Đậu bắp – Okra trong nhãn quan y khoa

by Tim Bui
Đậu bắp – Okra trong nhãn quan y khoa

NGUYỄN ĐỨC CƯỜNG, L.Ac., Ph.D

Đậu bắp còn được gọi là mướp Tây, tiếng Anh gọi là Okra, có nguồn gốc từ các quốc gia vùng Tây Phi, cho đến thế kỷ thứ 12, mới thấy xuất hiện ở bán đảo Ả rập, sau đó là các quốc gia vùng Địa Trung hải, rồi đến Ấn độ. Đó là kết quả của các cuộc giao thương giữa các quốc gia bằng đường hàng hải trải qua nhiều thế kỷ. Đến đầu thế kỷ thứ 18, đậu bắp bắt đầu xuất hiện tại Hoa Kỳ, và đến thế kỷ thứ 19 thì có mặt tại các quốc gia miền Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Đậu bắp có hoa rất đẹp, màu trắng hay vàng. Theo nhiều tài liệu lịch sử, một Nữ hoàng nổi tiếng của Ai Cập thời xa xưa là Cleopatra rất ưa chuộng món đậu bắp và luôn muốn có Okra trong thực đơn hàng ngày của mình, chỉ với mục đích là duy trì vẻ đẹp của làn da cùng mái tóc!

Và tại Trung Hoa, Dương Quý Phi đời nhà Đường, thế kỷ thứ 8 cũng rất thích loại quả này. Đậu bắp thời đó nhờ đường giao thương mà trở thành một món cao lương mỹ vị ở chốn cung đình. Tiếng Anh gọi đậu bắp là Okra, nhưng nó còn được đặt cho một cái tên rất đẹp nữa, Ladies Fingers – “ngón tay quý bà,” có lẽ vì hình dáng dễ thương của nó.  

Trong khoa ẩm thực của người Việt nam, đậu bắp thường được luộc chín, nhưng có một số người vì không thích chất nhờn của đậu bắp nên đã nướng lên, hoặc chế biến cùng với các thực phẩm khác có vị chua như chanh hay cà chua. Nhưng chính chất nhờn đó lại chứa nhiều sinh tố và chất xơ có thể hòa tan (soluble fiber) có đặc tính trị Tiểu đường và chống Táo Bón nữa.

Có một điều mà ít ai còn nhớ là vào thời kỳ Thế chiến thứ hai, khi chiến tranh lan rộng đến nhiều quốc gia, tại nhiều nơi, khi cà phê trở nên rất khan hiếm, người ta đã dùng hạt đậu bắp thay thế cho hạt cà phê. Tình trạng này đã tạo nên một cơn sốt gọi là Okra Fever – cơn sốt đậu bắp! Hột đậu bắp khi được rang chín, sẽ có màu đen hơn màu cà phê, nhưng khi pha, lại có hương vị rất thơm ngon. Từ đó, hầu như trên toàn thế giới, đậu bắp luôn có mặt trên các quầy rau quả.

Đậu bắp trong nhãn quan Đông y
Theo các kinh nghiệm Đông y cổ truyền, thì các thành phần của đậu bắp như thân, lá, và quả có tác dụng lợi tiểu, trị táo bón, trong khi đó thì lá non và rễ có thể trị viêm họng, ho khan… và vì có nhiều chất xơ có thể hòa tan, đậu bắp có thể có tác dụng tốt trên những bệnh nhân tiểu đường.         

Một công thức dùng đậu bắp trị tiểu đường
Dùng ba quả đậu bắp, cắt bỏ một chút ở phần đầu và đuôi, sau đó xẻ theo chiều dọc rồi ngâm đứng trong một ly nước lọc rồi để qua đêm (mực nước phải vượt qua chiều cao của đậu bắp). Sáng hôm sau, trước khi ăn sáng, uống nước trong ly, nhưng không cần ăn đậu.

Công thức này rất đơn giản nhưng lại khá hiệu nghiệm, chỉ cần uống đều đặn trong vòng hai tuần lễ, lượng đường trong máu sẽ giảm xuống đến mức bình thường. Thêm một điều quan trọng nữa, là tuy các dưỡng chất trong đậu bắp không mạnh bằng Insulin, nhưng chính vì thế mà không làm cho lượng đường trong máu bị giảm xuống quá nhanh, khiến cho huyết áp có thể tuột xuống đột ngột không an toàn cho người bệnh.

Có người còn ăn mỗi ngày, hoặc dùng thân, lá hoặc quả đậu bắp phơi khô rồi phối hợp với một số dược thảo khác như khổ qua, lá ổi, lá sakê… sắc uống để chữa bệnh Tiểu đường.

Đậu bắp trong nhãn quan Tây y
Theo một nghiên cứu của Tiến sĩ Sylvia Zook, ngành dinh dưỡng học thuộc đại học Illinois, đậu bắp có nhiều giá trị dinh dưỡng, chứa đựng vitamin A và C và các loại vitamin B, rất dồi dào Iron và Calcium cùng một vài khoáng chất khác. Ngoài ra, đậu bắp còn có tinh bột, chất béo, và quan trọng nhất là chất xơ có thể hòa tan. Trong hạt đậu bắp chứa rất nhiều dầu, loại dầu này có nhiều chất béo có thể hòa tan (unsaturated fat) rất tốt như Acid Oleic chẳng hạn, có khả năng làm giảm cholesterol xấu. Một cách cụ thể, theo Tây y, với các dưỡng chất trên, đậu bắp có các tác dụng sau:

C1/ Giúp ổn định lượng đường trong máu. 
C2/ Chống viêm họng, chống ho khan.
C3/ Chống đau nhức các khớp xương.
C4/ Giảm nguy cơ bệnh cataract (bệnh cườm mắt).
C5/ Chất xơ có thể hòa tan trong đậu bắp giúp hạ lượng cholesterol xấu, giảm thiểu nguy cơ bệnh tim mạch. 
C6/ Ngoài ra, đậu bắp còn có một phần chất xơ không hòa tan giúp cho đường ruột luôn khỏe mạnh, giảm nguy cơ ung thư, nhất là ung thư Ruột già – Colon cancer.
Chúng ta ai cũng biết, ung thư Ruột già đứng hàng thứ ba trong các loại ung thư thông thường nhất, và là loại ung thư gây tử vong đứng hàng thứ hai tại các quốc gia Tây phương.
Chất xơ trong đậu bắp còn giúp nuôi dưỡng các probiotic, là các vi sinh lành mạnh trong đường ruột, khiến cho hệ tiêu hóa luôn luôn khỏe mạnh và hoạt động tốt.
Thông thường, bất cứ loại rau trái gì có hạt thì người sử dụng thường bỏ đi. Nhưng hạt đậu bắp thì được giữ lại, vì chất Acid Oleic trong hột có tác dụng hạ cholesterol, đồng thời giảm huyết áp. Acid Oleic cũng là một dưỡng chất được tìm thấy trong dầu olive, avocados (quả bơ), almonds (hạnh nhân), và cashews (hạt điều).

C7/ Trị các loại mụn trên da mặt: Phải nói là ngày xưa, Nữ hoàng Cleopatra và Dương Quý Phi đã thường dùng đậu bắp như một món ăn vừa tốt cho sức khỏe bên trong, lại vừa rất tốt cho da mặt, chống mụn, chống da nhăn, làm da mềm mại và đẹp.
C8/ Chống lão hóa: Trong đậu bắp, người ta còn thấy có mặt một loại protein tên là Glutathione, vốn cũng có sẵn trong cơ thể con người. Glutathione là một dưỡng chất chống lão hóa rất mạnh, giúp cơ thể vô hiệu hóa các mầm mống ung thư và các bệnh nan y khác, làm tăng cường chức năng gan, thận, tim, và đồng thời tăng cường chức năng của hệ miễn nhiễm.
Dùng nhiều đậu bắp, chắc chắn sẽ giúp cho chúng ta được sống lâu, đặc biệt là phái nữ sẽ duy trì được sự trẻ trung của mình!

Lưu ý
Một lưu ý nhỏ khi dùng đậu bắp như sau: Vì đậu bắp có khả năng chống táo bón, vì thế, khi bị diarrhea (tiêu chảy) chúng ta nên ngừng ăn đậu bắp cho đến khi khỏi hẳn. 

Điều cuối cùng người viết cần lưu ý là cho đến nay, tác dụng trị bệnh tiểu đường của đậu bắp trên cơ thể con người vẫn chưa được kiểm chứng một cách khoa học, mặc dù qua một số công trình khảo cứu và xét nghiệm trên loài chuột thực hiện tại Sài gòn, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận được những kết quả khá lạc quan. Vì thế, chúng ta không nên xem công thức trên là một phương thuốc duy nhất, mà cần kết hợp với các phương pháp khác như tập thể dục, theo đuổi một chương trình ăn kiêng, kể cả việc duy trì các biệt dược trị tiểu đường loại II do các bác sĩ Tây y gia đình kê toa.

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights