Cách sống hiệu quả

by Tim Bui
Cách sống hiệu quả

PHƯƠNG DUNG

Một năm mới nữa lại đến! 

Tết là lúc chúng ta hay ngồi tính lại tuổi đời. Ta đã lớn lên (hay già đi) một tuổi. Cuộc sống thật ra rất ngắn ngủi. một người trung bình chỉ sống khoảng 30.000 ngày, nhưng hầu hết chúng ta sống như thể thời gian dài vô hạn. Đúng vậy, 30.000 ngày thoạt nghe tưởng nhiều, nhưng nếu ở tuổi 30, bạn đã đốt hết 11.000 ngày rồi đấy. Nhiều người thường nói tôi sẽ làm việc này, việc kia vào “một ngày nào đó,” nhưng “một ngày nào đó” là một từ rất nguy hiểm. Nó khiến bạn nghĩ rằng bạn còn nhiều thời gian, nên không có gì phải gấp. Nhưng nhiều khi cái ngày nào đó không bao giờ đến.

Nhân dịp Xuân về Tết đến, tôi xin liệt ra một vài phương cách giúp bạn dùng thời gian sao cho thật hiệu quả. Đây không phải là những mẹo chung chung về “cách quản lý thời gian” chúng ta thường thấy, mà là những chiêm nghiệm sâu sắc và cụ thể về cách sống tốt nhất thu thập từ nhiều sách vở cũng như từ kinh nghiệm bản thân của tác giả.   

Nhận thức về thời gian

Thời gian có thể đếm được bằng ngày tháng, nhưng lại là một thứ có khả năng “lừa gạt” tâm lý con người. Làm sao thời gian có thể lừa chúng ta được, bạn tự hỏi? Thời gian tự nó không biết đánh lừa nhưng nhận thức của con người về thời gian khiến một đơn vị thời gian nào đó có vẻ như trôi qua rất nhanh, hay thật chậm. Bạn có nhớ thuở còn nhỏ, mùa Hè dường như kéo dài vô tận? Một ngày có vẻ dài như cả tuần, nhưng bây giờ thì, một tuần lướt qua như gió! Ngay cả một năm mà cũng còn qua cái vèo, huống gì!  

Theo cách giải thích của khoa học thì não của chúng ta đo thời gian bằng cách ghi lại những kinh nghiệm mới. Khi còn nhỏ, mọi thứ đều mới lạ, vì vậy não bạn liên tục ghi lại mọi hoạt động, làm cho thời gian dường như trôi qua chậm hơn. Nhưng khi trưởng thành, hoạt động của ta ngày càng trở nên mờ nhạt—các bữa ăn sáng đều gần giống nhau, con đường đi làm y hệt như mọi ngày, có khi bạn còn làm việc ở nhà trong một khung cảnh quen thuộc, nên lại càng không có gì đặc biệt.  Vì vậy, não bạn không thèm ghi lại những khoảnh khắc này, vì nó chỉ là một ngày bình thường như mọi ngày.  Chúng ta có thể làm cho não được kích thích trở lại bằng cách đến sở bằng những con đường khác nhau, học một kỹ năng mới mỗi tháng, mỗi ngày trò chuyện với một người lạ… Mỗi kinh nghiệm mới buộc não bạn phải chú ý, khiến thời gian dường như dài ra và đầy ắp những điều thú vị.

Đặt ưu tiên cho cuộc sống

Đa số mọi người nhầm lẫn giữa sự bận bịu tối ngày với việc làm những điều mang lại hiệu quả.  Chúng ta lấp đầy ngày bằng những công việc khiến mình túi bụi, gấp gáp nhưng thật ra chẳng mang lại giá trị gì cho đời sống.

Một cách để bạn đánh giá xem một việc làm có cần thiết không là phương pháp các chuyên gia gọi là “kiểm tra giường bệnh.”  Hãy tưởng tượng bạn đang nằm trên giường bệnh ở tuổi 90 và đang nhìn lại cuộc đời. Lúc đó, bạn sẽ thấy có những điều mình cần làm, muốn làm, mà chưa có dịp làm. Bạn sẽ thấy là việc làm thêm một giờ ở sở quan trọng hơn, hay nhớ tiếc những khoảnh khắc vui vầy bên gia đình?  Khi ấy, bỗng nhiên bạn sẽ thấy những việc cần được dành ưu tiên rất rõ phải không?  Khi bạn loay hoay làm thêm những điều vặt vãnh, bạn đang để cho những điều thực sự quan trọng trong đời âm thầm trôi qua, từng ngày một.  Người thành công có một đặc tính chung là biết phân biệt rõ sự khác biệt giữa “cái  không cần làm” và “những gì phải làm.” 

Chúng ta có thể đặt ưu tiên cho mình bằng cách liệt kê những gì phải làm lên một “danh sách hai mục” (phải làm và không cần làm). 

Hai bước để tạo ra “danh sách hai mục” là:

  1. Viết ra mọi thứ bạn muốn đạt được.
  2. Khoanh tròn ba thứ quan trọng nhất.

Mọi thứ không được khoanh tròn trong danh sách trên là những gì “không cần làm.” Việc chỉ dành thì giờ cho những việc ưu tiên có giá trị lớn như “lãi suất kép,” nhưng đây không phải là lãi suất về mặt tài chánh mà về chọn lựa trong cuộc sống. Thời gian bạn đầu tư hàng ngày vào những ưu tiên chính đáng sẽ từ từ sinh lời cho đời mình, và mức lời này sẽ từ từ lớn lên ngày càng nhanh theo thời gian. 

Xét lại các mối quan hệ

Các mối quan hệ cuộc sống (gia đình, bạn bè, tình nhân…) cũng giống như tài khoản ngân hàng. Mỗi tương tác nhỏ với những quan hệ này là một lần nạp tiền hoặc rút tiền. Một lời khen chân thành? Nạp tiền. Một người bạn thường xuyên đi trễ? Rút tiền! 

Cũng giống một tài khoản ngân hàng thực sự, bạn không thể rút tiền bạn chưa gửi vào nhà băng. Nếu bạn từng tự hỏi: “Tại sao họ lại giận? Tôi chỉ nhắn tin khi cần gì đó thôi mà?” thì đây chính là vấn đề.  Hầu hết mọi người tập trung vào những cử chỉ, hành động lớn— như tặng quà đắt tiền, tổ chức các bữa tiệc linh đình —nhưng sự thật thì những “khoản nạp nhỏ” hàng ngày mới thực sự quan trọng. Một tin nhắn hỏi thăm bất ngờ, việc nhớ những chi tiết nhỏ, hay chỉ đơn giản là ở bên cạnh ai đó trong những lúc họ gặp khó khăn là điều vô cùng quý báu.

Điều này nghe có vẻ vớ vẩn nhưng thật ra rất đúng: Chia sẻ đau khổ làm mối quan hệ trở nên mạnh mẽ hơn là chia sẻ niềm vui. Cùng nhau vượt qua khó khăn sẽ tạo ra mối liên kết sâu sắc hơn so với việc chỉ cùng nhau đi chơi. Hãy nhớ lại lần bạn cùng một người bạn đi lạc đường, hoặc khi cùng đối mặt với một biến cố rất khó khăn. Những khoảnh khắc đó gắn kết tình thân hơn bất kỳ bữa tiệc nào! 

Và bạn cũng đừng coi thường những mối quan hệ “yếu”— quan hệ với những người quen sơ hoặc những người bạn không quá thân thiết. Những mối quan hệ này chính là cầu nối cho những cơ hội, ý tưởng và quan điểm mới. Các mối quan hệ “mạnh” (như quan hệ gia đình, bạn thân) sẽ giúp bạn cảm thấy an toàn, nhưng các mối quan hệ “yếu” lại giúp bạn phát triển đầu óc.  

Sự nghiệp và mục đích sống

Cơ hội mang đến cho bạn sự nghiệp tốt nhất thường không nằm ở chỗ bạn nghĩ—nó thật ra nằm bên ngoài vùng an toàn của bạn.  Vùng mới lạ là nơi cho bạn cơ hội học hỏi những kiến thức mới để mở rộng sự nghiệp.  Các bạn trẻ thường quá chú trọng đến việc làm có lương cao. Nhưng ở tuổi 20 và đầu 30, bạn nên tối ưu hóa sự học hỏi hơn. Mỗi kỹ năng mới bạn học được sẽ là một vé số lớn cho cơ hội trong tương lai. Tiền bạc luôn luôn đi theo sau kiến thức. 

Bạn cũng nên quên cái gọi là “nấc thang sự nghiệp” đi—nó không chỉ là con đường mòn mà còn có thể là một cái bẫy khiến bạn mất đi khả năng sáng tạo.  Sự nghiệp thời nay giống như “jungle gyms” (sân chơi leo trèo cho trẻ em). Bạn nên di chuyển ngang, dọc, chéo, thậm chí đôi khi đi lùi. Nhưng mỗi bước đi này đều giúp bạn gầy dựng một tổ hợp kỹ năng độc đáo, biến bạn thành một người không thể thay thế được. 

Về mặt khác, bạn có thể nghĩ rằng “công việc tôi đang có rất thoải mái,” nhưng sự thoải mái đó chính là cát lún trong sự nghiệp. Càng ở lâu trong một vai trò mà bạn đã làm từ năm này qua năm khác, bạn càng khó rời đi.  Vậy phải làm sao? Hãy sử dụng phương pháp “trì hoãn có mục đích” bằng cách dùng thời gian đang làm công việc “thoải mái” (tức có nhiều thì giờ rảnh) vào việc học thứ gì đó mới có lợi cho tương lai. Những dự án mà bạn làm trong lúc trì hoãn việc đổi job thường cho thấy niềm đam mê thực sự của bạn.  

Và cuối cùng, đừng sợ những bước đi khác người. Sáng tạo và can đảm chính là phương cách giúp bạn tìm thấy vai trò phù hợp nhất với mình.

Sức khỏe và sức sống

Sức khỏe không chỉ đơn thuần giúp ta sống lâu hơn; nó là nhân tố gia tăng năng lượng và sức sống của bạn. Hiển nhiên mọi khía cạnh trong cuộc sống – sự nghiệp, mối quan hệ, mơ ước – đều được cải thiện hoặc bị kém đi tùy theo sức khỏe. Vậy bạn muốn có tám tiếng tràn đầy năng lượng hay 12 tiếng mệt mỏi kiệt sức?

Thế nên, năng lượng quan trọng hơn thời gian bạn có được. Người nào hay nói “tôi sẽ ngủ, khi tôi chết” là có cách suy nghĩ chưa đúng! Giấc ngủ không chỉ là sự nghỉ ngơi cho cơ thể; mà nó còn tạo siêu năng lực cho não bộ của bạn. Khi không ngủ đủ, đầu óc bạn sẽ lờ đờ không tỉnh táo, khả năng quyết định sẽ tệ như khi say rượu. Bạn muốn thăng chức, muốn xây dựng mối quan hệ nào đó? Tất cả đều phụ thuộc vào bộ não khi nó hoạt động tốt nhất.

Tập thể dục là một trong những thứ sẽ giúp bạn có sức khỏe tốt, nhưng nhiều người không làm vì công việc hằng ngày quá bận rộn.  Vậy tôi mách bạn cách này nhé? Tập thể dục ngắn hạn nhiều lần trong ngày cũng có lợi ích như tập thể dục dài một lần trong ngày. Mười cái hít đất ở đây, vài lần đi bộ ngắn mười phút ở kia, hoặc năm phút yoga giãn mình, lập đi lập lại trong ngày, cũng làm bạn khỏe không kém. 

Bạn hãy nhớ điều này: vận động cơ thể sẽ làm sáng tỏ tâm trí. Bị bí ý tưởng à? Hãy đứng lên đi qua đi lại hoặc ra ngoài làm vườn vài phút. Giải pháp sẽ đến với bạn. Cuối cùng, hãy nhớ rằng: sức khỏe là nền tảng của mọi thứ. Nó giúp bạn không chỉ sống lâu hơn mà còn sống tốt hơn.

Học hỏi và phát triển khả năng

Bạn muốn học nhanh hơn? Hãy dạy lại cho người khác. Điều này được gọi là “hiệu ứng giáo viên.” Việc giải thích một điều buộc não bạn phải hiểu điều đó sâu sắc hơn. Bạn đang nghĩ “nhưng tôi chưa sẵn sàng để dạy!” Khi nghĩ như vậy chính là lý do tại sao bạn nên dạy. Khi phải giải thích một ý tưởng hay một công việc gì mới cho người khác, bạn sẽ tự nhiên phải tìm hiểu rõ về vấn đề đó trước đã!

Một mẹo học nhanh là đọc tiểu sử của người khác. Tại sao? Mỗi cuốn tiểu sử cho bạn kinh nghiệm đời của một người tài hay đã vượt qua được khó khăn vượt bực chỉ trong vài giờ. Bạn muốn tránh những sai lầm phổ biến? Hãy học từ những người đã từng mắc phải những lỗi lầm đó.

Bạn cũng có thể cố tình để cho mình dở một số thứ.  Đó gọi là chủ nghĩa nghiệp dư có chiến lược. Nó giữ cho não bạn không bị quá tải, nhờ đó luôn linh hoạt, và giữ cho cái tôi của bạn không quá kiêu căng.  Ngoài ra, bạn đừng coi thường sự giới hạn. Chúng không phải là kẻ thù, ngược lại còn có thể là nguồn siêu năng lực của bạn. Thiếu thời gian, thiếu tiền, thiếu tài nguyên? Tốt! Những sự giới hạn này buộc bạn phải sáng tạo.  

Cuối cùng thì, một kỹ năng vô giá mà ít ai nói đến là biết khi nào thì nên bỏ cuộc. Từ bỏ một việc gì đó một cách chiến lược không phải là sự thất bại; nó tạo sự rảnh rỗi cho những cơ hội tốt hơn.  Hãy nhanh chóng từ bỏ những gì không giúp cho sự phát triển của bạn.

Sức sáng tạo

Sáng tạo không phải là ngồi chờ cảm hứng. Nó hoạt động giống như một vòi nước. Lúc bạn mở vòi lâu rồi không dùng, nước rỉ sét chảy ra trước—đó là những ý tưởng chưa hay. Nhưng bạn cần có những ý tưởng kém hay đó để dọn đường cho những ý tưởng tốt.  Nhiều người hay nói “Tôi đang chờ ý tưởng hoàn hảo đến,” nhưng điều đó giống như chờ nước sạch chảy ra mà không mở vòi. Bạn phải đẩy qua lớp rỉ sét trước mới có được ước trong. 

Và đây là một nghịch lý: sáng tạo thích sự hạn chế. Cho ai đó một danh sách lựa chọn không giới hạn—họ sẽ “đóng băng” không biết chọn cái gì. Khi chỉ có một vài lựa chọn họ lại trở nên sáng tạo. Shakespeare đã viết trong khuôn khổ vần điệu nghiêm ngặt. Những giới hạn đó buộc ông phải sáng tạo.  

Hầu hết mọi người tìm cách sáng tạo và cùng một lúc đánh giá những sáng tạo đó. Điều này giống như cố lái xe với một chân đạp ga và một chân đạp phanh. Hãy nghĩ ra giải pháp trước, rồi đánh giá sau.  Ghi xuống mọi thứ bạn đã nghĩ ra.  Não của chúng ta giống như một cơ bắp sáng tạo – nó cần nhìn thấy tiến trình của mình để phát triển mạnh mẽ hơn. Những nỗ lực ngớ ngẩn của bạn ngày xưa là bằng chứng cho sự phát triển của bạn bây giờ.

Năng lượng cá nhân

Năng lượng là tài sản quý giá nhất của con người. Quản lý thời gian sẽ vô ích nếu ta  không quản lý được năng lượng. Bạn không thể làm việc tốt nếu đang kiệt sức. Nhưng đây là vấn đề: hầu hết mọi người không bao giờ xét xem họ đang tiêu xài năng lượng như thế nào. Họ không nhận ra rằng một số hoạt động tiếp thêm năng lượng, trong khi những hoạt động khác hút cạn năng lượng. Buổi sáng đi dạo? Cộng thêm năng lượng. Mối quan hệ độc hại? Hao tổn năng lượng.

Bạn nghĩ mình cần phải có thêm ý chí? Chưa chắc. Ý chí giống như một cơ bắp—nó mệt mỏi khi bị lạm dụng. Người thông minh không dựa vào ý chí. Họ thiết kế môi trường sống để các lựa chọn tốt tự động xảy ra.  Chẳng hạn nếu bạn không muốn ăn đồ ngọt mà nhà có đầy kẹo bánh, thì thể nào bạn cũng sẽ ăn những thứ đó.  Thành ra thay vì tự nhủ mình phải mạnh mẽ lên, thì nên loại bỏ kẹo bánh quanh mình.

Bạn có nghe nói đến khái niệm mệt mỏi vì quyết định? Mỗi quyết định lớn nhỏ như mặc gì, ăn gì, khi nào tập thể dục v.v… đều khiến bạn hao tổn năng lượng. Đó là lý do tại sao những người thành công thường ăn mặc rất đơn giản. Đó là vì họ muốn để dành năng lượng cho những quyết định quan trọng hơn.  Đây là một mẹo năng lượng ngược đời: cố tình không giỏi ở những việc không quan trọng. Vì khi bạn dở ở một số việc, người khác sẽ không nhờ bạn làm những việc đó, và năng lượng của bạn sẽ được bảo toàn cho những gì bạn làm tốt nhất. Và hãy nhớ điều này: nghỉ ngơi không phải là lãng phí thời gian. Đó là cách chúng ta nhân giá trị của thời gian lên nhiều lần.Kết luận
Mục đích cuộc sống không phải là tìm thêm giờ mà là làm cho thời gian bạn đang có trở nên ý nghĩa hơn.  Những phương pháp trên, từ nhận thức về thời gian đến xây dựng mối quan hệ, từ quản lý năng lượng đến thiết kế cuộc sống… cần xảy ra cùng một lúc để giúp bạn có một cuộc sống hiệu quả hơn.  Hãy nhớ: thời gian sẽ trôi qua dù bạn dùng nó một cách khôn ngoan hay lãng phí.  Thói quen tốt sẽ tạo ra một ngày tốt. Ngày tốt trở thành tháng, năm tốt. Và năm tốt trở thành một cuộc đời tốt, hay ít nhất là tốt hơn.

Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ.  Chọn một ý tưởng mà bạn thích nhất, và thử nghiệm nó, cải thiện nó, biến nó thành thói quen tốt mới. 

Thời điểm tốt nhất để cải thiện đời sống không phải là “một ngày nào đó” mà chính là bây giờ! NOW!

Chúc bạn một năm mới tốt đẹp và tràn đầy sức sống!

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights