HAI DỐT
Nội dung căn bản của hai chữ này là như nhau. Trong tự điển Đại Nam Quấc âm Tự vị, ông Huỳnh Tịnh Của ghi nhận “bông” là tiếng Việt và là “tiếng kêu chung các thứ hoa.” Còn “hoa” tiếng Tàu chỉ “cái tinh anh của cây cỏ, phát ra nhiều màu sắc.” Ở tự vị Annam-Latinh của Bi Nhu Bá Đa Lộc [thường được kêu là Cha Cả] soạn từ 1772-1773 thì “bông là số đếm về hoa.” Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên thì “bông” là “cây thân cỏ, lá hình chân vịt, hoa màu vàng, lông sơ trắng bám quanh hạt được dùng để kéo thành sợi vải,” loại cây này người Sài Gòn kêu là cây bông vải. Cũng theo Hoàng Phê, “bông” còn được định nghĩa là “cụm hoa gồm nhiều hoa không cuống mọc dọc trên một cán hoa chung; tập hợp gồm nhiều quả (mà thông thường gọi là hạt) phát triển từ một cụm hoa như thế.” Và ông ví dụ: bông kê, lúa trĩu bông.
Thật ra, định nghĩa của Hoàng Phê rất “tối nghĩa” và có phần xa lạ với chữ “bông” của miền Nam. Tỉ dụ: bông tai đâu có mọc ra thành cụm như miêu tả và hoàn toàn không phải là hoa; hay bông gòn đâu phải là hoa!
Về chữ khác nhau thấy rõ viết lên ai cũng biết.
Ở miền Nam “bông” được xài nhiều hơn, còn miền Bắc thì “hoa” được dùng rộng rãi.
Nay thì “hoa” đang chiếm ưu thế trong chữ viết ở trong nước, còn “bông” đang đi vào dĩ vãng! Song trên cửa miệng của người miền Nam, người Sài Gòn thì “bông” vẫn chiếm ưu thế.
Vậy khi nào là bông, lúc nào là hoa?
Ở miền Bắc, hầu như bông chỉ xuất hiện trong vài trường hợp như “chăn bông” [loại mền độn một lớp bông vải hay những thứ khác để giữ ấm], “phố Hàng Bông”, “bông vải”… Còn lại thì người ta dùng chữ hoa.
Trong khi đó, người miền Nam ít xài hoa, mà hầu hết là bông. Nếu có hoa thì thường đi chung một nhóm bông hoa. Chỉ một số rất ít trường hợp phân biệt rõ như “gái bán hoa” và “gái bán bông”.
Người miền Bắc thì thoải mái hát “Em bán hoa ơi!” và được vỗ tay tán thưởng. Nếu ở Sài Gòn, gặp một cô gái xinh xắn, dễ thương mà kêu “Em bán hoa ơi!” là dễ bị ăn bợp tai và có thể bị kêu cảnh sát bắt! Bởi “bán hoa” ở Sài Gòn có nghĩa là “bán cái vốn tự có!” Còn bán bông là bán “cái tinh anh của cây cỏ” cùng một số thứ rau, trái khác.
Bông ở miền Nam còn để chỉ những thứ “không phải tinh anh” như bánh bò bông [bánh bò nở lớn ra khi nướng lên], gạch bông [loại gạch để lót nền nhà có hoa văn, nhiều màu sắc], áo bông [loại áo may bằng vải có in nhiều màu], hàng bông [các loại rau cải], pháo bông [loại pháo bắn lên trời khi nổ phát ra nhiều màu, nhiều tia sáng], bông gòn [dùng trong y tế để chùi máu, mủ]…Tất cả những thứ này đều hầu như “không có hoặc có ít mùi!”
Trong cưới hỏi ở miền Nam, “đôi bông tai” là tín vật quan trọng. Miền Bắc kêu là “hoa tai.” Ừ thì bông tai hay hoa tai cũng được miễn yêu nhau, hiểu nhau, muốn sống đời với nhau là ok. Thế nhưng khi nói tắt, người ta nói “đôi bông” thay vì “đôi tai!” Nói “đôi tai” thì có ma nó hiểu!
“Đôi bông” ngoài giá trị vật chất, trong lễ cưới còn là “tín vật rất quan trọng” đối với người con gái. Cưới mà không có đôi bông coi như chưa cưới! Giá trị của đôi bông tùy theo tài lực của mỗi gia đình đàng trai. Thông thường thì là một đôi bông vàng 18 bình thường giá trị không lớn lắm. Khá hơn thì đôi bông cẩm thạch, bông mù u. Xịn thì đôi bông hột xoàn… Dù sang hèn, giàu nghèo cỡ nào cũng phải có đôi bông khi cưới. Và người phụ nữ ấy đeo đôi bông lên để xác nhận với thiên hạ rằng “tôi đã có chồng.” Nếu vợ chồng hục hặc, thì:
Đôi bông em trả, đôi kiềng em đeo…
Ở miền biển Trà Vinh lại có câu ca dao:
Nước ròng lòi bãi xà cừ
“Của em” có thẹo anh trừ đôi bông!
Người đọc câu này cho Hai tui nghe không phải là dân chơi hay để giỡn hớt chơi mà là một ông già đã 94 tuổi [vào khoảng năm 1988-1989, lâu quá Hai tui quên rồi] có tất cả 5 đời vợ. Tên ông thì tui quên nhưng câu dưới thì khó quên bởi nó quá lạ và quá thẳng thừng! “Của em” là cái gì thì xin miễn viết ra đây…quý vị tự hiểu nha!