Chuyện trò với Christopher V. Phan Luật sư quân pháp gốc Việt- Chánh Án tòa di trú Liên Bang Hoa Kỳ

by Tim Bui
Chuyện trò với Christopher V. Phan Luật sư quân pháp gốc Việt- Chánh Án tòa di trú Liên Bang Hoa Kỳ

KIỀU MỸ DUYÊN

LTS: Hôm Chủ Nhật, 18/2/2024, nhân dịp Chánh Án Chris Phan đến thăm văn phòng Ana Real Estate. Hai ký giả Kiều Mỹ Duyên và Hà Giang có dịp chuyện trò với ông về nhiều vấn đề khác nhau như sinh hoạt quân đội người Mỹ gốc Việt, vấn đề di trú và những câu hỏi về bản thân của ông. Dưới đây là tóm lược buổi nói chuyện rất thú vị này.

Kiều Mỹ Duyên: Trong thời gian dài làm việc trong cộng đồng người Việt Nam, phải khen chánh án ngày càng nói tiếng Việt thành thạo hơn xưa rất nhiều. Được biết chánh Án là một trong những người thành lập Hội Quân Nhân người Mỹ gốc Việt, điều làm cho thế hệ thứ nhất rất hãnh diện. Xin mời ông nói về Hội Quân Nhân.

Chánh Án Chris Phan: Hội Quân Nhân chúng tôi thành lập năm 2008, đó là lúc Chris đi chiến trường bên Iraq với người nhái, đang chờ nhóm tới, thì Chris nghe tiếng người Việt Nam khác nói chuyện, đó là anh Thiếu Tá Thọ Nguyễn. Sau khi anh Thọ nói chuyện xong, Chris mới vỗ vai anh và hỏi: anh có phải người Việt không? Sau đó, hai anh em mới tâm sự với nhau, rồi từ đó tạo ra tình bạn, hứa lúc về Mỹ sẽ tạo ra hội để giúp mấy anh em đi sau mình, nếu nhớ nhà thì mình sẽ gửi quà vào mùa Tết, mùa lễ để các anh em đỡ nhớ nhà. Lúc về, bốn anh em: anh Thọ Nguyễn, anh Triết Bùi, anh Hiền Vũ và Chris Phan mới ngồi xuống tạo ra diễn đàn hội quân nhân.

 Chánh Án Chris Phan

Kiều Mỹ Duyên: Thường người ta vô quân đội rồi mới đi học để khỏi đóng tiền, được tài trợ bởi chính phủ, nhưng riêng Chánh Án Chris Phan thì làm luật sư rồi mới đi lính. Xin ông nói một chút về bản thân.

Chánh Án Chris Phan: Từ nhỏ, Chris đã nghĩ sẽ đóng góp lại cho nước Mỹ này, luôn ao ước sẽ tham gia quân đội sau khi học xong. Sau khi học xong trường luật, Chris nộp đơn xin vào Hải Quân. Rất may mắn được nhận, vì khi Chris nộp đơn sau khi người ta đã xem qua rất nhiều hồ sơ. Bà xét các hồ sơ đó bảo Chris cứ nộp đơn đi, chúng tôi sẽ có ngoại lệ. Rất may mắn, Chris được nhận.

Hà Giang: Ông là một người học về luật, từng là một dân cử, từng ở trong quân đội. Ông có thể chia sẻ trong những công việc rất khác nhau này, công việc nào thích hợp với ông nhất, là đúng với con người của Chánh Án Chris Phan nhất? 

Chánh Án Chris Phan: Ba công việc đó đều hợp với Chris, vì mình muốn giúp cộng đồng, giúp người dân. Ba công việc này đều cho Chris cơ hội đó: trong quân đội thì mình có thể giúp nước, làm chánh án hay làm luật sư thì mình có thể giúp người, và ra tranh cử là mình có thể giúp cộng đồng, phục vụ đất nước.

Hà Giang: Nhưng chắc là phải có công việc nào đó mà ông cảm thấy rung động nhất. Nếu phải chọn chỉ một trong ba công việc này, ông sẽ chọn cái nào?

Chánh Án Chris Phan: Trong đời có nhiều cơ hội mình phải chọn một, nhưng hỏi nếu phải chọn một trong ba công việc trên, Chris rất khó trả lời. Tại vì mỗi bước đi có sự thống nhất với các bước còn lại. Ví dụ, Chris nói Chris thích làm Chánh Án nhất đi, đúng, nhưng mà nếu Chris không vào trong quân đội thì không chắc gì ông Tổng Thống biết tên mình, chắc gì ông chọn mình? Nhưng nếu bảo Chris phải chọn thì quân đội là điều mà Chris quan tâm nhất.

Kiều Mỹ Duyên: Khi được Tổng Thống chọn thì không cần phải ứng cử. Nếu ứng cử nhiệm kỳ 4 năm- 6 năm, rồi khi làm việc gần hết nhiệm kỳ thì phải lo, lo tiền, lo vận động tranh cử nữa thì rất mất thì giờ. Được Tổng Thống chọn, khi nào mình không làm nữa thì thôi. Xin ông cho biết ngoài Chánh Án Chris Phan, Tổng Thống có chọn chánh án nào người Mỹ gốc Việt làm chánh án năm 2019 không? Và có ai được chọn làm chánh án liên bang, làm về di trú không?

Chánh Án Chris Phan: Chỉ có mình Chris được Tổng Thống chọn trong nhiệm kỳ đó. Có vài chánh án trước Chris những năm trước cũng được Tổng Thống chọn. Nếu chỉ nói về di trú, hiện tại mình có 5 người Mỹ gốc Việt trong nhóm, Chris là người trẻ nhất trong nhóm đó.

Hà Giang: Xin ông cho biết Luật sư quân pháp và luật sư dân sự khác nhau ở điểm then chốt nào?

Chánh Án Chris Phan: Rất là khác: Luật sư quân pháp làm việc trong quân đội, tất cả những gì trong quân đội vi phạm là mình xử, không có dính líu gì đến người dân ở ngoài, nhưng khi mà xử xong ra, người dân có thể xem kết quả ra sao.

Hà Giang: Thưa ông, như vậy trong một phiên xử tại tòa án quân đội có bồi thẩm đoàn không? 

Chánh Án Chris Phan: Không, hệ thống trong quân đội khác, có một người xem xét tất cả các hồ sơ, nghe hai bên xem có đủ chứng cứ không. Phiên tòa ở ngoài thì bồi thẩm đoàn có đông người hợp lại, nhưng trong quân đội chỉ có một người, thường người đó là cấp cao, ví dụ trung tá hay đại tá mà cũng là luật sư, để nghe hai bên có đủ chứng cứ không. Lúc mà ra tòa, bồi thẩm đoàn không phải là người dân mà là người trong quân đội. Ví dụ, bác sĩ y khoa hoặc tất cả các ngành trong quân đội họp lại, chọn từ 3 đến 7 người cho buổi xét xử đó.

Chánh Án Chris Phan và gia đình

Kiều Mỹ Duyên: Có một trường hợp ở miền Nam California, một buổi tối khoảng 9 giờ, cảnh sát đến gõ cửa nhà đó, hỏi có cô này ở đây không? Người nhà nói có, cảnh sát kêu cô đó ra xe và chở về bót giam. Sáng hôm sau, trục xuất cô đó về Việt Nam. Như vậy đã có phiên tòa trước đó rồi mới bắt người hay là chưa có?

Chánh Án Chris Phan: Chris không biết tình hình câu chuyện đó ra sao nhưng theo Chris nghĩ là có mặt ra tòa rồi. Nếu không có mặt ra tòa thì tòa sẽ ra án là cô ta sẽ bị trục xuất ra khỏi nước này cho dù cô ta không có mặt tại tòa. Lưu ý là phải có mặt trình với tòa, nếu không có mặt ở tòa thì tòa vẫn xử. Theo như cô kể, thì có lẽ tòa đã xuống án rồi, có lẽ cô ta trốn sau khi án đó ra, hay tòa kêu cổ ra mà cổ không chịu ra trình.

Chánh Án Chris Phan tại một sự kiện

Kiều Mỹ Duyên: Ông có kỷ niệm nào về một phiên tòa di trú mà về mặt lòng nhân đạo làm cho mọi người xúc động, xin kể cho mọi người nghe? 

Chánh Án Chris Phan: Tại mỗi phiên tòa, mọi chánh án mỗi ngày đều chứng kiến nhiều nước mắt: có nước mắt vui, có nước mắt buồn. Không có phiên tòa nào mà không có nước mắt. May mắn, Chris cũng là người trưởng thành, có sự đồng cảm, dù lúc mà Chris được chọn là chánh án có thể là nhờ quá khứ của Chris trong quân đội, thành ra mọi người nghĩ Chris là người công minh, trắng đen rõ ràng, không ba phải.
Nhưng thật ra Chris cũng là một người di cư, nên mỗi lần ra án lệnh, Chris cũng suy nghĩ rất sâu sắc, do tình cảm ảnh hưởng đến mình nhiều lắm. Chris nhớ một phiên xử một người mẹ đơn thân, có một đứa con 4 tuổi, bằng tuổi với con của Chris bây giờ. Khuôn mặt đứa bé rất xinh, rất đẹp, tròn quay, đôi mắt to.
Ngày Chris xử phiên tòa hôm đó là ngày vọng Giáng Sinh 24/12/2022. Thường thường trong các phiên xử đó, Chris ít suy nghĩ gì nhiều, vì cứ theo luật mình làm thôi. Với trường hợp này, người mẹ đơn thân với đứa con 4 tuổi không có cơ hội để ở lại. Nhưng hôm đó là ngày vọng Giáng Sinh, sau khi nghe người mẹ trình bày xong, Chris mới nhìn đại diện luật sư của chính phủ, Chris nói: bây giờ tôi sẽ tắt cái máy này, tôi sẽ nói chuyện với ông, mình là con người với con người, ông có thể giúp tôi bằng cách nào có thể giúp hai mẹ con người này ở lại không? Tôi biết nếu mà ra quyết án này thì [theo luật] cô không thể ở lại đây được đâu. Khi đó, luật sư của nhà nước nói: nếu mà ông ra cái án này thì quyết định thế nào tôi cũng sẽ đóng hồ sơ này ở đây. Khi ký án lệnh, một là người muốn được ở lại có thể bị trục xuất, hai là có thể ở lại. May mắn thay ngày hôm đó, luật sư của nhà nước đồng ý không trục xuất người mẹ đó.

Hà Giang: Khi phải đưa ra một quyết định, một phán quyết, thì ông có phải giải thích tại sao mình đưa ra quyết định đó không?

Chánh Án Chris Phan: Mỗi quyết định đều phải có lý do. Cơ bản là cho mỗi phán quyết chánh án phải đưa ra lý do ngay sau khi phiên tòa đó xong, trong ngày đưa ra phán quyết, nếu như gặp trường hợp quá khó xử thì có thể chờ mình đưa ra lệnh sau. Nhưng thường thường Chris cố gắng 100% nói ngay lý do sau khi phán quyết, để hoàn tất cho xong trường hợp đó, không muốn kéo dài vì ai cũng muốn biết kết quả ra sao ngay sau phiên tòa.

Chánh Án Chris Phan nhận lì xì ngày Tết

Kiều Mỹ Duyên: Cộng đồng chúng ta hãnh diện là thế hệ thứ nhì của mình có nhiều người là quân nhân, trong đó có 10 vị tướng lãnh. Chánh án có thể kể về những người bạn của mình, những người tị nạn người Mỹ gốc Việt, hay gốc Á Châu?

Chánh Án Chris Phan: Điều đặc biệt thứ nhất là vì đất nước chúng ta từ một đất nước có chiến tranh, nhiều người con thuộc thế hệ sau muốn nối gót theo con đường của ông cha, thế hệ trước; điều đặc biệt thứ hai là nhiều anh em muốn giúp đóng góp, trả ơn cho nước Mỹ này. Đó là lý do có rất nhiều người Mỹ gốc Việt trong quân đội.

Kiều Mỹ Duyên: Có vẻ ngày càng có nhiều quân nhân người Mỹ gốc Việt hơn phải không? Tại vì vào quân đội sẽ có nhiều quyền lợi. Chánh án có thể cho biết quyền lợi của người đi vào quân đội của Mỹ?

Chánh Án Chris Phan: Sau thời gian phục vụ trong quân đội, khi trở về, mình nộp đơn cho chức vụ nào trong chính quyền của Mỹ, mình cũng sẽ được ưu tiên. Ví dụ mình nộp đơn, theo hệ thống điểm, người phục vụ trong quân đội được cộng thêm 10 điểm so với những người nộp đơn khác. Thêm nữa, nếu quân nhân đó bị thương trong thời gian phục vụ quân đội thì được cộng thêm 30 điểm. Sau khi người ta cho điểm này, đi phỏng vấn đối mặt, thì những người khác rất khó vượt qua 30 điểm cộng thêm đó của các quân nhân. Thành ra khi các ứng cử viên cùng hội đủ điều kiện, thì người đã từng phục vụ trong quân đội chắc chắn sẽ được chọn [vì họ có lợi thế điểm thêm đó].

Chánh Án Chris Phan ngày còn trong quân đội

Hà Giang: Nói đến di trú là nói đến người khác chủng tộc, và như thế thì thể nào cũng có một chút kỳ thị nào đó. Trong đời sống quân đội, có bao giờ chánh án chứng kiếm sự kỳ thị không?

Chánh Án Chris Phan: Chris là luật sư của người nhái mà 99.5% người nhái là người Mỹ trắng. Trong quân đội không thấy có sự kỳ thị đó, nhưng lúc Chris làm luật sư, dù họ không bao giờ nói trước mặt mình, nhưng mà Chris có thể cảm nhận được [sự kỳ thị]. Cô thử nghĩ khi mình đứng trước khán phòng, giảng cho họ luật pháp, nói họ phải làm cái này, không được làm cái kia, giảng cho họ cả 2-3 tiếng. Dù ban đầu, Chris nhận thấy có một số phản đối nhưng mà sau khi đi chiến trường về, ai cũng về với gia đình bình yên, không bị thương tật, tai nạn, khi đó họ mới biết ơn mình, thông cảm cho mình lý do tại sao mình bắt họ không được làm cái này, cái kia. Hơn nữa, Chris nghĩ quân đội gom tất cả quân nhân trên toàn quốc, ai cũng được xem lý lịch của mình, nên dù ở ngoài người ta nói một đàng nhưng phía sau, trong đầu người ta nghĩ sao thì mình không biết. Mình chỉ mong trải qua thời gian nói chuyện, mình sẽ có sự thông cảm với nhau.

Kiều Mỹ Duyên: Ngày xưa, trong một lần phỏng vấn, chánh án lúc đó còn ở trong quân đội, Trung Tá Hải Quân, ông nói một điều tôi nhớ hoài: Một người trước khi ra chiến trường, Trung Tá viết một cái di chúc cho họ, mơ ước và cầu nguyện là cái di chúc này đừng có đọc, vì nếu di chúc này đưa ra đọc thì người chiến sĩ đã về với ông bà rồi. Bây giờ khi ông là Chánh Án Liên Bang, trước khi ký giấy trục xuất người ta về quốc gia của họ, không biết cảm nghĩ của chánh án khi đó như thế nào?

Chánh Án Chris Phan: Chris thấy nhiều chánh án đọc lệnh hay ra án lệnh là xong, không có thời giờ để cắt nghĩa tại sao làm như vậy. Chris khi ra phán quyết nào đó, Chris luôn nói chuyện với người đó trước, trước tiên là xin lỗi họ, rằng Chris rất muốn cho người đó thực hiện được yêu cầu của họ nhưng mà đây là luật pháp. Tôi ra cái án lệnh này, nhưng tôi mong là chánh án cao hơn tôi sẽ không đồng ý và cho cách giải quyết khác tốt hơn cho ông bà. Khi Chris cắt nghĩa như vậy, họ không cảm thấy bị tổn thương. Họ vui vẻ dù trong lòng Chris biết rõ không ai có thể thay đổi được cái luật đó, nhưng thời khắc đó, người ta không cảm thấy quá buồn.

Hà Giang: Trong những trường hợp như vậy, có người nào hỏi chánh án là theo ông thì nên kháng án dựa trên căn bản nào không?

Chánh Án Chris Phan: Phần đông ai cũng có luật sư, Chris nói rằng ông bà luật sư sẽ cho họ lời khuyên là phải làm gì. Trong khả năng của tôi, tôi khuyên ông bà anh chị nên kháng án, nếu cấp cao hơn tôi không đồng ý thì có thể họ sẽ xem xét lại trường hợp của ông bà, anh chị.

Hà Giang: Chánh án có dự tính cụ thể gì cho tương lai không? Hay ông dự định sẽ để cho định mệnh dắt đường?

Chánh Án Chris Phan: Không biết tương lai ra sao, nhưng Chris rất hãnh diện và may mắn có ngày hôm nay, vì lúc Chris làm chánh án, Chris đang ở Cuba, đi phục vụ quân đội ở đó. May mắn Chris gặp nhiều người liên lạc được giúp Chris trở về để phỏng vấn. Mình như là mây, gió đưa mình bay đến đâu, mình sẽ bay đến đó.

Chris thay mặt các anh em trong Hội Quân Nhân người Mỹ gốc Việt cảm ơn sự ủng hộ mấy chục năm qua cho Chris được ngày hôm nay. Chris sẽ ráng làm để là niềm hãnh diện của cộng đồng.

Tóm lược tiểu sử chánh án Chris Phan
Chánh Án Chris Phan tốt nghiệp đại học Indiana – đại học Purdue tại Indianapolis với văn bằng Cử Nhân Nghệ Thuật (BA Biology, 1996), tiến sĩ Luật khoa năm 1999 tại đại học Southern Illinois. Ông là chủ biên tạp chí luật Southern Illinois, tác giả cuốn “Physicians Unionization’s Impact on the Medical Profession”, Journal of Legal Medicine, March 1999.

Từ năm 2000 đến 2024, ông là luật sư quân pháp phục vụ Hải Quân Hoa Kỳ tại Earle, New Jersey, Yokosuka- Nhật Bản, San Diego, California, Potsmouth, Virginia, Ngũ Giác Đài, District of Columbia,Fort Worth, Texas và vịnh Guantanamo, Cuba.

Từ 2012 đến 2024, ông là nghị viên hội đồng thành phố Garden Grove, California và là phó biện lý Orange County, California.
Ông hiện là Hải Quân Trung Tá Trừ Bị của Hải Quân Hoa Kỳ. Ông là hội viên của Luật Sư Đoàn, tiểu bang California và hội viên luật sư đoàn tiểu bang Illinos và Texas. Ông và gia đình hiện cư ngụ tại Houston, Texas.

(kieumyduyen1@yahoo.com)

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights