Chuyện báo chí Sài Gòn xưa – kỳ 10

by Tim Bui
Chuyện báo chí Sài Gòn xưa - kỳ 10

TRẦN NHẬT VY

Chuyện tình của nữ sĩ Phương Lan và hai nhà báo

Tờ Điển Tín của ông huyện Lê Trung Cang ban đầu là tờ báo thân chính quyền. Tờ báo này ra đời với nhiệm vụ tiếp tay với tờ La Dépêche của nhóm thực dân Lý Tài do tay tổ thực dân De Lachevrotière làm chủ nhiệm, cổ động cho ứng cử viên De Beaumont ra tranh cử Thượng hội đồng (nghị viên duy nhất đại diện Nam Kỳ tại quốc hội Pháp). 

C:\Users\win 10\AppData\Local\Packages\Microsoft.Windows.Photos_8wekyb3d8bbwe\TempState\ShareServiceTempFolder\dientin.jpeg

Cuộc tranh cử này cũng diễn ra một cuộc “mua bán thăm” rần rộ dưới bàn tay đạo diễn của De Lachevrotière.

De Lachvretière là ai?

Đây là một nhà báo thực dân cộm cán ở Sài Gòn thập niên 1930-1940. Ông ta vừa là chủ báo, vừa là chủ tịch Hội đồng Thành phố Sài Gòn, Chủ tịch Hội đồng quản hạt Nam Kỳ trong thập niên 1930, thành viên Hội đồng Lý Tài [nay quen gọi là Hội đồng Kinh Tế], một người hết lòng ủng hộ các chính sách của Pháp tại Việt Nam, chủ khách sạn Grand và khách sạn Palace ở Sài Gòn.

Vốn là dân Tây lai tên là Henry Chavigny de Lachevrotière (1883-1951) thường “được” các nhà báo Sài Gòn gọi là Đờ Leo Cheo. Cha ông là Eleuthère Lachevrotière Chavigny, một tài công người Pháp gốc Tân Đảo, sang sống ở Sài Gòn, và mẹ là bà Nguyễn Thị Jacques Năm, gốc người Bắc. Henry Chavigny de Lachevrotière sanh ngày 11/9/1883 tại Sài Gòn. Thuở nhỏ ông học ở Paris, sau đó sang Bordeaux học cho tới trưởng thành. 

Không rõ Đờ Leo Cheo trở lại Sài Gòn khi nào, nhưng năm 1916 ông trở thành nhân viên nho nhỏ của Sở quan thuế Nam Kỳ tùng sự tại Sadec. Năm 1917, Đờ Leo Cheo trở thành biên tập viên tờ l’Impartial của Ernest Outrey với khuynh hướng thân chính quyền và bảo vệ quyền lợi của thực dân ở thuộc địa. Đến năm 1926, ông xuất bản tờ La Depeche, một tờ báo khét đặc mùi thực dân, luôn ủng hộ chính quyền với bất cứ giá nào. Và cũng từ đó ông trở thành một “nhân vật” của Sài Gòn.

Năm 1951, trong khi đi từ văn phòng về nhà trên đường Richaud [Phan Đình Phùng nay là Nguyễn Đình Chiểu], xe ông ta bị liệng lựu đạn, và ông chết tại chỗ. Ai giết Đờ Cheo Leo tới nay vẫn là một nghi án.

Description de cette image, également commentée ci-après
De Lachevrotière (1883-1951)

Nhờ mua bán thăm nên De Beaumont đắc cử. Vì vậy, phe đối thủ là Omer Sarraut mới tố cáo và thưa kiện việc mua bán thăm, dẫn đến việc nhà cầm quyền phải điều tra. 
Và một trong những địa chỉ khám xét đầu tiên chính là nhà ông chủ bút báo Điển Tín ở số 10 bis đường Verdun (Lê Văn Duyệt, nay là Cách Mạng Tháng Tám) và lòi ra chuyện.
Thật ra, ban đầu lính tráng chỉ khám xét lấy lệ, bởi dù sao mật thám cũng ngán ông chủ tịch Hội đồng quản hạt De Lachevrotière, người ra vô dinh Thống đốc như nhà riêng, lại nắm trong tay một đội ngũ những người có quyền hành trong quân đội lẫn kinh tế. Nhưng không dè, sau khi khám xét xong lính tráng ra về, thì ông Bùi Thế Mỹ kiểm soát lại mâm đèn [dụng cụ hút á phiện] thấy mất cây viết Parker bằng vàng vì vậy ông Mỹ mới mời ông xếp mật thám trở lại để giải quyết vụ cây viết.

Lúc đó, Bùi Thế Mỹ đã trở thành một nhân vật “có máu mặt” ở Sài Gòn. Việc lính tráng mật thám đi về mà bị lôi trở lại khiến cò bót bị mất mặt. Mà không bị mất mặt sao được, lính tráng mới ra khỏi nhà là chủ nhà hô mất đồ, coi sao được! Vì vậy xếp mật thám kêu hết nhân viên trở lại, lục soát thiệt kỹ để kiếm….cây viết! Vì lục soát quá kỹ nên họ kiếm được một số thẻ cử tri dấu dưới mé hồ nước ở nhà sau. Đó là số thẻ cử tri của hầu hết người Ấn quốc tịch Pháp được tập trung về đây để Bùi Thế Mỹ phát tiền. Những người này tuy là quốc tịch Pháp nhưng đâu có quan tâm tới việc bầu bán nên có ai mua là bán luôn. 

Với bằng cớ này, việc mua bán thăm đã rõ. Ông Mỹ bị bắt cùng với 134 người khác, kể cả chủ nhiệm tờ La Dépêche, ông Darrigade, tổng thư ký tòa soạn Michaud và cả De Lachevrotière. Nhờ luật sư giỏi nên Bùi Thế Mỹ được trắng án, song cũng phải lận đận một thời gian. 
Nhưng cũng nhờ vụ này mà “vị thế” của Bùi Thế Mỹ ở tờ Điển Tín càng vững vàng. Sang năm 1936, phong trào Đông Dương đại hội nở rộ, Bùi Thế Mỹ được đưa lên ghế Tổng thư ký của Ban tổ chức. Chủ báo là De Lachevrotière dù không thích phong trào này nhưng cũng nhắm mắt cho qua vì Điển Tín là tờ báo quốc ngữ phải khác báo tiếng Pháp, nếu không thì độc giả tẩy chay. 
Chẳng bao lâu phong trào bị đàn áp, Diệp Văn Kỳ bị trục xuất về Huế [vì sinh ra ở Huế], Bùi Thế Mỹ cũng bị trục xuất về Quảng Nam. Do không được chủ báo can thiệp, nên 11 giờ trưa Thống đốc ký nghị định thì 1 giờ chiều mật thám tới gõ cửa ông Bùi Thế Mỹ đem về bót Catinat (nay là Sở Văn Hóa-Thể Thao TPHCM). 
Tin hai ký giả Diệp văn Kỳ và Bùi Thế Mỹ bị bắt khiến làng báo Sài Gòn náo động. 9 giờ đêm hôm ấy, nhóm La Lutte và anh em trong Hội ký giả Nam kỳ quyết định làm một cuộc biểu tình. Họ tập trung tại ga Sài Gòn (nay là công viên 23 tháng 9) để tiễn đưa Bùi Thế Mỹ. Họ viết một số biểu ngữ và học thuộc những khẩu hiệu để phản đối chính quyền ngay khi xe lửa chở Bùi Thế Mỹ về miền Trung chuyển bánh. Song anh em chờ hoài cho tới khi xe chuyển bánh cũng không thấy Bùi Thế Mỹ đâu. Họ chia nhau lục soát từ đầu máy tới toa chở hàng cũng… không thấy gì. 
Hóa ra trước đó, lúc 3 giờ chiều, sở mật thám bắt được tin “biểu tình của đám nhà báo”, nên họ đã lẳng lặng đưa Bùi Thế Mỹ lên “xe cây” lúc 4 giờ và chở đi bằng đường bộ. Ngay cả vợ của Bùi Thế Mỹ là bà Phương Lan, ôm sách vở, quần áo cho chồng ra ga Sài Gòn chờ cũng… hụt luôn.
Bữa sau, nữ sĩ Phương Lan cũng đi miền Trung. Bà về tới Đà Nẵng nhưng đợi riết cũng không thấy chồng đâu, sau đó mới biết, khi mật thám Sài Gòn giải Bùi Thế Mỹ tới Nha Trang giao cho Sở Liêm phóng ở đây. Nhưng lúc đó chủ sở Liêm Phóng đi săn ở tận Ban Mê Thuột, không ai ký tiếp nhận nên Bùi Thế Mỹ phải bị giam lại ở Nha Trang cả tuần lễ.
Còn bà Phương Lan, chờ đợi ở Đà Nẵng gần mười ngày không thấy ông Bùi Thế Mỹ được giải ra thì hốt hoảng đánh điện về Sài Gòn cho ông Nguyễn Văn Sâm, Hội trưởng Hội AJAC (Hội ký giả Nam Kỳ) để báo động.
Nhận được bức điện này, báo Đuốc Nhà Nam do ông Nguyễn Văn Sâm làm chủ nhiệm, liền loan tin “phải chăng ký giả Bùi Thế Mỹ đã bị thủ tiêu?”. Cái tin ấy khiến giới báo chí Sài Gòn thêm hoang mang và tờ Đuốc Nhà Nam bị… đóng cửa vì tội “loan tin thất thiệt, cố ý gây căm hờn giữa dân chúng và nhà cầm quyền”. Bởi thực tế ông Bùi Thế Mỹ đâu có bị thủ tiêu, mà vì lý do “kỹ thuật” nên nhà cầm quyền Pháp “chậm” bàn giao ông cho chính quyền Nam triều, để rồi bị quản thúc ở nguyên quán là xã Phú Nhuận dưới chân núi Ngũ Hành Sơn dưới quyền quản lý trực tiếp của Tổng đốc Ngô Đình Khôi. Một thời gian sau ông được sống thong thả tại thị xã Hội An là nhờ sự vận động tích cực của bà vợ là nữ sĩ Phương Lan.
Đến cuối năm 1938, ông Bùi Thế Mỹ mới được ân xá và trở về Sài Gòn và vợ chồng ông chuyển nhà sang số 108 đường Boresse (nay là Yersin) làm nghề dạy học sống qua ngày. Tới năm 1942, ông Neumann nhường lại tờ Dân Báo, ông Bùi Thế Mỹ mới trở lại nghề báo. Bùi Thế Mỹ làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ Dân Báo đã tập họp được khá đông các cây bút tiếng tăm trong nghề như Viên Hoành (Hồ Văn Hiến), Gậy Gộc (Tạ Đình Bính), Tú Oanh (Võ Oanh), Phan Thao (con trai ông Phan Khôi), cụ cử Tùng Lâm (Lê Cương Phụng)… nên tờ báo làm ăn khá và vọt lên ngang hàng với tờ Điển Tín của ông huyện Lê Trung Cang và Sài Gòn của ông bà Bút Trà Nguyễn Đức Nhuận.
Song không được bao lâu, ngày 27/3/1943, tờ báo cũng lụi tàn vì ông Bùi Thế Mỹ bị đột tử. Đám tang của ông được hàng ngàn người đưa về nghĩa trang Trung Việt ở Tân Sơn Nhì (nay là khu vực Bình Hưng Hòa). Riêng bà Phương Lan sau khi chồng chết thì cố gắng tiếp tục xuất bản tờ Dân Báo. Nhưng chẳng được mấy ngày thì ông chủ nhà xuất bản Tín Đức Thư Xã, Trần Văn Hanh đã vận động với bà Neumann (vợ chủ tờ báo được thừa kế) để mua lại, nên Dân Báo lọt về tay ông Hanh. Ông Trần Văn Hanh có cô con gái rất nổi tiếng ở Sài Gòn. Đó là bà nghị viên Trần Kim Thoa, người từng đòi “đái trên đầu” mấy ông nghị khác trong một cuộc họp quốc hội ở Sài Gòn. Lúc này, ở Sài Gòn chỉ có ba tờ báo ra hàng ngày là Điển Tín, Sài Gòn và Dân Báo. Sau vụ đó thì bà Phương Lan coi như từ giã nghề báo mà gần gũi với việc tu hành. Nghe đồn bà bỏ về miền Tây và vô chùa đi tu. Thập niên 1970 bà có xuất bản mấy cuốn sách, trong đó có hai cuốn có giá trị tới nay là cuốn Nhà cách mạng Nguyễn An Ninh và cuốn Tạ Thu Thâu.

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights