Cuối đời mới thấy mình có quá nhiều lầm lẫn, giờ phải làm sao?

by Tim Bui
Có phải tôi là người “thân cư thê?”

MẮT NÂU

Hỏi: Thưa cô nhà văn, năm nay tôi 75 tuổi. Từng tuổi này mới phát giác đời tôi có quá nhiều nhầm lẫn, nhầm lẫn từ lúc thanh niên, chọn lầm vợ. Đến bây giờ thì cưới lầm dâu, lầm rể. Cả chặng đường dài, tôi ăn học, phụ giúp cha mẹ. Sau lập gia đình thì gánh vác gia đình như bao đàn ông khác. Bạn hữu tôi nhiều người than thở con cái họ làm ăn thua lỗ, con cái mải vui chơi…  mượn tiền cha mẹ không được, quay ra vô lễ, ăn nói hỗn xược ngang tàng.

Đàng này ngược lại, tôi sống căn cơ, dành dụm tích lũy cho con. Nay thấy tuổi đã nhiều, đề nghị đưa tiền cho con cái làm ăn thêm.Thế mà chúng vỗ mặt, thẳng thừng từ chối, không thèm đếm xỉa tấm lòng tôi và cho biết là không cần những đồng tiền nhỏ nhoi khiêm tốn đó vì chúng quá giàu. Đã thế còn bảo đừng làm phiền chúng nữa, nếu dư dả  thì hãy sống một mình.

Thái độ đó khiến tôi buồn. Tôi đã đúng hay sai? Tôi phải làm sao? (ông Tư)                                       

Đáp: Thưa ông Tư, biết làm sao khi hai nền văn hóa mới và cũ, cách ứng xử của hai thế hệ, cùng sự suy nghĩ của hai môi trường sống ở hai thời điểm có quá nhiều khác biệt.
      
Truyền thống ông bà chúng ta ngày xưa, luôn hãnh diện và nghĩ rằng tiền bạc làm ra, là cất dấu để dành dụm cho con cho cháu. Trong quá khứ điều này cũng không ít gây tang thương cốt nhục tương tàn về tranh giành của cải, phân chia tài sản.

Như trong cổ tích “Ăn khế trả vàng” cũng kể chuyện người anh tham lam, chiếm dụng phần lớn gia sản, chia cho người em mái nhà nhỏ lụp xụp và cây khế. Bên xứ Mỹ ngày nay cũng vậy, có con cái hãm hại nhau vì món tiền thừa hưởng trên bản hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của cha của mẹ…
      
Xứ Tây, xứ Ta, xứ Mỹ hay bất cứ xứ nào, cũng toàn những lủng củng vì tiền bạc, vì tiền tài, của cải… mà người ta đánh mất tình thân, thậm chí là đổ máu, không nhìn mặt nhau, đối nghịch nhau, xem nhau như thù nghịch. Thật, không tài sản cũng khổ. Có tài sản cũng khổ.  Ôi cái sự đời ô trược đáng thương tội nghiệp.

Những khập khiễng vì khác biệt văn hóa, khác biệt tư tưởng, và nhiều khác biệt khác nữa… chắc ông Tư cũng đã thấy và hiểu? Đôi khi cũng do tâm hồn nhạy cảm mà chúng ta sinh ra buồn chán và cảm thấy bị tổn thương.

Đa cảm cũng là nguồn gốc, là nguyên nhân của tiêu cực buồn lòng.

Việc làm của ông Tư không sai. Nhưng có thể suy nghĩ và hành xử không đúng lúc, nên không thích hợp với niềm hãnh diện đang dâng cao và tự tin bay bổng  của lớp người trẻ đã thành công ở xứ người.

Hoặc có khi các cháu đơn giản chỉ là cách ăn nói thiếu nhẹ nhàng mà trở thành ngắn ngủn cộc lốc thiếu tế nhị, không phù hợp với kỳ vọng của bậc trưởng thượng không chừng?
       
Văn hóa mới ngày nay, kể cả trong nước và ngoài nước, tuổi trẻ học đòi nhau, đua nhau cái kiểu thích gì nói nấy bất kể đối tượng và cho đó là tự nhiên, là văn minh.

Tất nhiên suy nghĩ lệch  lạc ấy sai lầm, cần được giáo huấn và giáo dục… nhưng thời buổi mọi thứ nhếch nhác nhiễu nhương này… thì  biết làm sao!! Ra đi, rời bỏ quê hương là chấp nhận cả cái được và cái mất.

Lớp người trẻ có nhiều phương tiện, cập nhật hóa rất nhanh, luôn hãnh tiến cho mình là giỏi, mang trong đầu tư tưởng coi thường lớp người già đã lẩm cẩm, lại đau bệnh, và tụt hậu, không chạy kịp theo đà tiến hóa của điện tử, internet, Iphone, Ipad… Họ quên hẳn rằng không có xưa thì chẳng có nay và chính họ đã khôn lớn, đã nên người và thành công… nhờ những căn cơ lạc hậu lỗi thời của người đi trước.

Thời buổi văn minh: Tiện dụng, tiện nghi, đời sống được phục vụ tối đa, hưởng thụ vật chất, thuốc men đầy đủ để sống thọ hơn, trẻ trung hơn, đẹp đẽ hơn. Và hẳn nhiên cái gì cũng có giá – Được này mất nọ là chuyện muôn đời – Thời buổi nào cũng có cái hay cái dở – Âu  đành chấp nhận sự đổi thay, dù biết sự thay đổi đã phần nào mất đi cái căn bản và những điều tốt đẹp của một thời giờ quá vãng…

Chấp nhận giúp ta lòng vơi muộn phiền, không bị tổn thương để sống những năm tháng cuối đời an lạc. Quan niệm “Đời cua, cua máy, đời cáy, cáy đào“,  giúp tâm buông bỏ không áy náy, giúp sống thoải mái cho những năm tháng tuổi già bóng xế được trời cho ổn định.

Tuổi trẻ đang sống với tuổi trẻ và cho đó là niềm vui, niềm hãnh diện tự hào.

Tuổi già cũng cần sống cho tuổi già cùng với nỗi hãnh diện đã tồn tại và sống còn của một đời bươn chải hữu dụng.

Cách tốt nhất, là từ từ bỏ ngoài tai càng nhiều càng tốt, xóa dần tư tưởng cũ/mới để đầu óc thảnh thơi, không thắc mắc về những gì không cần thiết. Mọi sự không còn quan trọng nữa.

Đề nghị giúp con cái là niềm vui của cha mẹ và là chuyện của cha mẹ. Con cái không nhận là chuyện của con cái, là lòng hãnh diện và là tự trọng của con cái. Chẳng nên buồn làm gì!

Chỉ vì hai lối suy nghĩ cùng một sự kiện, trong hai nền tư tưởng không đồng nhất. 

Do ảnh hưởng văn hóa mỗi thời mỗi khác, khác lề lối, khác thói quen, khác quan điểm.

Nên “chuyển-hóa-tâm”: Thay vì buồn, thì nên vui vì con cái thành công, giàu có nơi xứ người, nên không cần sự giúp đỡ của cha mẹ, không còn là gánh nặng của cha mẹ.

Xóa bỏ quan niệm phải ki cóp dành dụm, khi con cái không cần đến. Thật ra, việc con cái không cần phải nương nhờ vào cha mẹ cũng là điều đáng hãnh diện, vì không phải con cái nhà nào cũng được như vậy. Hãy hòa mình vào nhịp sống xã hội, không chấp nhất, không buồn phiền, không tự ái khi bị con cái chê tiền của mình.

Thay đổi tư duy để sống vui

Ôm rơm nặng bụng, sẽ ngậm ngùi
Thất thập lai hi, cười thật lớn
Xóa sạch não đầu, sẽ được vui

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights