Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang nhìn nhận việc điều hành Quỹ bình ổn giá xăng dầu vừa qua “rất có vấn đề” và đề nghị bỏ quỹ này.
Chiều 7.11, tiếp tục kỳ họp 4 Quốc hội XV, Quốc hội dành thời gian thảo luận tại tổ về luật Giá sửa đổi.
Nêu ý kiến thảo luận liên quan tới đề xuất giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông), Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, nhận định “vừa qua điều hành Quỹ bình ổn giá xăng dầu rất có vấn đề”.
Ông Giang ví von sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện nay “giống như một bà nội trợ hôm trước đi mua hàng hóa rẻ, bảo bà bán hàng cho tôi gửi 300 đồng, mai tôi đi mua nếu hàng đắt hơn thì bà phải bù cho tôi. Nhưng ngày mai lên giá thì bà mua hàng ngày hôm trước lại không đi mua, mà là người khác đi mua”.
Ngoài ra, giá thế giới liên tục tăng như vừa qua thì Quỹ bình ổn giá xăng dầu bị âm, khi giá thế giới giảm thì sẽ trích lập lại vào quỹ cho tới khi quỹ dương trở lại. Cuối cùng, giá xăng dầu trong nước không tiệm cận với giá thế giới, khi giảm thì giảm rất chậm.
Theo ông Giang, cũng có thống kê cho thấy, 1 năm qua mặt hàng dầu đã trích lập nhiều hơn nhưng được bù ít hơn, còn xăng trích ít hơn lại được bù giá nhiều hơn từ quỹ.
Từ phân tích này, ông Giang đề nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng không đồng tình với đề xuất bỏ danh mục hàng hóa bình ổn giá khỏi dự thảo luật, giao cho Chính phủ quy định, điều chỉnh trên cơ sở tờ trình của Bộ Tài chính.
“Việc bình ổn giá là hình thức can thiệp vào thị trường. Ít nhất người dân phải biết được danh mục nhà nước sẽ bình ổn giá”, ông Giang phân tích.
Theo ông Giang, quy định hiện nay là trường hợp cần thay đổi thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định nhưng thực tế triển khai luật vừa qua, Chính phủ chưa trình lần nào. Do vậy, ông Giang băn khoăn “không hiểu lý do vì sao luật sửa đổi lại bỏ hết danh mục này”.
“Luật pháp ngày càng minh bạch, người dân tiếp cận và biết được, thì chúng ta lại bỏ hết đi”, ông Giang nói và cho rằng, vẫn nên giữ quy định về thẩm quyền quyết định danh mục hàng hoá, dịch vụ bình ổn giá như hiện nay.
“Quốc hội ít nhất phải quyết định danh mục hàng hóa cơ bản mà Nhà nước cần bình ổn giá, sau đó uỷ quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trong trường hợp cần thiết Chính phủ trình, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ việc điều chỉnh, bổ sung danh mục này”, ông Giang nêu và cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẵn sàng họp bất thường mỗi tháng nên không lo việc điều chỉnh danh mục không kịp thời.
Tương tự với hàng hóa do Nhà nước định giá, luật sửa đổi cần đưa ra danh mục do Nhà nước định giá và trường hợp cần thiết, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung danh mục khi cần.
Hiện tại cần thiết, nhưng tương lai gần cần xem xét
Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, cho rằng Quỹ bình ổn giá xăng dầu là công cụ để giá xăng, dầu không lên cao vút, cũng không xuống kịch sàn. Biên độ dao động giá phải hẹp nếu không sẽ kéo theo giá các mặt hàng khác, gây nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất.
Tuy vậy, ông Lâm cho rằng, khi giá xăng, dầu lên cao quá hay thấp quá thì cần công cụ mạnh hơn là thuế, phí. Do đó, ông cho rằng, việc duy trì quỹ trong bối cảnh hiện tại là cần thiết vì chưa có công cụ khác hiệu quả hơn để thay thế.
Đại biểu Nguyễn Công Long, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội, cũng cho rằng nếu điều chỉnh chính sách về thuế đối với xăng dầu thì phải xem xét lại việc duy trì cũng như cách vận hành Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
“Trong bối cảnh hiện tại, việc duy trì quỹ là cần thiết nhưng trong tương lai gần cần xem xét”, ông Long nêu.
Theo ông Long, thời gian qua, khi kiểm chứng tất cả vấn đề xăng dầu phát sinh ra do ảnh hưởng của các tác động quốc tế, thị trường và trong nước (nhà máy lọc dầu) cho thấy quỹ này tác động không lớn lắm.
“Khi nguồn cung không đảm bảo thì quỹ đó cũng không giải quyết được gì cả. Có nghĩa chúng ta vẫn phải đương đầu với những khó khăn, khủng hoảng rất nghiêm trọng về nguồn cung. Do vậy, tác động của nó không lớn đến mức cần xem xét, duy trì bằng mọi giá”, ông Long phân tích.
Theo tờ trình luật Giá sửa đổi, Chính phủ đề nghị tiếp tục giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Theo quy định, nguồn hình thành quỹ này được trích lập thông qua giá mua, do người tiêu dùng chi trả (300 đồng/lít).
(Theo Thanh NIên)