Con nuôi khiến gia đình bất hòa, phải làm sao?

by Tim Bui
Con nuôi khiến gia đình bất hòa, phải làm sao?

MẮT NÂU

Hỏi: Em tên Mai, em lập gia đình được bốn năm, không sinh nở được.

Em hỏi thăm nhiều người và đi nhiều nơi để “cầu con,” đi khám phụ khoa và chữa trị.  Kết quả giám định cho biết sức khỏe em tốt, không có gì bất thường. Chồng em cũng cho rằng sức khỏe anh ấy bình thường, không cần gặp bác sĩ. Nhà chồng thì cứ nhắc chừng và hoài nghi lỗi không sinh được con là tại em.

    
Phần sốt rột, phần muốn có con, em bàn với chồng xin con nuôi nhưng anh ấy làm thinh… Nhiều lần như vậy, em tự tìm tới một cô nhi viện và để ý một bé trai tám tháng và một bé gái một tuổi.

Chồng em không đồng ý, nên không chịu làm thủ tục nhận con nuôi, vì thế hai vợ chồng căng thẳng và bất hòa. Em rất lo, vì thủ tục nhận con nuôi cũng có giới hạn về thời gian, nếu không lo kịp, có thể người khác sẽ nhận đứa bé mình đã chọn. Mọi mâu thuẫn nội bộ cứ căng thẳng và lùng bùng mãi… rồi kết thúc khi em nhất quyết đem về đứa bé trai tám tháng đó về nuôi.

Nuôi con nuôi hơn một năm. Em có thai và sanh một bé gái. Chồng em bảo đã có con ruột thì không nuôi con nuôi nữa. Và đề nghị trả đứa bé về cô nhi viện, hoặc nếu có ai xin thì cho, vì anh ấy ‘dị ứng” với con nuôi.

Hai vợ chồng tiếp tục bất hòa – Bây giờ em phải làm sao?

Đáp: Rõ ràng cuộc sống con người ở thế gian là một chuỗi duyên, chằng chịt mà  đến nay chưa ai có khả năng lý giải, hoặc đủ quyền lực để lựa chọn hay định hướng theo sở nguyện của mình, để mãi mãi  chữ duyên vừa vô hình vừa vô tình buộc chặt đời nhau thật nan giải và khắc nghiệt.

Không cần biết có lý hay vô lý, cái duyên nó ngang nhiên diễn ra rất ngoạn mục, nhất là chuyện vợ chồng con cái, một tương quan phức tạp, vượt ra ngoài tầm hiểu biết của con người.
      
Đã có ai giải thích được khi mà cái người này muốn thì không được, cái mà người kia không muốn, thì nó dẫn xác lù lù đến. Hoặc giả người muốn cái nọ nhưng chỉ nhận được cái mình không hề muốn.

Chuyện con cái không ngoại lệ: Kẻ không muốn con thì đẻ sòn sòn năm một. Người khao khát con thì kiếm mãi không ra. Ăn không hết cũng khổ. Không có mà ăn cũng khổ.

Trò đời oái oăm, tréo ngoe, mà thành rắc rối lủng củng và đau khổ. Tại sao như thế? Không ai hiểu được và chẳng ai giải thích được.

Bắc thang lên hỏi ông Giời
Cuộc chơi sao lại khóc cười tứ tung

Gió mưa mưa gió bão bùng
Xong lại hạn hán, não nùng héo khô

Người ta đành hè nhau tán gẫu và giải thích về sự ham muốn, đổ thừa tại cái này, bị cái nọ… mà thành “Đứng núi này trông núi nọ“…  Có lẽ là như vậy, vì tâm lý luôn luôn là nhìn thấy “Cỏ nhà mình không xanh bằng cỏ bên hàng xóm.”  Vợ   mình/ chồng mình không tốt, không giỏi giang, hấp dẫn bằng vợ hay chồng của ai đó vừa xã giao tiếp xúc qua đường.

Thói thèm muốn những gì chưa thuộc về mình, trở thành quán tính, và trở thành bản năng không có gì khó hiểu. Nhưng, khi thuộc về mình, đã là của mình thì  chán chường, rẻ rúng, không toại nguyện, để lại loay hoay tìm cách thoát khỏi cái mà người ta cứ đổ cho là duyên phận, duyên số, duyên nợ… còn gọi là số trời. Tất cả cũng chỉ nói lên tính  ham hố, không an phận. Ông trời trên cao… chỉ  lắc đầu, ngán ngẩm cười khì!        
       
Ngạn ngữ nói “Cũ người mới ta,” “Có mới nới cũ,” Cho thấy bản năng con người  là không chung thủy, cảm tính ham cái mới,  bởi do lạ lẫm, kích thích cảm xúc hiếu kỳ nằm trong  toàn bộ giác quan  thuộc về ngũ uẩn.

Các cụ có câu “Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn,”  hay “Thuận chèo, thì mát mái.” Nói lên tính đồng nhất của cuộc trăm năm là điều cần thiết.

Không đồng vợ đồng chồng, nghĩa là bất đồng quan điểm giữa vợ chồng là một điển hình bất hạnh trong những bất hạnh của cuộc sống chung dài đăng đẳng. Hai mái chèo khua nước ngược chiều nhau thì làm sao tới đích. 

Bước sang lĩnh vực con. Một rắc rối hiểm hóc và bí hiểm. Nó có thể mang tới hạnh phúc, nó có thể là bất hạnh oan khiên, do khác biệt quan điểm. Quan điểm thì của của người, nhưng hoàn cảnh hoàn toàn lệ thuộc thiên cơ. Khiến người ta phải than thầm: “Kẻ ăn không hết/ Người lần không ra.”

Và họ kháo nhau về một niềm tin không có trong văn bản: Ai chậm con, xin con nuôi về nuôi sẽ có con. Chẳng biết điều này thực hư thế nào, nhưng người ta tin như thế và nó đã thành một đức tin truyền khẩu có căn cứ qua hiện thực. 

Tóm lại, con cái với cha mẹ là cái duyên to lớn không bàn luận không tranh cãi được.

“Trời sanh voi, ắt trời sanh cỏ.” Con nuôi hay con đẻ cũng là của trời cho. Là giềng mối nhân duyên kỳ diệu thiêng liêng trong cuộc đời trùng trùng dâu bể, vô thường.

Em đã một lần trong quá khứ dám vượt trở ngại, giữ vững lập trường, cương quyết ôm đứa bé tám tháng về nuôi. Nay ráng thuyết phục chồng, đã thương thì thương cho trót, tránh làm tổn thương đứa trẻ bơ vơ tội nghiệp, đứa bé đã mang về niềm tin và tình yêu ấm áp trong thời điểm tuyệt vọng khi em chưa sinh nở được. Một năm qua nó đã là con của một mái ấm gia đình.

Lòng nhân ái vĩnh cửu tuyệt vời trong trái tim hồng máu đỏ… không cần huyết thống.

Như những người Mỹ đã vô tư và chân tình cưu mang bảo trợ những di dân không cùng chủng tộc, lưu vong sang đất nước của họ tìm sự sống, trong tình người rất đẹp.

Cho đi là đã nhận về
Để thấy hạnh phúc tràn trề trong tim 
Trái tim máu đỏ rất mềm
Bớt đi bản ngã, sóng êm rạt rào
Ông Trời ổng ở trên cao
Nhìn xuống trần thế biết bao là tình

Chúc em mạnh dạn làm được điều gì mình cho là đúng!

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights