Chuyện báo chí Sài Gòn xưa, kỳ 17 – Nguyễn thị Manh Manh (1914-2005

by Tim Bui
Chuyện báo chí Sài Gòn xưa, kỳ 17 Nguyễn thị Manh Manh (1914-2005)

TRẦN NHẬT VY

Sau lần diễn thuyết ấy, bà đẩy mạnh việc sáng tác thơ mới ủng hộ ông Phan Khôi và đi diễn thuyết khắp nơi kêu gọi “nam nữ bình quyền”. Tại nhà hội Samipic (Hội Khai trí thể dục Sài Gòn, thường gọi là Hội Khuyến học) trên đường Galliéni [Trần Hưng Đạo], bà đã nhiều lần đăng đàn cổ võ thơ mới khiến cho nhiều người bất ngờ. Khiến ông Hoài Thanh phải bật thốt “đã 25 năm mới có phụ nữ đăng đàn.

Lần khác, bà phải “đấu” với giáo sư Nguyễn Văn Hanh, một người kiên quyết bảo vệ những giá trị truyền thống như “phụ nữ không được đi xe đạp”, “phụ nữ phải bới tóc”, “phụ nữ phải ở trong nhà lo cho chồng con”… Còn bà thì hô hào đổi mới, phụ nữ phải có cuộc sống như mọi người khác, phải làm việc, phải tham gia các hoạt động xã hội, làm các nghề mà đàn ông làm được, tự do hôn nhân... Do vóc dáng nhỏ thó, để khán thính giả buổi diễn thuyết có thể thấy được diễn giả, bà phải đứng trên bàn để nói chuyện. 

Rồi sau đó, bà đi diễn thuyết ở miền Trung, rồi miền Bắc. Nhân dịp gánh hát Trần Đắc ra Hà Nội nhằm “trao đổi văn hóa” thì Phụ Nữ Tân Văn cử bà và bà Phan Thị Nga cùng đi. Tại trụ sở Hội Khai trí tiến đức bên bờ hồ Hoàn Kiếm, cuộc diễn thuyết của bà thu hút khá đông nam thanh nữ tú của Hà Nội. Khán phòng chật ních, người tới sau phải đứng từ trong tới ngoài, trời nóng bức khiến mồ hôi đẫm lưng áo. Ông Nguyễn Đình Trị (tháp tùng theo con gái) thấy vậy bắt ngứa miệng leo lên diễn đàn nói “Thưa quý vị, tôi là ông già con Kiêm. Tôi phải nói trước vì có những thanh niên khỏe mạnh cứ ngồi điềm nhiên trong khi bao nhiêu quí bà quí cô phải đứng. Tôi xin đề nghị cùng anh em hãy đứng lên nhường chỗ cho phụ nữ.” Tiếng pháo tay vang dậy lẫn trong tiếng cười. Bởi thói quen nịnh đầm nên ông Trị quên bẵng bữa nói chuyện hôm nay của bà Kiêm là “Nam nữ bình quyền”. Mà đã bình quyền thì phân biệt gì nam hay nữ? 

Dĩ nhiên chuyện ông Huyện Trị nhảy lên diễn đàn có làm ảnh hưởng chút ít tới buổi nói chuyện, song bà Kiêm đã thành công lớn tại buổi này. Tên tuổi bà vang dội sau lần nói chuyện đó. Theo tiến sĩ Phan Văn Hoàng, “bà đả kích các tập tục hủ bại như trọng nam khinh nữ, tảo hôn, đa thê…, bênh vực những quyền lợi chính đáng của nữ giới. Trong năm 1934, bà đã đi tới bốn thành phố (Huế, Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng) để diễn thuyết các đề tài: “Dư luận nam giới đối với phụ nữ tiên tiến,” “Một ngày của một người đàn bà tiên tiến,” “Có nên tự do kết hôn chăng?”, “Nên bỏ chế độ đa thê không?” Ý tưởng của chị trong các buổi diễn thuyết đó đã tạo ra trong xã hội hai luồng dư luận trái chiều (tán thành và phản đối) phản ánh qua báo chí trong Nam ngoài Bắc…”.

Trong một bài viết ngắn trên báo Phụ Nữ Tân Văn số 197 ra ngày 27/4/1933, nhan đề “Một thiếu niên nữ sĩ trong bộ biên tập của bổn báo: cô Nguyễn Thị Kim (sic)”, đã viết “Ngày nay, trong Nam ngoài Bắc ai cũng biết tên nữ sĩ Nguyễn Thị Kim. Các độc giả yêu quý của Phụ Nữ Tân Văn chắc đều vui lòng thưởng những bài thơ lối mới ký biệt hiệu: Nguyễn Thị Manh Manh; nhân vật mới, tin tức mới, văn chương mới! E xúc phạm đến lòng khiêm nhượng của người bạn đồng sự thiếu niên, chúng tôi chỉ nói qua về công trước tác của nhà văn sĩ trẻ tuổi mà nghề văn già. Không kể những bài báo giá trị của cô cho đang ở Phụ Nữ Tân Văn lâu nay, chỉ giới thiệu 2 bài tản văn đã đăng ở kỳ rồi; Nhân vật kinh tế, ký Nguyễn Văn Mym, và Một hoàn cảnh hai tâm hồn, ký LT. Có lẽ cũng như nhiều văn sĩ có tài sớm, cô Nguyễn ký biệt hiệu là chê hiện tại của mình và mong tương lai sẽ phong phú hơn chăng? Nhưng còn cái tên Nguyễn Văn Mym nó có một ý nghĩa sâu chăng? Cô Nguyễn bất phục lối nữ sĩ có râu mà muốn tỏ ra thế chăng? Dầu sao nữa, đó là một cử động đáng cho độc giả chú ý, bổn báo mạng phép bạn đồng sự mà chỉ ra đây, chẳng có ý nào khác là muốn kích thích chị em tiến thủ mạnh bạo trong đường văn chương cũng như trong các con đường khác. Cuộc đời là một cuộc tranh đấu như bạn đàn ông. Mặt trận văn chương vốn cần như các mặt trận khác trên chiến trường xã hội!”

Song tài bất phùng thời, qua năm 1934, do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế làm ăn thua lỗ, lại có nhiều chuyện thị phi với làng báo Sài Gòn, nhất là Trung Lập Báo và báo Sài Gòn, ông bà Nguyễn Đức Nhuận chán nản đóng cửa tờ báo. Vợ chồng ông Nhuận định đóng cửa báo một thời gian rồi mở lại, nhưng rồi vì nhiều lý do tờ báo đóng cửa mãi mãi! Mất chỗ dựa là tờ Phụ Nữ Tân Văn, bà Kiêm không còn điều kiện để hô hào “bình đẳng phụ nữ” lẫn cổ vũ thơ mới, đành viết báo kiếm sống. Năm 1936, bà tham gia phong trào Đông Dương đại hội và là phụ nữ trẻ nhất mới 22 tuổi, có chân trong Ủy ban lâm thời tổ chức Đông Dương đại hội bên cạnh những cây đa cây đề như Nguyễn An Ninh, Trịnh Đình Thảo, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm…

Có lẽ do ngoại hình “không được đẹp” nên tình duyên của bà cũng lận đận. Ngày mồng Một tháng 10 năm Bính Tý (tức 11/11 năm 1937), bà thành hôn với ông Trương Văn Em, người Hà Tiên, một nhà giáo dạy Việt văn ở trường Trung học Huỳnh Khương Ninh, Sài Gòn, đồng thời cũng là một nhà báo với bút hiệu Lư Khê. Nhưng họ sống với nhau không lâu. Sau khi đứa con đầu lòng ra đời rồi mất và bà không thể có con được nữa, hai người thỏa thuận chia tay. Năm 1950, bà lấy chồng người Pháp và qua Pháp ở cho đến ngày mất.

Nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt (em út Lư Khê, gọi nữ sĩ Manh Manh là chị dâu) kể:

“…Chị (Manh Manh) cư xử với nhà chồng rất tốt, được bên chồng yêu quý. Chị là thứ nữ của ông Huyện Trị, còn anh Lư Khê là con nhà nghèo ở Rạch Vược (Hà Tiên)… Song, chị không hợm mình, lúc nào chị cũng quý trọng người nghèo rất thật tình, không màu mè, không phân biệt giai cấp. Chị thường viết báo hoặc diễn thuyết bênh vực dân nghèo… Khi sinh bé Mi Nu, chị Kiêm bị sự cố không may, mất khả năng sinh sản. Năm sau, bé Mi Nu (bị liệt từ lúc mới sinh) qua đời… chị Kiêm vô cùng buồn, chị thỏa thuận cho anh có người khác… Đầu năm 1945, trước ngày Nhật đảo chính Pháp, anh Lư Khê có người vợ thứ hai… Khoảng đầu năm 1950, chị Manh Manh đi Pháp. Bên ấy chị được tin anh Lư Khê qua đời. Anh bị ám sát ngày 3 tháng 7 năm 1950. Thời kỳ này ở Sài Gòn rất nhiễu nhương

Từ đó, bà Kiêm ở luôn bên Pháp không về Việt Nam nữa. Khoảng năm 2000, bà nhận được cuốn sách viết về bà qua một người bạn và bà đã vô cùng ngạc nhiên vì tên tuổi bà đã bị bụi thời gian phủ mờ hơn nửa thế kỷ mà vẫn còn có người nhớ! Đến năm 2005, bà lặng lẽ qua đời trong một nhà dưỡng lão ở Paris, Pháp.

Là người mạnh mẽ ủng hộ sự ra đời của thơ, đề cao nữ quyền trong xã hội, một phóng viên sung sức với nhiều bài phóng sự xã hội, phỏng vấn những nhân vật đương thời, hùng hồn khi diễn thuyết từ Nam ra Bắc ở cái tuổi 19, 20 đã khiến nhiều người có máu mặt thời ấy ngạc nhiên và kính nể. Tuy làm nghề không lâu nhưng với khả năng và lòng nhiệt huyết bà để lại dấu ấn mạnh mẽ trong làng báo Việt và dường như chưa có ai để so sánh.

Gần đây, qua một số bạn bè tôi dự định liên lạc với ông Đạt để hỏi thêm về bà Manh Manh và hy vọng kiếm thêm vài tấm hình của bà. Tiếc thay, ông Đạt ngày nay đã không còn như trước, trí nhớ của ông “đã mênh mông” rồi nên… Viết về một nữ sĩ lừng danh một thời mà kiếm không được tấm hình chân dung nào đẹp của bà tôi cũng thấy tiếc!

(Kỳ sau: Cao Chánh, chủ bút trẻ nhất trong lịch sử báo chí Việt)

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights