Chữ quốc ngữ, chữ nước ta, kỳ 3 – Việt-Bồ-La, phép giảng tám ngày những cuốn sách chữ Việt đầu tiên

by Tim Bui

TRẦN NHẬT VY

Sau cái chết của Giáo sĩ Pina vào cuối năm 1625, Đắc Lộ đã mang toàn bộ những “tài sản về chữ quốc ngữ” của Pina và một số giáo sĩ khác về Macau. Sau đó, ông tiếp tục đến Việt Nam cả Đàng Ngoài lẫn Đàng Trong vừa để truyền giáo vừa bổ cứu thêm tiếng Việt qua giọng nói của dân Việt. 

Sau khi bị trục xuất vĩnh viễn khỏi đất Việt sau 20 năm truyền giáo, Giáo sĩ Đắc Lộ về Macau nghiên cứu kỹ và tập họp lại các tài liệu của Pina và các giáo sĩ khác thành một cuốn tự điển mang tên Tự điển Việt-Bồ-La [Annamiticum Lusitanum et Latinum] (tức Việt Nam, khi đó còn gọi là Annam, Bồ Đào Nha và Latin). Đây là cuốn sách tiếng Việt đầu tiên trên thế giới. Và đây cũng là cuốn sách tiếng Việt đầu tiên “có sai sót!” Ngay ở trang bìa sách, chữ Annam có tới ba chữ N. Đồng thời với Việt-Bồ-La là cuốn Phép giảng tám ngày bằng chữ quốc ngữ của ông cũng được in và phổ biến trong hệ thống các nhà thờ, tu viện, giáo dân ở Việt Nam cũng như các tu viện Thiên chúa giáo trên thế giới.

Năm 1649, ông về Roma và vận động tòa thánh in cuốn sách này. Đến năm 1651, sách mới được Bộ truyền bá đức tin in với mục đích “dành cho các giáo sĩ truyền giáo học tiếng Việt.” Sách dày 644 trang, có khoảng 9000 mục từ với hơn mười ngàn chữ Việt, và phần ngữ pháp, ngữ âm của tiếng Việt.

Trong lời nói đầu, ông ghi rõ những gì trong tự điển này là “ngoài những điều mà tôi đã học được nhờ chính những người bản xứ trong suốt 12 năm thời gian mà tôi lưu trú tại hai xứ Cô Xin và Đông Kinh [Cô Xin tức Đàng Trong, miền Trung và Đông Kinh tức Đàng Ngoài tức miền Bắc Việt Nam], thì ngay từ đầu tôi đã học với cha Francisco de Pina người Bồ, thuộc Hội đồng Giê Su rất nhỏ bé của chúng tôi, là thầy dạy tiếng, người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường tiếng này, và cũng là người là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng phương ngữ đó mà không dùng thông ngôn. Tôi cũng sử dụng những công trình của nhiều cha khác cùng một Hội dòng, nhất là cha Gaspar de Amaral và cha Antonio Barbosa. Cả hai ông đều biên soạn mỗi ông một cuốn tự điển, ông trước bắt đầu bằng tiếng An Nam, ông sau bằng tiếng Bồ, nhưng cả hai ông đều đã chết sớm. Sử dụng công khó của hai ông tôi còn thêm tiếng La tin theo lệnh các Hồng y rất đáng tôn kính, vì ngoài những tiện lợi khác, nó còn giúp ích cho chính người bản xứ học tiếng Latin…” (từ điển Việt-Bồ-La, Cùng độc giả, phiên dịch Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính, Viện khoa học xã hội tại TPHCM 1991, trang 3) 

Những lời này được viết ngay trong phần nói đầu của tự điển. Thế nhưng các giáo sĩ Hội thừa sai Paris và nhà cầm quyền Pháp trong thế kỷ 19 đã bỏ qua, và biến ông thành người duy nhất “có công sáng tạo ra chữ quốc ngữ” gây nên sự hiểu lầm suốt hơn 100 năm qua!

Nguyên nhân rất đơn giản, Đắc Lộ là người Pháp còn những giáo sĩ khác là người Bồ hoặc người Ý. Tới ngày nay thì sự thật đã rõ ràng, song cũng còn không ít người vẫn tin rằng, chỉ có Đắc Lộ mới là người sáng tạo ra chữ quốc ngữ! Cũng dễ hiểu vì không phải ai cũng có, cũng đọc được những lời của Đắc Lộ viết trong sách vì sách in rất hạn chế, và bản dịch năm 1991 cũng chỉ có 1000 cuốn, chẳng bõ bèn gì so với mấy triệu giáo dân cùng những nhà nghiên cứu!

Cùng thời gian in tự điển Việt-Bồ-La, Bộ truyền bá đức tin La Mã còn in hai cuốn sách khác của ông. Đó là cuốn “Phép giảng tám ngày” bằng tiếng Việt và Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài bằng tiếng Pháp. Phép giảng tám ngày là tác phẩm hoàn toàn bằng Việt ngữ và cũng là cuốn sách giảng đạo bằng tiếng Việt đầu tiên. Hiện một bản gốc cuốn này còn lưu trữ và gìn giữ ở nhà thờ Mằng Lăng, tỉnh Phú Yên. Cuốn sách này đã được chú giải và in lại nhiều lần ở Việt Nam từ thế kỷ trước. Riêng cuốn Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài đã được linh mục Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch ra Việt ngữ và in tại Việt Nam năm 2015.

Như vậy, có thể nói rằng, giáo sĩ Đắc Lộ không phải là người sáng tạo ra chữ quốc ngữ, Việt ngữ ngày nay, nhưng ông có công lớn trong việc in ra những cuốn sách Việt ngữ đầu tiên làm tiền đề cho Việt ngữ phát triển sau này. Đó là một công khó rất đáng kính trọng và ghi nhớ. 

Từ điển Việt-Bồ-La gồm có ba phần chính: 

  1. Phần ngữ pháp dài 31 trang: Chữ và vần trong tiếng Việt gồm bảy chương phân tích các dấu nhấn, danh từ, đại danh từ, cú pháp…
  2. Phần tự điển gồm 900 cột
  3. Index dành cho người biết tiếng Latin học tiếng Việt

Chúng ta ngày nay không chắc rằng, ai trong số các giáo sĩ trước Đắc Lộ đã có viết ngữ pháp tiếng Việt hay không, nhưng trong tự điển Việt-Bồ-La đã có phần ngữ pháp. Đây là phần rất quan trọng dành cho người học tiếng Việt, nếu không việc học chữ Việt sẽ vô cùng khó khăn. Và đây là bài viết về ngữ pháp tiếng Việt đầu tiên mà chúng ta được biết. 

Phần ngữ pháp này được Đắc Lộ đặt tên là “Báo cáo vắn tắt về tiếng Annam hay Đông Kinh”. Đây là phần miêu tả cơ cấu ngữ âm và ngữ pháp tiếng Việt được viết bằng tiếng Latin. 

Đắc Lộ viết ngay phần đầu bản “báo cáo” này “tiếng Đông Kinh mà bây giờ chúng tôi bàn tới hoàn toàn chẳng có chia động từ, chẳng có thì, chẳng có thức, nhưng tất cả những thứ đó hoặc được cắt nghĩa nhờ thêm vào một số phụ từ, hoặc được suy đoán nhờ những tiếng đi trước hay theo sau, khiến người thông thạo nhận đúng là thì, hoặc thức, và số được giải nghĩa trong chính câu nói. Vả lại, thường thường cùng một chữ có nghĩa danh từ và động từ, và bởi những tiếng được thêm vào người ta có thể hiểu dễ dàng ở vị trí như thế, tiếng như vậy phải là danh từ hay động từ.” Về các dấu trong tiếng Việt, ông viết “Chúng tôi đã nói các dấu hầu như là hồn của các chữ trong phương ngữ này và vì đó chúng phải được học hỏi cẩn thận tối đa. Vậy chúng tôi dùng ba dấu của tiếng Hy Lạp là dấu sắc, dấu huyền và dấu ngã, mà bởi vì chúng không đủ, nên chúng tôi thêm dấu chấm dưới và dấu hỏi của chúng ta; vì mọi giọng của tiếng này quy về sáu loại, đến nỗi toàn vẹn tất cả các tiếng của phương ngữ này đều thuộc về một loại trong sáu loại đó hoàn toàn không trừ tiếng nào.” [Việt-Bồ-La, trang năm và trang 10]. Ông cũng miêu tả các phát âm của người Việt khi thể hiện các loại dấu âm. Có thể nói đây là một phát hiện “vĩ đại” mà trước đó chưa người Việt nào biết và thực hiện dù mỗi người đều nói bằng tiếng Việt mỗi ngày. Ông cũng phân tích danh từ số ít, số nhiều, các đại danh từ…một cách khá chi tiết mà những ai chú ý đến ngôn ngữ học đều cần biết.

Trong tự điển, chúng ta sẽ được thấy nhiều “tử ngữ”, những chữ quốc ngữ ở thế kỷ 17, mà ngày nay không còn dùng nữa nhưng khá gần với chữ ngày nay. Ví dụ như ciam tức Chàm, Kẻ Chàm thủ phủ của Quảng Nam thời ấy. : ông, đàng ngoày, đàng tlên (đàng ngoài, đàng trên), nhà huyẹn (nhà huyện), Bua (vua)…Đây là cả một tiến trình sáng tạo của nhiều giáo sĩ mà giáo sĩ Đắc Lộ thừa hưởng. 

Không rõ số lượng sách được in ra là bao nhiêu, song cuốn từ điển này dường như được các giáo sĩ lưu tâm tới chữ quốc ngữ đã sao chép lại nhiều lần bằng cách chép tay. Hầu như các học viện, tu viện Thiên chúa ở các nơi trên thế giới đều có cuốn sách này. Và đa phần các tu sinh, các giáo sĩ đều được học và thông thạo chữ quốc ngữ khi tới Việt Nam. Đơn cử là linh mục Puginier, sau là Giám mục Tây Đàng Ngoài từ năm 1866, khi tới Sài Gòn năm 1860 đã rành tiếng Việt, đã mở trường dạy tiếng Pháp và tiếng Việt ở Sài Gòn. Ông cũng đã rửa tội cho các tân tòng bằng tiếng Việt, mà một trong các “đệ tử đầu tiên” của ông là Đóc phủ Trần Tử Ca, chủ quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định hơn 20 năm và đã bị dân chúng vùng Hóc Môn, Đức Hòa… lật đổ vào năm 1885. Các tu sinh như Huỳnh Tịnh Paulus Của, Trương Vĩnh Ký, Ernest Potteau, Chánh tổng tài Gia Định Báo đầu tiên, cùng nhiều quan chức của Pháp nguyên là tu sĩ đều rất rành tiếng Việt và chữ quốc ngữ. 

Phép giảng tám ngày (tiếng Latinh: Cathechismvs pro ijs, qui volunt suscipere baptismvm in octo dies diuisus) là một cuốn sách giáo lý đạo Thiên Chúa được biên soạn bằng chữ Quốc ngữ, in tại Roma, Ý vào năm 1652. Đây được xem là quyển sách văn xuôi tiếng Việt đầu tiên được in bằng chữ Quốc ngữ. Phép giảng tám ngày là sách song ngữ, gồm 319 trang, từng trang được in hai cột song song: tiếng Latinh cột bên trái, tiếng Việt cột bên phải. Và đây là cuốn giáo lý nhằm “Cho kẻ muốn chịu phép rửa tội mà vào đạo thánh Đức Chúa Trời.” Sách không chia từng trang, mục mà chia ra từng ngày.

Phép giảng tám ngày là tác phẩm văn xuôi, phản ảnh văn ngữ và ghi lại cách phát âm của tiếng Việt vào thế kỷ 17 nhằm mục đích “truyền bá đức tin đạo Thiên Chúa” đồng thời hướng dẫn cho các giáo sĩ đi sau biết và học tiếng Việt. Cuốn sách này cũng thể hiện quan điểm của Đắc Lộ và cũng là quan điểm của giáo hội Thiên Chúa thời ấy. 

Chúng tôi sẽ nói kỹ hơn các quan điểm này ở phần sau và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc “bách đạo” hay “bách hại” đạo Thiên Chúa ở Việt Nam, Trung Quốc và Nhựt Bổn.

Trong sách này, Đắc Lộ khẳng định “Đức Chúa trời sanh ra tất cả” cho nên “phải thờ kính là lẻ phải” [trang 12, ngày thứ nhất]. Và để thuyết phục các “tân tòng” sách đã phủ nhận tất cả các đạo giáo đang có ở Việt Nam và các hình thức thờ cúng trong dân gian. 

Ngoài việc hướng dẫn các giáo sĩ phương pháp truyền đạo cho người chưa biết đạo, sách thể hiện rất rõ quan điểm của Thiên chúa giáo thời ấy là “chỉ có đạo Thiên chúa mới chánh đạo, các đạo khác đều là tà đạo, đều là ma quỷ.” Đồng thời phủ nhận và phỉ báng những tục lệ của người Việt như thờ cúng, giỗ chạp…và kêu đó là ngu muội! Sách viết “Ai thờ Đức Chúa Trời cho nên, thì được lên trên thiên đàng cùng Đức Chúa trời; ai thờ ma quỷ thì đến ở cùng ma quỷ” [trang 8, Ngày thứ nhất]. “Ngục Hoàng chẳng phải thật Chúa trời đất” [trang 28 Ngày thứ hai]. Hay “Ai muốn cho sống lâu, mà cầu cùng cha mẹ, ông bà ông vải đã chết, chữa mình cho sống lâu chẳng được, thì thật là dại chốc.” [trang 48 Ngày thứ hai]

Ngày thứ bốn sách viết “Sự đàng sau này bởi nước India mà ra, thì ta nói trước. Ta suy bởi đâu mà ra, thì một chốc ta biết là đạo gian.Ấy vậy mà từ tạo thiên lập địa qua ba nghìn năm đô, mà từ lộn lạo tiếng nói một nghìn dư năm, bên Thiên trúc quốc thì có vua, tên là Tịnh Phạn, mà đẻ con, dạ thì sáng, song kiêu ngạo lắm, đã lấy con vua nào gần đấy gả cho, mà sinh đẻ được một con gái đoạn, thì khiến đi ở trên rừng một mình, dẫu vợ cãi mà chẳng cho, vì mình đã quen làm việc dối, như pháp môn phù thuỷ, và muốn cho người ta hãi mà khen nó, và lòng láo thong dong nói khó cùng ma quỷ. Mà trong nhiều quỷ dạy nó, thì có hai quỷ, tên là Alala và Calala, quen làm thầy nó liên, mà nó thì ngồi giữa hai thầy quỷ ấy, mà dạy nó dầu hết chớ tin gì có Chúa trời, cùng đặt tên nó là Thích Ca. Đến khi Thích Ca ra dạy kẻ khác sự đạo gian ấy, vì trái lẽ lắm, thì người ta bỏ mà đi hết. Nó và quỷ làm thầy nó, thấy vậy, thì lấy đàng khác mà mới dạy những truyện dối trá dã dày, vậy thì mà cầm đầy tớ lại, cũng có dạy nó sự luân hồi, dối trá đầy tớ vậy. Lại khiến nó thờ bụt, mà lấy mình Thích Ca làm cội rễ bụt ấy, như thể lấy mình là kẻ làm nên trời đất, mà trị đấy. Song le nó lấy tên trời đất vậy, mà dối trá thế gian, nó thì lấy là mình người vậy, mà lại các bụt thì cũng lấy là tứ chi cốt tiết, dầu đàn ông đàn bà, cũng là vật âm mình, lấy làm bụt vậy. Mà lời ấy thì nói cùng kẻ học đã lâu mà thôi, song le điều ấy chẳng cho nói ra cùng thế gian, mà chúng nó những nói sự truyện dối trá bày đặt vậy, và lấy phép giả bởi quỷ mà làm cho thế gian nên dại vậy, cho nên thế gian thờ bụt. Vì chưng thì nói hứa rằng, ai thờ bụt, dẫu là kẻ hèn mọn ở đời này, đến đời sau khi luân hồi thì dễ ra được làm con vua chúa vậy. Song le đầy tớ nào yêu thì càng dối nó, mà làm cho phạm chốn càng sâu, cho đến chẳng tin có Đức Chúa Trời vậy, lại khiến không làm cội rễ đầu mọi sự, mà khi thì chết lại về không, lấy không làm bia mọi sự vậy”. [trang 100-101]

Sách cũng phê phán tục lệ thờ cúng tổ tiên của người Việt khi cúng đồ ăn cho người chết, vì cho rằng linh hồn người chết không ăn được đồ cúng nên việc làm đó là vô ích, “Lại người Annam càng vô phép, mà như thể cười nhạo cha mẹ, khi đã sinh thì, mà dùng những giấy làm nhà, cùng áo, tiền vàng bạc,và các ký sự vẽ, mà cúng cha mẹ. Vì chưng chẳng có ai khôn mà dám cho người nào, khi hãy còn sống, dẫu rất khó, mà khiến nó dùng bấy giống ấy. Mà sao người Annam dám cúng cho cha mẹ, khi đã sinh thì, những của dối ấy? Có kẻ rằng: đốt thì mã biến hóa, ra khác. Nói làm vậy phải chốc, vì đốt thì phần ra lửa, phần thì ra gio. Mà gửi phần nào cho cha mẹ? Ví bằng gửi gio thì làm cho cha mẹ ở trong gio mà sướng ru? Mặc gio mà sạch sẽ và lịch sự lắm ru?” [trang 112, Ngày thứ Bốn]…

Nói chung ngoài việc truyền giáo thì Phép giảng tám ngày là cuốn sách dành nhiều câu chữ đả kích, phủ nhận và phỉ báng các tục lệ, các tôn giáo khác đang có ở Việt Nam thời kỳ ấy. Đây là quan điểm của Thiên Chúa giáo ở thế kỷ 17 mà sau này Vatican đã có nhiều thay đổi.

Đây là hai cuốn sách bằng Việt ngữ đầu tiên mà Đắc Lộ có công in và phổ biến. Tuy là của giáo hội Thiên chúa in và do các giáo sĩ sáng tạo, biên soạn nhưng những cuốn sách này nay đã là tài sản quý báu của người Việt khắp năm châu. Nếu bỏ qua các quan điểm không phù hợp của thời ấy, thế kỷ 17, những quan điểm mà chính giáo hội cũng thừa nhận và sửa sai về sau này, sách đã cho chúng ta những tài liệu quý báu về tiếng Việt thuở ban đầu và cả những vấn đề xã hội chưa hề được ghi chép trong các cuốn lịch sử Việt.

Từ điển Việt-Bồ-La và Phép giảng tám ngày được truyền bá trong nội bộ giáo hội. Phần lớn các giáo sĩ và các thầy giảng đều được học tiếng Việt qua hai cuốn sách này. Và cũng từ đó, tiếng Việt, tức chữ quốc ngữ ghi âm tiếng nói người Việt bằng mẫu tự Latin, bắt đầu được phổ biến. 

(còn tiếp)

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights