BẮC KỲ DI CƯ
Bữa hổm, gặp Thầy Tư đang nhậu một mình ở một tiệm ăn gần khu Little Sài Gòn, tui bèn xà xuống, hỏi thăm:
-Chà, bữa nay thầy Tư có vẻ chịu chơi dữ a! Mọi ngày đâu có thấy thầy Tư đi nhậu một mình bao giờ! Hôm nay có chuyện chi dzui dzẻ lắm sao?
Thầy Tư nhếch môi:
-Dzui cái gì mà dzui! Tao lâu lâu lười biếng, đi ăn ở ngoài cho đỡ phải nấu nướng. Hôm nay bả hơi mệt, nên tao để cho bả nghỉ xả hơi.
-Vậy thầy Tư thường ăn ở tiệm nào? Thầy thấy tiệm nào ngon nhất?
-Tao thấy đa số đều ăn ngon hết sẩy, nhưng có điều tao vẫn chưa hài lòng với một số ít tiệm.
Thấy đề tài hấp dẫn, tôi làm tới:
-Thầy thấy sao? Tiệm nào ngon? Tiệm nào dở?
-Mày xúi tao đi vào chỗ chết, sao mày? Tao hổng dám nói tên tiệm, nhưng tao chỉ nói chung chung thôi.
-Ừa thì nói chung chung…
-Thiệt ra, Little Sài Gòn là chỗ lý tưởng để ăn nhậu. Vì ở đây là địa điểm du lịch của người mình, nên thiên hạ tha hồ chọn lựa.
Tiệm nào ngon là thiên hạ túa đến, tiệm nào dở thì “tưng bừng khai trương, và âm thầm đóng cửa”. Tao đã chứng kiến rất nhiều tiệm “ra đi không mang vali” sau môt thời gian quảng cáo ì xèo. Cho nên, bây giờ, theo tao thì 90 phần trăm các tiệm ăn ở ngay Little Sài Gòn và gần Little Sài Gòn thì đều ngon cả. Cạnh tranh mà! Các đầu bếp, các ông chủ đều phải ráng làm sao cho tiệm mình có gì đặc biệt, thì không cần quảng cáo, cũng tự nhiên là đông khách. Mày thấy đó, có những chỗ, hai ba tiệm, mà tiệm ở bên này, đông rầm rập, tiệm ngay bên cạnh lại vắng hoe.
-Tại sao vậy, thầy?
-Nói theo kiểu bình dân, thì mấy tiệm vắng khách bị mắc một trong “Tam Xê”.
-Chà, cái gì mà tam xê, tam xệ, nghe bí hiểm vậy?
-Này nhé: Tam Xê là 3 chữ c, gồm “Chê, chém, chửi”.
Chê là chê nhà bếp nấu ăn dở. Tiệm phở Bắc mà nấu kiểu Đại Hàn, nấu theo kiểu Phở toàn quốc, nghĩa là toàn nước (lèo) không. Bưng một tô phở khổng lồ lên chỉ thấy toàn nước béo! Kiểu này dân Đại hàn khoái lắm, họ bưng lên húp xùm xụp, còn người mình thì chê! Một tiệm đặt sát bên tiệm Tàu nổi tiếng với hủ tiếu, mì, mà cũng bán mấy món hủ tiếu, mì kiểu Việt Nam thì chịu sao nổi! Tiệm khác, nhỏ xíu mà cũng bon chen nấu đủ thứ như các tiệm lớn, nhất là lại chơi cả Cá Nướng Da Dòn, thì trước sau gì cũng “đai” (die), vì không có gì đặc sắc. Lại có tiệm quảng cáo cá nướng da dòn số một mà ăn rồi thì thấy cần thêm số 0 đằng sau, nghĩa là “năm bờ ten”: Cá làm sẵn cho vào tủ lạnh, khi bưng ra, có miếng nóng, có miếng lạnh tả pín lù. Có tiệm không có chỗ “pạc kinh” (parking) mà lại bán những món độc, thì ai vô mà ăn! Nội cái “lô kế sần”(location) là chuyện quan trọng, mà có tiệm ráng mở cửa ở chỗ “pạc kinh” chỉ chứa được vài cái xe thì làm sao mà hốt được khách đi cả gia đình. Thường thì thiên hạ lái xe tới, thấy không có chỗ đậu xe thì lái đi thẳng! Thiếu gì tiệm ngon mà phải khổ sở đi tìm chỗ đậu! Chê nữa là cách chặt thịt gà cho phở gà. Thịt gà phải chặt thành miếng, còn xương để gặm, chứ không phải thịt nạc thái nhỏ như Bíp Tếch (beef steak), trông mất cảm tình, ai mà ăn! Có tiệm phở không dọn với nhiều rau thơm, mà hễ khách kêu thêm rau thơm, thì nhân viên cứ lờ đi. Một tiệm mang rau thơm ra mà để nước chảy ròng ròng, trông cũng ớn. Tiệm này hà tiện, không chịu mua một cái “chậu” quay để rút nước: chậu bằng nhựa có hai lớp, lớp trong quay tít thò lò theo tay quay, chỉ 30 giây là nước văng ra ngoài hết, vừa khô, vừa đẹp mắt. Thường thị tiệm nào bây giờ cũng sáng sủa, vậy mà có tiệm vẫn còn tiệm để màu tường tối thui, trông vào thấy sờ sợ… Cho nên, chê! Nói chung là rất có nhiều thứ để khách khó tính, hay có tiêu chuẩn cao… chê!
-Cũng có lý. Vậy “chém” là sao?
-Chém là chặt chém nặng tay chứ là sao? Trung bình phở bây giờ là hơn 15 đô một tô, cũng Ô Kê đi, nhưng có tiệm một ly nước trà tính hơn 1 đô rưỡi thì chém nặng quá! Tao rất ghét cái màn tính tiền nước trà! Giàu thêm bao nhiêu đâu mà tham, mà làm khách bực mình. Có tiệm còn chém đẹp khách hàng nếu không để ý khi trả tiền. Chém đẹp là bốn người ăn thì tính tiền năm người. Hôm nọ có người phàn nàn trên Nét là tiệm kia chém đẹp hơn 350 tì cho 7 người ăn, nghĩa là 50 một đầu người! Ớn lạnh luôn. Khi khách cự nự thì nói là tính nhầm! Chuyện tính nhầm này nghe nói thỉnh thoảng xảy ra thôi. Nhưng nếu đi ăn đông, tới 5 người trở lên thì nên cẩn thận coi lại “bill” cho kỹ trước khi móc bóp ra trả tiền nhé.
-Thế còn “chửi”? Mà sao lại có chuyện chửi ở đây?
-À cái “chửi” này ở khu Little Sài Gòn thì hết lâu rồi. Nhưng vẫn thỉnh thoảng thấy cái văn hóa “chửi” ở Việt Nam được đưa sang đây. Ai đời tiếp khách mà nhân viên của một số tiệm tuyệt nhiên không bao giờ chịu nở nụ cười cả. Nếu khách cần kêu thêm rau, giá, nước…, gì đó thì cứ đội ngũ nhân viên cứ làm như là bị ai vặt thịt. Trước đây có tiệm có hành vi “chửi” thứ thiệt, bị bà con nhằn quá, phải “move” từ Little Sài Gòn qua thành phố khác. Tao đã thấy có một lần hai anh Đại Hàn vô tiệm phở này, kêu thêm rau gì đó, mà hai cô tiếp khách cảu nhảu càu nhàu. Tao cáu tiết, quại cho cô đó chạy te vào bếp! May mà loại “chửi” này không có nhiều. Ở xứ văn minh này mà mang văn hóa chợ cầu Muối sang thì toi đời.
-Cha, vậy mà tui cứ tưởng Little Sài Gòn mình ở đây lâu rồi, nên đã văn minh thứ thiệt!-Có chứ! Văn minh lắm chứ! Địa điểm du lịch của dân Việt năm châu, bốn biển mà. Điều tao nói là nhỏ lẻ thôi, còn đại đa số thì văn minh, lịch sự, nhà hàng sáng sủa, tiếp khách nồng hậu. Nhiều khách du lịch sang đây, chỉ để thưởng thức các món ăn, nhất là mấy tiệm nhậu nai, gà, heo, vịt, ốc hương, chim, chả, có cả tiết canh nữa…
Thiên hạ từ các tiểu bang khác sang Little Sài Gòn để nhậu cho đã. Riêng tao thì khoái mấy tiệm ăn ở Little Sài Gòn. Nhưng khoái thì khoái, những cái “chê, chém, chặt” nhỏ lẻ kia, khi nào còn thì tao cũng vẫn còn phải nói, để cho mấy cái nhỏ lẻ đó biến đi luôn, hầu làm sao cho khu Little Sài Gòn này ngày càng hãnh diện thêm.