Các chú, ba tàu…

by Tim Bui
CHỮ & NGHĨA - “Rợ” hay “chợ” mấy nhà?

HAI DỐT

Cái xóm mà Hai tui ở hồi nhỏ có nhiều người Hoa. Một tiệm chạp phô của ông Hô mà dân chúng xung quanh thường kêu “tiệm thằng Hô,” một tiệm hủ tíu mì của Chệt Mập, một xe đậu đỏ bánh lọt nước đá nhận của má thằng Xén, một tiệm làm răng giả của ông Tư Răng Vàng, một tiệm thuốc Bắc của ông A Lúi, một tiệm bán nước ngọt, lave của a Mìn, một vườn rau nho nhỏ của ông bà Xám… Mỗi người một vẻ, một quê quán khác nhau từ bên Tàu qua đây. Sau này, khi lớn lên tôi mới biết, họ là dân tứ xứ. Chệt Mập, ông Hô là dân Quảng Đông. Má thằng Xén tụi tui thường kêu là A Xím, dân Triều Châu, còn Tư Răng Vàng lại là người Thượng Hải…

Hai tui là bạn của mấy đứa con của họ, thằng Xén, Thằng Xồi, thằn Mỉn, thằng Cón… khá thân thiết. Mấy trò con nít ngày xưa tụi tui đều có mặt như đánh khăng, bắn bi [đạn], tạt hình, tạt lon… và cùng hát câu đồng dao:

Cắc chú ba tàu
Thằng nào cũng như thằng nấy
Thằng nào không giấy,
Tao đá nó bay về tàu!

Cùng hát, cùng cười vui hể hả!

Cũng nhờ vậy mà tôi biết nói vài tiếng wa, ngộ nghĩa là tôi, tao; biết đi “thẩy hi” [coi ciné] với a Cón, a Xồi; biết “xực phàn” là ăn cơm, biết “khoánh sẻ” là về nhà, biết “khoanh cao” là ngủ, “dẫm chẩu” là uống rượu…

Bởi ngày nào bà Tư Răng Vàng cũng hò hét trước sân nhà réo bằng tiếng tàu lẫn tiếng Việt kêu ông chồng ngồi uống rượu bên kia đường “Lũ Tàu! Khoánh sẻ sực phàn. Bà mẹ nó, ngày nào cũng dẫm chẩu, dẫm chẩu!”

Quen cũng khá nhưng tui không hiểu mấy cách kêu người Tàu của người Việt ra sao. Nào là ba tàu, các chú, chệt… có từ đâu?

Nay, đọc lại Gia Định Báo thời ông Trương Vĩnh Ký là Chánh tổng tài năm 1870 có nói về chuyện này. Báo viết “Annam ta kêu Tàu, người bên Tàu là vì người Khách thường đi tàu qua đây, lại dùng tàu chở hàng hóa qua đây buôn bán, nên kêu là tàu, hàng tàu, đồ tàu… Kêu “các chú” là bởi người Minh Hương mà ra; mẹ Annam cha khách, nên nhìn người Tàu là anh em, bằng không thì cũng là người đồng châu với cha mình, nên mới kêu các chú nghĩa là anh em với cha mình. Sau lần lần người ta bắt chước mà kêu bậy làm vậy.

Còn kêu “chệt” là tại tiếng Triều Châu kêu “tầng chệc” nghĩa là chú. Người bên tàu hay giữ phép, cũng như Annam ta, thấy người ta đáng tuổi cậu cô chú bác thì kêu “tầng” là chú là cậu… Người Annam ta nghe kêu vậy vịn theo mà kêu các ảnh là “chệt.” Việc gì lớn nhỏ, đờn bà đờn ông cũng kêu là “các chú”?

Ở miền Nam, có thể nói người Hoa nói chung, đã định cư lâu đời từ thế kỷ 17. Lịch sử ta ghi rõ, năm 1679, Chúa Nguyễn đã cho Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch vô cư trú ở đất Gia Định. Xuyên thì đóng đô ở Cù Lao Phố, Biên Hòa. Còn Địch thì định cư ở Mỹ Tho. Sau đó thì Mạc Cửu lại mở thêm đất Hà Tiên. Những người Hoa đầu tiên này, gốc gác ở Triều Châu ta kêu là người Tiều và Quảng Đông ta kêu là người Quảng.

Người Tiều gốc phần lớn là nông dân nên họ gắn bó với đất đai và nghề nông. Họ khai phá rừng bụi, đầm lầy thành đất thuộc để trồng rau, cải, cây trái và chăn nuôi. Những món nào thuộc về nông sản là của người Tiều. Tỉ như món sương sáo, sữa đậu nành, lạp xưởng, vịt lạp, hủ tíu… gốc là của người Tiều. Còn người Quảng là dân thành thị chuyên nghề buôn bán nên đi đâu họ cũng giữ nghề. Các tiệm chạp phô nay mình kêu là tạp hóa, cao lâu, nhà hàng, tiệm mì… chính hiệu là của anh Quảng.

Xứ Tàu vốn là nước do nhiều quốc gia cổ hợp lại nên người xứ này nói tiếng khác người xứ kia, không thuần nhất như xứ ta [cũng có khác nhưng vẫn hiểu nhau]. Còn người Tàu xứ Quảng nói ông Tiều ứ hiểu! Ngay cả xứ Quảng Đông nói ông Quảng Tây cũng bó tay! Cũng nhờ vậy mà người Việt sau nhiều thế kỷ ở chung lộn với người Tàu cũng biết rằng, “ngộ” tiếng Quảng là tôi, tao thì tiếng Tiều lại là “qua!” Dân miền Tây ở gần với người Tiều nhiều nên mượn luôn chữ “qua” để xưng khi nói chuyện với nhau. Bởi vậy, có câu nói của người miền Tây khiến nhiều người Việt ở vùng khác nghe xong là ngớ người! “Qua nói qua qua mà qua hổng qua. Qua hổng nói qua qua mà qua qua!”. Phải là dân miền Tây chính hiệu hoặc có những mối liên hệ thân thiết mới hiểu. Bằng không thì…!

Chỉ người Việt miền Tây mới rành “quá, lứ, khựi” [tôi, anh, nó]. Còn dân Sài Gòn ở gần người Quảng nhiều thì “ngộ ái nị” [tôi yêu em] sau biến thành câu nói chơi vừa Quảng vừa Việt là “ngộ ái nị, nị ái ngộ, ngộ ái ngại.” Riêng chữ Khựa bị Việt hóa thành chữ Khứa.

Nói chung, chệc hay chệt, các chú, ba tàu đều chỉ về người Hoa sống ở miền Nam Việt Nam. Riêng chữ Tàu thì chỉ chung người Hoa ở quốc nội lẫn các nước khác. 

Đặc điểm của người Hoa là “giấu nghề.” Họ ở Việt Nam hơn 300 năm nhưng cái món mà người Việt ưa thích là “mì, hoành thánh, sủi cảo” chỉ họ bán mới ngon và tiệm mì nào cũng là của người Hoa! Họ cũng hiếm khi tham gia các hoạt động mang tính chính trị mà chỉ lo buôn bán, kinh doanh mà thôi. Bởi vậy, dù Việt Nam, nhất là đất Sài Gòn, trải qua nhiều thay đổi họ đều đứng ngoài. Nếu có thì chỉ giúp bằng tiền chứ  không giúp người! Thành ra dâu biển có thay đổi bao nhiêu thì người Hoa vẫn cứ đứng vững, không suy suyển.

Họ chỉ cho con trai cưới con gái Việt chứ không bao giờ cho con gái Tàu lấy trai Việt! Phải chăng họ sợ con gái đem “bí quyết của gia đình cho bên chồng?” Tất nhiên, đó là ngày xưa. Giờ thì búa xua rồi. Con gái đã ưng không gả là nó cuốn gói đi luôn chứ đâu như thời cha mẹ đặt đâu con ngồi đó!

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights