Choảng có nghĩa là…?

by Tim Bui
Choảng có nghĩa là...?

Chữ và Nghĩa

Các tự điển xưa không thấy chữ này! Hai tui lật hết tự điển Việt-Bồ-La, Annam-Latin cho tới Đại Nam quấc âm tự vị đều không thấy. 

Choảng có nghĩa là “đánh,” theo tự điển Đào Văn Tập do nhà sách Vĩnh Bảo, Saigon in năm 1951

Choảng là “đánh đập,” “đánh mạnh,” theo tự điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên của nhà xuất bản Khoa học xã hội Việt Nam in ở Hà Nội năm 1991. 

Lâu nay, nhiều người cho rằng đây là “tiếng lóng” của vùng miền nào đó ở miền Bắc. Bởi ở miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vô thì đánh nói là đánh chứ hiếm khi nói choảng!

Hóa ra…

Đây không phải là tiếng lóng mà là tiếng nói “bình thường” vùng sông Hoàng ở Đông Hoàng, và Triệu Sơn, Thanh Hóa. 

Theo nhiều truyền thuyết của vùng này, trong đó có truyền thuyết liên quan đến cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi. Tương truyền, trong một lần nghĩa quân bị giặc Minh rượt chạy đến ven sông Hoàng, dân chúng đã giúp đỡ bằng cách họp chợ để giấu họ. Các tướng lãnh, quân lính cải trang thành nông dân, vũ khí được giấu dưới các đống rau. Khi giặc đến, thấy chợ đông đúc dân chúng mua bán, không đề phòng nên bị tấn công bất ngờ phải bỏ chạy. Cảm kích trước sự giúp đỡ của dân làng, vua đã ban nhiều vàng bạc, lúa bắp để trọng thưởng cho dân làng.

Kể từ đó, để tưởng nhớ sự kiện này, hàng năm dân chúng đã tổ chức phiên chợ Choảng còn gọi là chợ Chuộng vào mùng Sáu Tết với phần “đánh nhau giả” như một nét văn hóa truyền thống!

Nói chung, theo truyền thuyết này, đánh lộn, đánh nhau là…hên! Hóa ra cái sự hung hăng, thích choảng nhau, thích giải quyết cuộc đời bằng tay chân có nguồn gốc như vậy!

Chợ Choảng nằm ở Đông Hoàng nhưng giáp ranh với xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn, chỉ cách nhau một con sông nhỏ. 

Đây là chợ phiên, hàng năm chỉ họp một lần vào ngày mùng Sáu tết để người đi chợ “đánh nhau xả xui.” Do đó, phần lớn hàng hóa trong chợ đều là “vũ khí” như cà chua, trứng… Ai bị đánh, bị liệng nhiều cà chua, trứng là người có nhiều…may mắn!

Có vài ngàn người tham gia phiên chợ này. Thanh thiếu niên là nhóm tham gia đông đảo nhất, thường tập trung thành nhóm dọc bờ đê và mang theo túi cà chua để “tấn công” nhau.

Theo quan niệm thời đó, người bị đánh càng nhiều sẽ càng gặp may mắn. Để tăng tính “sát thương,” cà chua thường được bóp nhuyễn trước khi ném. Nhiều thiếu nữ bị ném đến mức bật khóc nhưng vẫn không ngừng cười vui vì niềm tin vào sự may mắn họ sẽ gặp trong năm. Các thiếu nữ mới lớn bị ném nhiều nhất tại phiên chợ. Nhiều cô gái bị tấn công nhiều té sõng soài, bật khóc. “Chắc em chỉ dám đến chợ một lần cho biết thôi vì chưa thấy may mắn đâu mà người bê bết và bầm tím rồi,” Hà Anh, quê huyện Triệu Sơn, nói. 

Dĩ nhiên, cũng không loại trừ trường hợp đã xảy ra là nhiều nhóm thanh thiếu niên đã lợi dụng chợ này để giải quyết những mâu thuẫn trước đó nặng tay hơn tới mức công an phải mới tất cả về trụ sở “uống trà.”

Có thể nói được rằng, choảng với nghĩa “đánh lộn,” “đánh nhau một cách mạnh mẽ”… là một chữ của riêng người Thanh Hóa. Ban đầu, choảng có ý nghĩa là cầu may mắn vào đầu năm nhưng dần dà choảng đã biến hình thành những cuộc ẩu đả có thương vong.

Thanh Hóa, nơi có nhiều người làm vua và là công hầu khanh tướng ở nhiều triều đại ngày xưa, vì vậy dân chúng xứ này, tất nhiên là thân nhân và gia tướng của các vua chúa, tướng lãnh, kéo về sống tại các thủ đô như Hà Nội, Huế đã mang theo tiếng nói riêng của mình phổ biến rộng ra, nhứt là vùng đồng bằng Bắc bộ.

Người miền Nam, người Sài Gòn đôi khi cũng nghe chữ này và hiểu nhưng thường không xài vì không quen miệng. Nếu cần phải đánh thì nói đánh cho lẹ chứ nói choảng làm gì cho mất sức! Hiện nay, chữ choảng đã đi khá xa và được đưa vào văn chương, sách vở nên tương đối phổ biến rộng.

Từ chữ này, chúng ta nghiệm thấy cái máu “đánh lộn” đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người! Ban đầu là “đánh lấy hên” rồi tiến tới “giải quyết vấn đề gút mắc” với nhau và cuối cùng là “chiến tranh vùng miền”. Người ta thấy sung sướng, hả hê khi người bị đánh phải khóc lóc, kêu la, bỏ chạy…một thái độ rất thiếu…tính nhân văn!

Nuôi dưỡng một truyền thuyết không biết có thật hay không để “cầu may” là đều rất khó hiểu. Giống như hàng ngàn người bu lại coi trâu chém lộn gọi là “chọi trâu” hàng năm ở Đồ Sơn, Hải Phòng cũng tương tự như vậy. 

Phải chăng đó là cách nuôi dưỡng “hung tính” của nhiều tỉnh thành phía Bắc? Những cách “xả xui,” “vui chơi” này còn được coi là “truyền thống” và diễn ra công khai dưới sự giám sát và hướng dẫn của chính quyền là điều rất khó hiểu!

Trong khi đó, người miền Nam chỉ khoái “đá gà,” “đua ngựa” nhưng đã bị cấm tiệt. Ai dính vô đều bị… mời đi uống trà! Khó hiểu! Chẳng lẽ phải “choảng,” phải “đánh lộn” một cách quyết liệt mới là “truyền thống” được phép?

Đầu năm, lẽ ra phải có những lời chúc tốt đẹp, may mắn và hanh thông hậu vận. Song, Hai tui thấy bức bối trong mình vì cái truyền thống kỳ cục này nên… Xin các bạn bỏ qua cho.

Xác cà chua sau một trận “đánh lấy hên” ở chợ Choảng!

Cùng một tác giả:

https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/category/tac-gia/hai-dot/

You may also like

Verified by MonsterInsights