YẾN TUYẾT
Bạn có đồng ý là trong đời sống quanh ta, chuyện kỳ thị xảy ra như cơm bữa không?
Người ta kỳ thị nhau vì màu da đen, trắng; giới tính nam và nữ; tuổi tác già và trẻ; sắc diện xấu và đẹp; bệnh mập phì và ốm tong; giai cấp giàu và nghèo. Nói tóm lại kỳ thị nhau vì sự khác biệt.
Chuyện kỳ thị người đồng tính đã đưa đến trường hợp giết hại hay đánh đập họ.
Còn kỳ thị người da đen thì cho dù hiện giờ nhóm KKK của Mỹ trắng hay tấn công người Mỹ đen bằng bạo lực không còn xảy ra như nhiều thập niên trước, nhưng gần đây, việc kỳ thị màu da lại được khơi dậy khi các vụ tranh cử diễn ra, và những ai có máu kỳ thị bèn “hớn hở” sử dụng sự kỳ thị màu da của mình một cách vô tội vạ.
(Đôi khi, tôi muốn than phiền là Thương Đế không công bằng khi đã ban cho người Âu châu màu da trắng bóc trong khi cho người Phi Châu nước da đen sì hay người Á Châu da vàng. Chỉ vì màu da trái ngược hay đậm nhạt như vậy cho nên mới có vụ kỳ thị màu da xảy ra).
Dù Hoa Kỳ là một quốc gia văn minh, tiến bộ và người Mỹ gốc Phi Châu da đen đã phải tranh đấu hàng trăm năm từ thời còn chế độ nô lệ cho đến bây giờ, để mới đỡ bị chà đạp, phân biệt đối xử. Nhưng chuyện phân biệt màu da xem ra vẫn là một vấn nạn quan trọng không bao giờ hết ở đất nước này.
Riêng người Việt da vàng chúng ta, phần đông vẫn thường rất tự tin khi bảo nhau rằng: “Người da vàng chúng ta không bị kỳ thị cho lắm vì người mình chịu khó làm ăn cực khổ, học hành giỏi giang và nhiều người trở nên giàu sang, có chức phận trong xã hội không kém người Mỹ da trắng.” Có lẽ vì suy nghĩ này nên môt số người Việt Nam tự xếp thứ bậc ngang hàng với Mỹ trắng, và cũng có thái độ kỳ thị người da màu khác.
Có thể người da vàng dù sao cũng không bị Mỹ da trắng kỳ thị như họ kỳ thị người Mỹ da đen vì đã có những điểm tốt nêu trên. Tuy nhiên, tôi đã nghe không ít người Viêt Nam kể chuyện họ bi kỳ thị ở nơi làm việc.
Rồi từ khi Covid 19 xuất hiện thì vì căn cứ trên nguồn tin cho là bệnh dịch này từ Trung quốc truyền sang nên đưa đến chuyện người Mỹ kỳ thị người Tàu, và dĩ nhiên nhóm người Á Châu da vàng như Viêt Nam vì giống người Tàu, cũng bị đưa vào danh sách Asian Hate để bị người Mỹ kỳ thị luôn.
Nhớ lại giai đoạn khi phong trào Asian Hate lên cao, có nhiều chuyện thương tâm đã xảy ra, nhất là ở các tiểu bang miền Đông khi một số bác sĩ Á Châu bị đánh đập, chửi rủa khi dùng phương tiện chuyên chở công công như Metro để đi làm. Người tấn công họ không cần biết là các nhân viên trong ngành y tế đó hàng ngày đã hy sinh tính mạng của mình, đối diên với cái chết để cứu bịnh nhân bị nhiễm Covid ở bệnh viện.
Chuyện khá ngược đời là cho dù có bị kỳ thị hay không, khi có dịp, người Việt Nam da vàng chúng ta hay bày tỏ thái độ “không ưa” các giống dân khác trong đó có người Mỹ da đen, người Mễ Tây Cơ… Và điều này đưa đến giả thuyết là có lẽ trong máu người Việt Nam đã có sẵn sự kỳ thị từ lâu?
Giả thuyết này có lẽ cũng không xa sự thật lắm, vì từ ngàn xưa, người Việt chúng ta đã có tinh thần ‘bài ngoại’, hay thái độ e dè, không tin tưởng những người không cùng chủng tộc với mình. Tình thần bài ngoại này có thể đến từ tâm lý sợ bị xâm lược, đồng hóa v.v…
Và có lẽ từ bài ngoại đến kỳ thị là một khoảng cách không xa?
Một thí dụ của sự kỳ thị là nhiều người Việt mình hay gọi tất cả người Mễ và Mỹ đen là “thằng và con” với một thái độ khinh miệt.
Một số người khác mạnh mẽ chống người di dân từ Mễ tràn qua Mỹ và cho rằng những người này đa số thuộc thành phần trộm cướp hay đĩ điếm!
Nếu ai cũng “vơ đũa cả nắm” như vậy thì thật là điều đáng thương cho những người di dân, hay tị nạn. Đặc biệt là nếu chúng ta nghĩ đến thân phận của chính người Việt mình ngày mới đến đất nước này. Nếu lúc đó chúng ta cũng bị người bản xứ xếp loại như vậy khi mới “chân ướt, chân ráo” đến Mỹ thì sao nhỉ?
Tôi nghĩ rằng, cùng là con người với nhau, vì lý do chính trị hay kinh tế, một nhóm người bất đắc dĩ phải rời bỏ nơi quê cha đất tổ mà ra đi. Đa số đều mơ ước có một cuộc sống tốt đẹp hơn ở đất nước giàu sang, trù phú như Hoa Kỳ, nơi cho họ cơ hội làm việc và học hành. Dùng khả năng và sức lực mình có được để tranh đấu cho việc hội nhập và sống còn ở vùng đất mới đầy hứa hẹn cho tương lai.
Hãy nhìn những người Mễ làm nghề cắt cỏ hay trồng trọt, hái dâu trong những ngày Hè đổ lửa nóng trên 100 độ như hiện nay. Họ không hề lười biếng và không đến Mỹ để tham gia vào việc trộm cắp.
Trên bàn ăn, những rau cỏ, thịt động vật… mà chúng ta sử dụng đều có bàn tay của người Mễ làm công việc lao động chạm đến. Vì họ không có tinh thần muốn làm chủ như người Việt nên họ an phận, chỉ dùng sức lực và chịu sư sai khiến của người khác để góp phần tạo sản phẩm cho.
Ngành xây dựng, tiệm ăn Việt Nam phát triển phần lớn là nhờ lực lượng lao động của người Mễ trong việc xây cất, rửa rau, cắt thịt, dọn bàn, rửa chén v.v…
Dĩ nhiên môt phần nhỏ trong cộng đồng người Mễ có thể dính líu đến pháp luật, cũng giống như một thành phần nhỏ trong cộng đồng Việt Nam phạm pháp trong những trường hợp mà chúng ta biết đến qua tin tức.
Cộng đồng người Mỹ trắng, cộng đồng người Mỹ đen, cộng đồng người Trung Đông đều có những thành phần bất hảo nhưng không phải là tất cả người di dân đều như vậy.
Là một người tị nạn vượt biên bằng đường biển, tôi thông cảm với những người vượt biên, bằng cách này hay cách khác, đã phải trải qua biết bao gian nan và khổ ải mới đặt chân được đến Hoa Kỳ. Có người bỏ xác trên hành trình hướng về tương lai. Có người may mắn đặt chân đến mảnh đất cơ hội là Hoa Kỳ để làm lại cuộc đời.
Chúng ta không thể so sánh hoàn cảnh khổ này với cảnh khổ nọ vì khi đã là người di dân, ai cũng phải trải qua những hoàn cảnh khó khăn cả.
Bên cạnh việc kỳ thị màu da, chúng ta còn thấy trong xã hội Hoa Kỳ sự hiện diện của việc kỳ thị nam nữ.
Cho dù nữ quyền có được coi trong hơn trước, phụ nữ có cơ hội được đi học, được huấn luyện để chứng tỏ sư thông minh, ứng dụng khả năng của mình trong mọi lãnh vực để giúp phát triển xã hội và đất nước. Nói tóm lại, không thua gì nam giới, thế mà việc kỳ thị giới tính nam nữ vẫn diễn ra trong việc mức lương trả cho nam giới cùng chức vụ thường cao hơn nữ giới.
Ngoài ra, người ta ghi nhận môt số người có chức quyền còn công khai nhạo báng coi thường phụ nữ và hành động này tiếc thay, lại được đám đông chấp nhân và cổ vũ.
Cho dù hiện nay tại nhiều quốc gia trên thế giới, phụ nữ nắm các chức vụ tổng thống hay thủ tướng, như gần đây nước Mễ Tây Cơ cũng chọn môt vị nữ lưu làm tổng thống. Tuy nhiên, vẫn có môt số đông rất bảo thủ trong việc không chấp nhân nước Mỹ có môt nữ tổng thống.
Đơn cử hai thí dụ trên để thấy rằng phần lớn những người có đầu óc kỳ thị thì thái độ kỳ thị trấn áp mọi suy nghĩ của họ.
Nếu là một người mang đầu óc kỳ thị thì cứ hễ gặp ai có màu da đen là tự động chê dở, lười biếng, thấy phụ nữ làm điều gì cũng phê bình là không hay, là yếu đuối…
Dù ở Việt Nam hay ở Mỹ, tôi thấy sự kỳ thị giai cấp giàu nghèo vẫn hiện diện và cũng là một vấn nạn cũng đáng phê bình trong xã hội.
Nhà giàu thường chỉ thích giao thiệp với nhà giàu. Họ muốn con cái mình cũng phải lấy người môn đăng hộ đối. Chuyện đó thì ok vì đó là quyền của họ. Thế nhưng giàu có mà tự cho mình cái quyền coi thường người khác thì tôi không chấp nhận được.
Một số người giàu đi đâu cũng khoe khoang của cải, nhà cửa to lớn, con cái mình thành đạt, và đối xử với người nghèo hay không may mắn hơn mình bằng sự khinh thường thì thật quá đáng!
Rồi đến vụ kỳ thị về tuổi tác nữa. Người già kỳ thị người trẻ khi cho rằng họ không có kinh nghiệm đời và hiểu biết bằng mình. Người trẻ thì cho rằng người già mang những kiến thức đã lỗi thời và không còn sự năng động của tuổi trẻ.
Thật ra, tuổi nào cũng có những ưu và khuyết điểm của nó cả. Chỉ làm sao già và trẻ đối xử với nhau bằng sự tương kính, trao đổi kinh nghiệm và kiến thức, học hỏi lẫn nhau là hay nhất phải không bạn?
Cuối cùng, sắc đẹp thường gây ra không ít những câu chuyện bất công trong đời sống qua việc kỳ thị.
Người đẹp, nhất là phụ nữ, khi nào cũng được dành mọi ưu đãi hơn người không đẹp. Còn đàn ông đẹp trai bao giờ cũng dễ được cảm tình, hay nhiều đào hơn là đàn ông xấu trai?!
Cũng là hai ái nữ của Tổng thống, nhưng cô đẹp thì được ca ngợi không tiếc lời dù chẳng làm được việc gì ích lợi cho quốc gia xã hội, còn cô không đẹp bằng thì chìm vào bóng tối!
Tuy nhiên, cho dù ở đầu bài viết tôi có than phiền ông Trời bất công nhưng Thượng Đế thật ra cũng làm đúng vai trò của ngài. Bởi vì ngài thường ban cho con người cái tốt, cái hay này thì cũng sẽ lấy đi cái khác.
Thí dụ như chúng ta có thể tìm thấy một số người đẹp thường kiêu ngạo và khinh người. Còn một vài người đẹp khác có thể ăn nói vô duyên nữa là khác! Trong khi đó, những người có sắc diện dưới trung bình lại hay có được cách cư xử nhã nhặn, ăn nói dí dỏm có duyên, và họ cũng thông minh không kém người đẹp.
Kỳ thị một ai đó vì họ thiếu nhan sắc là một chuyện không nên tí nào vì trong xã hội, hình như ở nơi nào chúng ta cũng chỉ thấy người sắc diện trung bình hay kém hơn, chứ những người đẹp thì hiếm hoi lắm.
Kỳ thị là một chuyện dài, nói mãi không hết và cũng thật khó thay đổi suy nghĩ về sư kỳ thị của con người với nhau.
Bởi vậy, có lẽ tôi hơi lẩm cẩm khi chọn đề tài này.
Chỉ cầu mong sao cho mình đừng kỳ thị ai và cũng đừng có ai kỳ thị mình, là đời sống sẽ yên vui bạn ạ.