bảng treo trên tường (Cái bảng này cũng có thể gọi là “bảng thông báo”, tức cái bảng gỗ dùng để ghim các bản thông báo cho người ta đọc).
“Bản” là chữ dùng cho hành chánh, giấy tờ, như: bản đồ, bản án, bản quyền, bản sao, sao y bản chánh, tam sao thất bản (bổn), bản nhạc, bản vẽ, bản thảo, bản nháp, bản kẽm, bản đánh máy, bản viết tay, bản tài liệu, bản trích lục, bản dự thảo, bản in, bản vẽ, bản đồ án, bản kế hoạch, bản thiết kế, bản ký kết, bản giao kèo, bản hợp đồng, bản khế ước, bản kiến nghị, bản duyệt xét, bản bố cáo, bản báo cáo, bản phúc trình, bản điều trần, bản cáo trạng, bản hiệu triệu, bản hòa ước, bản hiệp nghị, bản sắc lịnh; văn bản, biên bản, ấn bản, xuất bản, tái bản, chánh bản, phó bản, nguyên bản, phụ bản, phiên bản, kịch bản, v.v.
Còn chữ “bản”, cũng không g, trong: bản làng, bản lề, bản mặt, bản họng, bản thân, bản thể, bản tánh, bản ngã, bản năng, bản sắc, bản doanh, bản chất, bản lãnh, bản quán, bản quốc, bản địa, Nhật Bản, căn bản, cơ bản, nhân bản, v.v. là những chữ khác nghĩa rồi, không ăn nhập gì tới hai chữ “bảng” và “bản” ở trên kia.
Thêm một chữ “bảng” khác: Hà Nội chế ra tên gọi “máy tính bảng” để dịch loại máy điện toán nhỏ tiếng Anh gọi là “notebook” (như iPad chẳng hạn). Tôi không biết sao họ lại gọi là “máy tính bảng” mà không phải “máy tính biển” theo chữ của họ, nhưng dịch chữ nào cũng là một cách dịch hết sức ngô nghê cho “notebook”. (Ngay cả “máy tính” đã là chữ sai rồi, còn cả ba chữ “máy tính biển” tôi nói vui thôi, chứ tôi biết cũng không sao nghe lọt lỗ tai họ).
Nhân đây tôi xin được hỏi lại các bạn xem các chữ dưới đây chữ nào đúng, chữ nào sai nhé các bạn:
– Bản chỉ dẫn hay bảng chỉ dẫn,
– Bản kê khai hay bảng kê khai,
– Bản đối chiếu hay bảng đối chiếu,
– Bản tổng kết hay bảng tổng kết.
Cám ơn câu hỏi của anh Lê Gia Tấn. Cám ơn các bạn đã đọc bài.
Trang Anh Thạc
(Quốc Ngữ Việt Nam Văn Hiến, 30-9-2023)
Bình luận của Hai Dốt
Câu trả lời của Trang Anh Thạc nói theo kiểu toán học là đúng mà chưa đủ.
Bản là chữ Hán có nghĩa là gốc, nguồn. Chữ này, người miền Nam đọc là Bổn. Tỉ dụ, một nhà sư miền Bắc tụng kinh thì đọc “Nam mô bản sư…” còn sư miền Nam thì “Nam mô bổn sư…”. Hay Nhựt Bổn/Nhật Bản, Bổn/Bản Chức (tiếng xưng hô của
người có chức quyền xưa)…
Bản/Bổn có các nghĩa sau:
Gốc gác, nguồn cội: căn bản, nguyên bản, bản ngã, bản tánh/tính…
Tiếng xưng hô: bổn chức, bổn tiệm…
Khuôn khổ: bản lề
Liên quan đến sách vở: bản in, bản kẽm, tái bản, mộc bản…
Giấy tờ: bản án, bản tường trình…
Chữ “bản” này “không đem treo lên” được.
“Bổn” hay “bản” thì cũng rứa nhưng do quen miệng nên mỗi miền có cách đọc, cách viết khác nhau.
Cũng có chữ “bản” khác rặt tiếng Việt được người miền Nam xài nhiều và hiếm thấy người miền Bắc xài. Đó là các chữ như bản mặt, bản lảng…
Còn chữ “bản” trong “Bản làng”, “thôn bản” là chữ của người Lào. Ở cao nguyên Trung phần có một làng người Thượng kêu là Bản Đôn là cách người Lào nói có nghĩa là “làng”. Bản này có sự tích như sau:
Chuyện kể rằng, xưa có một (hay một số người Lào) được người Thượng mời qua xứ Ban Mê Thuột để dạy cách thuần hóa voi. Người này chọn một vùng đất gần sông để ở và làm nơi đưa voi về thuần hóa. Nơi này cách trung tâm Ban Mê Thuột khoảng 15 cây số, đó là Bản Đôn ngày nay.
Vì là chỗ ở của người Lào nên người ta kêu làng này là “bản” thay cho “làng”. Còn người Việt chỉ có “làng”, “thôn” ở các vùng núi cao chứ không có “bản”. Sau này nhiều sách báo, thơ, nhạc thấy chữ “bản” gọn và lạ nên xài nhiều nên lần lần phổ biến rộng.
Còn chữ “bảng” (dấu hỏi, có g) người miền Bắc gọi là “biển” có nghĩa là “tấm bảng”. Nói cách khác, vật gì “treo hoặc gắn lên vật khác” thì kêu là “bảng”. Theo ông Huỳnh Tịnh Của thì chữ này cũng là chữ Hán Việt.
Lại có một chữ “Bãng” (có g, dấu ngã mà người Nam hay viết lộn) là một loại vũ khí phòng thân như thiết bãng, cây thước…Ai có đọc Tây Du Ký đều biết cây thiết bãng biến hóa thần sầu của Tôn Ngộ Không.