Đại lễ Vu Lan và bài giảng pháp thực tế về hiếu đạo tại chùa Hương Tích

by Tim Bui
Đại lễ Vu Lan và bài giảng pháp thực tế về hiếu đạo tại chùa Hương Tích

THANH PHONG

Một Đại lễ Vu Lan, do Hòa Thượng Phương Trượng Thích Nhật Minh là Viện Chủ, Ni Sư Thích Nữ Minh Từ là trụ trì, và cũng là trưởng ban tổ chức, đã lôi kéo nhiều người đến chùa Hương Tích tại Santa Ana vào hôm Chủ Nhật ngày 4/8 vừa qua.

Đến tham dự có một số chư tăng, ni, đồng bào phật tử và Dân biểu Tạ Đức Trí cùng cô Phụ tá Tú Phạm. Sau khi đạo tràng ổn định, Ni Sư Thích Nữ Như Hiền cung thỉnh Hòa Thượng Phương Trượng Thích Nhật Minh ban một thời pháp.

Hòa Thượng Thích Nhật Minh cũng như Ni Sư Minh Từ, tuy các ngài đã cao tuổi nhưng tinh thần và trí óc vẫn còn minh mẫn. Cả hai nhà tu hành đều sống rất giản dị và đặc biệt là có phẩm vật gì được phật tử dâng cúng, các ngài đều phân phát cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Hôm nay, trong bài thuyết giảng dài khoảng một tiếng đồng hồ, hòa thượng đã giúp cho các phật tử hiểu rõ hơn về tâm hiếu, hạnh hiếu và đạo hiếu của người xưa và hiện nay. 

Bài giảng rất thực tế có sức đánh động lòng người. Xin mời quý độc giả theo dõi sau đây: 

“ ..Nhân mùa Vu Lan Báo hiếu tôi xin gửi đến quý vị và gia đình lời cầu chúc luôn luôn được sự an lạc và luôn là người con có hiếu. Hôm nay là ngày báo hiếu, nếu người nào còn cha còn mẹ thì nhân ngày hôm nay chúng ta về chúng ta hãy quỳ xuống trước cha và mẹ và chúng ta hôn lên trán cha và mẹ và nói câu nhẹ nhàng “Con yêu ba lắm, con yêu mẹ lắm” để chúng ta nhớ đến công ơn sinh thành của các ngài. Điều đó là điều quan trọng mà đạo Phật gọi là cái tâm hiếu, có tâm hiếu mới có hạnh hiếu và  có hạnh hiếu mới có đạo hiếu…

Chúng ta không biết chữ báo hiếu có tự bao giờ, nhưng chỉ từ thời  Đức Phật tại thế thì mới hai chữ này bắt đầu xuất hiện nhiều bởi vì ngài Mục Kiền Liên. Ngài là một trong mười đệ tử lớn của Đức Phật và ngài là Đệ Nhất Thần Thông. Khi chưa là đệ tử của Đức Phật thì  ngài Mục Kiền Liên là người đạo Bà La Môn, đạo này đã có trước thời Đức Phật mấy ngàn năm. Đạo Bà La Môn bên Ấn Độ bây giờ gọi là đạo Hindu. Tuy khác tôn giáo nhưng ngài Mục Kiền Liên kết nghĩa anh em với ngài Xá Lợi Phất, Ngài Xá Lợi Phất là Đệ Nhất Trí Tuệ, sau khi Xá Lợi Phất tìm được Đức Phật và về nói với Đức Mục Kiền Liên thì hai ngài cùng đến gặp Đức Phật. Đức Phật dạy cho hai ngài chỉ có một tuần lễ là hai ngài đạt được Quả La Hán ngay, còn bây giờ chúng ta có giảng hết đời này qua đời kia chúng ta cũng không đạt tới được, bởi cái căn duyên của chúng ta, cái phàm trần của chúng ta  nó bụi bặm quá cho nên chúng ta không có cái đạo lực, chỉ có cái hình thức mà không có cái nội dung.

Quý vị đi chùa đến nghe giáo pháp nhưng chúng ta không thực hành nhiều, chúng ta chỉ nghe cái lý thuyết thôi, nghe tai này qua tai kia rồi đâu cũng hoàn đó. Nhưng quý vị nhớ, chữ hiếu nó hay lắm! Nó biến đổi bởi thời gian, thí dụ thời Đức Phật chữ hiếu nó khác, qua  thời hiện tại bây giờ là 2600 năm rồi thì nó hoàn toàn thay đổi khác, nhất là khi chúng ta đi vào cái thế giới Tây phương này, mà thế giới này là thế giới 5 chấm không (5.0), 6 chấm không (6.0) chữ hiếu nó xa vời lắm…”

Sau khi nói tổng quát về chữ hiếu đi qua những quốc gia nào rồi nó đến Việt Nam như thế nào, rồi qua Âu Mỹ như thế nào, hình dạng nó thay đổi ra sao, Hòa Thượng nói tiếp giữa những tiếng vỗ tay của mọi người:

“Quý vị thấy rằng thời Đức Phật khi mà  đạo Phật truyền qua Trung quốc thì bên Trung quốc đã  có hai tôn giáo là đạo Lão và đạo Khổng. Khi Phật giáo nhập vào đó thì người ta gọi là Tam Giáo Đồng Quy.

Khổng thì dạy người con gái phải có “công, dung, ngôn, hạnh” và “tam tòng tứ đức” nghĩa là khi chưa lập gia đình phải phục tùng cha mẹ, nghe lời cha mẹ, khi có chồng phải phục tùng chồng; khi chồng  đi vắng, đi chinh chiến phải  phục  vụ săn sóc con. Còn người con trai phải có “nhân, nghĩa, lễ ,trí, tín,” phải có “tam cang ngũ thường.” Bây giờ kiếm đâu ra người con gái có “công, dung, ngôn, hạnh,” “ tam tòng tứ đức,” và kiếm đâu ra người đàn ông có “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.”

Đạo Lão cũng có cái hay như có bà Mạnh Tử khi chồng mất rồi bà ở vậy thờ chồng nuôi con thành tài giúp ích xã hội và trung trinh, thủ tiết với chồng nên sau này những người đàn bà ở bên Trung quốc mà như vậy người ta tặng cho danh hiệu là người “Tiết Hạnh Khả Phong,” nghĩa là đời tôi chỉ có một chồng thôi, nhưng với thế hệ bây giờ đàn bà hôm trước khác, hôm sau khác.

Chính ông Lão Tử ông cũng thử vợ ông, ông giả chết chưa chôn trong ba ngày có một thanh niên đẹp trai lắm ghé vô nhà xin ngủ nhờ, bà vợ đã đá lông nheo ngay với anh chàng này nên bây giờ quý vị đi tìm một người có đức hạnh thôi cũng rất khó. Ngày xưa ở bên Tàu có ông Lộ Tử 75 tuổi rồi mà hàng ngày ông cõng mẹ già gần một trăm tuổi đi khắp xóm làng, vừa đi vừa hát vừa chọc cười cho mẹ vui. Bây giờ tìm đâu ra ông Lộ Tử thứ hai? Không bao giờ có. Nếu chúng ta đọc truyện Kiều chúng ta thấy Thúy Kiều rất có hiếu, khi cha gặp nạn, Thúy Kiều đã bán mình để chuộc cha. Bây giờ liệu có một Thúy Kiều thứ hai trong xã hội này không? Khó lắm.”

Hòa Thượng cũng nêu bật chữ Hiếu trong văn chương Việt Nam: “Chúng ta biết, từ lâu ngoài miền  Bắc có câu “Công Cha như núi Thái Sơn, Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra,” miền Trung có câu “Mẹ già như chuối ba hương, như xôi nếp mật như đường mía lau” còn ở miền Nam thì “Ví dầu cầu ván đóng đinh, cầu treo lắc lẻo gập ghềnh khó đi – Khó đi mẹ dắt con đi – Con đi trường học mẹ đi trường đời.

Văn chương Việt Nam rất là sâu xa, có hiểu văn chương mới thấy nó rất hay, thí dụ: “Đêm đêm thắp ngọn đèn trời – Cầu cho cha mẹ sống đời với con” bây giờ có không? Hay “Lên non mới biết non cao – Nuôi con mới biết công lao mẫu từ.” Bây giờ con cái có hiểu có biết câu đó không?. Chúng ta thấy tại sao vào thập niên 40, 50, 60,70 con người ta có đạo đức, còn có cái hiếu với cha mẹ bởi vì ngày xưa mình học là một chuyện nhưng “tiên học lễ hậu mới học văn,” phải có đức dục mới có trí dục.

Ngày nay trên thế giới người ta quên hết đức dục cho nên bây giờ con cái không còn biết hiếu thảo là gì…”

Nói đến đây, Hòa Thượng cho biết, năm 1957 ngài vào chùa cho đến ngày hôm nay, và đã học hỏi được nhiều. Rồi ông chia sẻ thêm:

“Mùa báo hiếu ở bên Nhật khác Việt Nam; những người con nghĩ đến cha mẹ họ đến chùa (họ không thờ ảnh) mà thờ bài vị. Họ mang bài vị về nhà để trên bàn thờ và khi cha mẹ còn sống thích ăn món gì, thích nghe nhạc gì thì họ kiếm đủ những thứ ấy để trên bàn thờ cúng. Ba ngày sau đó họ lại mang bài vị trở về chùa và sau đó đốt một ngọn nến để trong chiếc thuyền xếp bằng giấy thả trôi trên sông gọi là phóng đăng.

Còn người Tàu mỗi khi cha mẹ gặp chuyện gì nguy hiểm mà người con nhắm không đánh lại địch thù đó thì mười năm trả thù chưa muộn, họ đi học võ nghệ rồi đi báo thù cho cha mẹ. Còn chúng ta, nhiều người nghĩ mình đối xử với cha mẹ như hiện tại là coi như đã làm đủ bổn phận, thực sự chữ hiếu của chúng ta chưa ăn thua gì so với nhiều bộ lạc, nhiều đất nước khác trên thế giới họ có nhiều phong tục văn hóa kỳ lạ, có cái tốt cái xấu như bây giờ con cái có nghe lời cha mẹ  đâu! 18 tuổi nó ra khỏi nhà để tự sống, nó không còn ở với cha mẹ.

Ở Việt Nam mình ngày xưa “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” nhưng qua  đây quý vị đừng giữ lại cái thủ cựu đó mà phải mở lòng rộng ra. Người Mỹ họ khác Việt Nam, Việt Nam cái gì cũng con cái hết, dù đứa con có hư cũng là con của mình, nó nghiệp chướng cũng là con của mình, người Mỹ lại khác, họ sống thực tế. Khi cuối đời ai săn sóc họ, lo lắng cho họ, họ làm di chúc để gia tài cho người ấy như  ông tỷ phú ở Thụy Sĩ đã trên 80 tuổi, ông viết di chúc để gia tài cho đứa con nuôi có vợ hai con, đứa con nuôi đó làm vườn cho ông, săn sóc sức khỏe cho ông nên ông dành trọn gia tài cho người con nuôi đó. Quý vị có dám làm như thế không?”

Hòa Thượng có lời khuyên: 

“Quý vị phải coi những người ở ngoài săn sóc mình cũng như người trong gia đình mình, đừng bao giờ chỉ nghĩ giúp đỡ cho con cái mình, rồi mình sẽ thất vọng. Của cải mình có mình nên bố thí cho những nơi từ thiện, nên nhớ rằng mình đến trần gian này mình cũng không có gì hết, mình đi khỏi  trần gian này, cái quán trọ này mình mang được cái gì? Quý vị chỉ mang cái tội và cái phúc. Nếu quý vị làm những điều tốt chắc chắn quý vị sẽ nhẹ nhàng “đi lên”. Nếu quý vị làm những điều ác, chắc chắn quý vị sẽ phải “đi xuống” chứ không ai  quyết định cho mình rằng tôi sẽ mang cái này đến nhà thờ, đến chùa để tôi nhờ thầy hay nhờ cha làm cho tôi được lên thiên đàng hay nơi cực lạc. Không có đâu! Quý vị mới là người quyết định mình sẽ đi đâu; nếu quý vị làm những điều tốt, giúp đời và yêu thương mọi sinh vật thì chắc chắn khi quý vị ra đi sẽ rất an lạc, còn quý vị làm những điều không phải đạo chắc chắn quý vị sẽ đi xuống, có người lúc chết rất nhẹ nhàng, có người lúc chết rất là đau khổ, khó chết.

Không phải người tu là người có nhiều phước báu, được ơn trên cho cái này cái kia, mà mỗi người phải trả cái nghiệp của mình, không phải làm Hòa Thượng hay làm Giám Mục là được lên đâu; nhưng nếu chúng ta nhận của đà na, của tín đồ, của con chiên mà không tu là chúng ta lãnh đủ, chúng ta thiếu nợ. Không có chuyện người ta cúng dường, cung dưỡng cho mình rồi mình không chịu tu, mình dùng những tiền đó vào chuyện phi pháp hoặc không đúng với đạo thì rất là tội. Thiên đàng, địa ngục là do mình tạo, cái tâm này nó tạo ra hết, mình muốn có Phật thì có Phật, muốn có Chúa thì có Chúa, mình muốn địa ngục có địa ngục, muốn Thiên đàng có Thiên đàng không phải cứ làm điều xấu, điều ác rồi xin Chúa, xin Phật cho được vào Thiên Đàng, được vào nơi cực lạc.

Các ngài chỉ chỉ cho chúng ta con đường thiện hảo còn chúng ta thi hành hay không là do chúng ta. Chữ hiếu cũng vậy, mình phải nhớ công ơn sinh thành, chín tháng mang nặng khổ đau, dạy dỗ, nuôi nấng mình thì mình phải có bổn phận săn sóc, giúp đỡ các ngài, thí dụ làm ăn khá giả thấy cha mẹ thiếu cái gì thì mình cung dưỡng, mỗi ngày hay mỗi tuần nếu mình ở xa chỉ cần gọi điện thoại hỏi thăm bố mẹ mình dăm ba phút xem bố có khỏe không? Mẹ có khỏe không? Đó là cái tâm hiếu, đó là cái hạnh hiếu và đó là cái đạo hiếu chứ không phải mang vàng, bạc biếu cho cha mẹ, vì các ngài già rồi không cần vàng, cần bạc vì khi ra đi sẽ không mang theo được”.

Thuyết giảng đến đây, Hòa Thượng kể câu chuyện con khỉ, con Rái Cá nó thương con như thế nào và nói ông mong chúng ta phải hơn những con vật đó:

“Thật đau lòng khi chúng ta coi thường cha mẹ, chúng ta chỉ nghĩ đến vật chất như ở Hưng Yên (Việt Nam) vì tranh giành đất đai con đốt chết cha mẹ, như ở Mỹ có hai đứa nhỏ nó tổ chức party, cha mẹ nó không cho, nó giết cha mẹ nó để trên lầu đắp tấm drape, rồi xuống dưới nhà tổ chức vui chơi với bạn bè, như ở ngay Riverside có thằng con giết mẹ chặt thành bốn khúc đem bỏ rải rác từ Riverside đến Orange County.  Ở Louisiana hai đứa nhỏ một chín tuổi, một đứa 11 tuổi thấy bố mẹ có cái bảo hiểm nhân thọ, nó bàn nhau giết bố mẹ bằng cái gậy đánh Golf để lấy tiền bảo hiểm. Hòa Thượng cũng nói qua về sự tích có bản nhạc Bông Hồng Cài Áo do nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ sáng tác và hôm nay nhạc sĩ Tâm Nguyên Trí và ca sĩ Nguyên Trinh sẽ hát bản nhạc này.”

Hòa Thượng Thích Nhật Minh nhắn nhủ:

“Hôm nay nhân ngày lễ Vu Lan báo hiếu chúng ta phải sửa lại tâm hồn chúng ta sao cho trong sạch và cái hiếu phải là cái hiếu chân thật. Hôm nay quí vị về gia đình, nếu còn có cha có mẹ liệu quý vị có dám quỳ xuống hôn lên trán cha mẹ không và nói “bố ơi, mẹ ơi, con thương bố mẹ lắm”; quí vị về làm đi và sẽ thấy nó rất hay; thế nào bố mẹ cũng ngạc nhiên và ồ lên một tiếng “đây là sự lạ chắc từ hành tinh nào xuống phải không? Nhưng không phải ở hành tinh nào mà ở ngay hành tinh chúng ta đang sống.

Nên nhớ trên thế giới này có bảy kỳ quan, bố mẹ là hai kỳ quan vô cùng xinh đẹp cho chúng ta khám phá, ở đây có quý vị nào thấu hiểu được nỗi lòng của bố mẹ mình chưa? Bố mẹ mình đã dạy mình biết bao điều hay lẽ phải nhưng mình  nhiều lúc chỉ biết làm khó, làm khổ bố mẹ mà thôi, nhiều khi mình làm những điều bố mẹ không thể chấp nhận rồi chỉ vì vài ba câu mắng mỏ, mình bỏ nhà ra đi!”

Cuối cùng Hòa Thượng khuyên mọi người cố gắng giữ chữ hiếu chân thật với bố mẹ, lấy tình thương xóa bỏ hận thù, lấy tình thương phủ trên sắt thép, yêu thương mọi người vì biết đâu kiếp nào đó là cha mẹ của nhau, anh em của nhau. Chúng ta biết quả đất của chúng ta đã có ba tỷ sáu trăm triệu năm rồi thì chúng ta sinh trưởng bao nhiêu vô lượng kiếp rồi nên hãy thương yêu nhau, còn những người tu ngồi mát ăn bát vàng phải hiểu rằng, những của người ta mang đến cho mình là mồ hôi, là nước mắt của người ta mới có  nên phải ăn ở xứng đáng để trả lại, phải trì chú cầu nguyện.

Nhân mùa báo hiếu này, thầy không biết nói gì hơn  và không biết qua năm có còn được gặp quý vị không nhưng dù sao thầy cũng cầu chúc cho quý vị và gia đình luôn luôn được an lạc…”Sau khi Dân biểu Tạ Đức Trí có vài lời tri ân Hòa Thượng và Ni Sư trụ trì, chương trình bước vào phần chính là cử hành Lễ Vu Lan.

Chư tôn đức tăng, ni ra trước chánh điện và các Phật tử cùng đứng lên trang nghiêm tụng Bát Nhã Tâm Kinh. Trước khi kết thúc, Ni Sư Thích Nữ Minh Từ ngỏ lời tri ân chư tôn đức, Dân biểu Tạ Đức Trí cùng quý thiện nam tín nữ. Ni Sư cũng trao tặng mỗi người một món quà nhỏ kỷ niệm và mời dùng cơm chay  thân mật.

Đại lễ hoàn mãn vào lúc 12 giờ trưa cùng ngày giữa sự bâng khuâng của mọi người. Nhiều người có lẽ qua bài giảng này, đang ngẫm nghĩ xem mình đã thực sự tỏ lòng hiếu thảo với mẹ cha một cách đúng cách chưa.

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights