Có một giòng sông trong âm nhạc miền Nam

by Tim Bui
Âm Nhạc Có một giòng sông trong âm nhạc miền Nam

TRẦN HỮU NGƯ

Trước năm 1975 có rất ít nhạc viết về một tỉnh nào đó. Nhưng ngày nay, có rất nhiều bài hát viết về tỉnh mà dân trong nghề kêu là “tỉnh ca,” về địa phương. Nội dung thường là ca ngợi tỉnh, thành về sự phát triển kinh tế, nét đặc trưng của quê hương đó trong nhiều lĩnh vực.

Nhạc địa phương nào thì địa phương đó hát, và thường thì được hát trong những sự kiện, lễ lạc, như để đánh dấu, kỷ niệm, giới thiệu, rồi sau đó chờ những năm “đến hẹn lại lên,” nếu không viết được bài mới.

Nhưng có một nhạc phẩm, dù viết riêng cho tỉnh thành, nhưng đó là một bài hát chung cho cả mọi người, một ca khúc nổi tiếng không chỉ cho An Giang, mà cả khắp miền Nam: Đó là bài hát “Giòng An Giang” của nhạc sĩ Anh Việt Thu. Và người ta hát “Giòng An Giang” bất cứ ở đâu, thời gian , không gian nào cũng thấy… hay!

Vài nét về tác giả “Giòng An Giang”

Cố nhạc sĩ Anh Việt Thu sinh năm 1940 tại Campuchia, tên thật là Huỳnh Hữu Kim. Là người Việt 100%, nên anh đã cố gắng làm khai sinh cho mình, để có một nơi chốn của mình là: An Hữu, Cái Bè, Tỉnh Mỹ Tho [có tài liệu cho rằng quê anh ở Bến Tre]. Anh qua đời tại Saigon năm 1975, tiếc quá, anh chết rất trẻ, 35 tuổi. Anh là một nhạc sĩ có nghề, anh học trường Quốc gia Âm nhạc và kịch nghệ Saigon khóa 1 (thành lập năm 1956) đậu hạng ưu.

Nhạc của Anh Việt Thu đã nhuốm màu thời gian, nhưng không bay mùi, vẫn thoảng hương:

-Đa tạ
-Người ngoài phố
-Tám điệp khúc
-Gió về miền xuôi
-Nhớ nhau hoài
-Cho tình yêu chúng mình
-Cuốn theo chiều gió
-Hai vì sao lạc

(…)

Tôi xin “nghe và nhắc lại giùm bạn” mấy bài hát sau đây:

Hai vì sao lạc

“… Người về, một mùa thu gió heo may
Về đâu, có nhớ chăng những vì sao long lanh…
Người là vì sao nhỏ bé
Ta mãi ước cho lòng làm bầu trời xanh
Người về lòng ta thương nhớ
Ta khẽ hỏi đưa người hay thầm người đưa ta…”

(Ca sĩ Hoàng Oanh hát bài này nghe như tiếng sáo dìu dặt trên tận từng mây, và có một câu làm xốn xang, day dứt: “Ta đưa người, hay thầm người đưa ta”).

Cuốn theo chiều gió
Bài có tựa trùng với “Cuốn theo chiều gió” (Gone with the wind) của Margaret Mitchell.

Ca sĩ Hương Lan, một tiếng ca như diều no gió, một chút buồn, chuyên chở mối u hoài, mênh mang cõi lòng:

“… Một ngày nào về thăm đất mẹ
Đường về mưa bay giăng mắc lối đi
Còn tìm đâu xanh xanh hoa cỏ
Tìm đâu đêm đêm trăng tỏ
Tìm đâu tiếng ru vào nôi…”

Và còn một số bài hát hay của Anh Việt Thu, mà không thể viết hết ra đây. Anh Việt Thu có viết một bài riêng cho An Giang, nhưng toàn dân miền Nam nghe chung và ca sĩ đã đem Giòng An Giang đến cho toàn cõi các tỉnh miền Nam.

Đây là một bài hát hay nhất “viết về một địa danh, một tên tỉnh thành” mà chưa thấy có bài hát nào viết hay hơn? Sở dĩ nó được nhiều người ta hát, nhiều người nghe vì: Bài hát không thấy có kế hoạch, đầu tư, phát triển, tự hào, ca ngợi, đánh bóng, không có chính chị chính em, không nịnh đầm, không bợ đỡ…

“Giòng An Giang” ra đời năm 1966, thời điểm chiến tranh khá ác liệt ở miền Nam. Anh Việt Thu, với tình yêu sâu đậm dành cho quê hương, đã viết ca khúc này để bày tỏ nỗi lòng của người con xa quê, nhớ về miền Tây Nam Bộ yên bình, nơi có giòng sông An Giang hiền hòa.

Bài hát vừa mang nét trữ tình của quê hương sông nước, vừa ẩn chứa sự khắc khoải, bâng khuâng của người nhạc sĩ trước thời cuộc. Giai điệu bài hát nhẹ nhàng, sâu lắng, hòa quyện với ca từ đầy chất thơ, đã chạm đến trái tim của rất nhiều người yêu nhạc.

“Giòng An Giang” không chỉ là một bản nhạc hay mà còn là một bức tranh đẹp về vùng đất Nam Bộ, nơi mà Anh Việt Thu đã gắn bó và yêu mến suốt cuộc đời mình.

Có thể ví “Giòng An Giang” như một “Giòng sông xanh” (Le Beau Danube Bleu của Johann Strauss). Sông An Giang bắt nguồn từ sông Hậu, chảy song song xuống vùng đồng bằng sông Cửu Long, ngang qua thành phố Long Xuyên, thủ phủ tỉnh An Giang.

Nhắc đến Long Xuyên, tôi không quên, có một ngày trước 75, tôi từ Bình Tuy bắt xe đò đi Long Xuyên để “tìm trẻ em lạc,” ngủ tại chợ Long Xuyên một đêm, buổi tối ra nhìn dòng sông An Giang, và sáng đi… về!

Trước 75, tôi chưa thấy ca sĩ nào gây cho tôi ấn tượng khi hát “Giòng An Giang,” nhưng sau 75, tôi nghe ca sĩ Ánh Tuyết “liến thoắng” trong “Giòng An Giang” như Thái Thanh trong “Giòng sông xanh.” Tôi đoán rằng, có đến 90% các bài hát viết về sông đều mang giai điệu Valse, tại sao? Hình như Valse thích hợp như những con sóng nhẹ của sông nước chăng?

“… Giòng An Giang sông sâu sóng biếc
Giòng An Giang cây xanh lá thắm
Lả lướt về qua Thất Sơn
Châu Đốc giòng sông uốn quanh

Soi bóng Tiền giang Cửu long
Giòng An Giang trăng lên lấp lánh
Giòng An Giang tung tăng múa hát
Giòng An Giang đáy nước in sâu

Nhịp cầu tre ngắm bóng say sưa
Nắng vẫn chiếu trên làn sóng nhấp nhô
Nắng vẫn chiếu trên gò má hây hây
Mơ màng ngây thơ

Cô thôn quê đang giặt yếm trên sông
Tiếng sáo vắng trên đồng lúa xanh tươi
Trâu lang thang đôi cò trắng tung bay dập dìu
Giòng An Giang ai qua vẫn nhớ

Giòng An Giang thơ thơ bến nước
Đâu những thuyền ai lắc lơ
Đôi mái chèo trăng lướt qua
Lơ lững vần trăng vỡ tan…

Giòng An Giang cây xanh lá thắm
Đây những người thôn nữ xinh
Duyên dáng chuyền tay dắt nhau
Múc mấy vầng trăng đổ đi…”

Một bài về Sông đẹp lãng mạn, đẹp tuyệt đối. Tôi có quá lắm không khi dám so sánh “Giòng An Giang” với “Giòng sông xanh?”

Nhạc sĩ Anh Việt Thu (hình dongnhacvang.com)

Cùng 1 tác giả:

https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/buon-nay-co-ai-mua/

You may also like

Verified by MonsterInsights