Chuyện báo chí Sài Gòn xưa, kỳ 20 – Vẫn chuyện “Quái kiệt” Phan Thứ Khanh 

by Tim Bui
Vẫn chuyện “Quái kiệt” Phan Thứ Khanh

TRẦN NHẬT VY

Hai vợ chồng trẻ vui vầy duyên mới thì bà Phúc Hiền bỏ nhà ra đi. Vì thương con bà mới bấm bụng gả con không theo cổ lệ nên bà sợ điều tiếng trong gia đình, dòng họ. Nhất là trong thời kỳ việc cưới gả còn nặng nề về chuyện môn đăng hộ đối, không được làm qua loa kiểu tân thời. Bà đi đâu không ai biết, vì bà đã giận chồng ở Huế mà bỏ xứ ra đi, giờ trở về thì… Nói chung từ đó người ta không mấy ai biết tông tích của bà nữa.

Còn cặp vợ chồng mới Thứ Khanh-Từ Minh thì mảng lo vui duyên mới nên cũng không chú ý tới việc bà Phúc Hiền ra đi. Vả lại, bà đã từng nói “không biết tới chuyện vợ chồng hai đứa” nên hai người tin rằng bà đã trở về quê!

Với lương tháng của một ký giả có chút tên tuổi như Thứ Khanh thì vợ chồng ông dư sức sống hạnh phúc và no đủ. Có điều…

Khi từ Nam Vang về Sài Gòn rồi được chủ bút báo Thần Chung là ông Nguyễn Văn Bá đưa vào làm ở báo thì Thứ Khanh bắt đầu nhiễm cái bịnh của Phan Khôi và Tản Đà. Phan Khôi thì hút á phiện, còn Tản Đà thì rượu.

Thứ Khanh nhiễm cả hai thứ đó mới cho mình là “dân chơi.” Thường tình, hễ nhậu thì không hút; còn dân làng bẹp thì không nhậu. Nhưng Thứ Khanh có lẽ là ngoại lệ nên “chơi” luôn cả hai thứ. Mới đầu, ông chơi để cho bè bạn “nể” vì dám chơi. Sau đó chơi để giải buồn sau giờ làm việc, thời điểm mà bạn bè đã về với gia đình, vợ con hay bồ bịch, mà ông thì có một mình. Rồi cái mức đến cuối cùng là… ghiền! Để có thể đáp ứng kiểu chơi như vậy thì chỉ có bực công tử như Bạch hay Hắc công tử mới chơi nổi. Đàng này, Thứ Khanh lương tháng chỉ có 40$ mà chơi như vậy nên… nghèo! Khi có vợ rồi thì đã lỡ ghiền nên… tiếp tục hút.

Bà Từ Minh từng làm bài thơ tứ tuyệt than thở về cái ghiền của chồng:

Phiến, rượu, văn thơ đủ chứng ghiền
Duyên văn làm đổ nợ huyên thuyên
Tóc quăn rối tít tình non nước
Áo rách tèm hem mực thánh hiền

Mà ghiền á phiện cũng là “phong trào” của các nhà văn, ký giả thời ấy. Những người có nhiều tiền thì tới những tiệm hút sang trọng, thuốc hút hạng nhứt nhì; còn đàn em nghèo thì tới tiệm hút bèo làm một “ngao tài ngao xây” cũng phê như thường. Mà dù sang hay hèn khác nhau cái chỗ nằm hút chớ cái “phê” thì… như nhau!

Thông thường, sau khi hút á phiện, người ta “hãm” bằng một điếu “hai Ách” hay một hơi thuốc lào hoặc một bình trà quạu. Dân nghèo thì hãm bằng một điếu Job hay cà phê đen. Còn Thứ Khanh thì lại hãm bằng “xám cô lúi” mới đủ phê. Đây là cách hãm vô tiền khoáng hậu, khiến mấy tay Chà chủ tiệm hút ở Sài Gòn chạy mặt luôn.

Cuối năm 1934, tờ Phụ Nữ Tân Văn đình bản, Phan Thứ Khanh bị thất nghiệp. Tuy thất nghiệp không có tiền lương hàng tháng nhưng cái ghiền thì vẫn phải giải quyết đều đều mỗi ngày nên vợ chồng ông phải bán cái nhà do mẹ vợ để lại ở đường Arras và ra Sài Gòn mướn nhà. 

Thoạt đầu, họ mướn một căn phòng nhỏ đủ ấm cúng cho hai vợ chồng. Rồi đùng một cái, Thứ Khanh được ông Lê Trung Cang, chủ nhiệm tờ Điển Tín, mời về làm việc. Rồi bà Từ Minh lại hạ sanh một cô con gái. Vì chỗ ở chật chội nên Thứ Khanh phải kiếm chỗ khác vừa đủ chỗ cho ba  người ở, vừa gần tòa soạn ở đường Catinat. 

May sao, khi đó có căn phố số 13 trong hẻm sau dãy phố 60 căn đang bỏ trống vì không ai ở được căn phố này quá 24 tiếng đồng hồ. Người ta đồn rằng căn phố ấy có ma nên không ai dám mướn.

Người mướn trước là một ông Biện Chà, không hiểu vì lý do gì đã tự vận trong nhà, và từ đó căn phố bỏ trống. Đang lúc Thứ Khanh kiếm nhà ở, và người quản lý căn phố nghe nói ký giả Thứ Khanh đang kiếm chỗ ở gấp, vốn có quen biết với ông Lê Trung Cang, nên sẵn lòng cho Thứ Khanh ở không, nghĩa là không lấy tiền!

Biết tin, Thứ Khanh nhào vô liền dù có biết tin đồn vụ ma cỏ trong nhà nhưng đã quá nghèo thì không còn biết sợ gì nữa. Khi vợ chồng Thứ Khanh mới dọn về ở, hàng xóm ai cũng lắc đầu le lưỡi. Lúc về nhà đó, bà Từ Minh nghe hàng xóm kể mới sợ không dám ở trong nhà mà mỗi ngày bồng con ra trước nhà ngồi đợi Thứ Khanh về. 

Thứ Bảy về nhà sớm, thấy vợ con ngồi ngoài sân, Thứ Khanh thắc mắc. Biết chuyện vợ sợ ma quấy phá nên kêu bà đi mua nhang đèn, trái cây về cúng đất đai lẫn ông biện Chà quá cố.

Cúng vái xong, vợ chồng ngồi ăn cơm, con nằm trong nôi kế bên. Bỗng nhiên bà Từ Minh thấy cái nôi lắc lư ngày càng mạnh mà ngoài thì trời quang mây tạnh, không có một ngọn gió nào. Bà Từ Minh thấy vậy liền khều Thứ Khanh cho hay cái nôi đang lắc lư, rồi sợ quá bà ẵm con chạy ra sân.

Thấy vợ con bỏ chạy khỏi nhà, Thứ Khanh giận quá đá đổ nhang đèn, uống hết rượu rồi xuống bếp lấy con dao làm cá lên quyết ăn thua đủ với “con ma.” Trong khi đó, hàng xóm thấy bà Từ Minh ẵm con chạy ra sân mới kéo nhau tới rình nghe Thứ Khanh “đấu” với con ma trong nhà. 

Họ nghe Thứ Khanh hò hét, đập bàn, đá ghế trong nhà một hồi lâu, thì tin rằng ông nhà báo nhỏ con, ốm nheo này chắc có bùa phép chi đây! Bởi trước đó, nhiều gia đình tới chỉ ở được vài tiếng đồng hồ đã vội vàng dọn đi không một lời từ giã vì bị con ma Biện Chà quậy phá. Gần nửa tiếng đồng hồ sau, mọi người nghe trong nhà có tiếng ngã xuống cái rầm rồi im lìm.

Sự im lặng kéo dài một hồi lâu, có người bạo gan mới tới gần cửa sổ để ngó vô nhà nhưng không thấy gì. Chờ một hồi nữa, bà con mới kêu bà Từ Minh rồi tất cả hè nhau kéo vô nhà vì ỷ đông người. Vô trong nhà mọi người thấy Thứ Khanh đang nằm ngay đơ dưới đất, mắt nhắm, hơi thở ồ ồ lấy hơi lên. Bà Từ Minh mới nhờ người khác ẵm con, ngồi xuống vừa đỡ Thứ Khanh lên, vừa kêu tên ông như kêu đò. 

Thứ Khanh từ từ mở đôi mắt đỏ lòm ra ngơ ngác hỏi “Chuyện gì vậy? Tôi say quá nằm ngủ quên ở đây”. Mọi người nghe xong cười ồ lên. Và trận “đại chiến” giữa ông nhà báo và con ma Biện Chà chấm dứt hiệp một.

Để tránh cảnh quậy phá, Thứ Khanh sau đó mới cầu cơ để “hội đàm” với con ma. Thoạt đầu, con ma không đồng ý cho gia đình Thứ Khanh ở trong nhà, song qua thương lượng thì con ma đồng ý cho gia đình Thứ Khanh ở “nửa căn nhà.” Nghĩa là vợ chồng con cái của Thứ Khanh chỉ được ở phần nhà trên, còn từ buồng ngủ trở đi thì “bất khả xâm phạm.” Thứ Khanh đồng ý.

Và từ đó, gia đình Thứ Khanh chỉ ở nhà trên, bếp núc, ăn uống, ngủ nghĩ đều diễn ra ở nhà trên, còn phần nhà dưới thì… ma ở! Còn vệ sinh thì… đi nhờ bên ngoài. Ban đầu bà Từ Minh thấy ở cũng được nhưng dài ngày thì thấy bực bội nên cũng xông xuống nhà dưới. Mỗi lần như vậy thì bà lại nghe những tiếng khua động kỳ lạ như tiếng phản đối, nên từ đó bà thôi không xuống bếp nữa.

Ở như vậy mười bữa nửa tháng thì được chớ lâu ngày khó chịu lắm. Do đó, bà Từ Minh khuyên Thứ Khanh nên kiếm chỗ khác ở. Nhưng có nhà ở mà không tốn tiền mướn thì kiếm đâu ra! Bởi vậy Thứ Khanh cứ ậm ờ cho qua chứ không đi kiếm chỗ ở khác.

Chừng nửa năm sau, bỗng bà Phúc Hiền tới thăm. Thấy con ăn ở kỳ cục quá, bếp thì bỏ trống, nồi niêu xoong chảo lại để ở nhà trên nên thắc mắc. Bà Từ Minh không dám nói thiệt mà đổ thừa “mới dọn” đến, kẹt giữ con nên chưa dọn dẹp. Bà Phúc Hiền thấy vậy mới ra tay dọn dẹp đám nồi niêu ra nhà sau, ở chơi với con cháu cả ngày rồi mới đi.

Ngày hôm sau, ma Chà lập tức quậy phá. Đêm cũng như ngày, phía nhà bếp luôn khua động, nồi niêu xoong chảo bị liệng tứ tung, chẳng nấu nướng gì được. Thứ Khanh lạ giáng bút cầu cơ để hòa giải. Lần này thì ma Chà làm căng. Cơ bút cho biết, gia đình Thứ Khanh sẽ gặp đại nạn. Nếu dọn ra khỏi nhà này thì may ra nhẹ tai nạn hơn. Nghe vậy Thứ Khanh mới xuống nước nhờ ma Chà chỉ dùm chỗ ở khác để dọn đi. Ma Chà khuyên Thứ Khanh nên đi kiếm bên hướng Đông và sẽ có chỗ ở về phương Nam. Nghe vậy, vợ chồng Thứ Khanh liền đi kiếm và qua bên Thủ Thiêm thì mướn được chiếc ghe rồi đem tấp vô xóm nổi phía dưới chưn cầu Mống để ở.

Gia đình Thứ Khanh ở trên “nhà ghe” được một năm. Trong thời gian này, vì lương tiền không đủ sống, nên Thứ Khanh “tiết kiệm” bằng cách không hút á phiện ở các tiệm nữa, mà đem bàn đèn về “nhà ghe” mà hút. Không ngờ sự tiết kiệm ấy lại hại thêm! 

Số là từ ngày đem bàn đèn về “nhà” hút, bà Từ Minh phải giúp chồng mồi thuốc nên quen mùi và ghiền luôn! Và từ đó, cả vợ chồng đều hút và cùng phê! 

Rồi một ngày tai nạn xảy ra. Bữa đó, hai ông bà ngủ trưa, đứa con nhỏ chừng hai tuổi, bò chơi trên ghe bỗng té ùm xuống sông mà vợ chồng Thứ Khanh không hay. Bởi ở cái xóm nỗi này, người lẫn chó ngày ngày vẫn nhảy ùm xuống sông tắm táp tạo nên những tiếng động dưới nước nghe rất bình thường không ai để ý. Nhưng khi đứa nhỏ rớt xuống nước, có người thấy nên cả xóm được báo động. Và có người lẹ chưn nhảy xuống nước vớt đứa nhỏ lên rồi tri hô coi con nhà ai. Lúc đó, vợ chồng Thứ Khanh mới sực tỉnh và biết đó là con mình.

Chuyện đó chỉ có dân xóm nổi mới biết. Nhưng bỗng một ngày, phóng viên trẻ của làng báo là Khánh Hội đăng vụ con nít rớt xuống sông trên báo X. Bản tin có đoạn “Anh Thứ Khanh có nghe tiếng rớt đùng xuống sông, chớ không dè là…con gái của anh.” Tin tức ấy khiến cả làng báo Sài Gòn dậy sóng. Bạn đồng nghiệp kéo nhau đến thăm hỏi, chia buồn liên tục khiến Thứ Khanh cứ phải “phân trần” thanh minh thanh nga miết. Nhờ vụ này mà Thứ Khanh mới biết rõ hơn về tình đồng nghiệp và sự ái mộ của độc giả. 

(còn tiếp)

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights