Đâu là những dấu hiệu cảnh báo trong quan hệ lứa đôi?

by TYTNT

Theo các chuyên gia, những dấu hiệu cảnh báo quen thuộc nhất trong quan hệ lứa đôi mà bạn nên để ý là ghen tuông quá mức và thường xuyên nói dối.

Bạn cũng nên cảnh giác trước một đối tác thường xuyên chỉ trích hoặc tìm cách hạ thấp bạn.

Cảnh báo quan trọng khác là đối tượng không sẵn sàng thỏa hiệp mà chỉ khăng khăng đòi mọi việc phải theo ý mình.

Nhưng nếu đang yêu người ấy say đắm, liệu bạn có đủ tỉnh táo để nhận ra những cảnh báo này không, và nếu có thì nguy hiểm nhất là những dấu hiệu nào?

Bài viết này sẽ nói về những cảnh báo cần chú ý để bạn có thể thận trọng hơn trong quan hệ của mình.

Cảnh báo trong mối quan hệ là gì?

Cảnh báo trong mối quan hệ là những dấu hiệu báo nguy rằng giữa bạn và đối tác có thể có một giao tiếp không lành mạnh.

Cảnh báo là những dấu hiệu quan trọng vì thường thì, đặc biệt trong các mối quan hệ mới, ham muốn và say mê có thể làm lu mờ khả năng phán đoán, khiến bạn khó nhận ra những điều lẽ ra cần rất phải quan tâm này.

Những dấu hiệu thường được để ý nhất là ngược đãi và gây hấn. Tuy nhiên, một số cảnh báo quan trọng khác cũng hay bị chúng ta bỏ lỡ như thao túng, và ái kỷ.

Dưới đây là một số điều những chuyên gia cố vấn hôn nhân và lứa đôi nghĩ chúng ta nên quan tâm:

Thường xuyên nói dối

Liên tục bắt gặp đối tác của bạn không nói thật không phải là một dấu hiệu tốt.

“Chúng ta ai cũng có lúc nói dối; tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy đối tượng của mình liên tục nói dối hoặc bị bắt quả tang nói dối, thì đó là một dấu hiệu đáng lo,” Samara Quintero, chuyên tư vấn về hôn nhân và gia đình tại Choose Therapy, nói.

Nói dối có thể là điều vặt vãnh, chẳng hạn như không nói thật là họ đang ở đâu – hoặc những dối trá lớn hơn, như không cho bạn biết họ nợ nần lút cổ.

Việc đối tác thường xuyên nói dối sẽ khiến hai bên khó có thể xây dựng nền tảng vững chắc cho mối quan hệ, thậm chí có thể phá hủy liên hệ tình cảm mà bạn đã có, khiến bạn trở nên hoang mang, Quintero nói.

Luôn chê bai chỉ trích

Việc một đối tác thường xuyên chỉ trích hoặc hạ thấp bạn, ngay cả khi họ làm thế một cách tinh tế hay thụ động, có thể ảnh hưởng đến lòng tự tin của bạn.

“Đây là một kiểu ngược đãi tình cảm có thể khiến bạn có cảm giác lo lắng và bất an trong quan hệ,” Quintero nói.

Ngược đãi tình cảm có thể được biểu hiện qua những câu nói như:

“Em/anh thật may mắn khi tôi vẫn ở còn bên em/anh vì em/anh sẽ không bao giờ gặp được ai tốt hơn tôi.”

“Khi cố tỏ ra hài hước, em nghe thật nực cười.”
 
Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy ngược đãi tình cảm gây tổn hại không kém ngược đãi thể chất, cả hai đều gây ra trầm cảm và giảm lòng tự tin – vì vậy, đây là một cảnh báo cần được xem xét nghiêm túc.

“Nếu thấy mình bị ngược đãi, bạn bắt buộc phải thảo luận với đối tác và nếu họ không nhận trách nhiệm hoặc bày tỏ sự sẵn lòng thay đổi, thì có thể đã đến lúc bạn phải đánh giá lại mối quan hệ,” Quintero nói.

Không sẵn sàng thỏa hiệp

Nếu đối tác của bạn không sẵn sàng thỏa hiệp ngay cả với những điều nhỏ nhặt, bạn nên thận trọng trong quan hệ với họ.

“Trong quan hệ với một người đòi hỏi tất tật mọi điều phải làm theo ý họ, bạn có thể sẽ cảm thấy mình phải thỏa hiệp quá mức và bực bội, bị tổn thương, hiểu lầm và không hài lòng,” Emily Simonian, một chuyên gia cố vấn hôn nhân và gia đình, nói.

Trong các mối quan hệ lành mạnh, quan tâm đến nhu cầu và mong muốn của nhau là điều quan trọng và thỏa hiệp không thể là con đường một chiều.

Tránh những thảo luận khó khăn

Một đối tác thiếu nhậy cảm hoặc không có hành vi cần có để đối phó với xung đột, và luôn tránh né những thảo luận khó khăn có thể gây hại cho quan hệ giữa hai bên.

Những động thái như bỏ đi khi hai bên đang tranh luận mà không lắng nghe điều bạn cần nói hoặc phớt lờ bạn trong nhiều ngày vào thời điểm hai bên đang căng thẳng.

Những người không đối diện được với cảm xúc khó khăn có xu hướng nổi quạu hoặc trốn chạy khi tình hình trở nên khó khăn, Simonian nói. Ngay cả những quan hệ lành mạnh cũng có lúc gặp trục trặc, vì vậy điều bạn cần là một đối tác có thể cùng bạn trao đổi quan điểm thay vì bỏ đi khi hai bên có những bất đồng.

Khống chế và ghen tuông thái quá

Một đối tác quá ghen tuông có thể có những hành vi khống chế hay kiểm soát người kia thái quá.

Ví dụ, họ có thể cảm thấy ghen với những giao tiếp bên ngoài mối quan hệ hai người của bạn, Simonian nói. Một đối tác quá ghen có thể khiến bạn bị ngộp thở với những cuộc gọi liên tục, quá nhiều tin nhắn hay tìm cách kiểm soát những gì bạn làm.

“Nỗ lực kiểm soát thường bắt đầu một cách kín đáo nhưng rồi sẽ gia tăng cường độ và thường khiến bạn cảm thấy mình không thể nào làm vừa lòng đối tượng,” Simonian nói. “Nếu bạn thấy mình bị ngột ngạt hoặc liên tục phải thay đổi hành vi của mình để xoa dịu sự ghen tuông của đối tác, đó có thể là dấu hiệu của những vấn đề lớn hơn sau này.”

Một nghiên cứu được thực hiện năm 2010 cho thấy ghen tuông quá đáng thường gây tổn hại cho tình cảm hai bên. Ngoài ra, một nghiên cứu năm 2014 gợi ý rằng những đối tác có hành vi chiếm hữu quá mức trong giai đoạn đầu của quan hệ thường sẽ có cách giao tiếp không lành mạnh sau này.

Thiếu thảo luận cởi mở lành mạnh

Trao đổi quan điểm và thảo luận là nền tảng của mối quan hệ, vì vậy nếu cả hai không thể trao đổi ý kiến một cách cởi mở và lành mạnh, bạn sẽ gặp rắc rối.

“Mối quan hệ lành mạnh cho phép hai bên có thể nói chuyện cởi mở và thoải mái về cảm xúc của mình mà không sợ bị phán xét hoặc chỉ trích,” Quintero nói.

Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy sớm chuyện trò cởi mở với nhau trong giai đoạn đầu của quan hệ sẽ giúp hai bên có thể giao tiếp hài hòa và dễ thông cảm nhau hơn sau này.

Họ không có người bạn nào

Nếu đối tác của bạn không có người bạn riêng nào, đây có thể là một cảnh báo lớn  vì nhiều lý do.

Họ có thể không thể hoặc không muốn tạo và duy trì tình bạn với người khác. Điều này có thể có nghĩa là họ thiếu khả năng xã giao, nan du hoặc có cái nhìn tiêu cực về người khác.

Mặt khác của một đối tác không có bạn bè là họ có thể bám sát hoặc đòi hỏi quá nhiều, nếu không phải là tất cả, thời gian của bạn. Họ có thể không hiểu nhu cầu dành thời gian cho bạn bè của, điều này có thể tạo ra sự căng thẳng.

Họ không hỗ trợ bạn hoặc vun xới quan hệ

Theo một phân tích tổng kết 9 nghiên cứu về chủ đề quan hệ lứa đôi năm 2014, thì hai bên cần hỗ trợ đối tác cũng như vun xới cho quan hệ để ổn định tình cảm.

Những nghiên cứu trên chỉ ra rằng chỉ “muốn” mối quan hệ kéo dài thôi không đủ. Thay vào đó, hai bên cần nỗ lực bày tỏ sự ủng hộ của mình với đối tác và mối quan hệ.

Phải làm gì khi thấy dấu hiệu đáng nguy?

Cách tốt nhất để giải quyết các dấu hiệu trên là sớm đối diện với chúng một cách thẳng thắn và công bằng. Hãy có một đối thoại trung thực với đối tác, bày tỏ mối quan tâm và cảm xúc với những gì bạn thấy và khuyến khích họ cũng làm như vậy.

Hãy nói chuyện với nhau thường xuyên, và cố gắng giữ bình thản, kiềm chế cảm xúc khi thảo luận. Điều quan trọng là phải trung thực với chính mình trong suốt quá trình trao đổi và dựa vào sự hỗ trợ của gia đình và bạn bè nếu bạn cần.

Trước những dấu hiệu đáng nguy, bạn nên cho mối quan hệ chậm lại, xem xét tình hình một cách nghiêm túc và cân nhắc xem những điều này sẽ hưởng như thế nào đến mối quan hệ không chỉ trong tương lai gần mà còn cả sau này.

THG

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights