MẮT NÂU
Hỏi: Em tên là Kim Ngân, 30 tuổi. Sau hai năm kết hôn, em sinh con. Má chồng cứ ra vào nói bóng nói gió “biết đẻ thì biết nuôi,” “đừng phiền người khác,” và bà dùng áp lực ép em nghỉ đi làm, ở nhà chăm sóc gia đình với lý do con trai bà khó tính khó nết, khó ăn, quen sung sướng và quen được chiều chuộng.
Trưa nào bà cũng nhắc em mang cơm và bánh trái đến sở làm cho chồng. Anh ấy đón nhận, khen tặng và bày tỏ cảm kích. Em cũng mát lòng.
Một hôm, mang cơm đến cho chồng xong, ra về, vì quên đồ, em quay lại, chứng kiến cảnh chồng bày các thức em vừa mang đến, ăn trưa vui vẻ thân mật cùng cô thư ký.
Thật là mệt mỏi và rắc rối. Em bỏ về. Và buồn. Đánh mất niềm tin và nghi ngờ những lời ngon ngọt đầy cảm kích của chồng và cả của má chồng. Em có trẻ con và có vội vàng không?
Rồi những ngày sắp tới sẽ tiếp tục như cũ, coi như không biết. Hay hỏi cho ra lẽ? Em nghe lời má chồng nghỉ làm ở nhà là đúng hay sai? Thái độ má chồng sẽ ra sao khi em sẽ không theo sắp xếp chỉ đạo của bà?
Đáp: Ở đời, chẳng mấy khi mẹ chồng nghĩ cho nàng dâu (người đẻ cháu cho họ), bà chỉ biết quan trọng hóa con trai và cháu nội. Họ cho rằng con trai và cháu nội là hai đối tượng giúp họ kiêu hãnh trong suy nghĩ cực kỳ nông cạn cổ xưa.
Thậm chí trong phim ảnh, trong sách truyện, những mẹ chồng tai ngược, còn chờ con dâu sanh xong là lăm le xiết đứa cháu và bạc đãi mẹ nó. Một hình ảnh nói lên sự vô thức, vô tình, vô ơn, đoản hậu.
Người đời bảo “khác máu tanh lòng.” Và đó chính là cái xấu xa nhỏ mọn mang hình tượng thiếu tử tế, kém hiểu biết. Người hiểu biết và tử tế đã không làm như vậy.
Xét về tâm lý, các mẹ chồng tìm vui trong việc hành tội, bắt lỗi con dâu, để thỏa mãn quyền lực, kiêu hãnh vì sinh được con trai (công lớn), cũng có khi là trả thù trong vô thức vì từng làm dâu bị mẹ chồng hành hạ.
Đời này nối tiếp đời kia trong phô trương hãnh tiến dở hơi, khiến đời lủng củng. Đó là vô minh, nói lên cá tính, bản chất, nằm trong căn bản giáo dục, và phước đức của dòng họ, gia đình.
Gia đình nào càng được đề cao “nề nếp gia phong,” “danh gia thế phiệt,” càng biểu lộ hám danh, cầu danh, cầu toàn, như một minh chứng về nguồn cội.
Càng chứng minh là càng cho thấy kém tự tin.
Và nghĩ rằng đang nâng cao đẳng cấp thành phần trong xã hội. Xã hội loài người hãnh diện và khổ sở, chỉ vì muốn nâng cao đẳng cấp.
Sự kiêu hãnh không cần thiết, chính là kiêu hãnh ảo, nằm trong muôn ngàn cái ảo ở trần gian.
Người trần gian thích được tôn vinh, nhằm đánh bóng cái hả hê nhất thời vô vị.
Cái gì phải tới sẽ tới. Lòng người trôi nổi khó lường.
Hãy tin vào cảm giác của chính mình trong bình tĩnh và thận trọng. Tuổi trẻ nào cũng có lúc lênh đênh vì non trẻ.
Cám ơn người đã post lên trang mạng những dòng thơ thiền, như một cảnh tỉnh và nhắc nhở, nghe buồn buồn và nao nao thoát tục:
“Đường về khép bóng trần gian/ Lợi danh một gói hành trang vô thường”
“Ngoảnh mặt lại đời như giấc mộng/Được-mất-bại-thành, bỗng chốc hóa là không.” (Thích Tánh Tuệ).
Nếu cuộc đời vô thường thì cục diện mẹ chồng nàng dâu cũng vô thường.
Nếu ích kỷ vì “khác máu tanh lòng” vô thường, thỏa mãn dục vọng cũng vô thuờng.
Làm áp lực bắt con dâu nghỉ làm ở nhà là ích kỷ, là thiên vị con trai có dụng ý.
Con dâu nghe má chồng nghỉ làm ở nhà là nhầm lẫn, sai lầm không tránh được.
Các “cậu ấm” quen được mẹ chiều chuộng thường trở thành ỷ lại, dễ sinh hư, sinh tật, nằm trong chấp ngã vô thuờng.
Ngày nay, phụ nữ cũng đi làm, lo bữa trưa cho mình, còn sắp sẵn phần ăn cho chồng. Nguời chồng biết nghĩ thì chung tay chia sẻ cho cuộc sống bớt vất vả.
Sức dài vai rộng nhưng lấy nê là cậu ấm mặc kệ vợ bao đồng, là chẳng biết điều.
Ngày nay không ai mỗi ngày mang cơm đến sở cho chồng. Đã thế còn bắt gặp chồng chà đạp vào tấm lòng của vợ, vui vẻ ăn chung thân mật với cô thư ký bằng tấm lòng chịu thương chịu khó của vợ, là thiếu tự trọng, thiếu quan tâm đến người vợ.
Nếu thấy cần hỏi, thì hỏi cho ra lẽ và cần thay đổi tư duy, nhìn lại mình. Cũng là cách đối diện hoàn cảnh và khẳng định mình.
Có cơ hội, xin đi làm việc trở lại. Tìm cách gửi con theo chương trình những cơ sở giữ trẻ của cộng đồng.
Sắp xếp thời gian hợp lý. Chấn chỉnh mọi thứ, rồi dần dần đi vào ổn định.
Người ta sống được, mình sống được. Sẽ chật vật lúc ban đầu. Người ta sao mình vậy. “Vạn sự khởi đầu nan”
Tránh bị kích động, và phải tin vào tuổi trẻ của mình.
Đối phó nào cũng gian nan, khởi đầu nào cũng vất vả, nhưng quen dần, sẽ trở thành bản lãnh.
Kinh nghiệm nào cũng phải trả giá, để trở thành vô giá.
Chắc chắn người má chồng sẽ có thái độ không vui, tốt nhất là cân nhắc mọi hành động, đối đáp càng ít càng tốt. Tránh va chạm và tránh bị buộc tội.
Im lặng bao giờ cũng là vàng, nhất là ở thời điểm quyết liệt này.
Khi cần đối diện thì phải đối diện cho minh bạch rõ ràng.
Không để mất tinh thần ôn nhu, hòa thuận, không cảm tính. không sợ sệt, cần cứng rắn và có lập trường. Cuộc đời là môi trường thực tế tôi luyện con người trưởng thành hơn.
Như một cục thép được người thợ rèn trong lò lửa thép cứng hơn (đanh thép).
Như con người, được tôi luyện, sẽ vững chãi cứng cáp hơn, dù trong giông bão.
Ở đời không tiến tức là lùi
Không ai tránh được cái mùi trần gian
Dù cho mưa gió bạt ngàn
Sau cơn nắng hạ, sẽ tan mây mờ
Tuy rằng số mệnh là thiên cơ
Đức năng thắng số, giấc mơ bão hòa
Chúc em nhiều may mắn!