Chuyện vợ chồng già: Ông nói gà, bà nói vịt

by Tim Bui
Lại chuyện người Việt đi Xì Pa

BẮC KỲ DI CƯ

Hồi nẫm, tui khoái đọc bài thơ gì đại loại như “Hai mươi bốn năm xưa”, của nhà thơ Phan Khôi, nhớ mang máng là: “Hai mươi bốn năm xưa, Một đêm vừa gió lại vừa mưa, Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ, Hai cái đầu xanh kề nhau than thở: “Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng, Mà lấy nhau hẳn đà không đặng, Để đến nỗi tình trước phụ sau, Chi bằng sớm liệu mà buông nhau!”

Hồi còn trẻ, tui khoái bài thơ này lắm và cứ nghĩ rằng nhân vật nam này quá đáng, quá đa nghi, quá hồ đồ. Mê nhau thì cứ lấy đại nhau đi, tính toán gì cho mệt. Thiệt uổng một mối chân tình. Bây chừ, tui cũng tới tuổi già già như cụ Phan đó, mới thấy là nhân vật đó khôn thiệt, biết trước biết sau. Phục lăn.

Tui có mấy ông bạn già, tóc bạc nhiều hơn đen; có ông chưa tới tám bó, đã bạc trắng như tiên ông, thỉnh thoảng gặp nhau, nói chuyện trời ơi, đất hỡi, linh tinh lang tang, nhưng đại đa số đều thở dài khi nhắc đến chuyện vợ chồng già. Cả trăm như một, cụ nào cụ nấy đều than thở về bà cụ nhà. Tuy không nói xấu gì người vợ đầu gối tay ấp cả mấy chục năm, nhưng mấy cụ ông này đều đồng nhất một chuyện: Ông nói gà, bà nói vịt. 

Một ông mới có bảy mươi mí, than thở: 

-Không biết sao mà bà ấy thay đổi tính nết ghê quá! Ngày nào còn thỏ thẻ, dạ vâng, anh em ngọt xớt, bây giờ hễ mở miệng là càm ràm, cau có. Chuyện chẳng đâu vào đâu, cũng la ó. Ông lại quên đóng ngăn bàn lại rồi. Làm ơn ra tắt đèn phòng khách giùm tôi. Ông không nhớ tắt đèn nhà tắm rồi. Tôi nói ông cả chục lần rồi, là cái cửa sổ cầu tiêu phải đóng kín lại, nhỡ ra trộm đạo nó chui vào nhà thì sao… Trong khi chính tôi phải tắt đèn cho bà ấy không biết bao nhiêu lần, tôi có nói bà ấy đâu.

Ông khác than thở:

-Tôi bực nhất là cái cảnh “ông nói gà, bà nói vịt.” Nhiều lần tôi muốn phát điên vì hễ tôi nói Đông, bà ấy nói Tây, tôi nghe lời bà ấy, đổi lại là Tây, thì bà ấy lại chuyển qua Đông. Chuyện con cái, cháu nội, cháu ngoại cũng vậy. Đôi khi tôi chỉ muốn góp ý cho nhà cửa vui lên, bà ấy cũng cản. Chán quá, các ông ạ.

Một cụ thở dài:

-Tôi bị bệnh lãng tai, chưa có điếc, vẫn còn nghe tinh, chỉ có không nghe được khi ai nói nhỏ mà thôi, bà ấy cứ rủa tôi điếc. 

Ông nọ chen vào:

-Ấy, nói ông điếc là còn nhẹ. Bả rủa tôi mù! Chỉ vì tôi quên không đeo kính lão vào thôi.

Nghe các cụ trên bẩy bó than thở ghê quá, tui chạy đến thầy Tư Bôn Sa:

-Thầy ơi! Bà nhà có đổi tính đổi nết không? Có càm ràm thầy hoài không?

Thầy Tư hỉnh cái mũi lên, nhìn tui như nhìn vật lạ:

-Tao tưởng mày đọc sách, đọc báo hoài, nên rành tâm lý con người, Không dè mày ngu quá vậy?

Nghe thầy mắng là ngu, tui tức cành hông, cự lại:

-Thầy nghĩ như thế nào mà nói tui ngu? Tui thấy bạn tui ai cũng nói vậy, ai cũng phàn nàn là các bà đổi tính, thay nết, càng già càng lẩm cẩm.

Thầy Tư thấy tui bực, nên đổi giọng làm lành:

-Tao xin lỗi mày, tao già rồi, ăn nói lạng quạng. 

Tui chụp ngay lấy câu này, tấn công liền:

-Đó! Thầy thấy chưa? Chính thầy cũng ăn nói lạng quạng, trách gì các bà!

Thầy Tư thở dài:

-Mày nói trúng. Đàn ông hay đàn bà, khi về già đều đổi tính. Mà đa số không đổi tính xấu thành tốt, chỉ thường thì đổi tốt thành khó chịu, đổi khó chịu thành lẩm cẩm, mà hễ đã lẩm cẩm rồi thì dễ trở thành bệnh lẫn. Theo tâm lý học, người lớn tuổi thường trở thành “Extraverted” hay “Extroverted” nghĩa là nhạy cảm hơn với xã hội bên ngoài thay vì suy nghĩ về nội tâm. Đa số trở nên hay lo sợ hơn, dễ bị kích động hơn. Một số bà đã có thời trẻ tài sắc huy hoàng thì khi nhìn thấy số tuổi mình tăng lên, da dẻ khô héo hơn, mặt nhiều nếp nhăn hơn, tóc rụng nhiều hơn, thì hay buồn sầu vu vơ, có thể cố gắng vớt vát bằng cách trang điểm kỹ hơn, cầu kỳ hơn. Trong khi đó, một số bà khác, hồi trẻ chưa có dịp chưng diện, nay đời sống thoải mái thì lao đi ăn chơi, tập hát, tập nhảy đầm. Nếu ông chồng mà không đáp ứng nổi thì nói xóc óc. 

Bất chợt, thầy Tư ngừng lại, khều tôi lại gần nói nhỏ:

-Nhất là mấy tay có súng mà đạn lép, thì ôi thôi, đời tàn trong ngõ hẹp vì bị vợ chì chiết.

Rồi thầy trở lại nói bình thường:

-Nói chung, các người cao niên đổi tính nết khác với thời trẻ, hay gắt gỏng, khó chịu. Một số trở nên thầm lặng hơn, ít nói, không thích trả lời ngay cả các câu hỏi của con cháu. Vài trường hợp đặc biệt thì mấy phu nhân lớn tuổi vẫn giữ thái độ dịu dàng với con cháu. 

Nói đến đây, thầy Tư nhìn thẳng tui và nói:

-Tao nói “dịu dàng với con cháu” chứ không dịu dàng với mấy cha đàn ông cà giựt đâu đó. Mấy bả nhớ rất kỹ những tội lỗi của mấy trự cà giựt hồi còn trẻ, hồi đó bả đau trong lòng lắm, nhưng cố gắng dẹp đi để cho gia đình yên vui, nhưng bây giờ, khi bả già, thì nỗi đau hồi xưa nó trở lại, đay nghiến bả, và đương nhiên, bả đay nghiến mấy cha đàn ông tầm bậy luôn. Như vậy còn kêu ca cái gì? 

Thầy thở ra một hơi rồi nói tiếp:

-Điều quan trọng là mấy cụ đàn ông nhà mày, nếu mà thương vợ, thì phải theo dõi xem mấy bả có thay đổi nhiều không. Nếu hướng về nội tâm nhiều hơn, ít nói hơn thì mới sợ, mà nói nhiều hơn thì vui. Mấy bả còn càm ràm, còn nói Đông sang Tây là còn chứng tỏ mấy bả còn tinh tường, khỏe mạnh, chứ nếu im lìm, ngồi một mình, không thích càm ràm, ca cẩm chồng nữa, thì coi chừng, bả có thể bị bệnh lẫn, tiếng Anh là Alzheimer đó! Mày hiểu chưa? 

Nghe thầy giảng một thôi một hồi về tâm lý học, tui hổng biết nói sao chỉ gật gù cái đầu, hứa sẽ chuyển lại cho các cụ ông bạn tui nghe và sẽ hỏi mấy ông Sĩ Quan cũ hay bị càm ràm xem còn súng đạn không, vì theo lời Thầy Tư, đó là vấn nạn lớn nhe…

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights