PHƯƠNG DUNG
Như rất nhiều cha mẹ người Châu Á, khi hai cô con gái tôi còn nhỏ, tôi luôn ao ước sau này chúng sẽ làm luật sư, bác sĩ. Và tôi đã cố gắng nhồi nhét ý tưởng đó vào đầu chúng ngay từ bé. Lúc ấy tôi đã ly dị chồng khi con tôi chỉ mới vài tuổi.
Tuy nhiên, một ngày kia, khi cô con gái nhỏ (lúc ấy mới học lớp ba) hai ba lần bị điểm “C” ở trường, tôi đã rất đau khổ, và thổ lộ điều đó với một người khách hàng người da trắng của mình. Tôi đã rất đỗi ngạc nhiên khi nghe cô ta thản nhiên nói “Bị điểm C thì đã sao?” Lúc ấy tôi nghĩ rằng cô khách này, có lẽ cũng giống như nhiều cha mẹ không phải người Châu Á khác, không quan tâm đến việc học của con cái và khinh khỉnh coi thường cô ta.
Sau này, hai cô con gái của tôi vào đại học đều chọn hai ngành học hoàn toàn không giống như ý tôi mong muốn. Có lần tôi khuyên chúng nếu không thích trở thành bác sĩ, luật sư thì theo học ngành lập trình điện toán, là ngành tôi làm trước đó, cũng khá dễ dàng mà có lương cao. Khi nghe nói thế, một trong hai cô đối lại thẳng thừng “Con không cần có nhiều tiền! Miễn sao con yêu thích công việc con làm là được!” Thế là tôi đành vậy, nhưng luôn tự hỏi sao tiền lại không là động cơ thúc đẩy tụi nó.
Rồi thời gian gần đây tôi đọc được một vài ý kiến lạ trong YouTube như “It’s Ok to be a Loser” hay tạm dịch là là “Là Một Kẻ Thất Bại Cũng Chẳng Sao”! Đọc kỹ ra thì mới biết ý tưởng này đến từ suy nghĩ của nhà triết lý tên Henry David Thoreau. Ông sinh ra vào năm 1817 và là nhà thơ, nhà văn, nhà tự nhiên học và nhà triết học ở thế kỷ 19. Một trong hai cuốn sách nổi tiếng nhất của ông là cuốn “Walden” xuất bản vào năm 1854. Trong cuốn “Walden”, ông giải thích lý do tại sao con người nên sống đơn giản, đừng chạy theo đồng tiền, danh vọng hư vô, mà nên chú ý đến những thứ thực sự làm bản thân mình hạnh phúc.
Lối suy nghĩ này đi ngược với cách sống của đa số mọi người trong xã hội con người từ nhiều thế kỷ nay. Một xã hội đề cao vật chất và sự thành công được đánh giá qua những đồ vật và tài sản chúng ta làm chủ. Đa số mọi người nghĩ rằng: càng làm nhiều tiền, càng lên chức cao, thì càng phải có nhà to cửa rộng hơn, có xe bảnh hơn, có nhiều thứ đồ chơi tiêu khiển khác như xe chạy trên nước (wave-runners), tàu yatch, máy bay cá nhân… Chưa kể có nhiều người cảm thấy rất tự hào khi họ liên tục đi du lịch khắp thế giới, ở các khách sạn hạng sang và xài tiền như nước.
Cách sống này được in vào đầu chúng ta do sự khuyến khích của báo chí, phim ảnh, sách vở, và nhất là các mạng xã hội (Social Media) vào thời nay. Tuy nhiên, theo ông Thoreau thì cách sống này làm cho con người luôn luôn phải quay cuồng vật vã, bù đầu bù cổ kiếm tiền để chi trả cho lối sống xa xỉ đó. Tôi nhớ có ai đó nói “Chúng ta bỏ cả một đời đi làm quần quật để mua được một căn nhà thật to, và những xa xỉ phẩm khác nhưng lại hầu như không có thì giờ thưởng thức chúng!” Quả thật đó là một trớ trêu của cuộc sống hiện đại ngày nay!
Theo Henry David Thoreau, khi quá coi trọng vật chất và sự hưởng thụ bề ngoài, chúng ta đã quên mất giá trị thực sự của cuộc sống. Chúng ta đã quên không nghĩ đến việc làm gì có lợi cho chính bản thân mình, về cả mặt thể xác lẫn tinh thần.
Vì cách sống của xã hội hiện nay, những người sống một cuộc sống đơn giản, khiêm tốn, trầm lặng sẽ bị chê là dở, là không cố gắng, là không tham vọng, là không thành công. Hay gọi ngắn gọn lại là kẻ thất bại! Ông Thoreau đặt câu hỏi: “nếu ta thấy một ai đó không theo đuổi những thứ đa số mọi người theo đuổi, hay không chạy theo tiền bạc, danh vọng, quyền lực, vật chất, thì có lẽ đó là vì họ có một cách nhìn khác hơn chăng?”
Có thể những người này đã nghiệm được từ lâu rằng “thuyền càng to thì sóng càng lớn”? Càng làm ăn lớn, càng làm ông này bà nọ, thì cuộc đời càng phức tạp, càng trải qua nhiều thăng trầm, mệt mỏi, nhức đầu! Chẳng hạn nếu ta được giao chức làm Tổng Thống, liệu ta có thật sự muốn nhận không, dù ta có khả năng đi nữa?
Bản thân tôi cũng đã trải qua nhiều thăng trầm của cuộc đời, do ham muốn làm giàu, muốn có nhiều nhà cửa cho mướn, muốn có công ty thương mại lớn. Tuy nhiên, cuộc đời chẳng bao giờ trôi chảy một cách dễ dàng. Tiền đến rồi lại đi biết bao nhiêu lần! Mà nó còn làm mình bị bệnh vì lúc nào cũng làm việc quá sức!
Tôi có biết một câu chuyện buồn của một nhà triệu phú trong cộng đồng Việt Nam ở California. Ông ta suốt đời làm lụng cật lực và để tiền đầu tư bất động sản, không bao giờ dám ăn xài gì. Khi thành công, ông ta có trên 100 căn nhà cho thuê. Tiền quả vô như nước, nhưng công việc làm ăn cũng rất thường xuyên rắc rối, bê bối, do không quản lý nổi, và tiền bạc cũng bị nhân viên ăn chặn, ăn cắp đi. Khi đến tuổi về hưu, ông ta bị nhiều chứng bệnh hiểm nghèo, và thực sự chẳng hưởng được sự giàu sang này. Con cái và người vợ trẻ thì chỉ lăm le tính đến chuyện chia tài sản khi ông mất đi!
Thành ra bây giờ ngẫm nghĩ lại mới thấy rằng sống ham hố tiền bạc, vật chất quá cũng là một điều không nên! Có lẽ hai cô con gái tôi, cũng như thế hệ trẻ ngày nay, đã nhìn thấy điều đó rõ ràng từ những bài học của cha mẹ họ mà ra?
Quay trở lại cuốn “Walden,” ông Thoreau viết: trong thực tế, những người sống một cuộc sống đơn giản, không tham vọng, và có vẻ tầm thường này lại là những người có một kỷ luật mạnh mẽ và suy nghĩ rất khôn ngoan. Vì vậy mọi người hãy tôn trọng họ, và để yên cho họ sống một cuộc sống họ chọn, dù bạn không hiểu họ.
Henry David Thoreau là người dành phần lớn cuộc đời và triết lý của mình vào giá trị của sự đơn giản, sự tự lập, tính chân thực. Ông đã thực sự sống tách biệt khỏi những ảnh hưởng, quy ước thường tình của cuộc sống hiện đại bằng cách dọn vào rừng ở một mình trong hai năm trời để nghiền ngẫm những suy nghĩ đó. Sau khi Thoreau chọn không đi theo con đường nghề nghiệp bình thường như mọi người, ông kết bạn với nhà triết học Ralph Waldo Emerson, là người mở đầu về cách sống giản dị. Thoreau dọn vào rừng sống một mình ở trong căn nhà gỗ nhỏ, nằm gần hồ Walden, do chính ông xây lên, trên mảnh đất của nhà triết lý Ralph Waldo Emerson làm chủ. Tại đây, ông sống một cuộc sống giản dị, lặng lẽ, ẩn dật, chỉ tập trung vào những gì ông thấy thực sự là cần thiết và coi trọng.
Thoreau chỉ làm việc một ngày một tuần để chi trả cho những nhu cầu tối thiểu và trong nhà ông chỉ có vỏn vẹn một số đồ dùng cần thiết. Ông đã tách biệt ra khỏi thế giới lúc đó và hoàn toàn hòa mình vào thiên nhiên, khám phá và yêu quý những niềm vui nhỏ quanh ông, như cây cỏ, động vật, rừng núi, sông hồ, cũng như tập trung vào niềm đam mê viết lách của mình.
Henry David Thoreau được biết đến với những quan sát rất chi tiết về thiên nhiên và một trong những đóng góp đáng chú ý của ông là cách đo độ sâu của hồ Walden. Trái ngược với huyền thoại về cái hồ không đáy này, Dùng kỹ năng của một nhà khảo sát để xác định độ sâu của hồ. Áp dụng một phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả là sử dụng đá và dây, Thoreau đã khám phá ra rằng cái hồ này không sâu vô tận như một số người nghĩ. Việc đo độ sâu của hồ này là minh chứng cho cách tiếp cận khoa học của Thoreau và mong muốn tìm hiểu thế giới tự nhiên qua các bằng chứng thực nghiệm.
Trong thời gian này, Thoreau đã viết ra kiệt tác của mình tên là Walden. Trong một đoạn của cuốn sách này, ông kể về những suy ngẫm của mình về thời gian cũng như lý do tại sao ông sống một mình trong rừng này: “Tôi vào rừng vì tôi muốn sống có chủ ý, chỉ đối mặt với những điều thiết yếu thật sự của cuộc sống, và thử xem tôi có thể học được gì ở triết lý này; tôi không muốn để đến khi sắp chết mới nhận ra rằng tôi thực sự đã chưa từng sống bao giờ. Tôi muốn sống thật sâu và muốn uống cạn đến cả tủy sống của cuộc sống tôi được ban phát này”.
Ông cũng viết “Khi bạn đơn giản hóa cuộc sống, quy luật của vũ trụ sẽ đơn giản hơn; cô đơn sẽ không phải là cô đơn, nghèo đói sẽ không phải là nghèo khó, và sự yếu đuối cũng không phải là sự yếu đuối.”
Ông nói rằng, dĩ nhiên, tất cả chúng ta đều muốn sống một cuộc sống tốt đẹp, thành công nhưng chúng ta có bao giờ dừng lại và đánh giá thế nào là điều tốt đẹp, là cuộc sống thành công không? Ông khuyên chúng ta nên thật sự xem xét tìm hiểu những điều đó từ bên trong lòng mình, nơi duy nhất để ta thực sự cảm nhận và trải nghiệm, thay vì chỉ nhìn hời hợt từ bên ngoài.
Theo ông, thành công đơn giản chỉ là khi mình hoàn thành được những mục tiêu hay nhiệm vụ mình đã xác định ra trước đó. Và vì vậy, thành công của mỗi người sẽ khác nhau tùy thuộc vào người đó muốn gì. Nếu có những người chỉ muốn một cuộc sống lặng lẽ, khiêm tốn, giản dị, không phiền phức và họ làm được điều đó thì họ cũng thành công như mọi người khác!
Chỉ trong trường hợp một người sống vô tâm, không cân nhắc, sống cẩu thả, không chịu trách nhiệm về hành động của mình, hay cuộc đời riêng của mình, và thay vào đó ăn bám xã hội hoặc những người quanh họ, hoặc thậm chí còn làm hại đời sống của những người khác một cách ích kỷ, vô lý, thì họ mới là người không thành công thôi. Như vậy, sự thất bại có thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu: trong những nơi có ngai vàng cao nhất, ở những nơi quyền thế nhất, và những nơi giàu có nhất, hay ở chính trong căn nhà gỗ nhỏ bé khiêm tốn của ông trong rừng.
Tất nhiên, sự thành công đôi khi không đạt được không phải vì người ta sống vô tâm hay cẩu thả. Có những người sống một cuộc đời ngoài ý muốn của bản thân vì những hoàn cảnh và điều kiện không thể thoát khỏi: những hạn chế về sức khỏe, tinh thần, và có khi nó còn do một hoàn cảnh sống không do ta làm chủ: chẳng hạn như hiện nay giá nhà cửa mua hay thuê ở California quá mắc mỏ từ nhiều thập niên, và các vật giá cũng leo thang theo giá nhà cửa. Giới trẻ ngày nay đa số cảm thấy họ phải đối phó với một cuộc sống khó khăn gấp nhiều lần so với thời cha mẹ họ sống, thành ra họ nghĩ dù có cố gắng mấy, họ cũng không tài nào vượt lên cao. Kết cục là, giới trẻ ngày nay không muốn cố gắng gì nhiều. Thà cứ sống tàn tàn, thì ít ra cũng đạt được sự an bình trong tâm hồn.
Ngoài ra, đối với ông Thoreau, thời gian là thứ quan trọng nhất của đời người. Nó là thứ hàng hóa duy nhất không thể kiếm được hay mua lại được. Thành ra, khi làm gì, chúng ta cũng nên cân nhắc kỹ xem việc đó có cần thiết không, có mang lại niềm vui và hạnh phúc cho ta không? Có phải ta vẫn thường nghe câu “cuộc sống thật ngắn ngủi”? Vì vậy, ta hãy sống sao cho xứng đáng nhất, cho hạnh phúc nhất. Tuy ai cũng biết là không phải lúc nào ta cũng có thể chọn việc gì mình muốn làm, vì có những việc ta phải làm vì cơm áo gạo tiền. Vì vậy, chúng ta không nên chi xài tiền vào những thứ không cần thiết, những thứ không thực sự làm ta hạnh phúc.
Bạn có nhớ ông Thoreau chỉ làm một ngày một tuần để kiếm tiền? Đó là vì ông ta không có nhiều chi phí phải lo vì cuộc sống ông chọn rất đơn giản. Khi ta có quá nhiều ham muốn vật chất, là khi ta đã chọn việc đánh đổi thời gian và sức lực quý báu và có hạn của mình cho những thứ không cần thiết đó. Hay theo cách nói của Thoreau là: “Giá thật sự của bất cứ món đồ gì bạn mua phải quy ra bằng một phần cuộc sống của bạn đã mất đi để đánh đổi cho thứ hàng đó!” Nghe thấm thía lắm!
Một ví dụ nhỏ như xe cộ chỉ là phương tiện di chuyển, nên khi chúng ta tốn quá nhiều tiền mua một chiếc xe quá sang trọng, chúng ta đã và sẽ phải làm việc cật lực hơn để trả tiền đó, thay vì dùng thời gian của mình làm những thứ chúng ta thích hơn: nghỉ ngơi, dành thì giờ chơi với con cái, người thân, hoặc làm những gì chúng ta yêu thích như đọc sách, làm vườn, đi bộ, tập thể dục, vẽ tranh, học nhảy, học đàn…
Bây giờ tôi mới hiểu tại sao giới trẻ ngày nay nói chung, và hai cô con gái của tôi, nói riêng, chọn cách sống ngược với tôi hay với thế hệ đi trước! Cách sống mà nhiều người đi trước cho là “không tham vọng”, “lười biếng”, “thất bại” có thể là cách sống khôn ngoan hơn nhiều lắm.
Dẫu sao thì con người sinh ra ai cũng có những khả năng, suy nghĩ và mong muốn khác nhau. Sự chọn lựa sống một cuộc đời “tầm thường”: không bon chen, không vội vã, không ham hố tiền bạc là một điều đáng suy ngẫm và đáng trân trọng lắm thay. Các bậc cha mẹ cũng không nên ép buộc con cái đi theo suy nghĩ hay ước muốn của mình mà tạo ra khoảng cách với chúng.