Đế quốc Hồi giáo, phần 1 Nhà tiên tri Muhammad và Ả Rập Xê-Út (Saudi Arabia)

by Tim Bui
Đế quốc Hồi giáo, phần 1 Nhà tiên tri Muhammad và Ả Rập Xê-Út (Saudi Arabia)

LÝ THÀNH PHƯƠNG

Vào khoảng thế kỷ thứ 5, bán đảo Ả Rập được bao quanh bởi đế quốc Đông La Mã, đế quốc Ba Tư, và một xứ Abyssinia. Lãnh thổ Đông La Mã có Ai Cập, Jordan, Palestine, Syria là các vùng gần Ả Rập nhất. Đế quốc Ba Tư thì gồm các đất Iran và Iraq ngày nay, và thêm dải đất miền Đông và miền Nam của bán đảo Ả Rập. Xứ Abyssinia bao gồm vùng đất phía Nam của Ai Cập, và có lúc kiêm cả đất Yemen ở miền Nam của bán đảo Ả Rập.

Phần lớn nhất của bán đảo, với sa mạc Ả Rập, gồm có những thành bang (city-state), những bộ lạc tự trị, cách biệt nhau bởi những vùng đất rộng lớn không thuộc quyền kiểm soát của bang tộc nào. Miền Trung Tây, có thành bang lớn là Mecca, là một trung tâm tôn giáo của phần lớn bán đảo Ả Rập, nhờ ở đền Al-Haram (đền Cấm) và toà nhà vuông Ka’aba.

Tương truyền Ka’aba là một ngôi đền do Tổ phụ Abraham và con là Ishmael dựng lên để thờ Thiên Chúa. Với thời gian, người ta đem các tượng thần đặt xung quanh đền Ka’aba để thờ thêm, và dựng thành đền Al-Haram. Mỗi ngày trong năm đều trở thành ngày cúng vía của một hoặc vài vị thần nào đó. Và ngày nào cũng có một hoặc vài bộ lạc từ đâu đó trên bán đảo Ả Rập đến Mecca hành hương, luôn tiện đem các sản vật của họ đến bán, rồi mua sản vật của các nơi khác. Do đó Mecca là một trung tâm thương mại rất thịnh vượng. Thành Mecca được cai trị bởi một nhóm quý tộc thuộc dòng Quraysh.

Nhà tiên tri Muhammad

Muhammad sanh năm 570 ở Mecca. Lớn lên, Muhammad có tiếng là người đẹp trai và hào hiệp. Ông gia nhập một nhóm hiệp sĩ ở Mecca, nhiều lần bênh vực những người cô quả bị cường hào ác bá ức hiếp. Là người rất tôn trọng lời nói, ông được mọi người tặng cho ngoại hiệu là Al-Amin (người đáng tin cậy). Như nhiều người dân Mecca, Muhammad theo nghề buôn bán. Và cũng như phần đông người Mecca thời bấy giờ, ông không biết đọc và viết.

Gặp năm đói kém, kinh tế thành Mecca bị suy thoái. Bác ông, ông Abu Talib mới đề nghị ông làm việc cho một goá phụ giàu có là bà Khadija, để quản lý cho bà các chuyến buôn hàng đường xa. Sau một thời gian làm việc cho bà Khadija, ông thành hôn với bà năm ông được 25 tuổi. Hai người sống với nhau hạnh phúc đến lúc bà Khadija qua đời, khoảng 24 năm sau.

Lúc ở tuổi gần 40, với cuộc sống tạm an ổn, ông thường có vẻ trầm tư mặc tưởng, và hay đi đến núi Nur (núi Ánh Sáng) ở ngoại ô Mecca, vào động Hira tham thiền nhập định theo lối tu khổ hạnh. Có khi ông ở đấy hằng mấy ngày liền, bà Khadija phải cho người mang thức ăn nước uống cho ông. Ông kể lại rằng, năm ông được 40 tuổi, vào một đêm tại động Hira, một hình tượng bằng ánh sáng hiện ra và nói đại ý rằng:

Ta là thiên thần Gabriel, được Thiên Chúa phái đến đây để báo cho anh được biết, anh được chọn làm sứ giả của Ngài.

Thiên thần dạy ông tẩy rửa theo nghi thức, và sau đó đưa một tấm lụa dài có thêu chữ bảo ông đọc. Ông trả lời rằng:

Tôi không biết đọc.

Thiên thần mới ôm siết lấy ông và nói:

Hãy đọc, nhân danh Chúa của ngươi, Đấng đã tạo ngươi từ một hòn máu đặc….

Ông đọc được theo sau đó.

Sau nhiều tháng hoang mang tự hỏi sức khỏe và tâm trí mình có bình thường, hoặc mình có bị tà ma ám ảnh không, và kiểm điểm điều đó với những người thân cận nhất, Muhammad dần dần tin rằng mình được Thiên Chúa trao sứ mệnh để cứu độ nhân loại. Ông thấy thiên thần Gabriel tiếp tục đến với ông với những điềm lành, và tiếp tục mang đến thêm những lời kinh bảo ông học thuộc. Những lời kinh ấy được gọi là kinh Qur’an (Koran).Sáng lập Hồi Giáo (Islam)
Và Muhammad bắt đầu truyền đạo Islam. Islam trong tiếng Ả Rập có nghĩa là “quy phục Thượng đế.” Những giáo điều căn bản của Islam trong buổi ban đầu gồm có: hãy noi gương các vị thánh đời trước Adam, Noah, Abraham, Moses, David, Jesus và chỉ thờ phụng một Đấng Thượng đế, và tránh xa việc cúng lạy các pho tượng, là tác phẩm của bàn tay con người; hãy giúp đỡ người nghèo khó, cô quả và tránh tích lũy tài sản, tránh cho vay nặng lãi; hãy kính trọng, hiếu thảo với cha mẹ; đừng giết con thơ, nhất là con gái vì lo rằng không đủ sức nuôi; hãy chăm lo làm điều thiện và giữ mình tránh tạo tội ác vì mọi hành động của mỗi cá nhân đều được thiên thần ghi chép, đến Ngày Phán Xét Cuối Cùng sẽ được tổng kết, ai phần phước nhiều hơn phần tội sẽ được lên Thiên Đàng, và trái lại sẽ bị đọa Địa Ngục.

Người tín đồ đầu tiên của Islam là bà Khadija, vợ ông. Kế đến là người nô lệ vừa được ông trả tự do tên là Zaid. Rồi ông làm một buổi tiệc mời thân bằng quyến thuộc đến nhà, và giới thiệu về Islam. Sau buổi tiệc đó, có anh họ của ông là Ali, (con của ông Abu Talib) lúc ấy mới 12 tuổi, tuyên bố theo đạo. Kế đến là người bạn chí thân của ông, ông Abu Bakar, một doanh nhân giàu có. Ông Abu Bakar vừa theo đạo liền trả tự do cho tám người nô lệ của ông. Ông cũng truyền đạo rất tích cực và ngay cả con rể của Muhammad là Othman cũng theo đạo qua sự thuyết phục của ông.

Muhammad bắt đầu những buổi giảng ở Mecca và thu hút được hàng ngàn người theo đạo Islam. Những người của các bộ tộc khác ở khắp nơi, sau khi biết về Islam, trở về kể cho người của bộ tộc họ, làm cho tín ngưỡng Islam càng phổ biến rộng hơn. 

Thấy giáo điều Islam đi ngược lại với tín ngưỡng đa thần, và lợi tức kinh tế của thành Mecca do các bộ lạc đến dâng hương cúng các tượng thần, nên một số người của dòng Quraysh bắt đầu có phản ứng mạnh để ngăn chặn sự phát triển của Islam. Khi Muhammad giảng đạo, họ châm biếm, chế nhạo, chửi rủa và ném đá. Họ đứng đón các bộ lạc từ xa đến hành hương và dặn đừng đến nghe ông. Điều này gợi sự tò mò nên có kết quả trái ngược, khiến cho giới quý tộc Quraysh buộc phải dùng vũ lực ép ông không được tiếp tục giảng đạo và dùng nhục hình để ngăn cản tín đồ. Do sự bách hại đó, năm 615, khoảng 101 tín đồ Islam, trong đó có 18 phụ nữ, dẫn đầu bởi ông Othman là rể của Muhammad đã trốn khỏi Mecca đến xin tị nạn ở xứ Abyssinia và được Hoàng đế xứ này chấp thuận.

Vào năm 620, một hôm, Muhammad kể lại với tín đồ và công chúng rằng đêm qua thiên thần Gabriel đã rước ông đi Jerusalem. Sau đó ông cưỡi con thiên mã Al Buraq lên các tầng trời, được gặp các thánh đời trước như tổ Adam, Abraham, Moses, Jesus, rồi được vào bái kiến Thiên Chúa. Dịp này, ông đã nhận được lệnh là các tín đồ Islam phải cầu nguyện năm lần mỗi ngày. Tín đồ lắm người hoang mang ngờ vực, không biết còn nên tiếp tục tin ở ông hay không. Nhưng kế đó ông cho biết là trên đường về có thấy một đoàn khách thương từ Syria trở về, ông kể cho biết chi tiết của vài sự kiện nhỏ đã xảy ra cho đoàn khách thương đó, và ai đã nói câu gì. Những điều này được xác nhận khi đoàn khách thương này về đến Mecca.

Từ đó sự cầu nguyện mỗi ngày năm lần trở thành giáo điều căn bản của Islam. Ngày nay, tại các xứ Islam, mỗi năm ngày 27 tháng Bảy Âm lịch Ả Rập là ngày nghỉ lễ kỷ niệm chuyến đi lên thượng giới của ông, gọi là chuyến đi Miraj. Tại các đền chùa, người ta cầu nguyện suốt đêm.

Thánh địa Medina

Thành phố Yathrib (sau này được gọi là Medina) nằm cách Mecca khoảng 450km về phía bắc. Khoảng năm 620 có vài người Yathrib theo đạo, trở về truyền giảng và gặt được thành công lớn. Năm 621, tại đồi Aqaba ở Mecca, Muhammad lần lượt gặp hai phái đoàn người Yathrib. Tại đây, hai nhóm người này đã thề trung thành với đạo và với ông. Họ cũng sẵn sàng đón tiếp những người bị bách hại ở Mecca và mời ông sang thành phố họ cư trú.

Đến Yathrib, ông được các tín đồ cũ và mới đón tiếp nồng nhiệt. Ông được dành cho mọi danh dự và phút chốc trở thành lãnh tụ của thành phố này. Một thời gian sau, dân trong thành đổi tên thành phố này thành “Madina-t-ul-Nabi” (Thành phố của vị Sứ Giả) gọi tắt là Medina.

Việc đầu tiên ông làm ở đây là khởi công xây một thánh đường đơn sơ, và giảng đạo trước công chúng mỗi tuần vào buổi trưa thứ sáu. Ông cũng quy định khi cầu nguyện, nếu phân biệt được phương hướng thì hãy hướng mặt về Ngôi Đền Thiêng ở Jerusalem. Nhưng không đầy hai năm sau, có câu trong kinh Koran đưa lệnh khi cầu nguyện hãy hướng về đền Ka’aba ở Mecca.

Những người rời bỏ Mecca được gọi là những người “Muhajirin” (di cư). Mỗi gia đình người di cư được một gia đình gốc Medina, gọi là người “Ansar” (tiếp trợ) cho tá túc và giúp tìm kế sinh nhai. Cuộc thống kê đầu tiên cho biết có 186 gia đình di cư và khoảng 1500 tín đồ tổng cộng.

Medina lúc bấy giờ có hai bộ lạc Ả Rập và một thiểu số người Do Thái. Mỗi bộ lạc có một hoặc vài lâu đài, đồn lũy và đất cát cứ riêng. Các bộ lạc này vừa trải qua mấy năm chiến tranh với nhau. Thánh Muhammad họp các bộ lạc ấy lại, soạn một bản, và định hiến pháp quy chế thành bang cho Medina. Bản hiến pháp này gồm có 47 điều khoản, và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng ở châu Âu.

Muhammad di cư từ Mecca đến Medina cùng với Abu Bakar năm 622. Năm này về sau được Umar, một trong những người kế thừa của ông, lấy làm năm khởi đầu kỷ nguyên của cộng đồng Islam, gọi là kỷ nguyên Hijri (viết tắt là AH, Hijri nghĩa là Cuộc Di Cư), hay chính là năm đầu tiên của lịch Hồi giáo. 

Sau đó một thời gian, luật nhịn chay tháng Ramadan được ban ra, và được coi là một sự giảm nhẹ so với luật ban xuống thời trước (Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo nguyên thủy phải nhịn 40 ngày). 

Phe bảo thủ Mecca gửi thơ, mềm mỏng cũng có, hăm dọa tàn sát cũng có, để thuyết phục người Medina tuyệt giao với Muhammad và các tín đồ đến từ Mecca. Họ cũng liên lạc, bí mật hoặc công khai với các bộ lạc ở Medina và các vùng lân cận, để cấm vận kinh tế hay để có nội ứng cho cuộc tấn công về sau.

Tín đồ Islam từ Mecca vẫn tiếp tục rải rác trốn đi Medina. Có lần phe bảo thủ cho người trà trộn trong những người này để hành thích Muhammad. Nhưng khi thích khách đến gần thì hoảng sợ, thú nhận mưu định, và trở thành tín hữu Islam.

Cuộc chiến sinh tồn

Thấy các biện pháp trên không mang lại kết quả, giới quí tộc Mecca bèn tổ chức tấn công quân sự Islam. Trong khoảng từ năm 624 – 627, chiến tranh dần dần leo thang từ vài trăm quân đến hàng vạn quân. Nhưng với thiên tài quân sự bẩm sinh, Muhammad lãnh đạo quân Islam, lần lượt đánh bại quân địch, nổi tiếng nhất là trận Chiến Hào.

Sau trận Chiến Hào, kinh tế Mecca bị suy sụp vì phải chi tiêu nhiều cho chiến phí. Năm 628, một thủ lĩnh lớn của miền Đông – vựa lúa mì của bán đảo Ả Rập theo đạo Islam nên cấm bán thực phẩm cho Mecca, nên Mecca bị nạn đói đe dọa. Muhammad bèn ra lệnh xuất công quỹ giúp đỡ một số người nghèo túng ở Mecca, bán thực phẩm cho Mecca, và để cho người của phe bảo thủ Mecca tự do đi ngang qua vùng kiểm soát của Medina để buôn bán với Syria và Palestine.

Lãnh tụ hai bên ký hòa ước ngưng chiến Hudaybiyyah. Năm 629, Muhammad và những người đồng hành tổ chức thành công một cuộc hành hương về Mecca. Sau chuyến hành hương này, nhiều lãnh tụ quân sự của Mecca trở thành tín đồ Islam, và họ quyết định đưa Mecca vào hệ thống Islam.

Năm 630, Muhammad vào đền Al-Haram, cho dẹp đi các tượng thần, và bảo sơn lấp đi các hình ảnh của tín ngưỡng Đa thần giáo. Kế đến ông ra tiếp công chúng tụ tập trước đền, phủ dụ chiêu an. Attab bin Asid, một nhân vật quan trọng của phe bảo thủ, nay theo Islam, được ông đặt làm thống đốc Mecca, và quy định lương bổng theo cơ chế chính quyền Medina. Khi vào xem kho tàng của đền Ka’aba từ nhiều năm được khách thập phương dâng cúng, người ta kiểm kê được hơn 55.000 lạng vàng. Thánh Muhammad không chạm đến tiền này.

Sau khi ở lại Mecca vài tuần sắp xếp các công việc, ông trở về Medina.

Năm 631, các sử gia Islam gọi là năm của Các Phái Đoàn. Năm ấy có rất nhiều phái đoàn đến từ khắp nơi trên bán đảo Ả Rập tuyên bố bộ lạc họ theo Islam và xin nội thuộc vào lãnh thổ Medina. Muhammad dành nhiều thời gian để tổ chức hệ thống hành chính, thuế khóa cho các vùng mới gia nhập. Ông nghiêm cấm gia đình và người trong họ lấy tiền công quỹ chi tiêu riêng.

Xây dựng lãnh thổ Hồi giáo

Muhammad rất xem trọng việc giáo dục cho người dân trong lãnh thổ Islam. Năm 632, để phát triển giáo dục, rất nhiều trường học được lập ra trong khắp lãnh thổ, và đặc biệt là ông mời rất nhiều nhà trí thức lỗi lạc ở khắp nơi đến quốc gia Islam để phổ biến văn minh của Ai Cập, Hi Lạp, và Ấn Độ đến lãnh thổ Hồi giáo mới thành lập này.

Vào lúc này, Đế quốc Ba Tư đã suy yếu. Đế quốc Đông La Mã có ý định thôn tính nước Islam non trẻ, nhưng e dè trước lực lượng quân sự hùng mạnh và số tín đồ Islam to lớn nên không dám xuất binh. Dưới sự lãnh đạo đầy sáng tạo của Muhammad, quốc gia Hồi giáo Islam bắt đầu vươn lên, phát triển mọi mặt về hình thái chính trị đầy nhân bản, giao dịch kinh tế công bằng, và đặc biệt là sự chú trọng về phát triển giáo dục và nền văn hóa Hồi giáo mới mẻ.

Mặc dù là lãnh tụ của một quốc gia rộng lớn, nhưng Muhammad vẫn sống giản dị, ở nhà cửa sơ sài. Ông không đòi hỏi sự phục dịch, tự tay xách nước giếng khi cần tắm rửa. Ông thường nhịn chay, và tránh trong một bữa ăn hai thứ thịt. Trong thời gian bà Khadija còn sinh tiền, ông chỉ một vợ một chồng. Sau khi bà Khadija qua đời khoảng một năm thì ông tục huyền với một góa phụ, và sau đó thành hôn với mấy người nữa, đều là góa phụ hay đã ly dị chồng, ngoại trừ cô Aisha con ông Abu Bakar.

Ông lúc nào cũng nói với mọi người, ông chỉ là một Thiên sứ và là vị Thiên sứ cuối cùng được Allah (Thiên Chúa trong tiếng Ả Rập) gửi xuống để dẫn dắt nhân loại. 

Qua đời

Ông qua đời năm 632, hưởng thọ 63 tuổi. Đã có nhiều người có khuynh hướng thờ phụng ông như một vị thần linh khi ông còn sinh tiền, nên ông Abu Bakar, người thừa kế ông, mới tuyên bố:

Hỡi dân chúng ! Nếu ai tôn thờ Muhammad thì hãy biết rằng Muhammad đã chết. Còn ai tôn thờ Allah thì Allah vẫn hằng sống và không bao giờ chết !

Thi hài ông được an táng trong khuôn viên thánh đường gần nhà, nay gọi là thánh đường Al-Nabawi (Thánh Đường Thiên Sứ). Sau này thánh đường được mở rộng, phần mộ ông nay nằm trong tòa đại điện.

Thánh Muhammad không cho họa chân dung của ông, sợ rằng nhiều tín đồ Islam đời sau hướng về đó mà thờ phụng, trái với sứ mạng của ông. Theo Al-Tabari, ông Ali, rể ông tả rằng:

“Ngài có chiều cao trung bình, nước da trắng hồng, mắt đen. Râu hàm Ngài mọc dày. Tóc Ngài đen, dài xuống đến vai, dày và bóng, đến tuổi 63 mà cũng chỉ có vài sợi bạc. Tướng Ngài vạm vỡ, đi đứng mạnh dạn, nhưng cũng có vẻ nhẹ thoăn thoắt. Dáng điệu đi đứng không có vẻ tự kiêu. Nét mặt Ngài dịu dàng, ai nhìn rồi thì không muốn rời mắt đi hướng khác. Nhìn Ngài nói chuyện thì ai đói cũng quên đói, ai phiền não cũng quên phiền não.”

Có thể nói, chiến tranh dưới thời Muhammad là cuộc chiến tranh tự vệ với mục đích thành lập một xã hội Hồi giáo nhân bản. Nhưng những người kế thừa Muhammad, với một số tín đồ ngày càng nhiều, thì càng trở nên cuồng tín, làm cho địa vị của người truyền giáo trở thành các lãnh tụ quân sự, và biến khái niệm xã hội nhân bản thành các đế quốc Hồi giáo hiếu chiến với tham vọng thống trị thế giới.

Mecca và Medina ngày nay nằm trong  lãnh thổ của nước Ả Rập Xê-Út (Saudi Arabia). 

Ả Rập Xê-Út (Saudi Arabia) ngày nay

Tên gọi chính thức là Vương quốc Ả Rập Xê Út nằm ở Tây Á. Quốc gia này có diện tích đất liền vào khoảng 2,15 triệu km vuông, là quốc gia rộng lớn thứ năm tại châu Á và rộng lớn thứ nhì trong thế giới Ả Rập. Ả Rập Xê Út có biên giới với Jordan và Iraq về phía Bắc; Kuwait  về phía Đông Bắc; Qatar, Bahrain và Cộng hòa Ả Rập thống nhất (UAE) về phía Đông; Oman về phía Đông Nam và Yemen về phía Nam. Ả Rập Xê Út tách biệt với Israel và Ai Cập qua vịnh Aqaba. Đây là quốc gia duy nhất có bờ biển tiếp giáp với cả biển Đỏ cùng vịnh Ba Tư. Hầu hết địa hình của Ả Rập Xê Út là các hoang mạc khô hạn và cằn cỗi.

Vương quốc Ả Rập Xê Út được Ibn Saud thành lập vào năm 1932, “Saud” (Xê Út) trong quốc hiệu bắt nguồn từ hoàng tộc Saud, thể hiện quan điểm quốc gia là tài sản cá nhân của hoàng tộc. lbn Saud thống nhất bốn khu vực thành một quốc gia duy nhất thông qua một loạt các cuộc chinh phạt bắt đầu từ năm 1902. Ả Rập Xê Út từ đó trở thành một quốc gia quân chủ chuyên chế, thực chất là một chế độ độc tài thế tập do các Hoàng tộc theo các dòng Hồi giáo cai trị. Ngày nay, Phong trào tôn giáo Wahhabi (Wahhabism) theo thiên hướng bảo thủ thuộc phái Hồi giáo Sunni được gọi là “đặc điểm nổi bật nhất của văn hóa Ả Rập Xê Út,” phong trào này được truyền bá mạnh mẽ trên toàn cầu nhờ vào tiền tài trợ từ mậu dịch dầu khí. Ả Rập Xê Út đôi khi còn được gọi là “Vùng đất Hai Thánh đường” – để ám chỉ Al-Masjid al-Haram (tại Mecca) và Al-Masjid an-Nabawi (tại Medina), đó là hai địa điểm linh thiêng nhất trong Thế giới Hồi giáo. Ả Rập Xê Út có tổng dân số là 33 triệu người vào năm 2017, trong đó có hàng triệu người là ngoại kiều. Ngôn ngữ quốc gia chính thức là tiếng Ả Rập.

Dầu mỏ lần đầu tiên được khám phá tại quốc gia này vào năm 1938, sau đó là hàng loạt phát hiện lớn ở phía Đông. Ả Rập Xê Út từ đó trở thành quốc gia sản xuất và xuất khẩu dầu lớn nhất trên thế giới, với trữ lượng dầu mỏ lớn thứ nhì và trữ lượng khí đốt lớn thứ sáu toàn cầu. Quốc gia này có một nền kinh tế với GDP rất cao, tuy nhiên, kinh tế của họ lại kém đa dạng. Ngoài ngành công nghiệp khai thác, chế biến, xuất khẩu các loại tài nguyên thiên nhiên ra thì không còn lĩnh vực dịch vụ hay sản xuất nào chiếm tỷ trọng đáng kể. Quốc gia này thường xuyên bị chỉ trích vì áp dụng các quy định và đạo luật Hồi giáo khắt khe và lỗi thời với nữ giới và cách thức sử dụng hình phạt cũng như thi hành án tử hình man rợ. Ả Rập Xê Út là quốc gia chi tiêu quân sự nhiều thứ tư trên thế giới.

Ả Rập Xê Út là một đồng minh chiến lược thân cận của Hoa Kỳ, được công nhận là một cường quốc khu vực. Ngoài Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh, quốc gia này còn là một thành viên tích cực trong Tổ chức hợp tác Hồi giáo và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa. 

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights