Có cần phải xé hôn thú với vợ cũ để giữ vợ mới?

by Tim Bui
Có cần phải xé hôn thú với vợ cũ để giữ vợ mới?

MẮT NÂU

Hỏi: Tôi tên Trung Cang, 62 tuổi, kỹ sư. Có hai con, vợ chồng ly thân, (hai người sống hai nơi), nhưng không xé hôn thú. Tôi quen một phụ nữ cùng sở, độc thân. Khi quen, tôi nói cho qua chuyện là ở tình trạng ly dị, đang sống một mình (điều này thì không sai).    

Sau một thời gian quen nhau, chúng tôi (tôi và phụ nữ cùng sở) sống chung như vợ chồng và có được năm năm hạnh phúc. Chuyện qua nhanh như giấc mộng. Bỗng một hôm, vợ cũ của tôi tìm tới ghen, và kêu gọi tôi trở lại gia đình.

Tôi bất ngờ và bối rối, “nửa kia” của tôi cũng ngỡ ngàng, và cô bảo lúc mới quen,

vì nghe là ly dị, nên bằng lòng kết hợp chung sống. Qua sự tình này, cô buộc tôi phải dứt khoát, tức là xé hôn thú với vợ cũ, nếu không thì chuyện tình của tụi tôi chấm dứt.

 Tám năm, tưởng mọi thứ đi vào dĩ vãng. Lỗi tại tôi đã nói một nửa không thật lúc đầu. Chẳng hiểu vợ cũ tôi nghĩ gì mà dở chiêu trò này. Tôi phải làm sao? (Trung Cang).                                                                                                  

Đáp: Thưa ông Trung Cang, một nửa sự thật không là sự thật. Nói dối một nửa vẫn là nói dối. Sự không minh bạch dù bất cứ nguyên do gì, cũng là biện minh cho sự không minh bạch để không lường được những gì sẽ tới.

Đời là một hành trình rắc rối, mà rắc rối nhất là liên quan đến chữ tình. Chữ tình mang dấu ấn tư hữu và chiếm hữu, và trở thành tuyệt đối. Nó bất khả xâm phạm, bất khả phân ly, bất khả chung đụng, không san sẻ, không hùn hạp ở bất cứ hình thức nào, dù chỉ là tương đối.
   
Hôn nhân là chặng đường không ai giống ai. Có người suôn sẻ (số ít). Có người gian truân gai góc (số nhiều). Ngày hôm nay vẫn còn tử tế, ngày mai ngoảnh mặt, xoay chiều đổi hướng.

Người ta có thể chia nhau cái này, cho nhau cái kia, chung nhau cái nọ… nhưng cái tình thì không. Hôn nhân thì càng không thể.

Hàng trăm năm trước nữ sĩ Xuân Hương Hồ Phi Mai đã nghiến răng chửi     “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung / Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng.”

Cho thấy chia nhau mảnh chăn (gối) là điều tệ hại dù xã hội Việt Nam xưa đã từng thừa nhận chế độ đa thê, của một thời phong kiến… không xa lắm. Cái thời mà xã hội Việt Nam ảnh hưởng nặng nề nho phong, Hán hóa, trọng nam khinh nữ. Cái quan niệm phái nữ là vật sở hữu, là món hàng trao đổi khi cần, và chính xác hơn, phái nữ là phương tiện duy trì nòi giống, là nhu cầu phục vụ cho nam giới.

Ngày xưa chế độ đa thê công khai, một chứng tích vẫn còn trong sách. Một ông, năm, bảy vợ là chuyện bình thường. Người đàn bà cắn răng chịu đựng. Ngày nay luật pháp không công nhận, cho nên mấy ông lén lút, dấu diếm.

Trong văn  học, tập trường thi nổi tiếng “Cung Oán Ngâm Khúc” của  Đoàn thị Điểm, Đặng Trần Côn – Mấy  ngàn câu thơ ai oán  não nùng nói lên kiếp chồng chung.

Những trang sử, với bối cảnh hoàng cung lộng lẫy, những cuộc tình ngang ngược, đoạt vợ đầy nước mắt, tam cung lục viện, cung tần mỹ nữ, nàng hầu, tì thiếp… Tất cả chỉ để phục vụ cho một  đàn ông, hay một ông vua được gọi là thiên tử (con trời).

Nói để thấy chuyện chăn gối là cái không thể ghép chung trong cuộc sống dân dã, đời thường. Thật ra, không riêng phái nữ, phái được gọi là phái bị động, thụ động, mà ngay cả phái nam (phái chủ động), hay phái giữa (trung tính), cũng chẳng phái nào chịu bao dung độ lượng chấp nhận chuyện tay ba bao giờ.

Thời ấy, “năm thê bảy thiếp” ghen tức đành chịu, vì đa thê hợp pháp – thời ấy là  thời những người làm luật, viết luật, thi hành luật toàn là nam giới.

Ly thân dù đã tám năm, vẫn chỉ là ly thân. Tờ hôn thú không xé, là chủ quan, khinh suất, là sai lầm vì không lường trước điều gì… nó gợi lòng ghét ghen trong phút mê mờ, tức tối, sân si theo chuyển biến của thời gian mà phát tác.

Người ta sẵn sàng vứt bỏ một món đồ vì không thích, vì không xài đến, nhưng khó chịu khi có người nhặt lấy, và sử dụng tốt. Đó là tính ích kỷ nói lên bản chất, nhân cách của một người.

Không như câu chuyện “Chiếc giày đánh rơi của Gandhi ” – Chuyện kể rằng khi một chiếc giày không may tuột khỏi chân lúc đoàn tàu chuyển bánh… Gandhi tháo nốt chiếc còn lại quăng ngược về phía sau, hy vọng người nhặt được sẽ có đủ đôi để dùng. Người mất, chấp nhận mất, và thấy hạnh phúc khi nghĩ người nhặt được sẽ hạnh phúc bất ngờ – Nhưng cuộc đời chẳng mấy ai được như thế.

Lòng bao dung đôi khi phụ thuộc vào kinh tế và hoàn cảnh.

Nếu ly thân vẫn cứ ở vậy, có lẽ vợ cũ chưa, hoặc không động đậy, nhưng tiếc nỗi chồng cũ gặp ý trung nhân thích hợp và hạnh phúc, lòng vị kỷ phát sinh, tức tối và đố kỵ bùng phát, nên “quậy cho hôi.”

Người ta cứ bảo “có yêu mới có ghen” hay “ghen bởi vì yêu” câu nói trở thành cửa miệng. Trường hợp ly thân tám năm, bỗng đùng đùng tìm đến yêu cầu nối lại tình xưa là điều bất thường, không hợp tình, hợp cảnh.

Một chiến thuật du kích mong đối phương trở tay không kịp, cho bõ ghét. Ngón đòn thiếu quân tử, do ghen tức, mà ghen tức không đồng nghĩa với ghen, nghĩa là chẳng phải yêu, chẳng phải tình nghĩa, màu là sĩ diện. Mình không xài, vứt đi, người ta xài tốt… thì không chịu được.

 Ép nhau cho thỏa lòng háo thắng nhưng quay về liệu có sống như cũ được không. Bát nước đổ đi, khó hốt đầy trở lại. Viên ngọc đã nứt, làm sao mài giũa cho lành lặn lại?

Nhưng người có lỗi nhất vẫn là người đã nói sai 1/2 sự thật lúc đầu. Nay theo yêu cầu của người đang chung sống, cũng nên hợp-pháp-hóa chứng từ, lập thủ tục ly hôn và chờ đợi.  

Âu cũng là bài học trong cõi vô thường.

Đàn ông với lại đàn bà
Đàn nào cũng vậy, cũng là như nhau
Còn duyên còn thắm sắc màu
Hết duyên nhạt nhẽo như lầu không trăng

Chúc ông nhiều may mắn!

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights