Crawford Mfg Co., nơi làm việc đầu tiên của tôi trên đất Mỹ

by TYTNT

HÀ GIANG

LGT:
Tháng Bảy với tôi, không hiểu sao luôn là thời gian mà hai chữ “di cư” cứ lẩn quẩn trong tâm trí. Tôi nhớ từ bé tôi luôn được nghe mẹ nói đến cái ngày 20/7 chia đôi đất nước, khi bà, lúc đó mới hơn 19 tuổi, cùng ông ngoại theo chân hàng triệu người Bắc kéo nhau di cư vào Nam, với hai bàn tay trắng, đến một nơi xa lạ, làm lại từ đầu.

Thường thì mẹ mở đầu câu chuyện bằng: “Ngày mới di cư vào Nam…” hoặc nếu không thì bằng: “Hồi còn ở ngoài Bắc…” Lúc ấy còn bé nên tôi chẳng thắc mắc tại sao chuyện của mẹ đa số toàn chuyện hồi mới vào Nam hay hồi còn ở Bắc. Khi lớn lên tôi mới hiểu biến cố 1954 đã làm thay đổi lịch sử Việt Nam và cuộc đời bố mẹ như thế nào. Và cũng hiểu khi nhắc đến chuyện ngày xưa, là vì mình đang ôn lại những chuyện ngày xưa ấy. Chắc những lúc kể chuyện cho tôi nghe, mẹ nhớ Hà Nội, nhớ quê hương lắm. Da diết. Như bị ai dùng lưỡi câu móc vào da thịt mình phải không mẹ?

Năm 19 tuổi, tôi cũng “di cư”, giống mẹ. Cũng tị nạn cộng sản. Cũng hai bàn tay trắng, cũng đến đất khách quê người, cũng khởi đi từ con số không. Nhưng khác mẹ, tôi đi xa hơn, từ Việt Nam lạc đến tận Mỹ. Khác mẹ, tôi được gọi là “tị nạn” chứ không phải “di cư”, và như bao người tị nạn khác cùng thời, tôi phải tìm cách lao vào thế giới hoàn toàn xa lạ này để vừa kiếm sống vừa để dành dụm mua chút quà gửi về cho gia đình đang gặp muôn vàn khốn khó.

Bài này kể lại việc làm đầu tiên của tôi trên đất Mỹ, viết trong lúc rất nhớ mẹ vì mẹ không còn bên tôi để nghe con kể chuyện đời mình…



Cuộc “phỏng vấn” lịch sử của tôi và bác Linh gái với bà Missy, nhân viên đốc công của hãng Crawford Mfg Co., ở downtown Richmond, Virginia, kéo dài không quá bảy, tám phút. Phải mãi đến nhiều năm sau khi học xong ra trường và có việc làm cho ra hồn, tôi mới biết đó là cuộc phỏng vấn nhanh nhất và ngắn nhất trong đời.

Chúng tôi được bác Châu, một đồng hương tị nạn gần nhà đưa đến Crawford Mfg vào lúc gần trưa. Sở dĩ có chuyến đi này là vì bác Châu gái, vợ bác, làm việc ở đây được hơn sáu tháng, cho biết hãng đang cần người làm “giống y như bà”, và đề nghị chồng bác giúp đưa chúng tôi đến xin việc.

Bà Missy dẫn chúng tôi đi xuyên qua những dẫy dài bất tận của hàng trăm chiếc máy may công nghiệp. Tại mỗi chiếc máy, từng người thợ, hầu như toàn phụ nữ, đang cặm cụi rạp người xuống, không buồn tò mò ngửng lên, khi ba người chúng tôi bước qua. Đi một lúc thì Missy ra dấu cho chúng tôi dừng lại trước hai chiếc máy may trống không có người ngồi.

Tôi ngần ngại nhìn quanh rồi kéo ghế ngồi vào. Chiếc máy may màu xám bằng thép trông thật vĩ đại và… lạnh lùng làm tôi thấy… khớp. Trông nó chẳng gần gũi thân yêu giống chiếc máy may Singer xinh xinh của mẹ ở nhà, mà thỉnh thoảng tôi vẫn dùng khi còn ở Việt Nam tí nào.

Thấy bà Missy chăm chú nhìn, dù bụng đánh lô tô, tôi cố gắng tỏ ra tỉnh táo, loay hoay tìm cách làm quen với dụng cụ khổng lồ trước mặt.  Có được nhận việc hay không ngày hôm nay tất cả nhờ vào việc tôi có thể điều khiển nó hay không. May quá, máy đã được luồn chỉ sẵn…

Kéo ghế vào gần hơn cho thoải mái, tôi cúi nhìn xuống chân, rồi luống cuống thêm vì không thấy có cái bàn đạp quen thuộc giống như chiếc máy duy nhất tôi biết xử dụng.  Chết cha, làm sao cho máy chạy đây? Liếc nhìn qua bàn bên cạnh, thấy hai chân của người thợ người da đen để vững vàng trên sàn đất, nhưng mỗi lần máy chạy thì đầu gối phải của bà hơi xích qua một bên. Nhìn kỹ lại máy mình đang ngồi thì mới thấy ngang đầu gối bên phải của tôi có một cái “cần” chung quanh được bọc bằng những miếng vải dầy đủ mầu sắc, tôi kéo ghế gần vào thêm nữa cho cái cần may gần sát vào đầu gối mình. Thấy tôi còn lúng túng, bà Missy mách nước “use your knee to push.”

Rồi Missy đưa cho tôi mấy miếng vải dầy hình bầu dục màu cam, bảo tôi may thử một đường viền chung quanh khung vải. Đỡ lấy xấp vải từ tay bà, tôi thận trọng lấy hai miếng chập mặt phải vào nhau, nhấc chân vịt lên, kiểm soát lại chỉ, bỏ vải vào, ngắm nghía cho thẳng, lấy tay quay cho kim cắm sâu vào vải rồi bắt đầu dùng đầu gối phải đẩy vào cái cần…

Vù……….

Wow! Máy mạnh kinh khủng! Chạy vù một cái nhanh quá khiến tôi có cảm tưởng miếng vải sắp văng ra ngoài, mang theo con tim tôi đang đập thình thịch trong lồng ngực.

Nhìn lại đường may của mình thì hỡi ơi, chắc là không được mướn rồi, tôi thầm nghĩ. Đường may của tôi cách vừa cách chu vi miếng vải quá xa, vừa ngoằn nghoèo không đều. Ngẩng lên, thấy bà Missy nhìn mình bằng ánh mắt hiền từ, ra dấu làm lại, nụ cười ngầm chút khuyến khích. Tôi thở nhẹ lấy bình tĩnh, nhấc chân vịt lên, quay miếng vải lại, và lần này dùng đầu gối đẩy vào cần may, nhẹ nhàng hơn, chậm rãi hơn. Thêm vài giây chập choạng nữa, đầu gối, tay và mắt tôi bắt đầu làm việc với nhau một cách nhịp nhàng. Đường may lần này bám sát lấy bìa vải. May đến cuối đường, tôi cẩn thận quay đầu miếng vải lại, đi thêm một vài cm nữa cho chỉ khỏi bung ra.

Bên cạnh, bác Linh cũng vừa may xong. Bác là dân may chuyên nghiệp nên có vẻ không gặp khó khăn gì…

Bà Missy ra dấu cho tôi lấy vải ra khỏi máy.  Cầm lên xem xét đường kim mũi chỉ, bà gật đầu hài lòng.

“You are both hired!” Bà nói. Tôi nghĩ bà không biết rằng lời nói của mình là tiếng nhạc vui nhất bên tai của hai bác cháu người tị nạn vừa chân ướt chân ráo vào Mỹ chẳng được bao lâu, cần tiền để trang trải cho mọi thứ nhu cầu, cho chính mình và cho thân nhân còn ở Việt Nam.

Tôi quay qua thông dịch tin vui cho bác Linh biết. “Tốt, thế thì hai bác mình đi cùng xe được rồi, may quá!” Bác reo vui.

Tôi theo chân bà Missy ra khỏi khu xưởng may với tâm trạng hân hoan. Missy đưa chúng tôi qua một tòa nhà khác, khang trang hơn vào phòng nhân viên.  Chờ điền giấy tờ xong, bà tiễn ra cửa rồi dặn kỹ là sáng mai 7:30 phải có mặt trước cửa building số 14, sẵn sàng làm việc.

Lúc ấy là gần cuối năm 1975, ông Thompson, trưởng phòng nhân viên, cho biết trong vòng ba tháng đầu thử việc, chúng tôi được ăn lương tối thiểu của tiểu bang:  $2.10 một giờ. Nhưng nhấn mạnh đây là loại “công việc tính theo ‘piece work’ nghĩa là làm miếng nào ăn tiền miếng nấy”. Ông giải thích thêm, “sau ba tháng mà không ra hàng theo đủ tiêu chuẩn, thì có thể bị sa thải”.

Làm theo ‘piece work’, tôi chưa nghe những chữ này bao giờ. Từ hồi đặt chân đến Mỹ ngày nào cũng học không biết bao nhiêu là chữ mới. Nhưng câu “ra hàng đủ tiêu chuẩn” làm tôi lo lắng.

“Đủ tiêu chuẩn?” Tôi băn khoăn hỏi, dù lúc đó ông Thompson đã kéo ghế đứng dậy, chuẩn bị ra khỏi phòng.

Thấy tôi thắc mắc, người trưởng phòng nhân viên có vẻ hơi ngạc nhiên. Ông ngồi xuống ghế: “Good question! No one ever asked me that question before.” Ông nói.

Câu nói của ông làm tôi hơi lo, mong là ông không bị phật lòng vì câu hỏi của mình? Ừ mình sao ngu quá, được mướn mừng quá rồi còn thắc mắc làm gì? Tôi ngu là phải. Từ bé đến lúc lạc chân qua Mỹ, tôi chỉ biết đi học, chưa hề đi làm ngày nào. Đến đây thì ngoài một vài công việc bồi bàn vớ vẩn, chưa hề làm việc ở sở hay công xưởng. Ngoài vốn liếng Anh Ngữ năm đầu đại học Văn Khoa ban Anh Văn, và những năm tốn tiền của bố mẹ, buổi tối mài đũng quần ở trường dạy kèm tiếng Anh London School ở Sài Gòn, kinh nghiệm đời là con số không to lớn.

Nhìn tôi bằng ánh mắt tò mò thích thú, ông Thompson chậm rãi nói: “Take your hourly wage, divided that by the price per piece, that’s how many pieces you have to finish in one hour to meet standard. Do you understand?”

Tôi gật đầu ra hiệu mình đã hiểu. Vậy thì mỗi miếng được trả bao nhiêu tiền? Câu hỏi kế tiếp lập tức hiện ngay ra trong đầu, nhưng tôi im lặng không dám hỏi gì thêm, thầm nhủ, thôi, mọi việc tính sau. Được nhận việc là may rồi.

Trên đường về, sau khi tôi giải thích cho bác Linh nghe điều mới học về lương giờ tối thiểu và công việc “piece work”, hai bác cháu ngồi im trầm ngâm suốt con đường về nhà, chìm sâu trong tâm tư của riêng mình.

Ngày mai đi làm rồi. Hết mừng tôi lại lo. Cái khổ nhất là trời lạnh mà phải dậy thật sớm, lại phải đi ké xe, 7:30 sáng đã phải làm rồi, còn phải mang cơm đi để ăn trưa, theo lời bác Châu gái dặn.

Sáng sớm hôm sau, mới 6:45AM xe của bác Châu trai đã đậu trước cửa. Bác cho chúng tôi đi ké vì bác Linh chưa mua được xe. Bác Châu gái ngồi cạnh chồng mặt còn hơi ngái ngủ, dưới chân bác là chiếc túi lớn, bên trong có lon Guigoz, chắc đựng cơm, và một phích nước nóng. Tôi co ro theo chân bác Linh bước vào băng sau. Vội quá, hai bác cháu đi người không, không kịp lo thức ăn trưa, không biết lát nữa tính sao.

Lương đầu của chúng tôi, theo đúng luật của tiểu bang Virginia lúc đó, như đã nói, là lương tối thiểu $2.10 một giờ. Con số này cho đến giờ đã hơn bốn mươi hai năm, mà tôi còn nhớ rất rõ. Lúc ấy tôi phải nhớ nó, không phải để tính toán xem mỗi tuần làm được bao nhiêu tiền, mà là vì tôi làm việc theo kiểu piecework, được trả lương cho từng miếng, cho nên phải tính ra xem mỗi ngày phải may bao nhiêu cái gối mới giữ được việc.

Ngày đầu tiên vào xưởng, tôi và bác Linh được xếp ngồi gần nhau. Tôi đỡ lấy đám vải và một chiếc áo gối mẫu bà Missy đưa đến, đơn giản, gối vuông, bốn góc được cắt bầu bầu, bà chỉ vào chiếc gối mẫu bảo phải may viền. May cho gần kín hết khung vải và chừa khoảng 2 inches để ban nhồi gối có chỗ nhồi foam.

Tôi để ý thấy bên trên xấp vải là một miếng giấy nhỏ, trên đó ghi ký hiệu của mẫu áo gối, bao nhiêu miếng, và giá tiền trả cho mỗi miếng.

Trời đất!

Mỗi cái áo gối (cushion) như thế tôi được trả 4 cents ($.04). Lấy ngay giấy bút ra loay hoay làm toán. $2.10/.04. Sau ba tháng mỗi giờ tôi phải may được 53 cái gối, tức một ngày hơn 400 cái gối mới không lo bị đuổi. Một con số thật đe dọa.

Sau khi giao vải, bà Missy trở lại với những cuộn băng cùng màu và cùng loại vải đã cắt sẵn để tôi, khi may bọc qua miếng pipe bằng plastic nhỏ để làm viền gối. Giờ mới để ý thấy đằng sau lưng tôi, phía bên phải có treo một cuộn băng pipe khổng lồ. Trên bàn máy là một sấp nhãn hiệu, một cái stamp và một ink pad để đóng số của mình vào mặt trái nhãn hiệu. Tôi đóng thử một cái. Mình mang số 4250. Sau này tôi mới hiểu tại sao mình phải đóng dấu vào nhãn. Làm như thế để khi thợ may xong, khi lật gối ra để thổi foam vào, nếu có đường chỉ bị bung, cần phải trả lại, thì người đốc công còn biết mang sản phẩm trả về đâu.

Xong ngày đầu tiên vật lộn với đám vải tôi mệt nhoài. Cứ may hai tiếng lại có tiếng chuông kêu ngắn. Break time, người đàn bà da đen ngồi bên cạnh của tôi nói lớn như nhắc chúng tôi dừng tay nghỉ. Theo đúng luật lao động, mỗi hai tiếng nhân công được nghỉ 10 phút. Cứ nghe tiếng chuông reo là những người xung quanh tôi hàng loạt xô ghế đứng dậy, họ hoặc đi ra phía ngoài building hút thuốc, hoặc xuống cafeteria mua lon nước, gói bánh. Riêng tôi và bác Linh cắm cúi bên máy không dám nghỉ, chỉ sợ may không đủ thì bị đuổi việc.

Hôm ấy tôi may được hơn 100 cái gối. Hai cái bị trả lại vì may hơi bị mớm. Đoạt gần ¼  tiêu chuẩn. Không đến nỗi tệ lắm. Mình có ba tháng để “make your minimum wage”. Tôi trấn an.

Để đảm bảo không bị đuổi việc tôi ngồi yên cắm cúi may đến mờ cả mắt. Thật vậy, trong suốt thời gian làm việc ở đó, hai bác cháu cắm đầu, cắm cổ vào việc, không dám nghỉ tay ngay cả trong giờ break, mỗi ngày hai lần.

Thế giới tôi lúc ấy thu nhỏ lại chỉ ở trong không gian những dẫy dài tăm tắp đám máy may kỹ nghệ màu xám xịt. Công nhân người này ngồi sát người kia, gần nhau đến nỗi người bên cạnh có thở dài, ợ chua hay nấc cụt… mình cũng nghe thấy hết. Ngồi sát nhau vậy mà không thấy mặt nhau, vì người nào cũng cúi gằm mặt xuống, và bị che khuất bởi những chồng vải cao ngất ngưởng…

Sau này mới biết “piece-work” với tôi hóa ra lại là một “blessing in disguise” – trong cái rủi có cái may. Vì trăm hay không bằng tay quen. Chỉ trong vòng một tuần tôi đã đạt đủ tiêu chuẩn, nghĩa là mỗi ngày may được hơn 400 cái kiểu gối đầu tiên được bà Missy đưa cho làm. Kiểu này mình sẽ rất có cơ hội kiếm nhiều hơn được $2.10/giờ. Tôi hí hửng nghĩ.

Nhưng chưa kịp vui tôi đã bị khựng lại. Cứ mỗi lần tôi đoạt đủ tiêu chuẩn với một kiểu áo gối, là y như rằng, bà Missy lại bắt tôi may những kiểu áo gối khác, hoặc là hình thù khác hơn, hoặc vải dầy hơn, mỏng hơn. Mỗi kiểu sẽ có giá khác nhau, có khi thấp hơn có khi cao hơn một chút, từ 4 cents đến 6 cents một cái. Cứ mỗi lần bị đổi kiểu như vậy tôi may chậm hẳn lại, và phải mất khoảng ba, bốn ngày mới tăng được năng xuất đủ để đạt tiêu chuẩn vì chưa quen tay. Có lần thắc mắc hỏi bà Missy tại sao không để cho tôi may chuyên một kiểu thì sẽ hữu hiệu hơn. Bà trả lời là tất cả mọi nhân viên đều phải may thành thạo tất cả các kiểu vì lỡ khi có đơn đặt hàng gấp công ty có thể đáp ứng được.

Cứ thế vòng đời quay, cho đến khi xin nghỉ việc, khoảng hơn 6 tháng sau đó, tôi đã kiếm được khoảng $6.50 một giờ, một mức lương không nhỏ ở thời điểm tháng Giêng năm 1976.

Còn nhớ mãi ngày cuối cùng tại Crawford Mfg Co. Hôm ấy, cũng như ngày đầu tiên làm việc ở đây, tôi được đưa đến văn phòng của ông Thompson, trưởng phòng nhân viên.

Lần này ông Thompson niềm nở hơn. Ông thân mật kéo ghế cho tôi ngồi rồi hỏi tại sao tôi muốn nghỉ.

-Đang làm việc ngon lành. Tại sao cô lại muốn nghỉ? Cô là một nhân viên ưu tú. Chưa ai ở đây mà mới hơn hai tuần đã may đủ tiêu chuẩn, mới 6 tháng đã làm được $6.50 một giờ như cô. Một kỷ lục đấy!

-Vâng cảm ơn ông. Tôi muốn xin nghỉ để về California đi học đại học.

-Học đại học à? Không dễ đâu. Tôi có hai đứa con bỏ học giữa chừng. Tôi khuyên cô nên suy nghĩ kỹ lại. Nhưng nếu đã nghĩ kỹ rồi, cô cứ nghỉ, đi học thử xem.

-Vâng.

Ông Thompson ngần ngừ nhìn tôi, rồi dặn thêm.

-À mà nếu đổi ý, cô có thể trở lại đây bất cứ lúc nào nhé. Chúng tôi sẽ rất vui đón cô trở lại. Nhớ nhé! Nhớ nhé!

-Vâng, cảm ơn ông.

Chia tay ông Thompson rồi, tôi thu dọn đồ đạc, giã từ những đồng nghiệp xung quanh. Họ đa số là nữ, ngày nào cũng quần áo chỉnh tề, giầy dép sang trọng, ví bóp hàng hiệu bảnh bao, kéo nhau vào locker của hãng, rồi cởi bộ đồ kẻng ra treo lên, khoác vào người quần áo lam lũ của thợ thuyền, cúi rạp người xuống máy, miệt mài làm việc cho đến khi tiếng chuông keng báo hiệu giờ nghỉ 10 phút, cứ thế cho hết ngày, rồi lại mặc vào người bộ quần áo đẹp trước khi ra về.

Hôm ấy lúc tan sở khi được đón về, trong lúc xe chuyển bánh, tôi bồi hồi nhìn những tòa nhà bằng gạch đỏ lừng lững phủ kín mấy góc phố. Crawford Mfg Co. hồi đó lớn lắm, hình như có đến hơn 10 tòa nhà nơi hàng ngàn nhân viên chen vai thích cánh, nhiều người đã ở đó hơn 20 năm, và chắc là sẽ tiếp tục làm việc ở đó cho đến lúc về hưu.

Xa Crawford Manufacturing đã gần 50 năm, tôi đã làm đủ nghề, đã đi rất nhiều nơi trên thế giới mà vẫn chưa hề có dịp trở lại thăm Richmond, Virginia như đã nhủ lòng lúc ấy. Thế nhưng kỷ niệm vui buồn của những ngày lam lũ ở Crawford Mfg tôi không bao giờ quên. Có lẽ ít ai quên được những bước chân hoang mang đầu tiên trên hành trình dài của một kẻ tị nạn…




You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights