Chợ hay phố?

by Vy Trần

david Le

Khi khu vực chợ vải Soái Kình Lâm, quận 5 xuất hiện những tấm bảng “Phố vải Soái Kình Lâm” thì dân chúng phản ứng mạnh. Đây là khu vực chợ vải có từ lâu và dân chúng ở Sài Gòn-Chợ Lớn lâu nay vẫn kêu khu vực nầy là “chợ vải”. Khi nhận ý kiến của dân chúng thì chánh quyền địa phương nói “phố là bình thường” và “đã có nhiều phố ở các khu vực khác”. Nhà cầm quyền còn mời cả chuyên gia về văn hóa “có ý kiến” và ông chuyên gia nầy cũng xác nhận “phố và chợ cũng như nhau”.

Thực tế thì sao?

Theo các tự điển xưa, thì “phố là cửa hàng buôn bán”, là “tiệm, quán”; còn chợ là “nơi có nhiều người buôn bán”. Tiệm, quán thì có nhà cửa đàng hoàng, còn chợ thì ngồi đâu cũng được. Vì vậy mới có chợ trời, chợ chạy, chợ chồm hỗm….

Văn hóa bản địa ở Sài Gòn-Chợ Lớn từ mấy trăm năm nay, chữ phố chỉ xuất hiện ở hai nơi. Một là “tiệm chạp phô”, theo tiếng Quảng Đông là foủ tức là phố. Và một nơi khác là “dãy phố” nằm ở hai bên hông chợ. Ở vùng đất nầy không có phố nầy, phố nọ. Vì vậy từ phố không phải là chữ dân bản địa hay dùng.

Soái Kinh Lâm là chợ bán vải từ nhiều chục năm nay. Đây là nơi các nhà kinh doanh vải vóc bán tập trung, và đa số là bán sỉ.

Song gần đây đột nhiên chánh quyền điạ phương biến chợ thành phố khiến dân chúng phản ứng.

Ở quốc ga nào cũng vậy, chánh quyền được lập ra để “điều hành các họat động trong xã hội”. Khi có một quyết sách nào đó mà “ích nước, lợi dân” mà dân chưa hiểu thì phải giải thích cho dân hiểu. Còn những quyết sách nào không ảnh hưởng gì tới hòa bình thế giới, chẳng có lợi cho dân lẫn chánh quyền mà dân phản ứng thì phải nghe và điều chĩnh, nhứt là với một chánh quyền luôn nói là “do dân, vì dân”. Chánh quyền cũng là con người được lựa chọn, có tài quản trị, điều hành chớ không phải đã làm chánh quyền thì “giỏi hơn dân” về các mặt! Đã từng có nhiều khẩu hiệu “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” thì phải thực hiện cho đúng! Chánh quyền làm việc vì dân, sống bằng thuế của dân nên nhiều việc phải biết lắng nghe ý kiến của dân. Chớ không phải là chánh quyền thì phải “ăn thua đủ với dân”!

Thiển nghĩ, chữ phố hoàn toàn không phù hợp với văn hóa truyền thống bản địa của đất miền Nam, với Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định. Khi dùng chữ phố thay chữ chợ dân chúng có cảm giác chánh quyền đang muốn biến Sài Gòn-Chợ Lớn thành một vùng đất nào đó của miền Bắc, của Hà Nội. Có cần như vậy không?

Vả lại, phố thay cho chợ thì chánh quyền được gì và dân được gì?

Chắc chắn là cả hai đều không được gì. Chánh quyền thì bị chửi rủa là “nịnh bợ”, là “bắc hóa”, còn dân thì mất đi cái truyền thống lâu đời. Thiệt hay lợi đã thấy rõ. Vậy tại sao cứ nhứt quyết là phố mà không phải là chợ như bình thường lâu nay?

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights