TRẦN NHẬT VY
Trong số những nhà báo bị ám sát ở Sài Gòn có De Lachevrotière, một nhân vật của Sài Gòn, một trong những nhà tài phiệt, chủ báo, chủ khách sạn và cũng là người nổi tiếng trong báo giới. Tên thì Tây rặt, nhưng ông ta lại húp nước mắm, nói tiếng Việt không thua người Việt chính hiệu. Và ông ta được sanh ra, sống, nổi tiếng và chết ở đất Sài Gòn.
De Lachevrotière (1883-1951), kẻ bảo hoàng hơn vua
Người Sài Gòn xưa kêu người Việt lai Tây là “dân bòn bon”. Cụm từ này không rõ xuất phát từ đâu. Sài Gòn cũng có nhiều người lai Tây làm báo và được kính nể, đơn cử như ông Dejean de la Batie, người đã đứng ra làm báo chung với ông Nguyễn An Ninh và nhiều lần tham gia các buổi diễn thuyết đòi tự do báo chí.
Henry Chavigny de Lachevrotière cũng là dân bòn bon thường “được” các nhà báo Sài Gòn gọi xách mé là Đờ Leo Cheo. Cha ông là Eleuthère Lachevrotière Chavigny, một tài công [người lái ghe, tàu] người Pháp gốc Tân Đảo, sang sống ở Sài Gòn, và mẹ là bà Nguyễn Thị Jacques Năm, gốc người Bắc. Henry Chavigny de Lachevrotière sanh ngày 11/9/1883 tại Sài Gòn. Thuở nhỏ ông học hành ở Paris, sau đó sang Bordeaux học cho tới trưởng thành.
Không rõ Đờ Leo Cheo trở lại Sài Gòn khi nào nhưng năm 1916 ông đã là nhân viên nho nhỏ của Sở quan thuế Nam Kỳ tùng sự tại Sadec. Năm 1917, Đờ Leo Cheo trở thành biên tập viên tờ l’Impartial của Ernest Outrey với khuynh hướng thân chính quyền và bảo vệ quyền lợi của thực dân ở thuộc địa. Đến năm 1926, ông xuất bản tờ La Depeche, một tờ báo khét đặc mùi thực dân, luôn ủng hộ chính quyền với bất cứ giá nào, rồi tờ l’Impartial, rồi Trung Lập Báo. Và cũng từ đó ông trở thành một “nhân vật” của đất Sài Gòn.
Tuy là Tây lai sanh ra và sống ở chính đất mẹ nhưng Đờ Leo Cheo nặng máu thực dân hơn cả thực dân chính hiệu, nói như cách ngày nay là “bảo hoàng hơn cả vua”. Và ông là một trong những nhà báo Tây lai nhiệt tình ủng hộ mọi chính sách của nhà cầm quyền thuộc địa. Có lẽ vì vậy mà Đờ Leo Cheo được các nhân vật trong giới cầm quyền cưng chiều, trở thành một thành viên quan trọng trong Hội đồng Lý Tài của Đông Dương và từng là Chủ tịch Hội đồng thành phố Sài Gòn và Hội đồng quản hạt Nam Kỳ.
Đờ Leo Cheo cũng là người từng đòi “đá đít”, theo đúng nghĩa đen của từ này, ông Bùi Quang Chiêu tại bến tàu Sài Gòn, khi ông Chiêu là đương kim Nghị viên Thượng Hội đồng Pháp từ Paris về Sài Gòn vào năm 1926. Thời điểm ấy, Sài Gòn khá sôi nổi với nhiều hoạt động yêu nước với sự cổ động của báo chí nhất là tờ Chuông Rè của Nguyễn An Ninh-Phan Văn Trường và tờ Đông Pháp Thời Báo của Nguyễn Kim Đính do Nam Kiều Trần Huy Liệu làm chủ bút. Tờ Đông Pháp Thời Báo đã viết bài cổ động đồng bào đi “đón” Bùi Quang Chiêu với hy vọng “đổi mới” chế độ thực dân ở Sài Gòn. Vì ông Chiêu là người đại diện cho người Việt trong nghị viện Pháp, có tiếng nói khá quan trọng trong việc thay đổi một số chính sách. Có hàng vạn người tham gia việc đón tiếp này, đến mức cầu Mống, nơi đồng bào đi qua để đón Chiêu về tòa soạn tờ Diễn đàn Đông Dương [La Tribune Indochinoise] trên đường Lagrandière [nay là Lý Tự Trọng] chật cứng đến nỗi suýt sập!
Biết được tin này, Đờ Leo Cheo cũng ra bến tàu Nhà Rồng chen lấn với đồng bào để chuẩn bị “đá đít” Bùi Quang Chiêu nhằm làm xấu mặt ông này trước đám đông. Khi Đờ Leo Cheo nhào tới trước mặt Bùi Quang Chiêu thì một “đệ tử” của hắn đã ngăn lại. Trong khi đó, nhà báo trẻ Trịnh Hưng Ngẩu cũng nhào vô định ăn thua đủ với họ Đờ. May thay do có nhiều người can ngăn, rồi cảnh sát có mặt giữ trật tự nên không có gì xảy ra. Nếu có chuyện chắc chắn là chuyện không nhỏ.
Hành động sau đó của họ Bùi đã khiến bàn dân thiên hạ thất vọng. Ông ta không nói gì về việc trước đó vài ngày ông Nguyễn An Ninh và một số người khác bị Pháp bắt giam vì liên quan đến vụ “diễn thuyết ở vườn xoài bà Đốc phủ Tài”. Cách cư xử ấy khiến mọi người thất vọng và cũng từ đó người ta thấy rõ mặt thật của Bùi Quang Chiêu.
Cũng cần nói rõ ông Chiêu là “bạn bè” thân thiết với Thống đốc Nam Kỳ Pagès ở thời điểm đó. Dinh Thống đốc nằm trên đường Lagrandière (dinh Gia Long nay là Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh), ông ra vô như nhà riêng. Và ít ai biết rằng, con gái của Chiêu là Henriette Bùi, nữ bác sĩ đầu tiên của Việt Nam, đang là “bồ bịch” của Pagès!
Tuy có quyền, có tiền nhưng trong đời Đờ Leo Cheo vẫn ấm ức vì “không chuộc được” cặp ngà voi đã bán cho ông Trương Văn Ngàn trước đó. Ông Ngàn vốn là nghị viên Hội đồng quản hạt, là cháu nhiều đời của Trương Minh Giảng, Trương Minh Ký, tánh tình nóng nảy, cương trực, người Hanh Thông Xã, Gia Định. Ông cất nhà ở đối diện chợ Gò Vấp, có tiệm buôn bán và cất một rạp hát gần nhà, sau này là rạp Văn Cầm, rạp hát duy nhất ở Gò Vấp tính cho tới nay. Thuở còn trẻ, nghèo, Đờ Leo Cheo mê đi săn có bắn được con voi có cặp ngà rất lớn (dài khoảng 2 thước) ở Trảng Bom nhưng vì không tiền nên đã bán cho ông Ngàn với điều kiện “cho chuộc lại” khi có tiền.
Tới năm 1925, Đờ Leo Cheo đã trở thành “đại gia” là chủ đồn điền Lachevrotière diện tích 1100 ha (trồng 110 ha) ở tỉnh Kampot (Campuchia) và đồn điền Long-Thuan, nhỏ hơn với diện tích 240 ha cho trồng 220 ha, ở Thanh-tuy-hoa [Thành Tuy Hạ?], chủ khách sạn Palace, khách sạn Grand ở trung tâm Sài Gòn [theo Wikipedia bản tiếng Pháp]. Khi Đờ Leo Cheo có nhiều tiền, mua nhà lớn ở góc đường Chasseloup với đường đài chiến sĩ (Phạm Ngọc Thạch-Nguyễn Thị Minh Khai) thì muốn chuộc lại cặp ngà nhưng ông không muốn vô Gò Vấp vì sợ mất mặt. Lúc này, ông Nguyễn Kim Đính, Tổng lý tờ Công Luận, muốn ra báo quốc ngữ riêng nên tới nhờ Đờ Leo Cheo, vì là đồng nghiệp trong nghề báo lẫn trong Hội đồng thành phố (Đờ Leo Cheo là chủ tịch Hội đồng), lại là hàng xóm cũ ở Gia Định, xin giùm tờ giấy phép. Đờ Leo Cheo đồng ý giúp xin giấy phép với điều kiện ông Đính phải đi thương lượng chuộc giùm cặp ngà voi. Ông Đính đồng ý, và chỉ ba ngày sau là có giấy phép ra báo. Riêng vụ chuộc cặp ngà thì… dù có bà con với vợ ông Đính nhưng ông Ngàn cương quyết không cho chuộc vì “Nó giàu rồi nó không thèm lết đầu vô nhà tao nữa!” [theo hồi ký Ngọa Long]. Ông Ngàn chỉ đồng ý cho chuộc khi Đờ Leo Cheo tới nhà gặp ông! Cuối cùng cặp ngà vẫn cứ ngự giữa phòng khách nhà ông Ngàn cho tới năm 1945, còn tờ báo của ông Đính ra đời nhờ Đờ Leo Cheo xin giấy phép xuất bản được mấy năm rồi chết đi mà vụ “chuộc lại cặp ngà” vẫn không xong!
Năm 1946, trong khi cả Sài Gòn sôi động vì chiến tranh, lớp lớp nhà báo, trí thức tham gia kháng chiến, tham gia hoạt động báo chí để giành tự do, thống nhất cho đất nước thì Đờ Leo Cheo lập ra tờ L’Union Francaise, ủng hộ sự trở lại Đông Dương của quân đội Pháp. Không chỉ vậy, Đờ Leo Cheo còn hò hét kêu gọi độc giả chống lại phong trào báo chí Thống nhất của nhiều tờ báo quốc ngữ ở Sài Gòn. Dĩ nhiên, báo của Đờ Leo Cheo được người Pháp ủng hộ hết mình và việc gần gũi của ông với các sĩ quan Pháp cũng rất thân tình. Chính vì vậy mà các lực lượng yêu nước coi ông là kẻ thù, nằm trong tầm ngắm để loại trừ. Ông đã có vài lần bị “thanh toán” hụt…
Và trưa ngày 12/1/1951, khi đang đi trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Đờ Leo Cheo đã bị ám sát chết. Công báo Pháp đưa tin “Vào ngày thứ Sáu, lúc 12g35, ông De la Chevrotière đi trong chiếc xe díp mui trần của văn phòng ông ở đường nhà mình như bình thường trên đường Richaud Street. Ngay trước ngã ba đường Richaud – Evriaud Vergnes,xe ông đã bị vọt qua bởi một chiếc xe jeep bảng số màu vàng của Quân đội lãnh sự, đã bị hai kẻ khủng bố chiếm. Khi đến kế bên xe của ông Chevrotière, người không lái xe đã liệng hai trái lựu đạn vô xe ông. Ông Chevrotière chụp được một trái định liệng lại thì nó phát nổ. Bàn tay ông bị đứt rời cơ thể, đầu và thân thể bị ghim nhiều mảnh đạn, ông De La Chevrotière chết ngay lập tức. Lựu đạn còn lại nổ làm người lái xe bị thương nặng” [Wikipedia bản tiếng Pháp].
Richaud-Evriaud Vergnes là ngã ba đường Nguyễn Đình Chiểu-Nguyễn Gia Thiều hiện nay.
Tang lễ của Đờ Leo Cheo được nhà cầm quyền tổ chức trọng thể ở Nhà thờ Đức Bà Saigon và đánh giá “Nhà báo cao cấp, người sau khi đã cống hiến không biết mệt mỏi và không chút trăn trở để bảo vệ sự nghiệp hữu nghị Pháp – Việt mà ông là một trong những người tiên phong. Bị bọn khủng bố kết án tử hình, thoát khỏi hai cuộc tấn công một cách thần kỳ, đã không ngần ngại tiếp tục công việc của mình. Ngã xuống như một người lính ngày 12/1/1951, từ đó nêu gương về lòng dũng cảm và sự kiên trì”.
Cái chết của Đờ Leo Cheo cũng chấm dứt một đời thực dân trong hoạt động báo chí ở Sài Gòn. Và ai là người giết ông vẫn là câu nói cũ của nhà cầm quyền thuở ấy “nội vụ vẫn còn đang trong vòng điều tra”.
(Kỳ sau: các nhà báo trẻ trong lịch sử: Bà Nguyễn Thị Manh Manh)