HÀ GIANG
Vào trường trung học Nguyễn Thượng Hiền (lúc đó còn gọi là trường Tân Bình) năm lớp Tám, sau khi xong lớp Chín, vì trường Tân Bình không có ban C, tôi chuyển trường, gia nhập đội ngũ học sinh trường nữ Trung học Gia Long để được học những môn mình yêu thích.
Học ở trường nữ trung học Gia Long ba năm, và ở Nguyễn Thượng Hiền chỉ hai năm, thế nhưng không hiểu sao giờ đây ở Mỹ, nhóm bạn tôi còn giữ liên lạc nhiều hơn lại là nhóm Nguyễn Thượng Hiền. Như hôm nay, lẽ ra gặp mặt các bạn để đi ăn trưa, nhưng người bị cảm, lại công việc bù đầu, tôi đành nằm nhà ôn lại những kỷ niệm hiếm hoi nhưng đầy ấn tượng của thời mới lớn.
Ào vào rồi cũng ào ra, hai năm của một cuộc đời giờ đã rất dài, qua nhanh như cắt, kỷ niệm ở Tân Bình Nguyễn Thượng Hiền không nhiều lắm, nhưng có những hình ảnh, khuôn mặt, cứ lẩn sâu trong ký ức, chỉ cần một gợi nhớ là rõ nét trong tâm tưởng.
Một trong những khuôn mặt ấy là của bạn tôi, Xuân – Nguyễn Thị Xuân. Xuân với tôi hình như còn học chung ở một vài lớp học thêm khác trước khi được chuyển vào trường Tân Bình. Lâu quá rồi, không nhớ rõ!
Chỉ biết giờ đây nhắc đến Xuân, tôi không chỉ cảm động mà còn bật cười. Tôi với Xuân một thời thân thiết là thế, mà phải mãi đến hơn 40 năm sau, trong một dịp hết sức tình cờ, khi đã xa cách nhau bằng cả thời gian lẫn không gian, tôi mới được biết Xuân có cái biệt hiệu rất độc đáo: “Xuân Còi.”
Tối hôm ấy Xuân Lan, Kim Chi, Hoài Việt, Nguyệt, Phạm thị Hoa, Nghiêm Thúy, Liệu và tôi có một cuộc gặp gỡ ngẫu hứng và cấp kỳ sau khi đại hội Nguyễn Thượng Hiền kết thúc, để Xuân Lan có dịp gặp, và giã từ bạn bè ở Nam California, trở về “nguyên quán.”
Đã cả mấy chục năm không liên lạc, nhưng khi gặp lại câu chuyện vẫn nổ như bắp, những tràng cười hầu như liên tục của tụi tôi đã kéo được ngay hai ông xã của Xuân Lan và Kim Chi lọt vào cái không khí thật gần gũi của nhóm bạn cùng trường thời bé dại.
Ôn lại kỷ niệm, Chi nhắc:
“Mấy bồ nhớ Nguyễn thị Xuân không? Mãi sau này Chi mới khám phá ra là tại sao mình gọi Xuân là “Xuân Còi…”
“Xuân Còi à, mình chưa bao giờ nghe cái tên này, nhưng chắc tại Xuân nó nhỏ con, nên bị chê là còi chứ gì?”
“Trước Chi cũng nghĩ thế, nhưng sau này mới biết là bạn bè gọi Xuân là còi vì giọng Xuân to, cứ y như cái còi, mấy bồ nhớ không?”
Mọi người cười ầm trước lời giải thích của Chi, rồi lại nhao nhao nói qua đề tài khác. Riêng tôi, dáng dấp nhỏ nhắn, mái tóc dài ngang vai, nước da ngăm ngăm và nụ cười làm rạng rỡ hẳn khuôn mặt của Xuân đã kéo tôi về một nơi mênh mang kỷ niệm ngày mới lớn.
Vừa học cùng lớp, vừa ở gần nhau, tôi với Xuân vừa gặp là thân ngay. Ban ngày gặp nhau ở trường chưa đủ, chiều về, nếu không qua nhà tôi, thì Xuân cũng kéo tôi qua nhà mình cho bằng được. Hai đứa thường xuyên ăn cơm ở nhà nhau. Gặp cả cha mẹ anh em nhau. Xuân và tôi cùng là con cả, hai đứa có hai người em trai cùng tuổi, sự thân thiết của hai bà chị khiến hai ông em dần dà cũng trở thành bạn luôn.
Kỷ niệm với Xuân thì khôn kể, nhưng với tôi, rõ nét nhất là thời gian chúng tôi học chung lớp dạy thêm Anh ngữ buổi tối ở một trường tư thục. Lớp học tối từ 6:30PM đến 9:00PM với tôi là một thời gian thú vị. Có Xuân đi cùng, tôi không phải chờ bố chở đi đón về, thoải mái biết mấy.
Thường thì ăn cơm tối xong, Xuân đạp xe đạp qua nhà tôi. Trong không khí mát dịu của buổi tối, hai đứa thong thả song song đạp xe đến trường. Tối học xong, đứa nào có tiền thì bao đứa kia (mà thường thì Xuân bao nhiều hơn vì nó có ngân sách dồi dào hơn) uống sinh tố, hay ăn ly kem trước khi đạp xe về nhà.
Lúc ấy, ở cái tuổi 14, 15 tôi bắt đầu mơ mộng, và hay có những phút tư lự, thương nhớ vu vơ, những nỗi buồn không tên cứ bất chợt kéo đến mà không sao đuổi đi được. Xuân vô tư hơn, lúc nào cũng hồn nhiên, líu lo, nhí nhảnh. Xuân có lẽ là người chứng kiến hết tâm tư của thời gian tôi chuyển mình từ “con nít thành người lớn” mà cô nàng không mảy may hay biết.
Lớp học Anh ngữ thoạt đầu thật uể oải, cứ vài tuần trường lại bất ngờ đổi một thầy khác, cho đến một buổi tối, khi chúng tôi đến lớp, thì gặp một người đàn ông cao lớn, trạc tuổi 30, da ngăm đen, đang chờ sẵn ở đó.
Tôi nhìn ông với đôi mắt thiếu thiện cảm, chép miệng lắc đầu “Lại đổi thầy, chán!” Chúng tôi ngồi bàn đầu, thấy tôi làu nhàu, không buồn che dấu sự bất mãn, sợ ông thầy buồn, Xuân ngồi bên cạnh, húc cùi chỏ.
“Ngồi yên, nghe thầy nói kìa.”
Người đàn ông xa lạ đó đến trước bục, nhìn chúng tôi bằng tia mắt thân thiện, và nụ cười hơi mỉm, rồi nói:
“Chào các em, tôi tên là Trịnh Văn Tây, tôi sẽ phụ trách lớp các em từ giờ cho đến cuối khóa. Tôi biết lớp của các em đã bị đổi thầy mấy lần rồi. Thay mặt trường, tôi xin lỗi các em, và hứa sẽ không bỏ các em cho đến khi khóa học chấm dứt.”
Từ giờ cho đến cuối khóa còn khoảng hơn năm tháng nữa. Thôi cũng được. Tôi thầm nghĩ. Lúc đó cả thầy Tây và chúng tôi đều không biết đây là lời hứa mà thầy sau này, dù rất muốn, đã không giữ được.
Sau chỉ hai lớp học, thầy Tây nhanh chóng “thu phục” lớp tụi tôi, lúc đó khoảng 25 người ở đủ mọi lứa tuổi. Thầy có cách dậy linh động và sự tận tâm của một người yêu nghề. Trong giờ nghỉ 15 phút, thầy không bỏ ra ngoài hút thuốc mà chăm chú xem lại bài kiểm, trả lời một vài học trò, hay hỏi chuyện học hành của chúng tôi trong ngày.
Có lần một chị lớn tuổi trong lớp cắc cớ hỏi “thầy có ‘cô’ chưa?” Thầy đỏ mặt lắc đầu nói là thầy bận lắm, ban ngày làm việc cho một căn cứ quân đội Mỹ ở Long Bình, buổi tối đi dạy học, vì rất thích dạy học.
Dần dà, với chúng tôi, nhất là với tôi, thầy Tây gần gũi như một người anh lớn trong gia đình, vừa đáng kính vừa đáng mến.
Thầy hay phân tích cho chúng tôi cái khó của sự dịch thuật, nhất là dịch thơ. Biết tụi tôi tuổi mới lớn, thích thơ, thầy Tây đố lớp chúng tôi dịch hai câu Kiều “tiếc thay một đóa trà mi, con ong đã tỏ đường đi lối về” qua anh Ngữ.
Ham học, cả Xuân với tôi cùng hí hửng tìm cách dịch, nhưng có cố gắng mấy thì cũng chỉ dịch ra được mấy câu thơ tiếng Anh ngô nghê, lại chẳng có vần có điệu gì cả. Vì thế, khi thầy Tây đưa ra hai câu mà thầy tạm dịch, bảo rằng “vẫn chưa vừa ý”, thế mà tụi tôi đứa nào đứa nấy đều tấm tắc.
Hai câu này thơ này, tôi còn nhớ rõ là:
“How pitiful the flower is,
the way to and from has been known by the bee.”
Gặp được người thầy vừa ý, Xuân và tôi học tấn tới thấy rõ, Anh ngữ của hai đứa khá hẳn lên. Bố tôi vui lòng lắm, và thường khen ngợi Xuân, bảo Xuân là người bạn tốt. Tôi thương Xuân ở chỗ Xuân rất nhiệt tình, tốt bụng, hay để ý săn sóc và chịu khó chiều bạn, dù nhiều lúc Xuân than “chịu, không thể nào hiểu nổi” con bạn vừa gàn vừa bướng.
Trong lớp, vì siêng học, Xuân và tôi được thầy Tây chú ý. Dường như bất cứ câu hỏi nào của thầy hai đứa cũng đều dơ tay xin trả lời, và khi giảng bài, thầy luôn luôn hướng về phía chúng tôi. Dần dà, không biết Xuân thì sao, nhưng tôi, quen với việc được thầy quan tâm, xem đó là một lẽ đương nhiên, là quyền của mình.
Một kỷ niệm buồn cười xảy ra trong khóa học khiến hai đứa thân hơn, và khiến Xuân, dù nhỏ hơn tôi gần một tuổi, có dịp bày tỏ sự trưởng thành bao bọc của một người chị.
Học được hơn nửa khóa, buổi tối hôm ấy, lớp chúng tôi có một chị học trò mới, hơi lớn tuổi. Như thường lệ, thầy Tây hỏi tên người học trò mới và bảo chị đọc một đoạn văn trong cuốn sách. Cả lớp học khúc khích cười, vì chị đọc tiếng Anh mà cứ chữ “L” đọc thành “N” nghe buồn cười quá không nhịn được, khiến thầy Tây thật lúng túng. Rồi suốt buổi học, có lẽ có tham vọng chữa cái tật phát âm ngọng của chị, thầy không để ý đến ai mà chỉ chăm chú luyện giọng cho chị học trò mới, dành hết thời gian cho chị. Còn tôi, tự nhiên thấy lòng buồn vô hạn, chỉ mong sao đến giờ nghỉ giải lao để bỏ ra khỏi lớp. Bên cạnh tôi, Xuân ngơ ngác, thỉnh thoảng lại thúc cùi chỏ hỏi nhỏ “Hà sao vậy?”
Chuông giờ giải lao vừa báo, tôi chạy vội ra khỏi lớp, tìm một góc vắng đứng thút thít khóc. Xuân vội vã chạy theo, chẳng hiểu tại sao tôi khóc, nhưng đến gần, ôm lấy vai tôi, vỗ về “nín đi, nín đi, đừng khóc nữa, Xuân buồn.”
Thút thít một lúc, nỗi tủi thân vơi đi, tôi nghẹn giọng nói với Xuân: “thầy chẳng để ý đến ai nữa, chỉ lo luyện giọng cho cái chị đó!”
Xuân nhìn tôi, vừa ngạc nhiên, vừa như vỡ lẽ ra, thầm thì nói: “Không thấy chị đó nói “L” thành “N” sao? Thầy cố tập cho chỉ nói tiếng Anh khỏi ngọng đó mà.”
Trong thâm tâm, tôi thấy Xuân nói có lẽ đúng, nhưng vẫn không thể nào xua đi được nỗi buồn vô cớ, hoặc có cớ mà mình lúc ấy chưa biết.
Sau vài buổi học, thầy Tây bỏ cuộc vì nhận ra việc giúp chị học trò mới đổi “L” thành “N” và ngược lại không những là điều vô phương, mà còn làm cho cô học trò ngượng ngùng thêm. Còn chị học trò lớn tuổi ấy cũng thôi không thấy đến lớp nữa…
Mọi việc trở lại bình thường. Rồi ngày vui qua mau. Thầy trò sinh hoạt với nhau được khoảng gần bốn tháng, thì một hôm thầy Tây đến lớp trễ. Tôi nóng ruột không thể tả. Thường thì thầy bao giờ cũng đến lớp sớm để soạn bài chờ học trò, chứ chưa bao giờ để chúng tôi phải chờ đợi.
Việc gì phải đến đã đến. Vào lớp với khuôn mặt buồn rười rượi, thầy Tây xin lỗi chúng tôi, rồi đằng hắng:
“Hôm nay thầy có một tin buồn báo với các em, thầy vừa bị gọi động viên, phải trình diện nhập ngũ trong vòng hai tuần nữa. Tuần sau sẽ là buổi học cuối. Chúng ta còn năm tuần nữa mới hết khóa, thầy xin lỗi đã không dạy được các em cho đến khi mãn khóa như đã hứa.”
Nghe thầy nói, tôi lặng người, như vậy là mọi việc bỗng nhiên sẽ chấm dứt? Hợp tan là thế đó sao?
Mặc cho mọi người trong lớp nhao nhao đề nghị buổi học tuần tới sẽ là bữa tiệc tiễn thầy, tôi như chết đuối trong nỗi buồn của mình. Hình như trong giờ giải lao mọi người quyên tiền mua quà cho thầy, hình như có người qua tiệm sách bên cạnh mua thiệp, và có người đi thu chữ ký. Tôi không nhớ, không nghe gì nữa, ngoài những lời “tuần sau là buổi học cuối.”
Biết tôi buồn, Xuân không nói gì, chỉ nắm lấy tay tôi xiết chặt. Hình như khi đứng trước một nỗi buồn quá lớn, im lặng là cách bày tỏ sự thông cảm hay nhất. Ngồi thu mình trên ghế, tôi mơ hồ cảm thấy mình may mắn luôn có Xuân bên cạnh, chia xẻ mọi tâm trạng.
Lớp học cuối với thầy Tây là một buổi tâm tình và văn nghệ bỏ túi. Thầy Tây dặn dò chúng tôi phải tiếp tục học cho hết khóa, phải ngoan với thầy, cô mới, thầy viết tên và địa chỉ tạm liên lạc lên bảng, và hứa sẽ viết thư cho chúng tôi sau khi đã tạm yên ổn trong quân ngũ.
Lớp chúng tôi cử ra một chị lớn đại diện việc giữ liên lạc với thầy. Tôi để mặc cho Xuân ghi ghi chép chép. Trước giờ chia tay, thầy Tây lấy cây đàn guitar mang theo, dạo đàn và nói thầy hát tặng các em một bài nhạc thầy rất thích. Đó là bản “Đêm nguyện cầu” của Anh Bằng.
Cả lớp học trùng xuống, khi tiếng hát trầm buồn và hay bất ngờ của thầy vươn lên:
“…Thượng Đế hỡi có thấu cho Việt Nam này,
Nhiều sóng gió trôi dạt lâu dài
Từng chiến đấu tiêu diệt quân thù bạo tàn.
Thượng Đế hỡi hãy lắng nghe người dân hiền.
Vì đất nước đang còn ưu phiền.
Còn tiếng khóc đi vào đêm trường triền miên
Có những lúc tiếng chuông đêm đêm vọng về rừng sâu.
Rưng rưng tôi chấp tay nghe hồn khóc đến rướm máu
Quê hương non nước tôi ai gây hận thù tội tình
Nhà Việt Nam yêu dấu ơi bao giờ thanh bình?…”
Tiếng hát của thầy làm tôi xúc động. Tôi nghĩ mình hiểu tâm tư thầy, một thanh niên thời loạn, đang chuẩn bị lên đường, nhập ngũ, lao mình vào guồng máy tàn khốc chiến tranh mà nhiều người đi không ngày trở lại. Cố nén nỗi buồn, tôi ngước lên, nhìn thầy chìm đắm trong tình cảm của bài hát, mà trong lòng thấy nhen nhúm một niềm cảm thông và kính trọng mới cho người thầy từ lâu mình vốn vẫn quý mến.
Lúc giờ giải lao bắt đầu thì tiệc tiễn thầy Tây tàn dần. Dù lưu luyến đến đâu, chúng tôi cũng phải bịn rịn chia tay.
Buồn, không muốn về nhà ngay, tôi bắt Xuân tìm con đường dài nhất để về nhà. Chúng tôi đạp xe qua trường đua Phú Thọ, hai đứa im lặng đạp xe bên nhau. Đường vắng ngắt, chỉ nghe tiếng vòng xe đạp quay lanh canh, gió lạnh nhưng không làm tôi buốt giá bằng nỗi buồn.
Đi được một lúc tôi hỏi Xuân:
“Xuân ơi, Xuân có biết lãng mạn là gì không?”
Xuân im lặng cùng tôi đạp xe, về đến gần nhà mới chậm rãi nói:
“Không biết, nhưng yêu thầy thì chắc chắn là lãng mạn rồi!”
Hai tháng sau, Xuân đến nhà tôi trong một chiều Hè, líu lo khoe “có thư thầy Tây, có thư thầy Tây. Thầy gửi lời hỏi thăm tụi mình, đặc biệt là gửi lời hỏi thăm mi đó!”
Tôi đọc đi đọc lại bức thư dài hơn hai trang, chữ nhỏ chi chít. Thầy Tây kể chuyện đời lính, chuyện cuộc sống trong quân ngũ, sự cực nhọc, nỗi sợ xen lẫn hy vọng, và không quên dặn dò chúng tôi chịu khó học hành, chúc Xuân vẫn hồn nhiên, láu lỉnh, chúc Hà vẫn đa sầu đa cảm. Tôi cẩn thận ghi lại địa chỉ của thầy, hình như có chữ KBC trong đó. Tôi nhớ có viết cho thầy một bức thư rất “não nùng,” hình như lời thư vụng dại tỏ lộ hết, dù không thành lời, tình cảm ngô nghê của người con gái mới lớn, một bức thư không bao giờ được thầy hồi âm.
Hai năm sau, Xuân lại tìm đến nhà tôi, kể chuyện thầy Tây. Lúc này Xuân và tôi ít gặp nhau, vì tôi đã chuyển qua trường nữ trung học Gia Long được vài năm rồi, ít còn liên lạc với các bạn ở trường cũ.
“Cuối tuần đi chợ Bến Thành, biết Xuân gặp ai không?”
“Chịu, không biết!” Tôi lắc đầu.
“Thì gặp thầy Tây của mi chứ còn ai nữa.” Xuân vẫn líu lo như trước.
“Thầy Tây đi với người bạn gái, cỡ tuổi thầy, khá đẹp. Hai người sắp lấy nhau. Thầy hỏi thăm mi, hỏi tao và mi còn hay gặp nhau không, rồi nhất định bắt tao đứng chờ để đi mua tặng cho mi một cành hoa.”
Tôi đón cành hoa sen trắng đã hơi héo úa từ tay Xuân, cảm động.
Mỉm cười, Xuân nói: “Không phải chỉ một mình tao biết mi lãng mạn đâu đấy nhé!”
Xuân ơi, bây giờ Xuân ở đâu?