Bình yên trong mùa Xuân

by Tim Bui
Bình yên trong mùa Xuân

KIỀU MỸ DUYÊN

Mùa Xuân, ai cũng thích nghe chuyện vui, thích nghe tiếng cười rộn rã, vui trong lòng và vui với thiên nhiên. Nhiều người thích sống trong rừng nghe tiếng chim hót líu lo suốt ngày.

Đường về tu viện Kim Sơn, mấy chục ngàn con chim hót líu lo buổi sáng chào khách đến. Ở rừng núi không có chiến tranh, đường vào tu viện không có chiến tranh, tu viện Kim Sơn, không chiến tranh, chỉ có suối reo, chim hót, chỉ có tiếng cười của du khách tìm sự yên tĩnh. Lâu rồi, tôi không về tu viện Kim Sơn, miền Bắc California, nơi đây thu hút hàng triệu du khách tìm đến trong các mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông…

Thiền viện Trúc Lâm Đại Đăng, 6326 Camino Del Rey, Bonsall, San Diego, California

Cơ thể con người dễ ảnh hưởng bởi thời tiết, trời đang nóng trở lạnh, nhiều người dễ bị bệnh, đang ở chỗ khí hậu ôn hòa, đến một nơi nóng bức trên 110 độ F, đương nhiên chúng ta cảm thấy khó chịu, khó thở. Trời nóng phải uống nước, buổi sáng đến chiều quên uống nước sẽ thấy khô cổ, nhức đầu, cảm thấy khó chịu ngay.

Tu Viện Lộc Uyển do thiền sư Thích Nhất Hạnh thiết lập, là trung tâm tu học pháp môn chánh niệm và là nơi đào tạo xuất sĩ. Tu viện nằm yên trong một thung lũng ẩn mình giữa những sườn đồi phía Tây Bắc thành phố Escondido, thuộc quận San Diego, tiểu bang California, với diện tích 400 mẫu, có cảnh núi đồi hùng vĩ và những rừng cây cho nhiều bóng mát.

Những sắc dân thiểu số quanh năm suốt tháng ở trong rừng, khát thì uống nước dưới suối múc lên, đói ăn trái cây rừng, buổi tối đốt lửa không có điện, nước, thế mà họ vẫn sống khỏe mạnh, sống trên 100 tuổi. Người ở rừng núi sống thiếu tiện nghi, bệnh đâu có thuốc mà uống, mệt đâu có nước biển mà truyền, vậy mà họ vẫn sống vui vẻ, sống khỏe mạnh, sống thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Người thiểu số đi xuống núi, đi bộ, đi ngựa, đi voi, sao họ vẫn sống lâu trăm tuổi?

Vậy thì sống vui, sống khỏe, sống bình yên, đâu cần sự văn minh tiến bộ giết chóc như người văn minh hay sao?

Hãy sống làm sao có mùa Xuân trong lòng mình. Thật phúc đức cho người nào có một người mình yêu thương nhất để nghĩ tới. Sống có người thân để khi nào mình cần thăm viếng họ để thì giờ cho mình thăm viếng.

Ở xã hội càng văn minh con người càng cô đơn, có một địa vị trong xã hội lại còn cô đơn hơn người bình thường, người quen thì nhiều mà người thân thì chẳng có bao nhiêu. Sống và làm việc, làm việc và làm việc, làm việc như cái máy, làm việc đến hết ngày, làm việc đến hết cuộc đời.

Hãy dành cho mình một ít thì giờ trong ngày: nhà nào có vườn thì dạo trong vườn nhà mình, nhìn trái chín nặng trĩu trên cành, nhà nào có hoa, hoa hồng, hoa lan, cỏ xanh trước nhà hãy nhìn sự thay đổi từ màu lá của cây cỏ, của nụ hoa mới nở buổi sáng, hãy nhìn những con chim nhỏ nhảy múa vui vẻ từ cành cây này sang cành cây kia, nhà nào có vật nuôi, hãy nhìn những con thỏ với đôi mắt trong veo đợi chủ về nhà. Con chó, con thỏ, con mèo đều có tình cảm, chủ cho ăn hàng ngày, chủ về có muộn, những con vật thân yêu này cũng đợi chủ bên kia cửa, nhiều con đưa chân quào quào cánh cửa như đón chào chủ của mình.

Trong lòng mình không bình yên nên tìm đến những nơi bình yên, những nơi linh thiêng nhất, nếu mình có niềm tin ở Trời Phật, ở Thiên Chúa, mình sẽ tìm sự bình yên một cách dễ dàng. Hãy tìm đến nơi linh thiêng với lòng mộ đạo, dù lòng mình đang bối rối thế nào với sự cầu nguyện một cách chân thành sẽ tìm được sự bình yên.

Đền cha Trương Bửu Diệp, hàng triệu người Công giáo hay không Công giáo đã tìm đến đây cầu nguyện hàng ngày, ngay cả những năm Covid- 19, đồng hương ở khắp nơi vẫn tìm đến. Đền tọa lạc ở đường Euclid, thành phố Garden Grove, miền Nam California. Có một điều đặc biệt trong các câu chuyện ơn lành về Cha Diệp, đó chính là, gần như tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, đều có thể đến cầu xin và được ơn Cha phù đỡ.

Đền cha Trương Bửu Diệp, 14231 Euclid St., Ste E105, Garden Grove, California

Thực ra, ngay từ khi còn sống, tình yêu thương của Cha cũng đã không phân biệt lương giáo. Trong suốt 22 năm đời sống linh mục của mình, người dân trong vùng không chỉ nhớ về Cha qua những bài giảng hùng hồn, mà còn bởi tấm lòng yêu thương quan tâm đến người nghèo và khách lỡ đường, không phân biệt tôn giáo của Cha. Những nhân chứng cùng thời với Cha còn kể rằng, Cha thỉnh thoảng vẫn mời cơm những người không theo Công giáo trong khu vực, cũng như cho phép sử dụng đất trong nghĩa trang giáo xứ để chôn cất những người không theo Công giáo trong vùng.

Bà Cindy Nguyễn, Fountain Valley kể lại việc được Cha ban phước, sau ba ngày đi đứng lại bình thường. Ông Sĩ Trần, Santa Ana té từ mái nhà mười feet, Cha chữa lành cho ông. Anh Tâm Lương, Philadelphia, PA, là nhân chứng ơn lành kể về ơn lành vượt qua cơn đột quỵ, bà Hoa Phạm, San Jose, kể về ơn  lành có con.

Đền Đức Mẹ Con Sò, 3361 E Ocean Blvd, Long Beach California

Chùa Vạn Phật Thánh Thành ở San Francisco mua lại khu đất lập thành Trường Đê

Thánh Tự. Trường Đê vẫn giữ tượng Đức Mẹ để người dân có thể lui tới kính viếng. Tuy nhiên, vì nhiều người đến viếng làm nơi tu thiền mất sự tĩnh lặng nên chùa tìm cách mua tượng Đức Mẹ khác đặt ngoài khuôn viên Thánh Tự. Tượng Đức Mẹ gốc được đặt quay lưng với tượng bên ngoài, cách một bức tường.

Nhà thờ Saint Catherine of Alexandria, ở Temecula cũng rất linh thiêng. Một giáo dân người Phi Luật Tân, ông Ernie Cruj, nằm ở bệnh viện, gia đình mời cha chính xứ đến nhà thương xức dầu chờ ngày ra đi, rồi ông tỉnh dậy. Cả cộng đồng Phi Luật Tân xin dâng thánh lễ tạ ơn linh mục chính xứ và Thánh Catherine of Alexandria. Thánh Catherine Alexandria mất khoảng đầu thế kỷ thứ 4, tại Alexandria, Ai Cập; lễ kính 25 tháng Mười Một. Thánh Catherine of Alexandria là một thánh nữ thuộc Giáo hội Công giáo sống vào thế kỷ thứ IV, thời Giáo hội sơ khai. Bà được tôn làm thánh bổn mạng của các triết gia Công giáo.

Catherine là con gái của một gia đình giàu có ở thành Alexandria, Ai Cập. Thời còn trẻ, bà là một cô gái có nhan sắc và rất hiếu học đặc biệt là say mê nghiên cứu về triết học và tôn giáo. Khi bà đọc các sách viết về Kitô giáo và dần dần bà đã trở thành Kitô hữu.

Khi Catherine được 18 tuổi thì cũng là lúc hoàng đế La Mã Maximinus Daia bắt đầu thực hiện các hoạt động đàn áp các tín đồ Kitô hữu. Bà đã đứng ra chỉ trích ông vua này, dùng lý lẽ để biện bạch và chống lại những quan điểm ngang ngược, vô lý của nhà vua. Sau đó ông này công nhận rằng bà có lý.

Vị hoàng đế này đã nảy sinh tình cảm với bà và đòi cưới bà, thậm chí còn ban tặng cho bà chiếc vương miện hoàng hậu, nhưng bà một mực từ chối vì đã dành cả cuộc đời để phụng sự cho đức tin của Chúa. Hết sức tức giận, Hoàng đế đã tống bà vào ngục. Dù vậy, ở trong ngục, bà vẫn thuyết phục được nhiều người cai ngục tin theo giáo lý Thiên Chúa. Maximinus Daia biết chuyện đã hành hình tất cả, riêng bà thì bị đặt trên một bánh xe đầy đinh nhọn để chịu hành hình.

Hãy tìm sự bình yên trong lòng mình ở mọi nơi, ở mọi xứ, ở thành phố hay ở rừng núi bao la và sống thanh thản. Ông bà mình thường nói cái tâm mà không bình thì không làm được việc gì thành công. Tâm mà không bình, lái xe không cẩn thận dễ bị đụng cột điện, tâm không bình yên, đói không biết mình đói, không ăn cũng không biết mình không ăn. Mong tâm của mọi người bình yên.

(kieumyduyen1@yahoo.com)

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights