Cảm nghĩ rời, cuối năm

by Tim Bui
Cảm nghĩ rời, cuối năm

YẾN TUYẾT

Một ngày trong thời gian ngắn ngủi còn lại của năm 2023, tôi ngồi trên chuyến xe lửa từ San Diego trở về quận Cam nhìn mưa rơi bên ngoài cửa sổ. Trên những bãi biển mang màu khói sương chạy dài theo đường đi, từng đàn chim hải âu bay lượn, vẽ nên một bức tranh mơ màng.

Về đến nhà đi ra thăm vườn, cây trà hoa nữ đã nở ra vài nụ hoa đầu tiên màu đỏ thắm, đẹp nhưng hơi rũ rượi vì ướt mưa. Hình như những cơn mưa cuối năm đang rơi xuống giúp chúng ta gột rửa những lo âu của đời sống và tiễn đưa năm cũ, đón chào năm mới với những hy vọng bạn ạ. 

Dù sao, chúng ta nên cảm tạ Thượng Đế đã giúp mình trong những ngày mưa bão, dù trẻ hay già, được ở trong căn nhà ấm áp với cái lò sưởi đốt củi hay chạy bằng gas. Hay khi lái xe thì cũng được khô ráo và ấm áp vì có máy heat. Và như thế, mùa Đông dù có lạnh lẽo đến đâu đi nữa, bạn cũng không cần phải lo âu vì rét mướt như những người homeless tội nghiệp, đứng hay ngồi co ro bên lề đường trong cái lạnh buốt giá của những ngày mưa.

Tôi nghĩ đến và lo rằng những nhà tạm trú do các cơ quan nhân đạo phụ trách, vì ảnh hưởng của nền kinh tế không sáng sủa sau Covid, khiến dịch vụ xã hội bị cắt giảm và người hảo tâm hiếm đi, khiến những cơ quan này không thể mở cửa hoạt động để cung cấp cho những người không nhà một nơi chốn nghỉ chân khô ráo và ấm áp, trong một mùa Đông sẽ còn kéo dài nhiều tháng nữa?

Những ngày cuối năm tôi hay có những mảnh tâm tư rời rạc như thế, nhưng năm nay cảm nghĩ có vẻ buồn hơn, với những ý nghĩ miên man về Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, và lòng thương tiếc một tu sĩ tài hoa và uyên bác, đóng góp công sức của mình cho không những cho Phật Giáo Việt Nam mà còn cho văn hóa Việt qua những công trình dịch thuật, nghiên cứu đồ sộ và công phu, để lại những pho sách quý giá cho ngàn sau. Ngài đã làm việc không ngưng nghỉ với lòng bi, trí, dũng của Phật giáo cho đến hơi thở cuối cùng dù bị Cộng sản đày đọa, giam cầm trong tình trạng sức khỏe yếu kém. Cho dù biết sinh, lão, bênh, tử là con đường ai cũng phải trải qua nhưng tiếc thương thì vẫn tiếc thương.

Vì ba me tôi là những Phật tử thuận thành nên khi ở Saigon hay đi chùa Già Lam nên tôi đã được gặp thầy Tuệ Sỹ khi thầy tu học ở đó. Đến khi theo học báo chí ở Đại Học Vạn Hạnh từ 1969-1974 và thuộc phân khoa Khoa học Nhân văn, tôi chỉ có chút nhân duyên được biết đến Thầy Tuệ Sỹ qua những lời kể lại của bạn bè học phân khoa Phật học về sự thông minh đặc biệt qua nỗ lực học hỏi, nghiên cứu, dịch thuật và tự học cũng như thông thuộc nhiều ngoại ngữ của Thầy.

Bên cạnh việc tìm đọc được những bài viết và thơ Thầy Tuệ Sỹ sáng tác, tôi cũng ngạc nhiên khi biết được Thầy còn là một nghệ sĩ có thể chơi đàn piano và đàn guitar nữa qua phương pháp tự học.

Bài thơ “Khung trời cũ” được nhiều người biết đến của Thầy Tuệ Sỹ có những câu như:

“Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa Đông mai mùa Hạ buồn chăng
Đếm tóc bạn tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Giờ ngó lại bốn bức tường ủ rũ
Suối rừng xa ngược nước xuôi ngàn

Tôi từng được nhìn thấy Thầy Tuệ Sỹ với dáng người mảnh khảnh nhỏ bé, trong chiếc áo màu lam giản dị, di chuyển nhẹ nhàng trong sân trường Vạn Hạnh khi đi đến dạy học. Đôi mắt Thầy to đen với cái nhìn thăm thẳm mà độ lượng, và nụ cười hiền lành của vị tì kheo còn rất trẻ ấy luôn để lại trong lòng tôi một hình ảnh từ bi hiếm có.

Nhớ lại những năm tháng còn làm sinh viên ấy, tôi nghĩ mình may mắn còn có được những vị Thầy nổi tiếng như Phạm Công Thiện, như Doãn Quốc Sỹ, như Phạm Kim Vinh giảng dạy.

Cũng vào một ngày cuối năm 2023, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn đã giã từ cõi tạm, để lại bao thương tiếc cho những người ái mộ ông, được sống ở miền Nam Việt Nam trước chiến tranh và đã có cùng chung kỷ niệm.

Bên cạnh những tác phẩm văn chương bao gồm truyện ngắn, truyên dài và những bài thơ, bản nhạc hay và dễ thương được ông sáng tác hoặc viết lời như  “Tình Khúc Thứ Nhất”  và “Em đến thăm anh đêm 30” của nhạc sĩ Vũ Thành An, mãi mãi, trong trí nhớ của những người say mê chương trình Nhạc Chủ Đề của Nguyễn Đình Toàn trên Đài Phát Thanh Saigon vào mỗi tối thứ năm, là cái giọng Bắc rất Hà Nội truyền cảm, êm ái và nhẹ nhàng khi giới thiệu những bản nhạc tiền chiến với lời dẫn, đầy chữ dùng chọn lọc và lãng mạn của riêng ông.

Bên cạnh việc “mê” chương trình Nhạc Chủ Đề của Nguyễn Đình Toàn như hàng ngàn nam nữ khán giả miền Nam hồi đó, tôi may mắn được gặp mặt và trở thành đồng nghiệp của anh Nguyễn Đình Toàn, một người đàn anh hiền lành và tài hoa mà cả hai vợ chồng tôi quý trọng ở Đài Phát Thanh Quân Đội, nơi tôi từng làm Biên Tập Viên tin tức, và ở Đài Phát Thanh Saigon với vai trò Phóng viên tin tức từ năm 1971-1975.

Anh Nguyễn Đình Toàn từng phụ trách chương trình Nghệ Sĩ với Chiến sĩ ở Đài Phát Thanh Quân Đội nằm ở số 2 Bis Hồng Thập Tự, cũng là nơi người bạn đời của anh là chị Thu Hồng làm xướng ngôn viên.

Còn ở Đài Phát Thanh Saigon thì anh Nguyễn Đình Toàn giữ mục Nhạc Chủ Đề từ trước khi tôi đến làm việc ở đó.
Năm 2017, khi tôi cùng các bạn cũ đứng ra tổ chức Buổi Hội Ngộ đầu tiên ở hải ngoại của các cựu nhân viên Đài Phát Thanh Quân Đội, anh Nguyễn Đình Toàn có đến tham dự và chia sẻ những lời cảm động đầy kỷ niệm với Đài Phát Thanh Quân Đội.
Đến năm 2019 thì sức khỏe anh bắt đầu yếu nhiều nên anh không đến gặp chúng tôi lần họp mặt thứ hai.

Một trong một nhạc phẩm do Nguyễn Đình Toàn sáng tác được nhiều người yêu thích có tên “Căn Nhà Xưa”, xin được trích dưới đây để chúng ta nhớ về căn nhà xưa, của chính mình, ở một nơi nào đó trên quê hương yêu dấu.

 Em có nhớ căn nhà xưa bên khu vườn cải
Nơi những sớm mai nằm nghe
Nắng giòn trên mái
Ở đó có những lũ sên bò quanh
Những vết nứt rêu tường xanh
Có giếng nước soi trời trong
Ở đó có lá cuốn dây ngoài song
Có gió mát đêm bình yên
Có những tiếng chuông gần lắm
Pha hòa tiếng cầu kinh
Ngân nga qua sân giáo đường
Từng ngày nghe đã quen
Ở đó có những tháng năm buồn tênh
Khốn khó quyết nuôi tình duyên
Đã trốn thoát qua nhiều phen
Ở đó ngó thấy nghĩa trang kề bên
Có tiếng khóc hơi đèn nhang
Có những sớm em tìm đến
Với những đóa hồng khép nép giữa vòng tay ôm
Nghe sau lưng em có chiếc lá mừng”
Đã đổi màu xanh lấy hương nồng’.
Một năm mới sẽ bắt đầu rồi bạn nhỉ.

Bạn có dự định gì cho những ngày sắp tới hay chưa?

Có thể bạn đã chuẩn bị xong một vài thay đổi cho đời sống? Có lẽ bạn sẽ đi du lịch ở một nơi không phải Việt Nam. Sẽ nghỉ hưu sớm vì mất việc, hay vì chán làm việc và tiền cất trong nhà băng đã đủ xài cho những ngày về già. Sẽ tiếp tục đi cày và mừng vì mình có việc làm. Sẽ đi học trở lại dù già hơn một tuổi. Sẽ vui vẻ hơn vì tại sao phải buồn?

Sẽ bớt phung phí vì có quá nhiều người nghèo không đủ ăn, đủ mặc. Sẽ bớt ích kỷ và dễ tính hơn nếu không muốn bị cô đơn. Sẽ biết tha thứ để tâm hồn được nhẹ nhàng. Sẽ giã từ lòng hận thù để sống hiền lương. Sẽ biết ngượng ngùng vì đã tham lam, kiêu căng và quá thiển cận…

Và chúng ta sẽ tiếp tục yêu người và yêu đời, vì cuộc đời thật ra vẫn có nhiều điều đẹp đẽ và những người tốt (bên cạnh vài điều xấu xa và một số người dễ ghét), phải không bạn?

Bạn có muốn cùng tôi thử tìm hiểu xem điều gì sẽ chờ đón chúng ta trong thời gian sắp tới của năm mới không?

Chuyện đầu tiên đáng nói của năm 2024 mà ai cũng biết là  nước Mỹ mà chúng ta đang nhận làm quê hương thứ hai- vì đã trở thành công dân Mỹ để “đóng thuế hay nhận trợ cấp xã hội”,  sẽ có thể có một cuộc chạy đua vào Nhà trắng của hai ông già trên dưới  80 tuổi, trong khi nước Mỹ vẫn luôn tự hào là trẻ trung và cấp tiến nhất thế giới.

Tôi thấy làm Tổng Thống Hoa Kỳ nhức đầu thấy mồ vì phải đối diện với những vấn nạn kinh khủng “hằm bà lằng” từ chính trị, kinh tế đến xã hội, di dân.v.v…

Tin tức cho thấy người Mỹ, và ngay cả một số không nhỏ người Việt chúng ta, gần đây sống trong chia rẽ hơn là đoàn kết. Họ nghi ngờ lẫn nhau dưa trên những nguồn thông tin không đúng sự thật đang làm chủ đời sống của chính mình một cách vô tình hay cố ý. Nước Mỹ lại còn gián tiếp tham dự vào hai cuộc chiến thảm khốc đang diễn ra giữa Ukraine với Nga, rồi Israel với Palestine nên thật là khổ cho bất cứ ai làm lãnh đạo.

Ngày nào con người còn mang lòng thù hận, còn muốn thực hiện những tham vọng cá nhân hay tập thể, còn mù lòa với lòng cuồng tín, nền hòa bình của thế giới sẽ chỉ là mơ ước ngoài tầm tay với.

Mỗi khi một năm mới bắt đầu, tôi luôn cầu nguyện và hy vọng nơi “chôn nhau cắt rốn” Việt Nam của mình sẽ là một đất nước tự do và người dân sẽ được no ấm.

Tôi mong chờ được chứng kiến những thay đổi ở Việt Nam hy vọng rằng chính dân chúng trong nước sẽ tạo nên những thay đổi đó vì hàng ngày họ phải sống trong sự bất công, sự chênh lệch giữa giàu và nghèo, giữa văn minh và lạc hậu, giữa dân chủ và độc tài…

Tuy nhiện, khi nhìn thấy đời mình sắp xế và đã gần nửa thế kỷ trôi qua từ ngày đất nước hòa bình đến nay thế mà chế độ hiện nay vẫn tồn tại và vững mạnh khiến tôi không còn muốn hy vọng thêm nữa.

Cuối cùng, tôi đành chỉ nhìn lại đời sống riêng và bình thường của mình để vẽ ra những điều sẽ làm khi đón chào năm mới mà thôi.

Mặc dù biết mình già hơn một tuổi, tôi không hề thấy buồn vì “nhan sắc vốn đã chẳng có bao nhiêu mà lại tàn phai theo năm tháng”. Tôi chấp nhận sự lão hóa về thể lý khi nhìn thấy các vết nhăn trên mặt và tóc càng ngày càng bạc và thưa thớt.

Thế nhưng, tôi sẽ không để tâm hồn và trí tuệ của mình già nua và cổ hủ với những định kiến. Tôi sẽ luôn luôn tìm tòi và học hỏi những điều mới lạ cho dù đó chỉ là cách nấu một món ăn mới, một lối trang trí nhà cửa mới, hay đôi khi chỉ học hỏi thêm về một cách cư xử đẹp hơn giữa người với người… 

Trẻ thì còn thời gian để làm lại cuộc đời nên mắc mớ gì mà tiếc nuối chứ? Còn già thì không còn thời gian, mà cũng không còn sức khỏe để thay đổi nữa, thì tại sao lại tiếc nuối để bị xuống tinh thần quá độ.

Tôi nghĩ khi mình già thì chấp nhận ra đi vì bệnh tật về thể xác chứ đừng từ giã cõi đời vì buồn quá, vì tiếc nuối nhiều điều quá! Mà đôi khi buồn hoài, bên cạnh bệnh trầm cảm, còn có thể đưa đến các chứng bệnh về thể lý như nhức đầu, đau gan, đau bao tử…nữa (các nhà tâm lý và y tế nói như thế)!

Tôi cũng đọc được lời đề nghị hay ho của một nhà tâm lý nhắc nhở tôi về lẽ sống và muốn được chia sẻ với bạn đọc: “khi tiếc nuối, chúng ta hay tưởng tượng và ao ước đời chúng ta được tốt đẹp hơn, thay vì thế, tại sao không nghĩ là đời chúng ta còn có thể tệ hơn nữa?”

Cho nên, chúng ta nên bằng lòng với những gì mình có được, dù ít hay nhiều, dù giàu có hay đủ ăn, đủ mặc, dù buồn hay vui, phải không bạn?

Tôi cũng tìm thấy qua sách báo, hay may mắn được gặp gỡ nhiều người với những tâm hồn đẹp, mà ý chí mạnh mẽ của họ giúp họ vượn lên từ nghịch cảnh đau thương, hoàn cảnh khốn khó để tiếp tục giúp đỡ chính mình và tha nhân.

Những người này dù nổi tiếng hay không, luôn là tấm gương sáng cho chúng ta cố gắng hơn nữa.

Tôi luôn theo dõi câu chuyện của chàng thanh niên người Úc, 41 tuổi tên Nick Vujicic với lòng quý mến. Nick sinh ra đời không có hai tay lẫn hai chân.

Vậy mà anh đã phấn đấu và biến những mất mát về thể chất của mình thành những hoạt động đặc biệt và hữu ích, giúp mình có một đời sống ý nghĩa như những người bình thường khác.

Nick đi diễn thuyết nhiều nơi trên thế giới về nỗ lực vượt thắng số phận với tinh thần lạc quan hiếm có của mình qua những sinh hoạt thể thao như bơi lội, khuyến khích người bất hạnh cố gắng học hỏi mọi điều trong khả năng của mình với sự giúp đỡ của cộng đồng và gia đình.

Nick đã được một người con gái yêu và sau đó trở thành vợ anh. Họ có được 4 đứa con đẹp đẽ và lành mạnh.

Nick là một trường hợp hiếm có về sự can đảm và ý chí vượt thắng số phận hẩm hiu để có một đời sống ý nghĩa và trở thành tấm gương cho hàng ngàn người trên thế giới ngưỡng phục và noi theo.

Thật là một điều đáng suy gẫm trong những ngày cuối năm phải không quý vị?

Rất mong năm 2024 sẽ đem lại hạnh phúc và may mắn cho độc giả của tạp chí Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi.

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights