Chữ quốc ngữ, chữ nước ta, kỳ 7 – Cấm đạo: Nguyên nhân và nỗi truân chuyên của chữ quốc ngữ

by Tim Bui
Cấm đạo: Nguyên nhân và nỗi truân chuyên của chữ quốc ngữ

TRẦN NHẬT VY

Bắt đầu ở Đàng Trong từ năm 1625 cho đến Đàng Ngoài 1627, rồi cả nước cấm đạo từ năm 1629 tới hậu bán thế kỷ 19 là thời gian đau đớn của đạo Thiên Chúa, của những người Việt theo đạo và của cả chữ quốc ngữ.

chữ quốc ngữ được các giáo sĩ sáng tạo và truyền bá trước tiên trong những người có đạo, nên chính quyền và dân chúng đương thời coi đó là “thứ chữ của ngoại quốc,” “chữ của đạo Thiên Chúa” chứ không phải của Việt Nam. Việc cấm đạo kéo dài hơn hai thế kỷ đã khiến người Việt mất cơ hội tiếp cận với thế giới Tây phương, tiếp cận với nền khoa học của thế giới. Nếu được “vào đời” sớm có lẽ lịch sử nước ta phải viết lại hay đã có những trang khác với hiện nay.

Song nguyên nhân sự cấm đạo vì đâu?

Các sử gia Thiên Chúa giáo đều đổ thừa cho các tôn giáo khác là vì “ganh tỵ” với đạo Thiên Chúa mà xúi giục các nhà cầm quyền cấm đạo. Và một lý do mà họ chỉ nói qua là do “giáo lý của đạo Thiên Chúa quá nghiêm khắc.” Cách nói này gián tiếp thừa nhận những áp đặt của giáo lý không phù hợp với cái gốc văn hóa của Việt Nam!

Còn một số sử gia hiện nay thì một mực cho rằng “đạo Thiên Chúa đã dẫn đường cho người Pháp đánh chiếm nước ta.

Sự thật?

Thiển nghĩ, cả hai nguyên nhân nói trên đều chưa hoàn toàn chính xác. Xin lạm bàn như sau:

Về ý kiến của các sử gia Thiên Chúa giáo.

Có lẽ không sử gia nào phủ nhận, thoạt đầu khi các giáo sĩ đến Việt Nam, cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài “đều được đón tiếp long trọng.” Chính giáo sĩ Đắc Lộ ghi trong Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài “Chúng tôi được trân trọng và thịnh tình đón tiếp, đến nỗi chúng tôi được tự do lại gần ngài” [Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, Alexandre de Rhode, Nguyễn Khắc Xuyên dịch, nhà xuất bản Khoa học xã hội 2015, trang 165].

Trước đó, từ năm 1615 đến 1625, các giáo sĩ cũng được chính quyền Đàng Trong của chúa Nguyễn đón tiếp nồng hậu và cho lập cơ sở ở cả Hội An [Quảng Nam] lẫn Nước Mặn [Bình Định].

Cũng cần nên biết, trong thời kỳ Nam-Bắc phân tranh, chiến tranh giữa hai miền diễn ra liên miên, song về văn hóa cả hai miền đều tương đồng. Và việc giao thương với Tây phương cả hai miền cũng rộng mở để mua bán nhiều thứ, trong đó có vũ khí tân tiến!

Như vậy cho thấy, các chính quyền Việt Nam dù Nam hay Bắc đều rất “lịch sự” với các giáo sĩ và để họ thong dong truyền đạo. Nhưng tại sao sau đó họ lại cấm?

Có khói ắt có lửa. 

Nguyên nhân mà các nhà sử học Thiên Chúa giáo đổ thừa kiểu “chính những thành quả kể trên cũng là cơ hội gây nên ghen tuông, hiểu lầm. Vả nữa, vì sự kiện giáo dân càng ngày càng phát triển đông đúc, một số vua chúa, quan lại và cả giới tăng ni đã có những nhận xét vội vàng và nghi ngại, sợ mất đi một phần thần dân, một phần ảnh hưởng, một phần tín đồ.” [giáo sư Trần Văn Cảnh, http://gpbanmethuot.com/giao-duc-kito-giao/doc-lai-lich-su-cong-giao-viet-nam-bi-cam-va-bach-hai-43077.html].   

Nói như ông Trần Văn Cảnh rõ ràng coi thường trí tuệ của các vị cầm quyền ngày xưa. Các vị này có thể “dốt” chứ không “ngu” như ông Cảnh tưởng tượng. Họ có thể không học được các tiếng ngoại quốc, không biết về khoa học và văn minh của phương Tây, nhưng họ không ngu khi ngồi vào được ngôi cao như vậy. Họ có thể thích nghe những lời nịnh hót ngon ngọt nhưng họ không thể ngu đến mức để chỉ nghe “những lời nhận xét vội vàng” mà ra lệnh cấm đạo. Nên nhớ, thời ấy cả Đàng Ngoài lẫn Đàng Trong đều muốn mua được vũ khí của phương Tây để đánh nhau. Do vậy, họ trân trọng những người ngoại quốc, nhất là những thương nhân Bồ Đào Nha đang buôn bán ở Viễn Đông. Chính quyền bên nào cũng muốn hữu hảo và mua bán tốt đẹp với phương Tây. 

Nhưng đã là chính quyền nắm vận mệnh đất nước trong tay thì chính quyền nào, kể cả thực dân, đều muốn “an dân,” muốn lịch sử ghi là người trị vì minh quân trong một đất nước “thái bình, thịnh trị.” Và họ sẵn sàng làm mọi cách, kể cả giết hại thân quyến, nếu những người đó có âm mưu làm cho đất nước hỗn loạn, làm cho nhân tâm xào xáo, thiếu ổn định.

Nhà sử học Trung Hoa đầu tiên từ hơn 2000 năm trước, ông Tư Mã Thiên đã nói “Con rồng là con vật dễ đùa giỡn. Nhưng nó có chín cái vảy ngược, đụng đến là nó quật chết.” An dân, Thịnh Trị là những cái vảy ngược của những con rồng nắm quyền bính ở Việt Nam. 

Nền tảng của sự an dân, thịnh trị ở Việt Nam khi ấy chính là nền tảng văn hóa có từ lâu đời. Đó chính là sự tôn sư trọng đạo theo kiểu Khổng Tử. Đó chính là sự tin tưởng vào Phật giáo, tôn giáo được du nhập vào Việt Nam nhiều trăm năm trước khi các giáo sĩ Châu Âu tới. Đó là văn hóa kiểu quân sư phụ của đạo Nho, đạo Lão. Đó là cách sống giữ gìn tam cương, ngũ thường. Trên là kính trọng vua, thầy và cha mẹ. Trong cuộc sống thì giữ gìn “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín” trong sinh hoạt hàng ngày từ trong nhà ra xã hội…Tất cả những điều đó đã trở thành lối sống thường ngày, là gia phong của người Việt dù là dân đen hay trí thức, quan chức và là nền văn hóa căn bản của đất nước.

Cái nền tảng ấy rất là Đông Phương, động đến là khiến cả xã hội lung lay. Động đến có thể khiến lòng dân xao động. Động đến là có thể làm thay đổi cả chính thể, cả ngai vàng, cả quyền lực đương thời.

Hãy xem lại những lý do các chúa Nguyễn ở Đàng Trong và Trịnh ở Đàng Ngoài là như thế nào. Sau mười năm các giáo sĩ đạo Thiên Chúa đến truyền đạo ở Hội An [Quảng Nam] rồi vô Nước Mặn [Bình Định], năm 1625 chúa Nguyễn Phước Nguyên cấm đạo với lý do sau “Đạo mới làm cho người ta mất hết tinh thần đạo giáo của tổ tiên.” Ở Đàng Ngoài, giáo sĩ Đắc Lộ đến vào năm 1627 được chúa Trịnh đón tiếp rất trong hậu, cho phép truyền đạo, nhưng đến năm 1629 thì cấm đạo với lý do “Tà đạo Hoa Lang dùng lời nói lừa gạt mê hoặc lòng dân và còn truyền bá lan rộng đạo lý sai lầm, nghịch lại với luật lệ và thói tục quốc gia nên cần phải nghiêm cấm.

Tại sao trước các chúa trân trọng, sau lại cấm một cách “nghiêm khắc” như vậy? Và cái gọi là “làm cho người ta mất hết tinh thần đạo giáo tổ tiên” và “đạo lý sai lầm, nghịch lại với luật lệ và thói tục quốc gia” là thế nào?

Có lẽ chúng ta cần đọc lại Phép giảng tám ngày cũng chính là giáo lý căn bản của đạo Thiên Chúa khi ấy. 

hai quỉ tên là Alala và Calala, quên làm thày nó lien, mà nó thì ngồi giữa hai thày quỉ ếy…đạt tên nó là Thicca. Đến khi Thicca ra deại kẻ khác fự đạo gian ếy…Nó và quỉ làm thày nó…” [Hai tên quỉ là Alala và Calala, quen làm thầy nó liên, mà nó thì ngồi giữa hai thầy quỉ ấy…đặt tên nó là Thích Ca. Đến khi Thích ca ra dạy kẻ khác sự đạo gian ấy…Nó và quỉ làm thầy nó….] (Phép giảng tám ngày, Ngày thứ bốn, Alexandre de Rhode, Rome 1651, trang 106) 

Sách giáo lý còn viết “Vì bệy giáo bụt thì có hai đàng: một là gọi giáo ngoài, mà deạy người ta thờ bụt, dối bệy, hay bày đạt những truyện giả, kể chảng xiét, xiểu dối thế gian, mà lào về thờ bụt…cho nên ai phải đạo bụt tlaõ đoục ếy , thì quỉ quái hơn kẻ theo đạo ngoài bậy…tlao sắch thì gọi đạo bụt những đạo rợ mọi bệy…”. [Vì vậy, đạo Phật thì có hai đàng: một là Phật ngoài, mà dạy người ta thờ Phật, dối vậy, hay bày đặt những chuyện giả, kể chẳng xiết, điều dối thế gian, mà láo về thờ Phật…Cho nên ai phải đạo Phật trong độc ấy thì quỉ quái hơn kẻ theo đạo ngoài vậy…trong sách thì gọi đạo Phật là những đạo rợ mọi vậy…] (sách đã dẫn, ngày thứ bốn, trang 107-108)

Thử hỏi, nếu có một người khách mình rất yêu quý, đến nhà mình chơi và chỉ lên bàn thờ gia tiên nhà mình mà nói “Mày thờ ma quỷ à!” thì bạn sẽ làm gì? Tôi thì tôi đánh nó gãy răng và đuổi ra khỏi nhà ngay tức thì!

Hành hình giáo dân thời Minh Mạng

Không chỉ có vậy. Giáo lý đạo Thiên Chúa khi ấy, còn buộc con chiên phải “bỏ bớt vợ khi trong nhà quá nhiều vợ!” Khi ấy tục đa thê đang phổ biến, hầu hết những nhà giàu có đều có nhiều vợ. Các ông vua, chúa thì khỏi nói, trong cung có cả bầy cung tần mỹ nữ, làm sao bỏ? Mà những bà vợ ấy, thấy việc chung chồng với nhau là chuyện bình thường! [dù không phải lúc nào cũng êm ấm, không có tranh giành, đấu đá lẫn nhau].

Giáo lý còn cấm con chiên thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ vì cho đó là “thờ cúng quỉ.” Con chiên phải từ chối đốt nhang, lạy tổ tiên trong các bữa giỗ, các buổi thờ cúng. Giáo lý cũng phủ nhận Khổng Tử và cho đó không phải là “thánh nhân.” Phủ nhận đạo Lão, đạo Nho vì cho đó là “mê tín dị đoan”… Mà tất cả những điều giáo lý buộc con chiên Việt Nam phải từ chối, từ bỏ đều là những nền tảng của xã hội nước ta từ rất lâu đời. Với người Việt, trong ba đại tội thì tội “bất hiếu” là tội nặng nhất. Việc thờ cúng cha mẹ đã mất không chỉ là “thủ tục” mà là “nhiệm vụ” của con cháu. Do vậy, khi buộc người Việt bỏ thờ cúng cha mẹ và coi đó là “thờ cúng quỉ” đã khiến dân chúng nổi giận và làm rối loạn trật tự vốn có của xã hội!

Văn hóa châu Âu và Đông phương có nhiều điểm khác nhau rất xa. Việc bắt buộc những người theo đạo Thiên Chúa phải đi theo văn hóa Âu châu, phủ nhận văn hóa bản địa là một sai lầm của giáo lý Thiên Chúa thời kỳ ấy. Có thể các giáo sĩ không trực tiếp nói với những người có quyền thế như vua, chúa hay quan lại. Song giáo lý này được truyền dạy cho các con chiên và buộc các con chiên phải tuân thủ. Rồi các con chiên này, những người theo đạo Thiên Chúa, sẽ phải thực hành khi sống trong gia đình, sống với làng xóm. Điều gì xảy ra? Chắc chắn đã có những cuộc tranh luận lớn trong gia đình, nếu có người theo và không theo đạo. Chắc chắn đã có những cuộc xung đột dữ dội giữa những người theo và không theo đạo khi người theo đạo từ chối cúng bái tổ tiên, từ chối làm giỗ cha mẹ đã khuất, từ chối tham gia những lễ lộc nhớ ơn tiền nhân trong làng xóm…

Bắt giáo sĩ

Trước khi các giáo sĩ Tây phương tới, Việt Nam đã có hàng ngàn năm văn hóa Phật giáo, của Khổng-Nho giáo. Những lễ tiết, những thói quen văn hóa đã thấm sâu vào mỗi người đến tận xương tủy. Ai cũng thấy việc thờ cúng tổ tiên là điều bình thường. Ai cũng xem việc cúng giỗ cha mẹ, ông bà, người thân đã khuất của mình là nhiệm vụ. Ai cũng thấy những lễ tiết như tôn trọng thầy, tôn trọng vua, kính cha mẹ là chuyện không có gì lạ. Từ người thất phu cho đến kẻ có học vị cao trong xã hội có tục đa thê, coi việc kêu Khổng Tử, gọi Phật Thích Ca là thánh nhân, là đấng cứu độ chúng sinh là chuyện thường tình. 

Nay, các giáo sĩ đã tiêm vào đầu óc các con chiên những tư tưởng Tây phương, xa lạ với đời sống thường ngày, và phủ nhận tất cả những gì đang có là “ma quỉ,” là “láo xược,” là “bậy bạ”… giống như một loạt đại bác bắn vào nền tảng đạo lý, văn hóa ngàn năm của nước ta. Có thể các giáo sĩ chỉ muốn người theo đạo giữ giáo lý của đạo. Có thể các giáo sĩ và giáo lý chỉ mong muốn có được nhiều người theo đạo mà họ tin là “tốt nhất.” Có thể họ muốn đạo Thiên Chúa phát triển rộng rãi khắp nơi. Có thể các giáo sĩ không có ý gì tới việc phá hoại gia phong và nền văn hóa lâu đời của nước ta. Có thể các giáo sĩ đều cho rằng ngoài châu Âu thì các dân tộc khác đều là man di mọi rợ nên họ muốn giáo hóa. Và có thể chính bản thân mỗi giáo sĩ đều nghĩ rằng mình là người đi “khai hóa” mang ánh sáng văn minh đến cho thế giới mới này. 

Song các giáo sĩ cùng với giáo lý đạo Thiên Chúa lại hoàn toàn không biết hay làm bộ không biết, rằng phương Đông này đã có một nền văn minh riêng của mình và có một nền văn hóa lâu đời, đáng kính trọng. Vì vậy, khi giáo lý đạo Thiên Chúa bắt đầu phổ biến ở một mức độ nào đó sau nhiều năm thì bị phản ứng của dân chúng, của các tôn giáo khác và ngay trong giới sĩ phu. Và những phản ứng này đã đưa đến việc cấm đạo.

Chúa Nguyễn ở Đàng Trong là những người thấy đầu tiên. Sau mười  năm cho các giáo sĩ vào Hội An rồi Nước Mặn, năm 1625 chúa Nguyễn đã có lệnh cấm đạo. Năm 1629, Đàng Ngoài cũng cấm đạo.

Ban đầu, các chúa đã khéo léo giữ sự liên lạc tốt đẹp với các thương nhân và chính quyền ngoại quốc nên chỉ “trục xuất các giáo sĩ” mà ít có biện pháp cứng rắn như trường hợp giáo sĩ Đắc Lộ bị trục xuất khỏi Đàng Ngoài năm 1630.  

Các giáo sĩ đã làm gì trước những lệnh cấm này? Xin thưa, họ trốn lánh nếu có thể được. Sau khi bị trục xuất, họ lén lút trở lại và sống lẩn lút trong các xóm, làng nhiều con chiên và vẫn tiếp tục công việc truyền đạo.

Nhắc lại những chuyện này không phải để phê phán, chê trách đạo nào, hay khoét sâu thêm những vết thương của dân tộc đã lành, mà nhắc lại để chúng ta tránh những sai lầm, mất mát đã từng xảy ra. Hàng trăm ngàn người có đạo Thiên Chúa đã chết vì cấm đạo, họ cũng là người Việt Nam đáng được sống!

Về mặt chính quyền, phản ứng thế nào về việc các giáo sĩ không tuân lệnh trục xuất? Chắc chắn là phải có biện pháp cao hơn, mạnh hơn!

Những biện pháp này không “cứng rắn” ngay từ đầu mà bắt đầu từ từ là ngăn chặn, lùng bắt đến truy lùng, bắt giữ… Bởi không chính quyền nào lại chấp nhận việc pháp luật bị vi phạm, bị coi thường! Ngay cả một tổ chức nhỏ cũng có quy định riêng mà những người trong tổ chức ấy cần tôn trọng, không vi phạm huống gì luật pháp một quốc gia.

Từ năm 1625 đến gần 20 năm sau, năm 1644, người đầu tiên bị xử trảm là thầy giảng người Việt Andre Phú Yên ở Đàng Trong. Đã có 15 sắc chỉ cấm đạo qua năm đời chúa Nguyễn. Ở Đàng Ngoài có 17 sắc chỉ cấm đạo. Rõ ràng việc coi thường pháp luật của các giáo sĩ đã “tự đẩy bản thân và các giáo dân vào chỗ phạm pháp!” Dù có biện luận thế nào đi nữa, việc phạm pháp ở một quốc gia có chủ quyền thì nhà cầm quyền không thể nào dung thứ, dù đó là ai đi nữa.

Không phải vua chúa người Việt không thích đạo Thiên Chúa mà giáo lý của đạo này đã khiến giáo dân người Việt xa rời và làm băng hoại nền tảng đạo đức, văn hóa của xã hội đương thời.

Đến thời Tây Sơn, ở miền Trung cũng cấm đạo vì “Chấn chỉnh đạo thật của tổ tiên và của các vua là thờ kính Khổng Tử và hủy diệt đạo ngoại lai của các người Tây Phương để duy trì bình an.” Thời Minh Mạng cấm đạo vì đây là “đạo xấu, nghịch lại với chính đạo.” Thời Thiệu Trị, Tự Đức cấm đạo vì “là lý do khiến người Pháp đến nước Nam”

Và câu trả lời đáng chú ý nhất khi liên quân Pháp-Tây Ban Nha kéo tới đánh chiếm Việt Nam với lý do ban đầu “bảo vệ người truyền giáo và người theo đạo Gia Tô.” Và trong thực tế, có rất nhiều tu sĩ, giáo dân đã hợp tác với người Pháp trong cuộc chiến đánh chiếm Nam Kỳ và sau này ở Bắc Kỳ vào cuối thế kỷ 19. Điều này càng làm rõ thêm những lý do mà các nhà cầm quyền ở Việt Nam thời ấy cấm đạo. Làm sao người ta có thể nghĩ khác về một thực tế như vậy?

Song thiệt hại nặng nhất cũng là người Việt. Hầu hết trong số hàng trăm ngàn giáo dân, giáo sĩ bị giết trong các đợt cấm đạo là người Việt. Họ không chống phá ai, không chống lại vương quyền, không phản bội đất nước mà chỉ vì thực hành giáo lý của đạo mà mất mạng! Đau thay!

Và thiệt hại đáng kể nhất chính là sự chậm trễ được vào đời của chữ quốc ngữ. Giả sử giáo lý của đạo Thiên Chúa mềm mỏng hơn, phù hợp hơn với văn hóa của nước ta, liệu có cuộc bách đạo không?

Nếu chữ quốc ngữ được vào đời sớm từ thế kỷ 17-18 thì đất nước ta hẳn có nhiều thay đổi, và lịch sử phải viết lại. Tiếc thay….!

(còn tiếp)

Cùng một tác giả: https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/category/tac-gia/q-to-z/tran-nhat-vy/

You may also like

Verified by MonsterInsights