Chữ quốc ngữ, chữ nước ta, kỳ 2 – Rhodes, tác giả cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên

by Tim Bui
Chữ quốc ngữ, chữ nước ta, kỳ 2 - Rhodes, tác giả cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên

TRẦN NHẬT VY

Trung tâm Sài Gòn có vài con đường kỳ lạ nằm đối diện nhau! Kỳ lạ vì một đường chỉ có số lẻ và một đường chỉ toàn số chẵn. Một trong hai con đường đó là đường Hàn Thuyên, đường số lẻ, và đường Rhodes, đường số chẵn, nằm cặp hai bên công viên trước dinh Độc Lập. Đường Hàn Thuyên dài 300m, chạy từ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa [Công Lý cũ] đến hông phải Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Còn đường Rhodes độ dài cũng 300m, chạy từ Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến Phạm Ngọc Thạch [Duy Tân cũ].

Hàn Thuyên, tác giả bài văn tế Cá sấu bằng chữ Nôm từ thế kỷ thứ 13, được coi là một trong những người phát triển và phổ biến chữ Nôm. Nôm tức Nam nói trại ra, là thứ chữ do người Việt sáng tạo trước thế kỷ thứ 10, còn được gọi là Nam Âm, ghi lại tiếng nói người Việt bằng chữ Hán. 

Đây là thứ chữ cực kỳ khó! Chữ Hán phải học ít nhất 10 năm mới có thể viết và nhớ, còn chữ Nôm thì khó hơn gấp chục lần. Khó vì chữ Nôm khi thì mượn ý, lúc mượn hình, lúc lại mượn âm chữ Hán mà hình thành. Ngay trong thời đại nước ta còn sử dụng phổ biến chữ Hán cũng chỉ có giới tu hành và viết văn mới đủ sức sử dụng chữ Nôm. Do đó, chữ Nôm không phổ biến lắm và các triều đại cũng không dùng chữ Nôm làm quốc ngữ.

Theo vài tài liệu, hiện nay trên thế giới chỉ còn khoảng 100 người đọc và viết được chữ Nôm, trong số đó có giáo sư Nguyễn Văn Sâm ở tuổi U 90, hiện ở California.

Còn Rhodes có tên Việt là A Lịch Sơn Đắc Lộ, hơn 100 năm qua được coi là người “sáng tạo” ra chữ quốc ngữ, trong khi ông chỉ là người hoàn thiện những sáng tạo của những người đi trước và in ra cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên vào năm 1651. 

Đường Rhodes được chính thể Việt Nam Cộng Hòa đặt thay cho tên đường Rue de Paracel vào năm 1955. Sau năm 1975, nhà cầm quyền cộng sản đổi thành đường Thái Văn Lung. Và năm 1995 lấy lại tên Rhodes như cũ. Việc lấy lại tên đường thời Đệ nhất cộng hòa của con đường này có câu chuyện như sau được truyền tụng khá nhiều trong nước.

Năm 1993, trong chuyến công du qua Pháp, Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt có gặp học giả Hoàng Xuân Hãn. Trong buổi chuyện trò, vị học giả đề nghị nên lấy lại tên đường Rhodes, vì ông này có công với chữ quốc ngữ. Ông Kiệt khá bất ngờ về đề nghị này vì ông không biết Rhodes là ai nhưng cũng ghi nhận ý kiến.

Sau khi chiếm được Saigon năm 1975, từ trong rừng ra, các ông cộng sản quyết định đổi hầu hết các tên đường ở Sài Gòn. Ông Nguyễn Công Bình, đại diện Viện khoa học xã hội ở miền Bắc được cử vào đảm trách việc này. Việc đặt tên đường mới được chia làm hai nhánh. Một nhánh thành phố quyết định 90%, và 10% còn lại do địa phương tức quận huyện quyết định. Hầu hết các nhân vật, những khái niệm “tự do,” “Công lý” được Việt Nam Cộng Hòa lựa chọn đều bị xóa tên thay vào đó là tên những “người cộng sản” hay “người có công với cộng sản.” Riêng các con đường mang tên Tây đều bị dẹp bỏ. Và Alexandre de Rhodes là một “ông Tây” nên cũng bị “đuổi” khỏi nhà!

Năm 1995, sau khi tham khảo các cố vấn nguyên là các trí thức nổi tiếng ở Sài Gòn từ trước năm 1975, ông Võ Văn Kiệt mới mời ông Dương Đình Thảo, giám đốc Sở Văn Hóa, cơ quan có trách nhiệm trong việc đổi tên đường, lên gặp. Nội dung cuộc trao đổi giữa hai ông Kiệt và Thảo được truyền tụng khá nhiều trong nước.

Khi gặp ông Thảo, ông Kiệt hỏi:

  • Lấy lại tên đường Alexandre de Rhodes có khó không?
  • Khó lắm! Rất nhiêu khê! Ông Thảo trả lời.

Theo ông Thảo, muốn đặt hay đổi tên một con đường, thành phố phải lập một hội đồng chuyên môn. Hội đồng này có nhiệm vụ điều tra, mở hồ sơ và bàn thảo kỹ về nhân thân nhân vật sẽ được đặt tên. Sau đó, hội đồng này phải trình lên Hội đồng nhân dân thành phố thảo luận cho thống nhất, rồi trình lên những người có trách nhiệm cao nhất thành phố ký duyệt. Các công việc ấy, nếu tập trung làm nhanh cũng phải mất vài tháng, có khi lâu hơn.

  • Vậy làm cái bảng tên đường có khó không? Ông Kiệt hỏi
  • Không khó! Chừng một buổi thôi.
  • Vậy tháo bảng tên đường cũ ra rồi gắn bảng tên đường mới mất bao lâu?
  • Chừng mươi phút thôi!
  • Vậy hãy chuẩn bị đầy đủ ốc vít rồi gắn tên đường Alexandre de Rhodes lên!
Học viên lớp nhiếp ảnh của báo Tuổi Trẻ đang thực tập trước tượng bán thân của giáo sĩ Đắc Lộ tại số 161 Lý Chính Thắng, quận Ba, Sài Gòn (hình Nguyễn Công Thành)

Và trong một đêm nọ tên đường Thái Văn Lung được thay đổi, sáng ra mọi người thấy bảng tên đường Alexandre de Rhodes nằm lại chỗ cũ thay cho cái tên Thái Văn Lung! Và mọi chuyện coi như xong. Tất nhiên, để làm được việc này phải có lệnh của người có đủ thẩm quyền, nếu không thì…

Ngoài tên đường, Sài Gòn có hai cơ sở tôn giáo mang tên ông Alexandre de Rhodes. Đó là tu viện Đắc Lộ và trường trung học Đắc Lộ, ở quận Tân Bình [nay là tu viện Đắc Lộ và trường phổ thông trung học Ngô Quyền] và Trung tâm Đắc Lộ ở quận Ba [nay là nhà in Lê Quang Lộc và Trung tâm truyền hình]. Tại Trung tâm này có tượng bán thân của ông, tương truyền do điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu tạc, hiện vẫn tồn tại.

Đường Alexandre de Rhodes được chính thể Việt Nam Cộng Hòa đặt thay cho tên đường Rue de Paracel vào năm 1955

Alexandre de Rhodes là ai?

Theo tài liệu của Dòng Tên và một số tài liệu khác của Thiên chúa giáo, giáo sĩ Rhodes (1593-1660) là một nhà truyền giáo Dòng Tên và một nhà ngôn ngữ học. Ông sinh tại Avignon, một Lãnh địa Giáo hoàng (nay ở miền Nam nước Pháp), trong một gia đình khá giả. Sử liệu trước đây thường cho rằng ông có gốc Do Thái.  Sau khi hoàn thành trung học tại quê nhà, ông vào Nhà Tập Dòng Tên tại Roma ngày 24 tháng Tư năm 1612, học thiên văn và toán học.  Ông đã xin và được cấp trên chỉ định đi truyền giáo tại Nhật Bản, và lên đường sang Nhật ngày 4/4/1619.

Khi đến Goa, Ấn Độ chờ lên đất Nhật Bản, ông được bề trên chỉ định sang Trung Quốc. Ông lên tàu đi MaCau, nhập học Đại học Thánh Phaolô. Tháng Mười Hai  năm 1624, ông cùng với bốn gáo sĩ khác và một tín hữu Nhật Bản, cập bến Hội An. Ông bắt đầu học tiếng Việt với giáo sĩ Francisco de Pina, người được các giáo sĩ đương thời xác nhận là thông thạo tiếng Việt nhất. Đồng thời ông cũng học tiếng Việt từ một cậu bé khoảng 10, 12 tuổi. Ông viết:

Chỉ trong vòng ba tuần lễ, chú bé đã dạy tôi học biết tất cả các cung giọng khác nhau của tiếng Việt và cách thức phát âm của từng chữ. Cậu không hề có một kiến thức gì về ngôn ngữ châu Âu, thế mà, cũng trong vòng ba tuần lễ này, cậu đã có thể hiểu được tất cả những gì tôi muốn diễn tả và muốn nói với cậu. Đồng thời, cậu học đọc, học viết tiếng Latin và đã có thể giúp lễ. Tôi hết sức ngạc nhiên trước trí khôn minh mẫn và trí nhớ dẻo dai của cậu bé. Sau đó, cậu trở thành thầy giảng giúp việc các cha truyền giáo và là một dụng cụ tông đồ hữu hiệu trong việc loan báo Tin Mừng nơi quê hương Việt Nam thân yêu của thầy và nơi Vương quốc Lào láng giềng.

Từ đó, Việt Nam trở thành nơi cư trú của Rhodes, nhưng cuộc đời truyền giáo của ông ở đây rất bấp bênh và trôi nổi. Trong vòng 20 năm, ông bị trục xuất đến năm lần.

Sau hơn một năm học tiếng Việt ở Đàng Trong, ông trở lại Ma Cau để chuẩn bị ra Đàng Ngoài truyền giáo. Cùng với Pedro Marques, ông cập bến Bạng, Thanh Hóa ngày 19 tháng Ba năm 1627. Hai nhà truyền giáo đến Kinh đô ngày 2 tháng Bảy và được chúa Trịnh Tráng dựng nhà cho ở. Hai giáo sĩ được tự do giảng đạo trong hơn một năm rồi bị quản thúc. Các hậu phi và hoạn quan vì ghét lời dạy một vợ một chồng nên tung tin đồn hai giáo sĩ là phù thủy. Hai ông bị trục xuất và theo tàu Bồ Đào Nha về Ma Cau vào tháng Năm năm 1630. Ông làm Giáo sư Thần học tại Học viện Madre de Deus trong mười năm.

Từ năm 1640 tới 1645, ông bốn lần đến Đàng Trong truyền giáo dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Thời gian ông giảng đạo tại Việt Nam cũng là thời kỳ các cha thừa sai Dòng Tên hoạt động rất hăng say và hữu hiệu. Ông kể lại công cuộc truyền giáo tại Đàng Ngoài trong cuốn Vương quốc Đàng Ngoài:

Khi chúng tôi vừa đến kinh đô Đàng Ngoài, tức khắc nhà vua truyền lệnh cho tôi phải xây một nhà ở và một nhà thờ thật đẹp. Dân chúng tuôn đến nghe tôi giảng đạo đông đến nỗi, tôi phải giảng đến bốn hoặc sáu lần trong một ngày. Chị vua và 17 người thân trong gia đình vua xin lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Nhiều tướng lãnh và binh sĩ cũng xin theo đạo. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên nhất là thấy các vị sư đã mau mắn từ bỏ bụt thần để theo đạo Công giáo. Tất cả đều dễ dàng chấp nhận khi tôi giải thích cho họ hiểu giáo lý đạo Công giáo rất phù hợp với lý trí và lương tâm con người. Các tín hữu Công giáo Việt Nam có Đức Tin vững chắc đến độ, không gì có thể rút Đức Tin ra khỏi lòng họ. Nhiều người phải đi bộ suốt 15 ngày đường để được xưng tội hoặc tham dự thánh lễ. Nhưng phải thành thật mà nói, tôi không thể chu toàn cách tốt đẹp mọi công tác truyền đạo này, nếu không có trợ giúp tuyệt vời của các thầy giảng… Hiện tại có tất cả 100 thầy giảng đang được thụ huấn trong chủng viện và được các tín hữu trang trải mọi phí tổn.

Ông bị trục xuất khỏi Đàng Ngoài một lần và khỏi Đàng Trong ba lần mà lần cuối năm 1645 là vĩnh viễn.

Theo yêu cầu của bề trên Dòng Tên ở Ma Cau, ông trở về Roma để trình bày về tình hình của tỉnh dòng Nhật Bản và giáo hội Việt Nam. Mãi tháng Sáu năm 1649, ông mới về đến châu Âu. Tại đây ông xuất bản hai cuốn sách là Tự điển Việt-Bồ-La và Phép giảng tám ngày năm 1651. Năm 1655, ông đặt chân tới Ba Tư. Ông mất ngày 5/11/1660 ở Isfahan, sau năm năm truyền giáo ở đây.

Gần cuối thế kỷ 17, do lục đục trong nội bộ Vatican, giáo đoàn Bồ Đào Nha bị chấm dứt nhiệm vụ truyền giáo ở châu Á và nhiệm vụ này được giao cho giáo đoàn người Pháp với tên gọi quen thuộc Hội thừa sai Paris. 

Do là người Pháp nên Đắc Lộ được Hội thừa sai Paris cùng nhà cầm quyền Pháp sau khi chiếm Việt Nam, đã ra sức tuyên truyền “công đức” của Đắc Lộ. Họ làm tượng, viết sách và phổ biến mạnh tác phẩm của Đắc Lộ khiến người Việt và cả người Pháp đều tin rằng “Đắc Lộ là người sáng tạo ra chữ quốc ngữ!” Ở Hà Nội đầu thập niên 1940, người ta đã dựng tượng ông. Ở Sài Gòn có hai cơ sở mang tên Đắc Lộ là trường trung học Đắc Lộ ở quận Tân Bình [nay là trường phổ thông trung học Ngô Quyền] và Trung tâm Đắc Lộ ở số 161 Lý Chính Thắng [Yên Đỗ cũ] nay là nhà in Lê Quang Lộc, trong trung tâm này có tượng bán thân của ông nay vẫn còn.

Vài năm trước đây, một nhóm trí thức ở Sài Gòn do giáo sư Nguyễn Đăng Hưng dẫn đầu, đã sang Ba Tư viếng mộ của ông.

Nhận định về công sức của giáo sĩ Đắc Lộ, trang dongten.net viết:

Qua kinh nghiệm ở Nhật, khi tới Việt Nam, các Cha Dòng Tên đã dùng tông đồ giáo dân. Trong giai đoạn đầu ở Đàng Trong, Cha Buzomi đã tổ chức Hội Thầy Giảng. Tuy nhiên, phải chờ tới khi Cha Đắc Lộ đến truyền giáo ở Đàng Ngoài (1627-1630), Hội Thầy Giảng mới hoàn thành và hoạt động mạnh.  Hội này thu nhận các thanh niên tình nguyện suốt đời giúp các giáo sĩ lo việc truyền giáo, với những lời khấn đặc biệt, để có thể giúp việc một cách tích cực và hữu hiệu hơn. Việc thu nhận và và huấn luyện các Thầy Giảng cũng được thực hiện một cách cẩn thận. Trong số các ứng viên, Cha Đắc Lộ đã tuyển chọn các cựu tu sĩ Phật giáo, các nho sĩ là những người thông thạo văn hoá của dân tộc. Cha cũng bắt buộc các thanh niên còn ít tuổi phải học Tứ Thư Ngũ Kinh thì mới được nhận làm Thầy Giảng. Vai trò của các Thầy Giảng rất quan trọng trong thời kỳ này. Các Thầy sống gần gũi với vị thừa sai, có lời khấn hứa để sống một đời sống đặc biệt như một cộng đoàn tu sĩ. Họ được huấn luyện kỹ lưỡng, có thể ban bí tích rửa tội khi không có vị thừa sai. Để được huấn luyện, các Thầy thường đi theo các vị truyền giáo và theo các lớp giáo lý các vị này dạy các người dự tòng. Đây là Hội Thầy Giảng được Cha Đắc Lộ thành lập ở Đàng Ngoài và Đàng Trong. Hội có nội quy, đường lối đào tạo, lời khấn công khai. Nhờ Hội này, nhiều cộng đoàn đầu tiên đã giữ vững đức tin và phát triển. Trong thời gian cấm cách, các Thầy đã thay thế các Linh Mục, làm mục vụ cần thiết. Thầy Giảng Chân Phước Anrê Phú Yên, người tử đạo đầu tiên, là gương sáng cho người trẻ Việt Nam.

Cha Đắc Lộ là một nhà truyền giáo, một tông đồ nhiệt thành, một nhà giảng giáo lý và tổ chức phụng thờ nghi lễ vừa bình dân vừa sốt sắng. Ngoài ra, Cha còn là một nhà lãnh đạo có tài tổ chức. Giáo đoàn có nhiệt tâm, nhưng nếu không có người lãnh đạo để chỉ dẫn thì giáo đoàn ấy không có cơ phát triển. Lúc này chỉ có các giáo sĩ ngoại quốc, chưa có linh mục bản xứ. Vì vậy việc tốt nhất là huấn luyện một lớp thầy giảng người bản xứ, trao cho họ một số nhiệm vụ, như dạy giáo lý, chuẩn bị cho người chịu phép rửa tội. Họ là những cộng tác viên rất đắc lực của nhà truyền giáo, vì họ là người Việt, biết phong tục của dân tộc, nói tiếng bản xứ, dễ dàng đi lại tiếp xúc mà không bị nghi ngờ.

Trong số những người được chọn và được huấn luyện thì có người có học, hoặc đã là thầy đồ dạy học, đã là thầy sãi. Khi họ theo đạo thì được Cha Đắc Lộ giảng dạy giáo lý và cho đi thực tập tại chỗ, nghĩa là đi theo giáo sĩ. Đàng Ngoài, có mấy thầy chính yếu là Phanxicô, Anrê, Inhaxu và Antôn….

Những nhận định này phổ biến khá rộng trong giáo dân và hoàn toàn không có chi tiết nào nói tới việc ông “sáng tạo ra chữ quốc ngữ” và thời điểm sáng tạo, trừ thời điểm in cuốn Việt-Bồ-La. Phải thừa nhận rằng, không có ông chưa chắc chữ quốc ngữ được phổ biến và cái công của người đi bước đầu tiên rất đáng trân  trọng. Song không vì vậy mà chúng ta được phép bỏ qua người có công “sáng tạo” ra thứ chữ ngày nay trở thành báu vật của người Việt!

(Kỳ sau: Tự điển Việt-Bồ-La và Phép giảng tám ngày)


You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights