Con Rồng cháu Tiên (4 ngàn năm lịch sử trong 4 ngàn chữ đầu Xuân)

by Tim Bui
Con Rồng cháu Tiên

TYTNT

Theo truyền thuyết về nguồn gốc của người Việt được ghi lại trong những quyển lịch sử của nước ta thì: 

“Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông, đi tuần thú đến núi Ngũ Lĩnh, gặp một nàng tiên, lấy nhau đẻ ra Lộc Tục. Sau này Đế Minh truyền ngôi cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam xưng là Kinh Vương Dương, quốc hiệu Xích Quỷ. 

Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ vào năm Nhâm Tuất 2879 Trước Công Nguyên (TCN), lấy con gái Động Đình Hồ quân (còn có tên là Thần Long) là Long Nữ sinh ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua xưng là Lạc Long Quân. 


Lạc Long Quân lấy con gái của vua Đế Lai (con của Đế Nghi), tên là Âu Cơ – lúc đó đang lưu lạc trên núi, sinh ra một cái bọc trăm trứng nở ra một trăm người con trai. Một hôm, Lạc Long Quân bảo Âu Cơ rằng: “Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó”. Bèn từ biệt nhau, chia 50 mươi con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về ở miền biển, phong cho con trưởng làm Hùng Vương, nối ngôi vua.

Căn cứ theo truyền thuyết này thì Kinh Dương Vương có dòng máu của mẹ là tiên cô trong người, sau đó lấy Long Nữ thuộc giống rồng, đẻ ra Lạc Long Quân. Như vậy, bản thân của Lạc Long Quân là một người có cả hai giống Rồng Tiên. 

Cũng giống như các dân tộc, chẳng hạn như người Nhật cho rằng họ là con cháu của nữ thần Mặt Trời, và các vì vua của nước Trung Hoa thời cổ đại xem mình là Thiên tử tức là con của ông Trời. Hơn thế nữa, các vua chúa Trung Hoa còn cho mình là những con rồng. Họ dùng biểu tượng rồng để trang sức cho ngai vàng, điện ngọc, quần áo (long bào), và các đồ dùng của họ. Do đó, chuyện người Việt xem mình là con Rồng cháu Tiên tự hỏi không có gì là quá đáng.


Câu chuyện được tiếp tục khi một trăm đứa con của Lạc Long Quân và bà Âu Cơ, đứa về miền biển, đứa thì lên núi, chia nhau cai quản bộ tộc Bách Việt, gồm 100 nhóm sắc tộc có cùng nguồn gốc, nhưng khác nhau về tiếng nói. Nhóm Bách Việt này sống rải rác ở vùng Lĩnh Nam là phía Nam của dãy núi Ngũ Lĩnh và Động Đình Hồ (nay thuộc tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc), bao gồm các tỉnh Hồ Nam, Quí Châu, Quảng Đông, Quảng Tây, và khu vực Bắc Việt Nam ngày nay.

Trong thời Xuân Thu (770-403 TCN), bộ tộc Bách Việt dưới sự lãnh đạo của các Việt Vương, từng nổi tiếng với kỹ thuật luyện sắt, với những thanh kiếm Mạc Tà, Can Tương vang bóng một thời. Câu chuyện Phù Đổng Thiên Vương dùng con ngựa sắt và cây roi sắt đánh tan giặc Ân là một thí dụ điển hình của ưu thế vũ khí bằng sắt vào thời kỳ đó.

Một nhân vật lịch sử của nước Việt thời xưa là Việt Vương Câu Tiễn bị Ngô Vương – Ngô Phù Sai của nước Ngô nằm ở phía Đông đánh bại và bị bắt làm tôi tớ cho Ngô Vương. Câu Tiễn đã nhịn nhục, có lúc phải nếm phân của Ngô Vương để chờ cơ hội phục quốc. Với mưu mô của quân sư Phạm Lãi dùng mỹ nhân kế là Tây Thi, một người đẹp của nước Việt để mê hoặc Ngô Vương. Cuối cùng thì Câu Tiễn được trả tự do về cố quốc. Được sự chuẩn bị chu đáo của Phạm Lãi về tổ chức chính trị, kinh tế, và bí mật luyện quân, Câu Tiễn bất ngờ tiến công chiếm lấy nước Ngô và bắt được Ngô Vương.

Vào thời kỳ Chiến Quốc (403-221 TCN ), cả nước Việt lẫn nước Ngô bị nước Sở ở phía Bắc thôn tính và sáp nhập vào nước Sở. Tuy nhiên, bộ tộc Bách Việt nằm xa Kinh Châu, kinh đô của nước Sở, cách một cái hồ lớn như biển là Động Đình Hồ, cho nên sự cai trị rất lỏng lẻo. Bộ tộc Bách Việt vẫn tồn tại và duy trì văn hóa và nếp sinh hoạt của riêng mình.

Cuối thời Chiến Quốc, nhà Tần qua nhiều cuộc cải cách quan trọng đã trở nên hùng mạnh. Dưới thời Tần Vương Doanh Chánh, nhà Tần đánh bại các chư hầu và thống nhất Trung Nguyên thành một quốc gia duy nhất gọi là Đế quốc Tần. Đế quốc Tần sau đó xua quân xuống phía Nam để chinh phục bộ tộc Bách Việt ở Lĩnh Nam. Hầu hết các nhóm của Bách Việt lần lượt bị thu phục và bị đồng hóa vào văn hóa Trung Nguyên.

Ở cực Nam của Lĩnh Nam, nằm phía Nam của dãy Hoàng Liên Sơn là nơi trú ngụ của nhóm Lạc Việt. Tại nơi này từ lâu đã hình thành một nước Văn Lang độc lập dưới sự lãnh đạo nối tiếp của các vua Hùng. Mặc dù được xem như một bộ tộc bán khai, nhưng Văn Lang có một nền văn minh đáng kể bao gồm bộ máy cai trị với những Lạc Hầu, Lạc Tướng và một hình thức xóm làng tự trị. Người Lạc Việt có một tiếng nói đặc thù mà ngày nay chúng ta gọi là tiếng Mường, một loại tiếng nói có 6 âm điệu trầm bổng khác nhau. Điểm nổi bật nhất của bộ tộc này là họ có các Trống Đồng mà mỗi lần tiếng trống được gióng lên thì nó chạm vào lòng yêu làng yêu xóm của người dân Lạc Việt.

Thục Phán, một nhân tài trong thời kỳ loạn ly, có dòng dõi ở nước Thục nằm ở phía Tây Bắc của Lĩnh Nam chiếm lấy vùng Âu Việt nay thuộc tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc. Thấy rằng Âu Việt không phải là đất dụng võ, Thục Phán tìm cách chiếm lấy Văn Lang và cuối cùng đánh bại vua Hùng Vương thứ 18 và lập nên nước Âu Lạc bao gồm Lạc việt và Âu Việt. 
Thục Phán xưng là An Dương Vương, xây thành Cổ Loa làm kinh đô, lại được Thần kim Quy tặng cho nỏ thần để giữ vững bờ cõi, nên chẳng mấy chốc đã biến Âu Lạc thành một thế lực hùng mạnh. Trong đợt chinh phục Bách Việt của Đế quốc Tần, khi các nhóm của Bách Việt lần lượt bị thôn tính, thì các giới lãnh đạo, quí tộc, và trí thức của Bách Việt lần lượt chạy về phương Nam đầu quân vào Âu Lạc.


Với một lực lượng hùng hậu gồm những tinh hoa của Bách Việt, Thục Phán lãnh đạo quân dân với chiến thuật “vườn không – nhà trống” làm khốn đốn quân Tần. Vào năm 210 TCN, Tần Thủy Hoàng bị bạo bệnh đột ngột qua đời. Chiến dịch thu phục Bách Việt bị bỏ dở. Âu Lạc sống sót để từ từ tiến lên xây dựng thành một xã hội văn minh hơn.

Triệu Đà là một người có hùng tâm tráng trí, làm quan lại trong bộ máy chinh phục Bách Việt của nhà Tần. Thấy nhà Tần trên đà sụp đổ, ông nhanh tay chiếm lấy vùng Nam Việt – Quảng Đông và các vùng phụ cận làm lãnh thổ của riêng mình. Là một nhân vật mưu mô, với kế “Trọng Thủy – Mỵ Châu”, Triệu Đà đánh cắp được bí mật của nỏ thần, nên đánh bại được An Dương Vương và sáp nhập Âu Lạc vào lãnh thổ Nam Việt. Với một lãnh thổ rộng lớn bao gồm ít nhất là 5 tỉnh của Trung Quốc ngày nay, Triệu Đà tự xưng là Triệu Vũ Đế ngang hàng với các Hoàng Đế của Trung Quốc.

Cuối thời nhà Triệu, các vị vua kế nghiệp yếu kém. Trung Nguyên lúc bấy giờ lọt về tay nhà Hán. Dưới thời Hán Vũ Đế, quân đội hùng mạnh của nhà Hán đánh chiếm nước Nam Việt và sáp nhập vào nhà Hán. 

Những con rồng của Bách Việt phải chịu chính sách đô hộ của Đế quốc Trung Hoa. Cả 99 nhóm của bộ tộc Bách Việt nằm ở phía Bắc của dãy Hoàng Liên Sơn từ từ bị đồng hóa vào văn hóa Trung Nguyên. Riêng nhóm Lạc Việt ở phía Nam hoàng Liên Sơn là vẫn còn duy trì truyền thống Văn Lang với tiếng nói và tinh thần Trống Đồng lúc nào cũng mạnh mẽ của mình.

Năm 39 (sau Công nguyên), không cam tâm chịu sự áp bức của phương Bắc, hai chị em Bà Trưng là Trưng Trắc và Trưng Nhị dấy binh khởi nghĩa ở Mê Linh (gần Hà Nội) chiếm được 65 thành ở vùng Lĩnh Nam và duy trì nền tự chủ được ba năm. Năm 43, nhà Hán sai Mã Viện, một viên tướng tài ba của họ, thống lãnh mấy chục vạn đại quân với trang bị hùng hậu vào bật nhất thời đó đè bẹp lực lượng khởi nghĩa. Hai Bà Trưng cuối cùng nhảy xuống sông Hát Giang tự tận.

Mã Viện thu gom tất cả trống đồng lại rồi đúc thành một một cột đồng khổng lồ, dựng lên ở trên động Cổ Lâu châu Khâm, và khắc lên đó dòng chữ thề: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” (Cột đồng gãy thì Giao Chỉ diệt). Tương truyền dân Việt, mỗi lần đi ngang qua cột đồng thì liệng vào một hòn đá, mong sao cột đồng không bao giờ gãy. Lâu dần, cột đồng bị chôn vùi trong đống đá khổng lồ, không còn thấy dấu tích nữa.

Thời kỳ bị đô hộ kéo dài cả nghìn năm. Trong thời gian này, nhiều vị anh hùng đã đứng ra tiếp tục khởi nghĩa để giành lại nền độc lập. Trong đó có thể kể Bà Triệu, Lý Bôn, Triệu Quang Phục, Đinh Kiến, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, nhưng thế cô lực mọn nên những cuộc khởi nghĩa này sớm bị tiêu diệt. Mặc dù vậy, những con rồng Việt vẫn duy trì được nền văn hóa cùng tiếng nói của mình, chờ một cơ hội tốt để trở mình.

Vào đầu thế kỷ thứ 10, cuối thời nhà Đường, Trung Nguyên loạn lạc. Nhân cơ hội này Khúc Thừa Dụ, khi đó là Hào trưởng Chu Diên, được dân chúng ủng hộ, đã tiến ra chiếm đóng phủ thành Đại La (nay là Hà Nội), tự xưng là Tiết độ sứ, mở đầu thời kỳ họ Khúc cầm quyền trong giai đoạn tự chủ của lịch sử Việt Nam.

Sau Khúc Thừa Dụ, những nhân vật anh hùng khác như Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền tiếp tục xây dựng nền độc lập lại trên lãnh thổ cũ của nước Văn Lang.

Cuối thời nhà Ngô, các Ngô Vương kế vị hèn yếu, nước Nam lọt vào thời kỳ hỗn loạn “Thập nhị sứ quân”. Cuối cùng , với tài ba vượt trội, Đinh Bộ Lĩnh đánh bại các sứ quân khác và thống nhất đất nước. Nước Nam lần đầu tiên lấy lại chủ quyền toàn vẹn, có tên là Đại Cồ Việt, kinh đô đặt tại Hoa Lư.

Nhà Đinh xây dựng kỷ cương bằng các chảo dầu, chuồng hổ để trừng trị, răn đe những kẻ phạm pháp vô kỷ luật. Nhà Lê tiếp nối truyền thống của Ngô Quyền đánh bại quân Tống xâm lược và lễ cấy tịch điền, để động viên, khuyến khích nhân dân sản xuất nông nghiệp. Nhà Lý mở các trường đại học đầu tiên là Văn miếu và Quốc tử giám và các khoa thi để chọn người hiền tài trong giới bình dân ra giúp nước.

Nổi bật nhất là nhà Trần với ba lần đánh bại Nguyên Mông, một quân đội bách chiến bách thắng đã chinh phục cả Trung Nguyên, Ả Rập, và nhiều vùng đất ở Âu châu trước đó.

Cuối thời nhà Trần, chính trị hủ bại, chính quyền lọt vào tay của nhà Hồ. Trong khi đó thì nhà Minh của Trung Nguyên lớn mạnh, một lần nữa có dã tâm thôn tính Đại Việt. Nhà Hồ, không tranh thủ được nhân tâm nên nhanh chóng sụp đổ trước quân đội thiện chiến của nhà Minh.

Nhà Minh khẳng định rằng, người Việt có truyền thống bất khuất đã hình thành kể từ thời kỳ lập quốc. Dù các Trống Đồng đã bị hủy diệt nhưng tinh thần ấy còn tồn tại trong sách vở văn hóa của Đại Việt. Cho nên muốn thành công trong việc đồng hóa lũ rồng cứng đầu này thì phải tiêu diệt triệt để văn hóa của chúng.

Năm 1406, khi phát binh đánh Đại Việt (lúc đó nhà Hồ đã đổi lại là Đại Ngu), Minh Thành Tổ đã ra lệnh:

Tất cả sách vở, văn tự cho đến các loại văn tự ghi chép ca lý dân gian, hay sách dạy trẻ con học… đều đốt hết. Phàm những văn bia do Trung Quốc dựng từ xưa thì đều phải giữ cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá hủy tất cả, một chữ không để sót…

Tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài tựa lá mùa thu nhưng với câu “Đem đại nghĩa thắng hung tàn – Lấy chí nhân thay cường bạo”, vị anh hùng áo vải đất Lam Sơn với mưu sâu của Nguyễn Trãi “Lê Lợi vi quân – Nguyễn Trãi vi thần” kêu gọi quân dân kháng chiến chống lại quân xâm lược nhà Minh, trải qua 10 năm gian khổ, cuối cùng giành lại độc lập cho nước nhà.

Đại Việt tiến vào giai đoạn cực thịnh và văn minh về mọi mặt từ chế độ chính trị, hình thể kinh tế, văn hóa-giáo dục và luật pháp có bộ luật Hồng Đức được nhiều thế hệ sau dùng làm khuôn vàng thước ngọc. 

Những quyển sử trước đó chỉ bắt đầu từ thời kỳ Triệu Đà. Ngoài ra có những giai thoại chung quanh vùng Lĩnh Nam, sau này, dưới thời nhà Trần được ghi lại trong quyển Lĩnh Nam Chích Quái. Dưới thời vua Lê Thánh Tôn (1460-1497), dựa trên những thông tin quí giá còn truyền lại, sử giả Ngô Sĩ Liên đã hoàn thành quyển lịch sử nổi tiếng là Đại Việt sử ký toàn thư. Trong quyển lịch sử này, tác giả đã kết hợp những truyền thuyết được ghi lại trong Lĩnh Nam Chích Quái cùng với những thông tin còn lại của Đại Việt sử ký của sử gia Lê Văn Hưu viết dưới thời nhà Trần đã bị quân Minh đốt hết, để tổng hợp lại các giai đoạn lịch sử từ truyền thuyết họ Hồng Bàng, đến các vị vua Hùng, An Dương Vương, Triệu Đà, thời kỳ Bắc thuộc cho đến giai đoạn của vua Lê Thánh Tôn.

Nếu đọc kỹ truyền thuyết của người Việt ngay thời kỳ lập quốc được viết lại trong thời kỳ này thì mới thấy người Việt ta không mơ thì thôi, khi mơ thì mơ những giấc mơ thật lớn. Trong khi chỉ có vua chúa Trung Hoa mới là con cháu giống rồng, thì 100 đứa con đầu tiên, những đứa con sau này sinh sôi nảy nở ra cả bộ tộc Bách Việt đều là những con rồng được thêm vào dòng máu của tiên cô.

Với khẩu khí như vậy, nhà Hậu Lê tiếp tục sự nghiệp Nam tiến của các thời Đinh, Lê, Lý, Trần thôn tính nốt phần còn lại của nước Chiêm Thành mà lãnh thổ lúc trước đã từng trải dài từ Quảng Bình cho đến Mũi Kê Gà ở Phan Thiết.

Cuối thời Hậu Lê, chính trị hủ bại. Nguyễn Hoàng xin vào trấn thủ Thuận Hóa là khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, và Huế ngày nay. Với sự cố vấn tài tình của quân sư Đào Duy Từ, các chúa Nguyễn bắt đầu bằng Nguyễn Phúc Nguyên xây dựng một quốc gia mới gọi là Đàng Trong bằng cách mở rộng lãnh thổ về phía Nam, thuộc vùng đất của Vương quốc Phù Nam cũ, cuối cùng đến tận Mũi Cà Mau bây giờ.

Trong thời kỳ loạn ly Trịnh-Nguyễn phân tranh (1627-1777), anh em Tây Sơn khởi nghiệp ở Quy Nhơn, cuối cùng đánh bại cả hai thế lực Trịnh và Nguyễn. Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lãnh đạo quân dân, với chiến thuật thần tốc và vũ khí sáng tạo đánh bại 20 vạn quân Thanh xâm lược, sau đó lên ngôi Hoàng Đế lấy hiệu là Quang Trung.

Cơ hội bay bổng để ngang hàng với Thiên triều, trước hết là khôi phục lại lãnh thổ Nam Việt cũ dưới thời Triệu Đà bao gồm tỉnh Quảng Đông, tỉnh Quảng Tây, và giang sơn hình chữ S tưởng như trong tầm tay thì tiếc thay vua Quang Trung lại đột ngột qua đời vào năm 1792.

Một nhân vật lịch sử khác xuất hiện. Đó là Nguyễn Ánh, vị quí tộc duy nhất của dòng họ chúa Nguyễn còn sống sót. Với một sự nhẫn nại vô cùng tận và một quyết tâm phục quốc cao độ, Nguyễn Ánh  vượt qua những giai đoạn thập tử nhất sinh, cuối cùng đã đánh bại người thừa kế yếu kém của vua Quang Trung và thống nhất đất nước từ Thăng Long ở phía Bắc cho đến Gia Định ở phía Nam.

Nhà Nguyễn hưởng thụ thành quả được mấy đời, nhưng càng về sau thi những người thừa kế không có tinh thần cầu tiến để theo kịp đà văn minh của thế giới đang trở mình vào thời kỳ đó. Kết quả là nước Việt Nam lại bước vào một thời kỳ đô hộ khác của phương Tây hơn 100 nữa. 

Những con rồng Việt lại một lần nữa vùng vẫy khỏi ách gông cùm nô lệ. Nhưng sống trong chốn ao tù đã lâu, sức mạnh thịt xương không địch nổi cơ giới hiện đại của súng trường, đại pháo, tàu chiến của Tây phương. Mọi cuộc nổi dậy đều bị nhanh chóng đè bẹp.

Tình hình thế giới thay đổi với sự xuất hiện của quốc tế cộng sản với chủ trương yểm trợ các dân tộc nhược tiểu bị áp bức. Chiêu bài này đã chạm đến trái tim của nhiều con rồng Việt yêu nước, muốn mượn thế lực của cộng sản để đánh đuổi thế lực thực dân. Những người Cộng sản Việt Nam còn khôn ngoan hơn, họ không những tranh thủ thế lực cộng sản quốc tế mà còn lợi dụng các lực lượng yêu nước khác trong nước trong mặt trận đối đầu với thực dân Pháp mà họ gọi là Việt Minh.
Chiến tranh thứ Hai chấm dứt. Thực dân Pháp suy sụp và thất bại thảm hại ở lòng chảo Điện Biên Phủ trong cuộc so tài với lực lượng Việt Minh. Tuy nhiên Việt Minh không đủ mạnh để đuổi Pháp ra khỏi bờ cõi Việt Nam mà phải chấp nhận vùng đất phía bắc vĩ tuyến 17 làm lãnh thổ.

Theo hiệp ước đình chiến thì sẽ có một cuộc tổng tuyển cử thống nhất Bắc Nam. Tuy nhiên những giới trí thức và lãnh đạo miền Nam đã quen với cuộc sống tư bản với quyền tư hữu, họ không mặn mòi lắm với kiểu làm chung, ăn chung, và sống chung chạ của thế giới cộng sản. Ngoài ra còn có cả triệu người khác từ phía Bắc cũng di cư vào Nam với hy vọng tìm được một bầu không khí dễ thở hơn ở phía Nam.

Chiến tranh lại nổ ra. Lần này là do phía Bắc muốn thống nhất đất nước để cùng nhau đi lên thiên đường cộng sản. Phía Nam lực mọn, phải nhờ đến sự giúp đỡ của Tư bản Mỹ để có cơ hội sống còn. Tư bản Mỹ thì có mục tiêu riêng về chính trị và kinh tế trong bàn cờ “Chiến tranh Lạnh” với thế giới cộng sản của họ.

Sau 20 năm, Tư bản Mỹ đã bỏ ra biết bao nhiêu tỷ đô la, thiệt hại hàng 50 ngàn binh lính, nhưng không đè bẹp nổi con rồng đỏ Việt Nam. Đúng vào lúc đó, Cộng sản Trung Quốc sau bao nhiêu năm xây dựng thiên đường chỉ đạt được sự nghèo đói và lạc hậu quay ra bắt tay với Tư bản Mỹ.

Như quan điểm cố hữu bất di bất dịch của tư bản: Không có chuyện cá nhân, chỉ thuần túy là thương vụ (Nothing is personal, it’s strictly business). Thấy rằng con cờ ở Việt Nam không còn cần thiết nữa, họ lập tức rút quân.

Bị tư bản Mỹ bỏ rơi, những con rồng trắng Việt không chịu nổi áp lực của cả thế giới cộng sản nên đành thua cuộc. Rồng đỏ làm chủ cả đất nước và đưa cả nước tiến lên thiên đường.

Sau nhiều năm tháng mày mò tìm con đường lên thiên đường, các con rồng đỏ không được hấp thụ những năng lượng mới, cũng lại dẫn dắt các rồng con vào con đường nghèo đói lạc hậu như đàn anh Trung Quốc. Những con rồng trắng có đủ lông đủ cánh không chịu nổi sự ngu dốt này, lần lượt bỏ xứ ra đi hình thành những cộng đồng rồng khắp nơi trên thế giới.

Cộng sản quốc tế, sau mấy chục năm theo đuổi một chủ nghĩa phản động, cuối cùng không thấy thiên đường ở đâu, chỉ thấy toàn những sự nghèo khổ, xảo trá, gian ác, và lạc hậu. Những người có hiểu biết hơn lập tức cho phá sản cái lý thuyết không tưởng này và chạy theo khuynh hướng phát triển tự nhiên của xã hội. 

Trong khi đó thì các con rồng đỏ Việt, không muốn từ bỏ đặc quyền đặc lợi của mình, vẫn tiếp tục chạy theo một hào quang không tồn tại. Mặc dù vậy họ vẫn sống phây phây, vì rất may cho họ là có những con rồng bỏ xứ ra đi, ăn nên làm ra, gửi chút của cải về để làm giàu cho bọn họ.

Thấm nhuần triết lý “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” từ thời xa xưa, Đế quốc Trung Hoa lúc nào cũng muốn tìm lấy cơ hội chinh phục thiên hạ. Sau mấy chục năm học hỏi nghề tư bản, Trung Hoa lại trở mình. Giấc mộng bình thiên hạ thời nay không phải chỉ là cái thiên hạ nhỏ nhoi ở Trung Nguyên thời xa xưa, mà trong thời buổi cạnh tranh này, đã không làm thì thôi, kỳ này phải chinh phục thế giới.

Để thực hiện Trung Hoa Mộng, Thiên tử Trung Hoa phải tìm cách thâu tóm tất cả tài nguyên về tay mình. Phi châu, Nam Mỹ, các nước thấp cổ bé miệng ở Á châu ngày nay đều là những thuộc địa kiểu mới của họ.

Riêng đất nước của những con rồng thì sao? Theo những binh pháp cũ rích thời xa xưa là “liên hiệp nước xa, chinh phục nước gần”. Cái con rồng Trống Đồng cứng đầu này đã từng bị nhốt 1000 năm mà còn sổng chuồng thoát được. Rồi đã hủy diệt hết văn hóa văn minh, nhưng vẫn không tiêu diệt được tinh thần của nó. Chuyến này phải dùng chiến lược gì để thu phục được con rồng cứng cổ này đây?

Theo thiển ý của chúng tôi thì:

Cũng áp dụng binh pháp từ thời cổ xưa như là mua chuộc, dụ dỗ, uy hiếp, dùng mỹ nhân kế. Lấy tiền tài, địa vị và danh vọng để vỗ béo mấy con rồng đỏ đầu đàn. Con nào không theo, thì cho nó về hưu hưởng phước, còn nếu lôi thôi thì sớm cho nó đi theo về với ông bà. 

Không cho cơ hội nhân tài phát triển. Đứa nào tài khôn thì kêu nó tự té lầu. Đứa nào khôn hơn thị tự mình bỏ xứ ra đi.
Về vật chất: thấy con cháu chúng sống ở phương xa gửi tiền về thì dạy nó cách xài tiền phung phí cho hết tiền, như xây biệt thự biệt phủ, tượng đài, nhà mồ lăng tẩm, chỗ ăn chơi cho thật hoành tráng và xa xỉ. Đừng để nó có tiền để làm chuyện ích nước lợi dân. Thâu tóm hết tài nguyên thiên nhiên của tụi nó như chiếm lấy mỏ dầu, bô xít, cao lanh, đất hiếm. Hủy diệt nguồn sống của nó bằng cách đốn hết rừng, rải độc xuống biển, và làm khô nguồn nước. Và nếu nó còn ngáp ngáp thì phải đầu độc cho nó chết dần chết mòn, nếu kiếp này chưa chết, thì thế hệ sau cũng bị chết non, chết yểu vì ung thư, bệnh mãn tính, di căn.

Về tinh thần: bảo mấy con rồng đầu đàn có bộ óc heo kêu nó đổi chữ viết, đổi lịch sử, dạy cho mấy con rồng con chuyện dối trá, lừa gạt, mưu mô, làm cho xã hội rồng thành một xã hội ngu dốt tối ngày chỉ biết ăn nhậu chơi bời.

Nếu quả thật như vậy thì nguy cho đám rồng đen còn kẹt trong các ao tù rồi. Với kế sách này thì đám rồng đen trong cảnh cá chậu, chim lồng đang lâm vào tình trạng thập tử nhất sinh, chỉ còn chờ cho đủ chín tháng mười ngày là đi đầu thai vào nước khác vì e rằng lúc đó cái ổ rồng đã bị ô nhiễm và không còn cái gì có thể sinh tồn được nữa.

Trong quá trình phát triển của xã hội loài người trải qua hàng ngàn năm, cái ác chỉ tồn tại trong một thời gian, chỉ có cái thiện là tồn tại và tiến hóa. Với truyền thống đồng bào xuất thân từ cùng một cái bọc có cả trăm cái trứng từ ngàn xưa, những con rồng có cơ hội nên làm cái gì đó để đỡ đần cho những con rồng thấp cổ bé miệng kia.

Cái nhiệm vụ thiêng liêng nhất, có lẽ là cố bảo tồn tiếng nói, chữ viết, và văn hóa của rồng Việt. Và nếu có thể thì cùng nhau xây dựng một mô hình văn hóa hay hơn nữa để khi các chú rồng con kia, nếu sau này may mắn có cơ hội trở mình, thì vẫn còn chút bí kíp để xây dựng lại quê hương. Còn nếu không thì dù có sống sót trong trận đại dịch này, lũ rồng đen kia cũng sẽ ngơ ngơ, ngáo ngáo như những con vật thời thượng cổ lạc vào xã hội loài người.

Nhân dịp đầu xuân, để cùng nhau cảm nhận hồn thiêng của dân tộc, ban biên tập Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi xin trân trọng kính mời quý độc giả hãy cùng chúng tôi ca lại bản “Tình ca” của cố nhạc sĩ Phạm Duy, một tài hoa âm nhạc đã có nhiều cống hiến cho nền văn học nước nhà.

“Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi! Tiếng ru muôn đời

Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi
Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi

Tôi yêu tiếng ngang trời
Những câu hò giận hờn không nguôi
Nhớ nhung hoài mảnh tình xa xôi
Vững tin vào mộng đẹp ngày mai

Một yêu câu hát Truyện Kiều
Lẳng lơ như tiếng sáo diều (ư diều) làng ta
Và yêu cô gái bên nhà
Miệng xinh ăn nói thật thà (à à) có duyên…
Tôi yêu đất nước tôi, nằm phơi phới bên bờ biển xanh
Ruộng đồng vun sóng ra Thái Bình
Nhìn trùng dương hát câu no lành
Ðất nước tôi! Dãy Trường Sơn ẩn bóng hoàng hôn
Ðất miền Tây chờ sức người vươn, đất ơi
Ðất nước tôi! Núi rừng cao miền Bắc lửa thiêng
Lúa miền Nam chờ gió mùa lên, lúa ơi

Tôi yêu những sông trường
Biết ái tình ở dòng sông Hương
Sống no đầy là nhờ Cửu Long
Máu sông Hồng đỏ vì chờ mong

Người yêu thế giới mịt mùng
Cùng tôi ôm ấp ruộng đồng (ừ đồng) Việt Nam
Làm sao chắp cánh chim ngàn
Nhìn Trung Nam Bắc kết hàng (à hàng) mến nhau

Tôi yêu bác nông phu, đội sương nắng bên bờ ruộng sâu
Vài ngàn năm đứng trên đất nghèo
Mình đồng da sắt không phai màu

Tấm áo nâu! Những mẹ quê chỉ biết cần lao
Những trẻ quê bạn với đàn trâu, áo ơi
Tấm áo nâu! Rướn mình đi từ cõi rừng cao
Dắt dìu nhau vào đến Cà Mau, áo ơi

Tôi yêu biết bao người
Lý, Lê, Trần… và còn ai nữa
Những anh hùng của thời xa xưa
Những anh hùng của một ngày mai

Vì yêu, yêu nước, yêu nòi
Ngày Xuân tôi hát nên bài (ư bài) tình ca
Ruộng xanh tươi tốt quê nhà
Lòng tôi đã nở như là (ừ là) đóa hoa…”

Xuân Giáp Thìn
Ban biên tập Tạp chí TYTNT

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights