Chuyện ngủ… ngáy

by Tim Bui
Chuyện ngủ... ngáy

BẮC KỲ DI CƯ

Hồi còn trẻ, tui không ngờ có ngày lại bị vợ con cằn nhằn là: -Bố ngáy như xe Ford chạy ngang qua nhà!

Trời! Tui thế này mà ngáy ư? Tui có nghe thấy gì đâu? Khi tui ngủ, tai tui vẫn mở mà. Nếu tui ngáy, thì tui phải nghe thấy chứ! Đúng là vợ con tui kiếm chuyện chọc quê tui.

Bực mình quá, tui xin đi ngủ một đêm ở một cơ sở của một bác sĩ chuyên trị ngáy, mà bên Mỹ này, giới y khoa gọi là “Sleep Apnea,” là căn bệnh liên quan đến “ngáy to.”

Đến cơ sở này, được đưa vào phòng ấm cúng có máy móc tùm lum. Tui được đội cái mũ có gắn dây điện chằng chịt, rồi tui nhắm mắt, áp dụng thiền để có thể ngủ ngay.

Sáng dậy, ông chuyên viên gật gù chỉ vào cái mô-ni-tơ và cho tui biết là tui ngáy rất dữ. Ông chuyên viên cho biết là tui đã ngưng thở 42 lần trong tám tiếng đồng hồ, tức là ngáy khoảng 42 lần, dĩ nhiên có lần nhẹ, lần mạnh, cho nên tiếng ngáy cũng lúc to, lúc nhỏ…

Hãi quá, tui đi tìm hiểu thì thấy đa số người trung niên có ngáy khi ngủ. Có trường hợp đặc biệt là một em nhỏ mới 13 tuổi đã ngáy vang nhà, tiếng ngáy của em vang trong phòng làm cả nhà không ngủ được, đành dọn chỗ cho em ngủ tại phòng khách, xa phòng ngủ.

Mà không riêng gì đàn ông ngáy đâu nhé, đàn bà cũng ngáy. Mấy đứa con của gia đình ông bạn tui cười ha hả: “Bố, Mẹ là một ban đại hòa tấu. Bố thổi Trumpet “hừ… hú,” mẹ thổi kèn tàu “éc…ọ.”

Tui tò mò hỏi bác sĩ điều trị về bệnh này, thì ổng nói có hai loại Sleep Apnea:

1- Obstructive sleep apnea (OSA): Hầu hết những người bị bệnh sleep Apnea rơi vào trường hợp này: đường thông mũi và khí quản bị cản trở, thường là do miếng mô mềm ở phía sau cổ đè xuống khí quản.

2- Central sleep apnea: Đường thông khí không bị nghẽn, nhưng vì trung tâm não, nơi kiểm soát hệ thống thở không được ổn định. nên óc không ra lệnh cho bắp thịt thở.

Những người có cơ thể như sau rất dễ bị bệnh: Nặng cân, trên 40 tuổi, có cổ bự (cỡ 17 inch trở lên với đàn ông, và 16 inch trở lên với phụ nữ), có hàm bự, mũi bự, hoặc xương hàm nhỏ, gia đình có người bị bệnh, hay bị thực phẩm dội ngược lên miệng, mũi bị lệch, hay bị dị ứng. Thường thì những người này ngáy rất to, và đang ngủ, bỗng bật dậy, há miệng thở gấp như cá mắc cạn.


Để chữa trị bệnh Sleep Apnea này, hiện nay, một phương pháp hay áp dụng nhất là mỗi khi đi ngủ, phải gắn mặt nạ có ống nối liền với một dụng cụ thổi khí Oxy vào mũi. Nhưng phương pháp này có nhiều điều bất tiện, nên người bệnh thường hay bỏ dở chương trình: Oxygen được thổi liên tục vào mũi, khiến cho việc thở ra gặp khó khăn, tiếng máy rù rì bên tai, cũng làm khó ngủ, nhất là những rắc rối đến từ việc lắp máy để thở…

Théc méc còn. Tui đi tìm hiểu thêm thì biết một số bà vợ đã ly dị chồng vì ông ấy ngáy to quá, vợ không thể ngủ được. Biện pháp nhanh nhất và an toàn nhất, theo các bà vợ Mỹ, là đưa ra ba toà quan lớn, để xin chia tay. Rất nhiều trường hợp vì lỡ ngáy khi ngủ mà các ông mất vợ. 

Theo dõi chương trình truyền hình “Divorce Court” tức là tòa chuyên xử các vụ ly dị do một bà toà da đen chủ trì, thấy mặt mấy ông chồng ngơ ngác trên màn ảnh sau khi bà tòa phán quyết cho người vợ ly dị, người xem thấy tội nghiệp làm sao ấy! Chỉ vì thuốc thang đủ thứ rồi, chỉ vì thử đủ kiểu ngủ rồi, ông chồng thường xuyên ngủ ở phòng khách rồi, nhưng vẫn còn trở ngại cho giấc ngủ của bà vợ. 

Bởi vì còn những tối phải… gặp nhau nữa chứ! Những tối ấy, bà vợ lại phải trải qua hai giai đoạn: vui đó rồi buồn đó! “Mây mưa” xong rồi “sấm” dậy ầm ầm! Riết rồi không thể chịu đựng được, bà vợ đưa ổng ra chốn công đường, làm thủ tục tiễn chân ông “một đi không trở lại.”

Được phán quyết xong, bà hát ngay: “Lên xe tiễn… anh đi! Chưa bao giờ… mừng thế!” Nhưng, không rõ tương lai bà có chọn được một ông chồng nào ngủ mà không ngáy không?

Theo thống kê của một tờ báo Mỹ, thì tỷ lệ ngủ ngáy là: Ngáy như sấm dậy 25%, ngáy như kéo gỗ 42%, ngáy như “hít tô phê” nghĩa là ngáy ro ro đều đều giống như hít thuốc phiện 14%, tổng cộng 81%! Còn lại tỷ lệ không ngáy rất nhỏ! 

Đàn ông ngáy 85%, đàn bà ngáy 72%, con nít ngáy thì ít hơn: 20%, nghĩa là cứ năm đứa con nít ngủ ngon lành, có một đứa ngáy! Dĩ nhiên, vì cổ họng nhỏ, nên âm thanh ngáy của con nít nghe cũng dễ thương hơn là nghe người lớn ngáy! Chỉ “rò… re…” nhẹ nhàng, không “gầm.. gừ… gừ…” như mấy vị liền ông.

Các vị khoa học gia nhất quyết tìm cách chữa trị bệnh ngáy.

Một số y sĩ dùng tia laser bắn vào chỗ thần kinh điều khiển ngay cạnh khu vực của cục thịt thừa kia, chặn đứng sự rung động lại, thì sẽ hết ngáy. Tuy nhiên, thì hình như kết quả không bền vững lắm, và có thể có những hiệu ứng phụ, cho nên giải pháp này chưa thấy rầm rộ phổ biến mấy. Người ta sợ rằng tia laser kia mà phóng trúng chỗ thì tốt, phóng trật thì nguy cho mấy cái bắp thịt cổ. Ngoài ra, có thể một thời gian sau, bệnh ngáy sẽ tái phát.

Lại thấy một phương pháp khác được quảng cáo trên tivi là xịt thuốc vào cổ họng trước khi ngủ. Loại thuốc này có tên là “Snor” gì gì đó, cứ xịt vài hơi rồi lên giường là yên chí lớn, không sợ vợ hay chồng đá ra khỏi giường hay bị dộng cái gối dày lên mặt như cái bà quảng cáo cái thứ thuốc đó đã làm. Cũng không biết dùng thuốc xịt mỗi ngày như vậy rồi có gây ra phản ứng phụ hay không, vì theo lý luận thông thường thì bất cứ thuốc gì, dù tốt đến đâu chăng nữa, thần kỳ đến đâu đi nữa, mà cứ dùng ngày này qua ngày khác, năm nọ qua năm kia, thì nhất định sẽ đưa đến kết quả không tốt.

Còn việc dùng thuốc kích thích “hormone” nữ để khỏe mạnh, hết ngáy cũng vẫn còn đang tranh cãi. Có vị khuyên nên, có vị bảo đừng. Cho nên, dùng thuốc xịt vào cổ họng, theo thiển ý, chỉ dùng nhất thời thôi để tạm thời ngưng cơn ngáy quá xá cỡ lại trong vài trường hợp, chứ còn dùng mỗi ngày đều đặn như ăn cơm thì coi chừng, sau nhiều năm, có thể toàn bộ mấy cái bắp thịt trong cổ cứng đơ luôn thì hết thuốc chữa! Há miệng, ngậm mồm đều không được nữa, lúc đó thì đành gia nhập gia đình “Addams family” luôn.

Như vậy thì làm sao chữa được cơn bệnh kinh niên, mãn tính này để đem lại hạnh phúc gia đình? Không lẽ chịu thua sao?

Dựa vào những kinh nghiệm vừa mới trình bày ở trên, người viết mới suy nghĩ rằng, nếu không có cách trị dứt hẳn căn nguyên của “ngáy,” thì tại sao không tìm ra phương pháp làm âm thanh ngáy nhỏ đi!

Tui suy ra rằng cái vòm miệng là chỗ chứa âm thanh, cái miệng là cái loa, cổ họng là chỗ không khí đi ra đi vào, cò cưa kéo nhị, gây ra âm thanh. Nếu ta bịt cái miệng loa lại, thì âm thanh phát ra sẽ nhỏ đi.

Hơn nữa, khi cái chỗ… thông hơi bị bịt lại, gió sẽ không còn lùa ra lùa vào ào ạt như trước, thì “sợi dây đàn thịt” kia sẽ không rung mạnh nữa, nguyên nhân gây ra “ngáy” sẽ bị giảm đi.

Vậy, bịt cái loa kia bằng cách nào? Chỉ cần một cuộn băng keo dán giấy nhỏ, loại bề ngang chừng một xăngtimét (chưa tới nửa inch, chưa bằng một đốt ngón tay), thường thì đựng trong một cái khuôn tròn có lưỡi dao để cắt, có dán giấy màu xanh, bán hà rầm tại Office Depot hay Staples, trên dưới một đôla.

Mua về, để bên cạnh giường. Mỗi tối, trước khi đi ngủ, xé ra một miếng bằng hơn đốt ngón tay, dán… miệng lại, dọc từ trên mũi xuống, cắt ngang qua miệng. Thế là xong! Âm thanh, chắc vẫn còn, nhưng không được khuếch đại nữa, nếu có, thì chỉ đều đều như tiếng trẻ ngủ ngáy mà thôi. Lâu dần, cơ thể sẽ quen với tập quán mới, ngủ sẽ khép miệng, vừa lịch sự, đẹp “giai”, đẹp “gái”, hay đẹp “lão”, không còn há mồm toang hoác, ruồi muỗi sẽ không rớt vào miệng, dãi nhớt sẽ không dàn duạ ra ngoài, nhất là bớt ngáy!

Dĩ nhiên, trường hợp âm thanh vẫn rù rù như mèo kêu thì mỗi khi đi ngủ, nên mặc áo cổ lọ, tức là cổ rùa ấy, để cho âm thanh dịu nhẹ đi nữa. Bằng không thì quấn một khăn nhẹ quanh cổ thì âm thanh sẽ bớt hẳn. Nhớ rằng phương pháp này không phải làm cho hết ngáy, nhưng làm giảm âm thanh cho người bên cạnh, đồng thời cũng giúp chữa bệnh ngáy giật mình, nghĩa là có người ngáy to quá, “Rôồ” một cái, bỗng giật nảy mình dậy, hết hồn hết vía. Dán băng keo vào miệng, sẽ hết cảnh này. (Tui làm chiện này đã chục năm rồi, vợ con bớt cằn nhằn).

Dĩ nhiên, đây là phương pháp do tui chế ra, không biết có ảnh hưởng gì đến cơ thể không, bà con nên hỏi bác sĩ trước khi áp dụng, chứ tui không chịu trách nhiệm gì đa.

Tui cũng nghĩ ra cách “chống lại” bệnh ngưng thở trong khi ngủ, tui nghĩ bậy bạ rằng trước khi ngủ, nên tập hít sâu, thở dài ít nhất là hai chục lần trước khi đi ngủ, để lỡ ngưng thở nhiều lần trong đêm thì phổi không thiếu Oxy!

Bài viết này mong phục vụ cộng đồng, nếu lỡ mà không ép phê, hoặc gặp phản ứng nào đó, cũng xin thứ tha. Muốn thử thì cứ việc thử, người viết không ép đâu nhé. Thêm nữa, nếu lỡ lấy chồng hay vợ ngáy thì xin rộng lượng thứ tha, từ từ tìm cách trị liệu, trước mắt, nên mua một cuộn băng keo… cột đời nhau lại cho dính chắc như sam…

Cùng lắm thì đến khi đi ngủ, bật cát sét lên, nghe nhạc hoà tấu nhè nhẹ át đi âm thanh khô khốc kia, không nên ly dị chỉ vì chồng ngáy to…

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights