TRẦN NHẬT VY
Ông Cao Văn Chánh bút danh Cao Chánh, Thạch Lan, sinh năm 1903, là con của ông Cao Văn Nhiêu và là em của bà Nguyễn Đức Nhuận, nhũ danh Cao Thị Khanh. Qua tổng hợp nhiều tài liệu, tiểu sử của ông chúng tôi chỉ biết được đến vậy.
Không rõ sự học hành của ông ra sao, song có thể nói ông là một trong những người tuổi trẻ tài cao thuở ấy. Theo Ai tín trên Phụ Nữ Tân Văn số 192 ra ngày 23/3/1933 về ông Cao Văn Nhiêu mất, có ghi nhận về ông Nhiêu “Ông cụ vốn sanh nhằm nhà đủ ăn và lúc nhỏ đã từng chịu khó dụng công về hán học. Đến sau, nhơn thấy thời cuộc biến thiên, sự học chữ Tây mỗi lúc một trở nên cần thiết, khi đó ông cụ tuy tuổi đã trọng rồi, song cũng không ngả lòng nản chí, bèn cố gắng xoay mà theo đuổi về Tây học cho kịp thời.
Cái đời của ông cụ thật là một cái đời cần kiệm, một cái đời mực thước, về cách làm lụng cũng như sự tiêu xài, chẳng cứ lúc nào cũng là có chừng có mực, chẳng hề đổi dời sai chạy một tí một ly. Bởi vậy nên tuy là không giàu, mà cả đời cụ chẳng có mấy khi để đến nỗi phải túng hụt. Vả lại, con cái tuy đông mà người nào cũng có cho học hành kịp thời kịp chúng cả…”.
Ai tín này không nói đến quê quán thì rất có thể ông là người Sài Gòn. Và Phú Nhuận là một vùng đất người Việt cư trú lâu đời, nên rất có thể gia đình ông Cao Chánh đã cư ngụ ở đất này nhiều đời.
Cao Chánh bước vào nghề báo năm 18 tuổi với chức danh “chủ bút Công Luận Báo,” một trong những tờ nhật báo lớn ở Nam Kỳ. Cuối tháng Tám năm 1921, ông xuất hiện trên Công Luận báo với loạt bài Thanh niên Việt Nam, kêu gọi thanh niên phải cố gắng học hành, tương tự như chủ trương của ông Huỳnh Thúc Kháng, ông Nguyễn An Ninh. Loạt bài đăng ở cột 1 trang 1, chỗ thường dành cho chủ bút viết những bài xã luận, những bài “đinh” của tờ báo. Được biết, thời điểm này, ông Lê Sum, chủ bút Công Luận Báo đang bị bệnh nặng. Đến cuối tháng Ba năm 1922 thì tên CC, Cao Chánh hoặc Cao Văn Chánh xuất hiện trên măng sét sau chữ chủ bút.
Nên nhớ rằng, chủ bút một tờ báo vào những thập niên đầu thế kỷ 20 đòi hỏi nhiều kỹ năng và khả năng. Chủ bút phải là người quảng giao, có nhiều mối liên hệ với chính quyền và các giới. Phải thông thạo chữ quốc ngữ, chữ Pháp và chữ Hán. Phải có khả năng viết tốt nhiều vấn đề từ chính trị đến dân sinh…
Khi chính thức ngồi ghế chủ bút một tờ nhật báo, ông Cao Chánh mới 19 tuổi, cái tuổi còn đang phải học hành, tích góp kiến thức và kinh nghiệm sống. Thậm chí trong việc liên hệ với các giới, nhất là chính quyền, cũng không mấy dễ dàng vì ông quá trẻ! Song có thể do ông có cách nhìn mới về tình trạng đất nước, dấn thân vào việc kêu gọi thanh niên phải “thức tỉnh,” khi ấy đang là một phong trào nóng, nên có nhiều người ủng hộ chăng?
Trong bài “nhậm chức chủ bút” trên Công Luận Báo ngày 31/3/1922, ông viết rõ chủ trương của mình. “Tôi viết giúp báo Công Luận mấy tháng nay, được lòng hạ cố của các ngài, tình yêu thương của các ngài đã nhiều lần được nhận, khiến cho mình cầm niệm biết là bao. Nay ông tổng lý báo này tưởng lệ đến tôi mà muốn từ nay giao bút quyền, để cho tôi chăm nom trong tòa soạn, vậy tôi xin có mấy lời cáo tỏ với các ngài…
1.Tập luyện quốc văn, chấn hưng văn Nam Kỳ
2.Cổ động các lý tưởng hay
3.Nghị luận các việc lớn xảy ra trong thế giới
4.Dịch thuật sách hay
Với chủ trương như vậy, các bài viết của Cao Chánh có khuynh hướng thiên về chính trị, kêu gọi thanh niên “tỉnh dậy”… khiến chính quyền và cả chủ báo người Pháp là ông Heloury cũng không an tâm! Vì vậy, đến cuối năm 1922, Cao Chánh phải “trả lại ghế chủ bút” cho ông Lê Sum. Trong cáo bạch số Công Luận Báo ra ngày 7/11/1922 viết “M. Cao Chánh, chủ bút tệ báo, nhơn vì mắc đa đoan việc nhà, buộc mình phải gát bút Công Luận mà tạm biệt chư khán quan. Việc bất ngờ ấy bổn báo lấy làm tiếc…”
Đó là những lời đăng trên báo. Thực tế có lẽ khác nhưng không được viết ra!
Sau sự kiện ấy, ông Cao Chánh viết cho mấy tờ báo tiếng Pháp. Thời ấy, báo bằng tiếng Pháp ở Sài Gòn khá nhiều và được hưởng “quy chế” của Luật 1881, nghĩa là “ra báo không cần phải xin phép nhà cầm quyền, bài viết không bị kiểm duyệt.” Tới năm 1926, có lẽ thấy nghề viết báo không thể giàu bằng nghề làm chủ báo nên ông quyết định cùng bạn bè ra tờ báo tiếng Pháp là Tân Thế Kỷ. Tờ báo ra đời vào tháng 11 năm 1926 và bị đóng cửa vào tháng Tư năm 1927 vì “chống chính quyền” lúc bấy giờ. Báo do Cao Chánh làm chủ nhiệm, Bửu Đình làm chủ bút. Còn trợ bút thì có nhiều người, trong đó có Đồng Sĩ Bình, Trần Thiếu Du… đều là những người yêu nước, có tâm huyết với việc có một quốc gia độc lập!
Theo cuốn Trời thẩm đất dày của ông Cao Chánh do Tòng Thơ xuất bản năm 1928 về vụ án ở Bình Định bắt và xử hai ông trợ bút của báo Tân Thế Kỷ là Đồng Sĩ Bình và Trần Thiếu Du về tội “tuyên truyền cách mạng, tuyên truyền cho cộng sản.”
Trong lời tựa cuốn sách, Cao Chánh viết rõ “đây là vụ án oan” nhưng quan lại Trung Kỳ, cụ thể là Bình Định, đã “dùng áo mão vua làm bùa mê dân, lấy quyền tước quan làm phương thù người.”
Tóm tắt vụ án như sau: Hai ông phụ bút của báo Tân Thế Kỷ người Bình Định, là Tam Hà Trần Thiếu Du và Minh Phụng Đồng Sĩ Bình đã bị quan lại địa phương bắt và xử chín năm tù về tội tuyên truyền cho cọng sản [xin lưu ý người xưa viết chữ cọng không có dấu ^]. Nguyên nhân sâu xa là hai ông đã từng viết bài “công kích thói tham ô của quan lại” ở địa phương này và từng diễn thuyết ở huyện Bình Sơn kêu gọi dân chúng làm “cách mạng,” viếng cụ Phan Bội Châu, viếng mộ phần Mai Xuân Thưởng… Trần Thiếu Du, nguyên là giáo viên, cộng tác với báo Tân Thế Kỷ, sau khi bài báo của ông xuất bản, đã bị địa phương bắt. Không chỉ mình ông bị bắt mà cả nhà ông gồm “cha mẹ, anh em, chị em lẫn cả tớ trai tớ gái” đều bị bắt. Còn ông Đồng Sĩ Bình, cựu thông phán, đã vô Sài Gòn viết báo, khi về Huế để tang cha mất, “đương khóc cha ở trước linh cửu, gậy rơm, mũ bạc tình hình thiệt là thảm thê, thời lũ sai nha đã đến nơi áp điệu ông trong một cái trạc, khiêng ông suốt chín kilometre dài.”
Hiện nay, chúng tôi chưa tìm được tiểu sử ông Trần Thiếu Du, chỉ biết ông là một nhà cách mạng và là em rể của Đồng Sĩ Bình.
(còn tiếp)