YẾN TUYẾT
Hôm qua, khi mở một tuần báo dành cho phu nữ của người Mỹ, tôi thấy hai trang quảng cáo đủ kiểu quần Jean. Thế nên, tôi nổi hứng nghĩ đến việc viết bài để bàn ra, tán vào về cái quần Jean trong đời sống của người ở xứ cờ hoa một chút cho vui.
Thường thì trong tủ áo quần của những người Mỹ, và cũng của khá nhiều người Việt Nam, không phân biệt nam hay nữ, phải có ít nhất là một cái quần Jean. Còn nữ học sinh, sinh viên ở Mỹ sở hữu hai, ba cái là thường.
Nhìn qua giới tài tử điện ảnh Hollywood, chúng ta không thể biết số quần Jean họ có là bao nhiêu cái, thế nhưng theo tờ People, ông Simon, giám khảo của chương trình TV nổi tiếng American Got Talent có tới hơn 100 cái quần Jean lận.
Quần Jean, được người Việt Nam mình gọị là “quần chăn bò” vì đây là loại quần mấy ông cao-bồi Mỹ làm nghề chăn bò hay mặc.
Thế nhưng theo thời gian, nhiều người sống ở thành phố cũng thích mặc Jean do sự tiện lợi vì Jean được may bằng lọai vải dày, bền bỉ, khó rách. Khi mặc quần Jean, ngồi lê lết ở đâu cũng không ngại bị dơ vì nếu Jean có bị vấy bẩn hay bạc màu đi nữa, nó lại được người ta chấp nhận vì quần Jean phải mang vẻ bụi đời mới hay!
Nói đến quần Jean làm tôi nhớ lại khi còn tuổi vị thành niên ở Việt Nam khoảng giữa thập niên 60, ông anh tôi hay dẫn tôi la cà vô khu Dân Sinh là khu chợ trời bán đồ Mỹ viện trợ, để tìm mấy cái quần Jean cũ mà còn rất tốt hiệu Levi’s. Mua về xong, anh em tôi lấy giấy nhám chà hai ống quần cho bạc màu để mặc cho giống tài tử James Dean, thần tượng của ông anh tôi hồi đó.
Dĩ nhiên, các nhà thời trang ở Mỹ đã nhìn ra khía cạnh độc đáo của chiếc quần Jean và biến nó trở thành một kiểu thời trang được lắm người ưa chuộng, từ lâu lắm rồi.
Có lẽ bạn không thể ngờ là quần Jean được hai ông Jacob Davis và Levi Strauss sáng lập từ năm 1873 và tính đến nay, đã hơn 140 năm trôi qua, nhưng quần Jean vẫn còn được người ta ưa thích vì nó đánh dấu một hiện tượng văn hóa, biến chuyển từ một loại quần mặc khi làm việc nặng để trở thành một thời trang nổi tiếng và thông dụng. Lịch sử của denim và Jean rất dài với nhiều màu sắc và nó xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau.
Theo lịch sử của chiếc quần rất phổ biến này, chữ Jean được gọi theo tên của thị xã Genoa ở Italy, nơi mà loại vải tên là Jean hay Jeanne được sản xuất.
Sau khi ông Levi Strauss từ Germany đến New York năm 1851 để đoàn tụ với người anh đang có một tiệm tạp hóa thì đến năm 1853, ông nghe đồn về phong trào tìm vàng Gold Rush ở miền Tây Hoa Kỳ nên di chuyển về San Francisco để xây dựng công ty Western Branch, cũng buôn bán đồ khô. Giữa nhiều mặt hàng của tiệm, ông bán cả vải vóc. Một trong những khách hàng của Strauss là Jacob W. Davis, một thợ may từ Reno, Nevada. Davis may những món hàng như lều vải, mền đắp cho ngựa và tấm che của những chiếc wagons.
Một ngày nọ, một khách hàng của Davis đăt ông ta may một cái quần có thể chịu đựng những công việc nặng nhọc. Davis dùng loại vải denim mua từ cửa hàng của Strauss & Co và may thành một cái quần. Ông Davis làm cho nó bền hơn bằng cách đính hai miếng đồng thêm vào chỗ mà quần hay bị rách nhất là túi quần và nơi cài khuy quần phía trước. Ông ta liên lạc với Levi Strauss về sáng kiến đó và họ hợp tác để cùng làm dịch vụ thương mại này. Họ mở ra hãng sản xuất lớn hơn và chiếc quần Jean ra đời từ đó.
Jean được may bằng vải denim. Tên “denim” đến từ một loại vải chắc chắn gọi là “Serge de Nîmes”, được dệt ở thành phố Nîmes, Pháp quốc, và người ta đọc trại chữ “de Nîmes” ra thành “denim”. Thoạt đầu, thợ dệt ở Nîmes cố gắng bắt chước để dệt ra một loại vải nổi tiếng được sản xuất ở thành phố Genoa, thuộc Ý Đại Lợi nhưng không thành công. Trải qua nhiều cố gắng và sai lầm, họ sản xuất được một loại vải tương tự gọi là denim. Đây là một loại vải sợi dệt chéo, chỉ được nhuộm bằng thuốc nhuộm Indigo và khi dệt xong sẽ hiện ra một mặt có màu xanh và mặt kia có màu trắng.
Denim rất bền bỉ cho nên nó được những người sử dụng ưa thích vì nó lâu rách và vì thế nó đã được hai ông Levi Strauss and Jacob W. Davis dùng làm vải may quần Jean và được nhuộm bằng thuốc Indigo.
Thuốc nhuộm Indigo có màu xanh thiên nhiên, lúc đầu được sản xuất từ Ấn Độ, do đó nó mang tên này từ thời cổ sơ. Từ India, Indigo được nhập cảng vào Egypt, Greece và Rome. Những nền văn minh cổ ở China, Japan, Mesopotamia, Egypt, Britain, Mesoamerica, Peru, Iran, và Africa cũng từng dùng Indigo để nhuộm vải. Indigo ở India được lấy từ một loại cây tên là Indigofera tinctoria. Nó được dùng cho đến khi người ta sáng chế ra loại thốc nhuộm synthetic Indigo vào cuối thế kỷ thứ 19th và giá rẻ hơn cũng như ít phai màu hơn.
Như đã nói ở trên, sau hơn 140 năm có mặt trong đời sống của người Mỹ, Jean xuất hiện dưới nhiều kiểu cọ, màu sắc khác nhau và dĩ nhiên thương hiệu Levi’s không còn độc quyền trong kỹ nghệ may mặc nữa. Ở Hoa Kỳ và trên thế giới, có hàng trăm thương hiệu Jean khác nhau.
Chúng ta thử nhìn sơ qua sư biến đổi hình thức của chiếc quần Jean ở Hoa Kỳ.
Loại quần Jean Boot-Cut được may thẳng từ trên eo xuống đầu gối và xòe rộng ra hơn cho đến mắt cá chân. Nó bắt chước kiểu quần của các chàng thủy thủ vào thập niên 1850, được thiết kế để họ có thể mặc khi mang giày boots. Mấy ông cowboys và nông phu Mỹ thích mặc quần Jean boot-cut vì nó thoải mái và với Jean, họ có thể mang boots để làm việc.
Khi cao bồi biến mất trong đời sống Mỹ, các nhà làm phim ở Hollywood cho boot-cut Jean xuất hiện trong các phim cao bồi miền viễn Tây và khiến nó trở nên thông dụng trong đời sống của dân chúng vì sự bền bỉ và thoải mái. Đến thập niên 1960 và 70, thời trang biến đổi và người ta cho ra đời kiểu quần Jean với ống quần loe ra như cái chuông (bell-bottom) và kéo dài cho đến thập niên 1980 thì boot-cut Jean trở lại.
Cho đến nay, người Mỹ cả nam lẫn nữ vẫn tiếp tục mặc kiểu boot-cut Jean trong đời sống hàng ngày, thế nhưng dĩ nhiên, boot-cut Jean kiểu mới hơi khác với kiểu cổ điển một chút.
Ngoài ra, kiểu quần bó (Skinny /slim-fit Jean) được biết dưới nhiều tên gọi như là quần ống nước , điếu thuốc, cây viết chì…( pipe pants, tight pants, cigarette pants, pencil pants, skinny pants hay skinnies) là loại quần may bó từ eo xuống đến mắt cá. Loại quần Jean bó này được may bằng loại vải denim co dãn.
Thật ra, cổ nhân của lại quần skinny Jean đã mặc nó từ thế kỷ thứ 17. Nó thông dụng ở Pháp dưới thời vua Louis XIII, rồi du nhập vào Anh quốc, và các nước Âu châu. Mới đầu skinny Jean rất được giới thượng lưu ưa thích. Nó biến mất một thời gian rồi xuất hiện trở lại khoảng năm 1805 cho đến 1850 ở Pháp ( bởi vì thời trang thường đi vòng trở lại). Nhưng lần này nó được gọi tên “pantaloons” và được may cao hơn phía trên eo.
Với tiến bộ của ngành điện tử trong xã hội, kỹ nghệ thời trang dĩ nhiện bị ảnh hưởng với việc sản xuất hàng loạt các áo quần may sẵn ( mass-production) thay thế cho áo quần đo cắt, vì thế những lại quần khít khao nhưng thoái mái lại thay thế quần chật pantaloons.
Vào cuối thế kỷ thứ 19, quần Jean chật không còn được ưa thích cho mãi đến thập niên 1950s khi những tài tử và nhạc sĩ nổi tiếng đem chúng trở lại đời sống.
Các ca nhạc sĩ hát nhạc đồng quê và tài tử phim về miền viễn Tây mặc quần Jean bó nhiều hơn, nhất là giới ca, nhạc sĩ hát rock and roll. Những tên tuổi nổi tiếng hay mặc quần skinny Jean gồm Roy Rogers, Gene Autry, Marilyn Monroe, Sandra Dee và Elvis Presley. Kiểu quần chật được giới ca/nhạc sĩ rock and roll như The Beatles, The Rolling Stones and Bob Dylan mặc trong thập niên1960 nhưng đến cuối thập niên 1960, hippies và quần Jean ống loe xuất hiện trở lại thay thế cho quần bó cho đến thập niên 1970.
Vào thập niên 1980, người ta sản xuất ra loại vải co dãn spandex khiến cho loại quần Jean bó được tẩy acid loang lổ trở nên thông dụng và lan tràn trong quần chúng khi họ bắt chước cách trang phục của giới ca sĩ. Mặc dù thời trang quần Jean bó được giới tài tử ưa thích và dân chúng bắt chước theo, nhưng đến thập niên 1990 họ lại chán và quay qua kiểu quần rộng hơn kích thước dành cho thợ mộc (baggy carpenter Jean). Đặc biệt, thành viên các băng đảng rất ưa thích mặc lại baggy carpenter Jean này.
Mãi đến năm 2004, đột nhiên, thời trang quần Jean chật (skinny Jean) trở lại thị trường một cách mạnh mẽ và đứng vững cho đến ngày nay.
Phải nói là quần Jean bó đầu tiên là thời trang chỉ dành cho giới thượng lưu nhưng ngày nay đã phổ biến cho mọi tầng lới xã hội và cho cả hai phái nam nữ không riêng gì Hoa Kỳ mà còn cả trên thế giới.
Một số bác sĩ khuyến cáo là là quần Jean chật có thể gây ra một vài chứng bệnh như apoplexy, tê và nổi gân máu (varicose veins).
Qua lịch sử của chiếc quần Jean, chúng ta thấy các nhà thương mại và thời trang ở Mỹ đầy sáng tạo khi tung ra nhiều kiểu cọ khác nhau cho cái quần Jean tùy kích thước mập, ốm, cao, thấp của phụ nữ.
Mới đầu, chiếc quần Jean được khai thác chỉ vì nó lạ mắt và có vẻ thỏai mái, giản dị. Rồi nó cũng theo thời trang từng giai đọan mà từ ống quần chật đến ống loa kèn, rồi bây giờ đang trở lại với cái ống chật bó lại.
Quần Jean cũng từ cái màu xanh nước biển truyền thống, xuất hiện thêm màu xanh da trời và bây giờ thì nó được may bằng đủ loại vải Jean với nhiều màu sắc khác nhau. Rồi đến việc các kiểu quần Jean mới, được bày bán trong các cửa hàng, nhưng lại mang cái vẻ cũ kỹ vì bạc màu hay có những chỗ rách toạc ở ống quần, lỗ hổng ngay ở đàng sau mông. Giá những cái quần Jean rách rưới này đắt gấp đôi quần Jean mới và lành lặn và được nhiều cô tài tử ưa thích khiến nhiều người bắt chước theo.
Nhiều cuốn tuần báo hay nguyệt san còn chỉ cách cho phụ nữ chọn lọai quần Jean nào phù hợp với dáng người của mình; thí dụ như chân dài hay ngắn, mông to hay nhỏ thì phải chọn kiểu quần nào mặc cho thấy đẹp hơn, thoải mái hơn hay có thể phô trương những đường cong từ eo trở xuống v.v…
Hiện nay, ở rất nhiều công hay tư sở ở Mỹ, ngày thường trong tuần, từ xếp đến nhân viên ai nấy đều phải “lên đồ” theo đòi hỏi “dress code” cho có vẻ đàng hoàng và chuyên nghiệp. Nghĩa là đàn ông thì đại khái phải mặc áo tay dài, bỏ áo vô quần, thắt cà-vạt, chân mang giày da; đàn bà thì mặc áo đầm, hay váy với áo thun hay sơ mi ở trong, áo khóac ở ngòai, mang giày cao gót.
Tuy nhiên, đến ngày thứ Sáu, nhiều công ty cho phép nhân viên được thư thả hơn trong cách ăn mặc và thế là chiếc quần Jean được họ vui vẻ và sung sướng “diện” lên người với đôi sandals hay đôi giày thể thao.
Các cô bạn đồng nghiệp người Mỹ của tôi mừng rỡ ra mặt khi được cho phép mặc quần Jean đi làm ngày thứ sáu!
Còn những người Mỹ khác thì hình như chỉ chờ Thứ Bảy hay Chủ Nhật để được mặc lên người cái quần Jean khi đi ra đường, hay làm vườn, dọn dẹp nhà cửa, đi shopping.
Bằng chứng là đi đâu bạn cũng thấy quần Jean và quần Jean…
Phu nữ chúng ta thường hay rắc rối, dù chỉ với việc chọn cái quần Jean để làm sở hữu. Có người mặc quần Jean trông thật hay, xinh xắn và giản dị, nhưng cũng có người mặc quần Jean mà khi nhìn thấy chỉ muốn tắt thở dùm họ vì chật quá. Bụng to quá mặc quần Jean thì khó đẹp. Mông lép quá mà mặc quần Jean cũng thấy kỳ kỳ.
Từ ngày lọai vải có chất kéo giãn (stretch) ra đời, chiếc quần Jean đi vào một khúc quanh mới trong lịch sử của nó.
Phụ nữ có thể mặc những chiếc quần Jean rất bó nhưng vẫn cảm thấy thỏai mái. Thế nhưng, điều này lại gây ra những hình ảnh thiếu thẩm mỹ vì có rất nhiều người mặc quần Jean quá là chật.
Thêm nữa, bây giờ với kiểu quần Jean lưng thấp, được những phụ nữ, hay những đứa học sinh trung học có thân hình phì nhiêu mặc lên người khiến tôi không khỏi lắc đầu khi nhìn thấy những người theo thời trang bằng bất cứ giá nào, mà không biết kiểu quần áo đó có hợp với nhân dáng mình hay không?!
Quần Jean xuất thân là giản dị, mang một chút “bụi đời” nhưng cũng có lắm phụ nữ mặc quần Jean được ủi thẳng nếp và mang gìầy cao gót. Đôi khi trông cũng sexy ra phết.
Ở Mỹ, chuyện thời trang thật là phức tạp, không thể nói sơ sơ cho qua chuyện được, cho dù chỉ là chuyện của mỗi cái quần Jean.