Chuyện báo chí Sài Gòn xưa kỳ 11 – Tản Đà làm báo ở Sài Gòn

by Tim Bui
Chuyện báo chí Sài Gòn xưa - kỳ 11 Tản Đà làm báo ở Sài Gòn

TRẦN NHẬT VY

Nhà thơ Tản Đà-Nguyễn Khắc Hiếu từng có thời gian làm báo ở Sài Gòn là chuyện nhiều người biết. Thế nhưng ông làm báo, viết báo như thế nào thì rất ít người biết. Bài viết này nhằm cung cấp thêm tài liệu cho những nhà nghiên cứu danh nhân và bạn đọc hiểu biết thêm về một nhà thơ lừng lẫy một thời với những tác phẩm như Giấc mộng con, Khối tình con, Thề non nước…

Tiểu sử tóm tắt của Tản Đà trên Wikipedia:

Tản Đà tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939), sinh tại làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây (nay là xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, Hà Nội), nguyên quán ở làng Lũ tức làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì thuộc phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Những tên làng, huyện này không biết sắp tới, trong cơn lốc ‘tách nhập’ làng xã có bị thay đổi hay không!

Ông là con riêng của ông tri phủ Nguyễn Danh Kế và bà Lưu Thị Hiền, một đào hát tài sắc, có tài làm thơ nôm. Tản Đà nhiều lần đi thi và đều rớt. Năm 1913, ông bắt đầu bước vào nghề báo, cộng tác với tờ Đông Dương tạp chí, một phụ bản của tờ Lục Tỉnh Tân Văn ở Sài Gòn, phát hành ở miền Bắc. Năm 1916 ông mới lấy bút danh Tản Đà ghép từ hai chữ núi Tản – sông Đà. Từ năm này cho tới năm 1932, ông vừa làm báo, vừa làm thơ và dĩ nhiên vừa uống rượu. 

Trang Wikipedia viết khá nhiều về Tản Đà, kể cả những chi tiết không cần thiết như ông làm bạn với Bạch Thái Bưởi, nhà tư sản nổi tiếng ở miền Bắc những năm 1920, hay những chuyện tình đơn phương của ông với các cô gái nhà giàu…Trong khi đó, trang này lại viết rất ít về chuyện ông làm báo ở Sài Gòn. Chỉ có một câu duy nhất “Năm 1931-1932… ông có vào Sài Gòn ít lâu và đảm nhận phụ trương văn chương cho tờ báo của ông Diệp Văn Kỳ, và cư ngụ tại Xóm Gà” và lại viết sai về thời gian! Bởi tờ báo Thần Chung của ông Diệp Văn Kỳ, đầu năm 1930 đã bị “rút phép thông công” và bị đình bản vĩnh viễn thì làm gì có báo cho ông Tản Đà cộng tác? Đã là tự điển nhưng lại không ghi rõ, Tản Đà làm báo tên gì ở Sài Gòn? Tờ báo ấy ra sao?

Xin nói lướt qua ông Diệp Văn Kỳ và nghề báo của ông. 

Diệp Văn Kỳ (1895-1945), là con ông Diệp Văn Cương và bà Công nữ Thiện Niệm. Ông quê cha ở Sài Gòn nhưng sinh ra tại Huế. Ông du học bên Pháp trở về nước cuối năm 1926 với bằng luật sư và chính thức bước vào nghề báo năm 1927. Trước đó, ông đã từng cộng tác với một số tờ như Công Luận Báo, Nam Trung Nhựt Báo… thường ký bút danh là Tân Việt.

Ông Kỳ bắt đầu chính thức bước vào nghề làm báo từ năm 1927 và làm “chủ báo” bằng cách sang lại tờ Đông Pháp Thời Báo của ông Nguyễn Kim Đính, Nghị viên Hội đồng thành phố Sài Gòn, chủ nhà in Thạnh Mậu có bút danh là Tô Văn. 

Đông Pháp Thời Báo ra đời năm 1923 trải qua nhiều đời chủ bút như Hồ Văn Trung [bút danh là Hồ Biểu Chánh], Bùi Thế Mỹ [bút danh Lan Đình], Nguyễn Tử Thức, năm 1926 ông Đính mời ông Trần Huy Liệu làm chủ bút. Vốn có tinh thần chống Pháp cao, ông Liệu đã biến tờ báo mạnh về xã hội trở thành một tờ báo mạnh về chính trị. Ông Liệu tổ chức nhiều hoạt động ngoài mặt báo như đón Bùi Quang Chiêu từ Pháp về, đám tang ông Phan Châu Trinh, lễ truy điệu Lương Văn Can… đồng thời viết nhiều bài đả kích, khiêu khích nhà cầm quyền đương thời như loạt bài đi thăm ông Phan Bội Châu ở Huế, kêu gọi thanh niên tỉnh dậy… Đây cũng là thời hoàng kim của Đông Pháp Thời Báo.

Những hoạt động ngoài mặt báo cùng các bài viết mang tính khiêu khích của ông Liệu khiến nhà cầm quyền “khó chịu”. Và nhân vụ tổ chức “lễ truy điệu Lương Văn Can đã cấm mà vẫn làm” vào giữa năm 1927, nhà cầm quyền đã bắt Trần Huy Liệu cùng một số người khác, phạt tờ báo 1.000 đồng, đồng thời loại ông Đính ra khỏi chức nghị viên Hội đồng thành phố Sài Gòn. Ông Liệu và một vài người khác đã bị đày đi Côn Đảo, nơi ông theo hẳn phe cộng sản để sau này trở thành Bộ trưởng của chính quyền Việt Minh và là người tiếp nhận ấn kiếm của vua Bảo Đại năm 1945.

Sau vụ này thì Đông Pháp Thời Báo xuống sắc, ông Đính buồn bã bỏ Sài Gòn về Bình Trưng, nhà con gái ông, ở ẩn một thời gian.
Đúng lúc đó thì Diệp Văn Kỳ xuất hiện với đề nghị sang lại tờ báo. Có lẽ ông Đính đang như người đi trong nắng hạn gặp mưa rào, nên nhanh chóng đồng ý. Và ngày 14/10/1927, tờ Đông Pháp Thời Báo chính thức đổi chủ, do ông Diệp Văn Kỳ làm chủ. Thời ấy, giấy phép ra báo “không sang tên” được, nên tuy là chủ thực thụ nhưng trên măng sét ông Đính vẫn là “người chịu trách nhiệm”, còn ông Kỳ thì làm “giám đốc kiêm quản lý” thôi.

Trong Mấy lời tuyên bố ở số 635 ngày 14/10/1927, số đầu tiên do ông Kỳ làm chủ, ông Kỳ có viết “Vậy nay tôi đứng làm báo Đông Pháp… mong rằng, trong thời các đồng chí trong tòa soạn, ngoài thời các bạn độc giả trong quốc dân, hãy coi tờ Đông Pháp Thời Báo này là một cái cơ quan trọng yếu của xã hội Việt Nam ta mà cùng lòng giúp rập cho…

Và ngay trong số đầu tiên này, thì tờ Đông Pháp Thời Báo đã có mặt ông Nguyễn Khắc Hiếu phụ trách trang văn nghệ.

Trong bài Mấy lời trần cáo trên số báo này, Tản Đà viết “…Sau khi Annam tạp chí tạm đình bản, tôi đi chơi trong Nam, gặp ông Diệp Văn Kỳ. Ông lấy cảm tình muốn giữ tôi lại ở lâu trong Nam để cùng mưu tính về việc làm sách, làm báo… Nay ông Diệp Văn Kỳ đứng làm báo Đông Pháp mà cậy tôi giúp một phần việc mọn về văn chương… Lại nghĩ rộng ra rằng: hoặc vì một phần văn học trong báo Đông Pháp này mà tôi có được cái cảm tình thân mật đối với các sĩ quân tử ở Nam trung; thời lại là một sự riêng đàng may cho tôi vậy…”.

Mấy lời này xác định Tản Đà “vào Sài Gòn làm báo từ giữa năm 1927” chứ không phải “những năm 1931-1932” như trang Wikipedia viết.

Vì sao mà Tản Đà lại ưng lời mời của ông Kỳ?

Trong thời kỳ ấy, Sài Gòn có khá nhiều tờ nhật báo nổi tiếng và mạnh cả độc giả lẫn tiền bạc như tờ Lục Tỉnh Tân Văn của ông Nguyễn Văn Của, tờ Trung Lập Báo của ông Trần Thiện Quý, tờ Công Luận Báo của ông Heloury… Các bạn đừng quên, thú vui nhất đời của Tản Đà là uống rượu. Và rượu là bạn gần gũi nhất với ông. 

Trong một biếm họa đăng trên báo Phong Hóa, ông Hoàng Đạo đã vẽ bức tranh Tản Đà đang dạy học, với chú thích “”ông giáo Hiếu: Các ngài muốn hỏi tôi cách làm thơ ru? Khó gì đâu: tửu nhập thi xuất!”. Bức biếm họa này đã minh họa rõ ràng về sự “mê rượu” của Tản Đà.

Khi Tản Đà vào Sài Gòn ắt hẳn cũng gặp gỡ khá nhiều “giai nhân tài tử” trong làng văn, làng báo. Song người đủ sức đối ẩm với Tản Đà dường như chỉ có ông chủ nhà in Bảo Tồn, Diệp Văn Kỳ. Ông Kỳ cũng nổi tiếng là người “uống rượu không say” nên gặp Tản Đà như cá gặp nước. Rồi từ bạn nhậu chuyển thành đồng nghiệp không xa mấy.

Công việc thực hiện một trang báo ngày nay gọi là “chủ biên” mỗi tuần không nặng mà cũng không nhẹ. Một trang báo khổ A3, chỉ có khoảng 3.000 chữ [như báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên ngày nay] hay lớn hơn là gấp đôi số chữ là khổ A1, A0. Nhiều người ngoài nghề cho rằng, một tuần viết hoặc biên tập vài ngàn chữ là chuyện quá nhẹ! Vâng, ngó thì nhẹ hều nhưng phải ngồi vào bàn viết mới biết mấy ngàn chữ nó nặng cỡ nào. Mà chỉ viết mấy ngàn chữ đọc cho thông suốt, dễ nghe cũng mệt lắm nha! Chứ viết mấy ngàn chữ để đăng báo được, để độc giả không phàn nàn lại càng khó.

Nhiệm vụ của Tàn Đà ở Đông Pháp Thời Báo là mỗi tuần thực hiện một trang văn chương. Trang này có văn, thơ, bình sách… Tản Đà phần nhiều là viết chapeaux, bài chính của trang. Phần còn lại là biên tập các bài viết của độc giả xa gần gửi về. Tản Đà rất ít đăng sáng tác mới trên trang văn nghệ này. Nếu có cũng không có tác phẩm nào được đời sau chú ý ghi vào tiểu sử của ông.

Qua các tờ báo còn lưu trữ được, tôi thấy Tản Đà không chỉ thực hiện trang văn nghệ mà còn tham gia viết nhiều thể loại khác trên báo, hoặc sáng tác “đột xuất” đăng ở các trang khác của báo. Tỉ như các bài thơ sau đây:

Nhớ các bạn độc giả của AnNam tạp chí
(Đông Pháp Thời Báo số 638 ngày 5-10-1927)

Nhớ ai, chẳng nhớ những là ai
Mây nước xa trông luống ngậm ngùi
Tạp chí mươi kỳ duyên đã lạt
An-Nam hai chữ mực hồ phai

Ba thu ngày tháng xa-đà uổng
Bốn bể âm thư vắng vẻ hoài
Bóng lặn tà dương trời xẩm tối
ếch kêu đầy phố tiếng xe hơi.

Báo cắn nhau!
(Đông Pháp Thời Báo số 646 ngày 15-11-1927)

Một hôm tôi đi chơi bách thú, thấy hai con báo (beo) cắn lộn nhau hoài, nghĩ hẳn rằng các con báo ở trong chỗ rào sắt không cắn được ai, cho nên lại cắn nhau. Thấy cảnh nên thơ, nên đọc chơi bốn câu rằng:

Ta bảo đây này các báo ơi:
Thôi thôi xin chớ cắn nhau hoài!
Ví chăng báo có ra đời báo,
Thời phá rào ra, báo cắn ai.

Cả hai bài thơ này đều đăng ở trang 1, không nằm trong trang Văn nghệ. Ông cũng in lại Giấc mộng con và một số bài bình luận khác trên báo này.

Để Tản Đà yên tâm thực hiện trang văn chương mỗi tuần cho tờ Đông Pháp, [lúc này Đông Pháp Thời Báo ra cách nhật, hai ngày một kỳ], ông Kỳ mướn nhà cho Tản Đà ở trong khu Xóm Gà thuộc Gò Vấp, nay thuộc quận Bình Thạnh. Kể ra từ tòa soạn báo ở số 96 rue Mac Mahon [Công Lý nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa], Sài Gòn vào tới Xóm Gà không gần lắm, nhưng Tản Đà mấy khi ra tòa soạn chỉ ngồi nhà làm trang văn nghệ thì xa gần đâu thành vấn đề!

Xin được miêu tả qua Sài Gòn – Gia Định những thập niên đầu thế kỷ 20.

Thời ấy, trung tâm Sài Gòn chỉ gồm quận Nhất và quận Tư ngày nay thôi. Quận Ba mãi tới năm 1930 mới lần lần hình thành. Khu vực trung tâm Sài Gòn là trụ sở các cơ quan hành chính Nam Kỳ và là nơi cư ngụ của người Pháp, cùng những công chức cao cấp người Việt. Khu chợ Sài Gòn mới lẫn cũ, Cầu Ông Lãnh là dân kinh doanh và ngoại kiều như người Hoa, Ấn… Khu Tân Định là khu công chức người Việt ở. Đa số người Việt như dân làm báo, văn nghệ sĩ, công chức cấp thấp… đều ở quanh chợ Bà Chiểu, làng Bình Hòa, tỉnh Gia Định, mà tập trung là làng Bình Hòa và Xóm Gà cận đó. Có thể kể như Vương Hồng Sển, Đông Hồ, Nguyễn Kim Đính, Hồ Hữu Tường, Phú Đức… đều ở Bình Hòa. Vì vậy việc ông Kỳ mướn nhà cho Tản Đà ở Xóm Gà cũng bình thường. Và bình thường hơn là thỉnh thoảng ông Kỳ và Tản Đà lại gặp nhau để… nhậu!

Một câu chuyện về hai ông được truyền tụng nhiều nhưng chưa rõ thực hư ra sao xin chép ra đây để các bạn nhớ lại [nếu đã biết] và biết thêm [nếu chưa biết].

Ai đã làm báo thì biết rằng, thực hiện một trang báo mỗi tuần là công việc không nặng lắm nhưng cũng không hề nhẹ nhàng, nhất là trang văn nghệ. Để có bài cho đủ trang, người thực hiện ngoài việc đọc, chọn những bài do độc giả gửi tới, đôi khi còn phải tự viết. Việc đọc và chọn bài của độc giả cũng “rất cực nhọc” chứ không khỏe khoắn như nhiều bạn ngoài nghề tưởng! Bởi không phải độc giả nào cũng viết tốt và đủ chuẩn theo tiêu chuẩn của tờ báo để mà in. Khi độc giả gửi bài nhiều thì việc lựa chọn càng khó, mà ít bài gửi tới quá thì càng khó hơn! Khổ lắm các bạn ạ! Vì vậy, nếu không đủ bài của bạn đọc thì chủ biên phải è cổ ra viết. Việc sáng tác đâu giống các công việc khác, nó không có sẵn trong túi để lấy ra khi cần mà phải “có hứng” mới viết được.

Nên có chuyện kể rằng: Lần nọ, đã tới kỳ báo phải xếp chữ để in mà trang văn nghệ của Tản Đà chưa thấy đâu. Lon ton [còn gọi là tùy phái, người giúp việc cho chủ bút hay tòa soạn] mới chạy vào nhà Tản Đà để hối bài. Bị hối, chắc cũng đã làm ít ly sần sần rồi, Tản Đà sẵng giọng “Làm thơ chứ có phải bửa củi đâu!”. Người tùy phái quay về tòa soạn với hai bàn tay không. Hay chuyện, Diệp Văn Kỳ mới lấy xe chạy vào nhà Tản Đà hỏi thăm sự tình. Với bạn nhậu, Tản Đà nói thiệt rằng từ khi biết ông vào Sài Gòn làm báo, tưởng ông đã giàu nên các chủ nợ gửi thơ đòi gắt quá nên không còn tinh thần để… sáng tác! Ông Kỳ mới hỏi “Anh thiếu tất cả bao nhiêu?”. “Một ngàn đồng!”, Tản Đà trả lời. Ông Kỳ nghe xong cười “Tưởng nhiều chứ nhiêu đó thì… Để mai tôi giải quyết!” Nói xong ông Kỳ choàng vai Tản Đà kéo đi nhậu!

Bữa sau, ông Kỳ vào đưa cho Tản Đà 1.000 đồng và cho ông nghỉ phép một tháng để về quê giải quyết nợ nần. Hình như sau chuyến về quê này, Tản Đà đã dẫn Ngô Đức Kế vào Sài Gòn viết cho Đông Pháp Thời Báo.

Những thập niên đầu thế kỷ 20, ở Nam Kỳ vẫn còn xài tiền Đông Dương song song với franc [quan] Pháp. Một đồng Đông Dương đổi được 5 quan. Và một đồng Đông Dương mua được 5 tạ gạo. Một ngàn đồng có thể mua được một ghe bầu gạo! 

Phải nói thiệt rằng, phụ trang văn nghệ trên Đông Pháp Thời Báo do Tản Đà phụ trách cũng không có gì đặc sắc lắm. Thời kỳ này, tờ báo cũng được cây viết có tiếng đương thời như Huỳnh Thị Bảo Hòa, Bùi thế Mỹ [Quảng Nam], Phan thị Bạch Vân [Gò Công], Thượng Tân Thị [Vĩnh Long]… tham gia viết. Nhưng trang báo vẫn “khô”, thiếu mượt mà, thiếu chất thơ! Có lẽ, Tản Đà làm thơ, viết văn thì hấp dẫn nhưng làm báo thì…

Sau khi Đông Pháp Thời Báo “hoàn thành nhiệm vụ”, ông Kỳ mở tờ Thần Chung vào đầu năm 1929, không có phụ trang thì Tản Đà cũng không còn đất hoạt động. Có thể ông còn nấn níu ở Sài Gòn một thời gian. Khi Thần Chung bị đóng cửa vào đầu năm 1930, ông có viết cho Phụ Nữ Tân Văn bài nhận xét về phụ nữ rồi sau đó mất hút.Theo tôi, có thể từ năm 1930, Tản Đà trở về quê làm báo tiếp và tờ Annam của ông tới năm 1933 thì bị đình bản lần thứ tư. Từ đó Tản Đà về dạy học, viết văn mướn, coi bói, dịch sách… Và tới giữa năm 1939 thì ông vĩnh viễn ra đi ở tuổi 50 để lại nhiều tiếc thương cho người thân và những người biết ông.

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights