Trong phiên thảo luận kinh tế xã hội sáng 28/10, các ĐBQHVN tiếp tục bàn nhiều về khó khăn của người lao động, công chức, viên chức đặc biệt trong ngành y và đề nghị cần tăng ngay lương.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, cần có ngay giải pháp tháo gỡ để ngành y tế khôi phục được năng lực và điều kiện hoạt động như trước thời kỳ Covid-19. Những giải pháp này cần đồng bộ, từ các quy định về đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế, cho đến việc tăng thu nhập, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ y tế công, cũng như các tồn tại, vướng mắc trong bảo hiểm y tế.
“Nếu hệ thống y tế không được củng cố ngay, cả về người và cơ sở vật chất, chẳng những không đáp ứng được vai trò, nhiệm vụ đối với hàng chục triệu nhân dân, người lao động, cán bộ, công viên chức, cán bộ hưu trí và người dân diện chính sách, càng không thể chống chịu được khi dịch bệnh bùng phát lại hay phát sinh mới”, ông nhấn mạnh.
Ông Nghĩa kiến nghị, cấn có ngay nghị quyết cải cách tiền lương và thu nhập của cán bộ, công viên chức theo nguyên tắc “lương, thu nhập phải đủ để người lao động tái sản xuất mở rộng sức lao động và chăm lo một phần cho gia đình”.
“Mức sống tối thiểu ngày nay không chỉ là ‘ngày ba bữa cơm, năm hai bộ quần áo’ như thời bao cấp”, ông ví von.
Trước mắt, để nguồn lực không bị quá tải, những đối tượng thu nhập thấp nhất, không đủ cho mức sống tối thiểu, cần được tăng lương ngay lập tức kể từ 1/1/2023. Ông đề nghị ưu tiên quan tâm đến hai ngành y tế, giáo dục và những người hưởng lương hưu hay trợ cấp thu nhập thấp. Các đối tượng thu nhập cao hơn, tăng chậm và ít hơn, để chia sẻ khó khăn chung, tiến tới ban hành luật về lương tối thiểu.
Ngành y đang phải chịu áp lực dư luận xã hội lớn
ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) dành nhiều thời gian nói về những tồn tại của ngành y tế hiện nay và vấn đề công tác cán bộ. Theo ông, “ngành y tế Việt Nam đã và đang bị chao đảo. Hiện nay vẫn chưa hết chao đảo!”.
Cán bộ y tế ồ ạt ra khỏi khu vực công, thuốc men và vật tư bị thiếu, việc mua sắm bị đứt gãy đình đốn, tự chủ bệnh viện có nguy cơ đổ vỡ. Ông Nguyễn Anh Trí cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề trên. Tuy nhiên, cần thấy rằng, dù bất cứ lý do nào “nếu không có thuốc để điều trị là có lỗi nặng với nhân dân”. Theo ông, bằng mọi giá chúng ta phải giải quyết tình trạng này.
Ông cũng cho rằng, không tự chủ được tại bệnh viện là một sự thất bại, mà nguyên nhân trước hết là do thiếu quyết tâm, thiếu phương pháp và kể cả sự bạc nhược.
Ông Trí mong Chính phủ, Bộ Y tế tập trung tháo gỡ, trong đó, điều quan trọng nhất là giao cho bệnh viện tự chủ là phải cho họ được tự chủ đặc biệt là về tài chính và nhân lực. Cơ chế tự chủ đã thực hiện ở Việt Nam hàng chục năm nay, nhờ đó giảm bớt gánh nặng kinh phí của Chính phủ, các bệnh viện hạng cao có thể hoàn toàn tự chủ với mức hợp lý.
Nói về nguồn nhân lực y tế, ĐB Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho rằng, tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc sang khu vực công trong khi năm 2023 cần tăng 23.000 bác sĩ là thách thức cho ngành vì đào tạo nhân viên y tế giỏi không phải dễ.
Chỉ ra nhiều nguyên nhân của việc này, bà Thu cho rằng, không chỉ do áp lực công việc mà còn do áp lực dư luận xã hội lên toàn ngành sau nhiều vụ sai phạm. Việc này ảnh hưởng lớn đến tâm lý của những người trong ngành.
Nữ ĐB cũng nêu bất cập, lương, phụ cấp thấp, nhất là y tế dự phòng và y tế cơ sở còn quá thấp. “Một bác sĩ sau khi học 6 năm và 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu tuyển dụng vào cơ sở y tế công lập ngay sẽ có mức lương là 3,486 triệu đồng cùng phụ cấp ưu đãi nghề là 40%. Sau khi trừ các khoản, một bác sĩ hưởng mức lương chưa tới 4 triệu đồng và điều dưỡng chưa tới 3 triệu đồng”, nữ tiến sĩ y học phân tích.
ĐB cũng nêu hàng loạt vướng mắc trong thực hiện tự chủ tài chính của các bệnh viện công; tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế… Theo bà Thu, một số ĐBQH nêu nguyên nhân do tâm lý sợ sai, không dám mua sắm nhưng không hoàn toàn như thế.
Nêu thực tế tại Thái Bình, nữ ĐB cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2022, các gói đấu thầu cấp địa phương chỉ đạt 60-70% danh mục trúng thầu, thậm chí có gói thầu không trúng đến 91,4%. Từ đó ĐB mong Quốc hội, Chính phủ và nhân dân chia sẻ khó khăn thách thức với ngành y tế. Bà đề nghị Chính phủ trình những giải pháp cấp bách tháo gỡ ngay như gia hạn giấy lưu hành thuốc,…; giải ngân gói đầu tư cho ngành y tế theo Nghị quyết của Quốc hội.
(Theo Vienamnet)