Đế quốc La Mã – Roman Empire

by Tim Bui
Đế quốc La Mã – Roman Empire

LÝ THÀNH PHƯƠNG

Vào thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên (TCN), các bộ tộc Latin ở trung bộ nước Ý ngày nay, một bán đảo nằm dọc Địa Trung Hải, xây dựng thành La Mã (Rome), vì vậy sau này người ta gọi bộ tộc Latin này là người La Mã.

Những người La Mã này học được văn minh Hy Lạp từ chữ viết, văn học, khoa học, và kỹ thuật xây cất. Với đặc điểm riêng là gan dạ, bền chí, và nhất là có óc tổ chức, người La Mã dần dần trỗi dậy đánh bại các thế lực khác và trở nên một Đế quốc với lãnh thổ trải rộng khắp Âu châu, Địa Trung Hải, Bắc Phi, và Tây Á. Các sử gia thời Trung cổ cho rằng La Mã là một Đế quốc không có biên giới.

Quân đội La Mã bắt đầu hùng mạnh qua chiến tranh với bộ tộc Carthage là một trong những bộ tộc trong nhóm Phoenician thuộc Hy Lạp, với lãnh thổ nằm phía bên kia của bờ biển Địa Trung Hải. Quân đội La Mã với trang bị thua kém, ít chiến thuyền hơn, nhưng với tổ chức tốt và tinh thần chiến đấu cao, đã đánh bại quân đội Carthage trong trận hải chiến để giành quyền làm bá chủ vùng Địa Trung Hải.

Vào khoảng thế kỷ thứ 6 TCN, chế độ Quân chủ La Mã được thay thế bởi một thể chế Cộng hòa với Nguyên lão nghị viện tiến bộ hơn. Nhưng những cải cách này gây nên sự bất ổn chính trị và nội chiến nổi lên liên miên, cuối cùng thì La Mã được thống nhất bởi Caesar vào năm 64 TCN. Caesar muốn xóa bỏ chế độ Nguyên lão nghị viện và trở thành độc tài, nên không bao lâu thì bị ám sát năm 44 TCN.

Người kế tục Caesar là Octavian, con nuôi của ông, tiếp tục mở rộng lãnh thổ ở Âu châu từ Ý, qua Pháp và Tây Ban Nha, chinh phục Ai Cập, rồi thu phục Hy Lạp. Viện Nguyên lão La Mã chính thức ban cho Octavian danh hiệu Augustus với quyền lực tuyệt đối và trở thành vị hoàng đế đầu tiên của Đế quốc La Mã vào năm 27 TCN. Đế quốc La Mã nổi lên chấm dứt thời kỳ Hy Lạp hóa xây dựng bởi Hy Lạp Alexander đại đế, và mở đầu cho một thế lực thống trị mới kéo dài hơn một ngàn năm.

Người La Mã chia những xứ bị chiếm đóng thành từng tỉnh, đặt dưới quyền cai trị của một quan chức La Mã. Dân thuộc địa được giữ phong tục, tôn giáo, và tiếng nói của họ. Những cuộc nổi dậy của dân bị trị liền bị dập tắt một cách tàn nhẫn bởi quân đội La Mã tinh nhuệ. Những miền bị chiếm đóng, dần dần được sáp nhập vào Đế quốc, dân của những miền này trở thành công dân La Mã, và tuyên thệ trung thành phục vụ Đế quốc.

Đế quốc La Mã trải qua 200 năm đầu tiên gọi là “Thái bình La Mã” bắt đầu từ hoàng đế Augustus trong hai thế kỷ đầu của Công nguyên. Vào thời kỳ phồn thịnh, Đế quốc La Mã chinh phục Âu châu, vào lúc ấy các nước Tây Âu như Anh, Pháp, Đức… vẫn còn là những bộ tộc bán khai.

Mặc dù chế độ chính trị của La Mã có Nguyên lão nghị viện, một hình thức của quốc hội ngày nay, cai trị xã hội bên cạnh hoàng đế, nhưng từ thế kỷ thứ 3 thì cũng như những chế độ quân chủ khác trên thế giới, hoàng đế có khuynh hướng cha truyền con nối.

Khuynh hướng thừa kế này, có một nhược điểm là các thế hệ quân chủ sau thường chỉ biết hưởng thụ. Những đặc tính gan dạ, bền chí, có óc tổ chức của người La Mã, dần dần được thay thế bằng hành vi sợ hãi, biếng nhác, và chỉ biết hưởng thụ các tiện nghi vật chất. Chính quyền La Mã dần dần trở thành một hệ thống tham nhũng, mua quan bán tước, bóc lột nhân dân lao động để giai cấp thống trị có một cuộc sống xa hoa.

Quân đội thì thiếu trang bị, mất tinh thần chiến đấu, chỉ tranh giành địa vị, và bòn rút công quỹ để sống còn. Chỉ trong một thế kỷ mà 25 vị vua thay phiên nhau lên ngôi, sau khi cướp được ngai vàng từ đối thủ tiền nhiệm. 

Đế quốc La Mã bước vào thời kỳ sụp đổ  khi bị Đế quốc Ba Tư xâm chiếm và những cuộc nổi loạn ở Ai Cập. Vào năm 285, vua Diocletianus phải bổ nhiệm ba người thân tín của mình cùng làm vua gọi là “tứ đầu chế” để cùng cai trị Đế quốc La Mã. Khi nhóm tứ đầu chế này lần lượt qua đời, hai người con của những người này chia Đế quốc thành hai phần là Tây La Mã với thủ phủ là Milan thuộc Ý ngày nay và Đông La Mã với thủ phủ là Constantinople nay là thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ. Rome vẫn được coi là thủ đô của Đế quốc La Mã, nhưng từ đó trở đi, chỉ còn vai trò lịch sử.

Đế quốc Tây La Mã dùng tiếng Latin của người Ý. Trong khoảng từ thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ thứ 5, rợ Hung Nô gốc người du mục Mông Cổ và rợ German là bộ tộc gốc Đức ngày nay liên tục tấn công và xâu xé Tây La Mã cho đến năm 476 thì Tây La Mã là phần đất ở Âu châu bị diệt vong và tan rã.

Về phần Đông La Mã, khi thành lập Đế quốc riêng của mình họ lập thủ đô ở thành Byzantine (nay là thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ) nên các sử gia gọi họ là Đế quốc Byzantine. Hoàng đế Constantinus I khi lên ngôi năm 330, đã đổi tên thành Byzantine thành Constantinople. Các hoàng đế của Đế quốc Byzantine có tổ chức tốt hơn, họ dùng tiếng nói, chữ viết, và văn minh Hy Lạp làm căn bản cho sự phát triển xã hội.

Kế thừa nền văn minh này, Đế quốc Đông La Mã phát triển một bước cao hơn và kéo dài hơn một ngàn năm cho đến năm 1453 thì mới bị sụp đổ bởi sự xâm lược của các thế lực Hồi giáo Ả Rập và Ottoman. Đế quốc Hồi giáo Ottoman, sau này chiếm đóng thành Constantinople. Trong thời kỳ cận đại, vùng đất này trở thành một phần lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ, và được chính quyền Thổ đổi tên thành Istanbul.

Những thành tựu của Đế quốc La Mã
Khác với văn minh Hy Lạp, người La Mã không nổi bật về khoa học và nghệ thuật, nhưng họ có óc thực tế và khéo tổ chức. Thành tựu của họ là nghệ thuật chiến tranh, cai trị, và luật pháp.

Quân đội La Mã có kỷ luật sắt, thưởng phạt công minh kể cả những người nô lệ. Khi tấn công thì họ rất dũng cảm và khi phòng thủ thì rất cẩn mật.

Khi chiếm được lãnh thổ rồi thì họ lập đồn lũy ở nơi hiểm yếu, xây dựng đường xá để di chuyển quân đội, và dùng chính sách mềm dẻo để cai trị. Họ tôn trọng luật pháp, phong tục, và tập quán của địa phương. Người Do Thái ở Jerusalem cũng từng là một bộ phận trong Đế quốc La Mã trước Công nguyên.

Bộ luật của họ có tính linh động thay đổi dựa trên luật địa phương và vì vậy người dân trong Đế quốc La Mã rất tôn trọng luật pháp. Hiện nay đa số quốc gia trong cộng đồng Âu châu dùng mô hình này để tạo luật pháp cho chính quyền của họ.  

Đế quốc La Mã cũng nổi tiếng với hệ thống đường xá, cầu cống, các nghị trường (Forum), và hí trường đồ sộ dài đến 200 mét và cao đến 50 mét, xây dựng bằng bê tông. Nổi tiếng nhất là đền thờ Parthenon ở Rome xây dựng dưới thời Augustus trong những năm đầu của công nguyên, đại diện cho kiến trúc La Mã còn tồn tại đến ngày nay. Hình thức xây dựng này được phổ biến khắp thế giới cho đến thời kỳ hiện đại. 

Hiện nay ở Âu châu, ở những khu trung tâm của các thành phố lớn nổi tiếng như London, Paris… vẫn còn tồn tại nhiều đường xá và kiến trúc do Đế quốc La Mã xây dựng gần 2000 năm về trước.

La Mã ngày nay
Những người La Mã nguyên thủy của thành Rome ngày xưa thành lập nước Ý, thuộc Âu châu ngày nay. Nước Ý theo chính thể Cộng hòa, với thủ đô là Rome, và dân số khoảng 56 triệu, là một thành viên của Khối thị trường chung Âu châu, và được xem như một quốc gia thuộc nhóm phát triển nhất của thế giới.

Rome, không những là thủ đô của nước Ý, mà còn là nơi tọa lạc của tòa thánh Vatican, nơi ở của Đức Giáo Hoàng đại diện cho Thiên Chúa của đạo Công giáo.

Rome và những thành phố ở Ý có nhiều di tích lịch sử biểu tượng cho sự phát triển của văn minh La Mã và sau này là nền văn minh sáng chói ở Âu châu.Cũng giống như Hy Lạp, nước Ý cũng theo khuynh hướng tư bản xã hội, trong đó chính phủ đặt phúc lợi xã hội của người dân lên hàng đầu, thành thử ngân sách quốc gia càng ngày càng trở nên bị thiếu hụt. Họ cũng từng trải qua một thời kỳ thắt lưng buộc bụng và cải tổ chi tiêu để quân bình ngân sách.

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights