TRẦN-HỮU-NGƯ
Ngày xưa căn gác gỗ đã đi vào thơ nhạc.
Gác gỗ, một thời khó quên qua các nhạc phẩm: Nỗi buồn gác trọ, Gõ cửa, Mưa nửa đêm…
Nhạc sĩ Trúc-Phương là người Trà-Vinh, nhưng anh đã một thời sống ở tỉnh Bình-Tuy. Cuộc đời nghệ sĩ rày đây mai đó trong thời chiến tranh. Từ 1961 (cũng có thể trước đó hoặc sau đó một năm, vì lúc bấy giờ dù mê nhạc anh, nhưng tôi chỉ là một cậu học trò ở một tỉnh nhỏ, nghèo, điện chưa có và ngôi trường trung học tìm không thấy “nhà vệ sinh”!
Lúc bấy giờ nhạc sĩ Trúc-Phương đã nổi tiếng rồi, nhưng không biết tại sao anh lại chọn sống ở Bình-Tuy, một tỉnh nghèo vừa mới tách ra từ Bình-Thuận để thành lập tỉnh mới? Hay vì anh là lính phục vụ trong đoàn văn nghệ Nha công tác miền Thượng lên phải tuân lệnh cấp trên “điều quân”?
Đoàn văn nghệ do Trúc-Phương dẫn đầu đến tỉnh Bình-Tuy, một tỉnh cuối Trung, đầu Nam, nơi đây chỉ có nắng và gió và cát biển và cá biển… Và anh đã bén duyên nơi Bình-Tuy. Nếu tôi nhớ không lầm, thì trước Trúc-Phương đã có ca sĩ Thanh-Thúy trong ban văn nghệ từ Saigon ra hát ở Bình-Tuy từ năm 1960, sau này có ca sĩ Chế-Linh nữa.
Trúc-Phương nổi tiếng với những tình khúc Boléro và anh được gọi là vua Boléro chớ không ai khác nữa?
Nghe nhạc phẩm của Trúc-Phương, dù không tiếp xúc với tác giả, nhưng qua tác phẩm người nghe cũng đánh giá cuộc đời anh và chính những lia ly, buồn vui trong cuộc tình, một cuộc đời nổi trôi theo theo thời cuộc… anh đã làm nên những ca khúc lãng-mạn trong lúc chiến tranh chực lấy đi sinh mạng, mà người nghe, nghe là hiểu, nghe là thấy, nghe là cảm, nghe là thấu!
Có một ca khúc viết Tango, nhưng trong tập nhạc Trúc-Phương mà tôi có được, không có bài này, đó là “Đêm gác trọ”. Có lẽ quen với Boléro, nay anh viết Tango trong “Đêm gác trọ” để thử tay nghề chăng?
Người nghe cũng đã “ghiền” Thanh-Thúy hát nhạc Trúc-Phương. Nay ta thử nghe ca sĩ Lưu-Hồng, người ca sĩ có một giọng hát lạ, lạ ở đây nghĩa là không giống bất cử một ca sĩ nào về cách nhả chữ, phun câu, luyến láy. Lưu-Hồng hát một âm vực không cao, không thấp, không nghe “lấy hơi”, hát rất rõ chữ, chữ nào ra chữ đó. Lưu-Hồng trong Tango đã dẫn dắt người nghe lấy lạ vì đã quen Boléro của Trúc-Phương.
Trúc-Phương đã từng viết về Mưa trong “Mưa nửa đêm”, nhạc phẩm này thật khó quên và nó cũng gắn liền với tên tuổi Trúc-Phương. Ngay trong “Đêm gác trọ” cũng có mưa, vì nghe câu “… Đêm nào trời mưa, áo tơi ôm vai gầy, người thương tìm đến đây…”. Hình ảnh cái áo tơi, gợi nhớ trong tôi nhiều thương mến với chiếc áo tơi này. Áo tơi chằm lá buông cho ta một chiếc áo mưa mặc vào, cột dây, đầu đội chiếc nón lá là chấp giông tố mưa bão. Lúc ở rừng, tôi đã từng mặc áo tơi chăn trâu, và xuống ruộng, lên rẫy… băng rừng leo núi… mưa không bao giờ ướt dù chỉ là sợi lông… chân!
Hãy nghe hình ảnh “Đêm gác trọ” qua tiếng hát “không thở than” của Lưu-Hồng nhé:
“… Lối nhỏ trong đêm khuya về
Đường vắng tiếng mưa rơi não nề
Ngõ hẹp thấm buồn rã rời
Những kiếp đời người tha hương
Tìm mãi lấy một tình yêu thương
Để mang lại ủi an những chuỗi ngày tuổi đời vương
ĐK:
Đời ai năm tháng trông ngóng hoài một bóng hình
Không hẹn đêm nao cho mắt môi cho tiếng cười
Người đi lên phố mang chút tình đêm gác trọ
Nhắn giúp người tôi thương biết tên đường
Đêm nào trời mưa áo tơi ôm vai gầy
Người thương tìm tới đây
Đứng lặng nhìn nhau nói không nên lời
Nhẹ nhẹ cầm tay trao trọn thương mến
Những phút giây bên nhau qua rồi
Lòng luyến tiếc nên chân chưa rời
Một lần nhớ hoài suốt đời
Hỡi những tâm tình tha hương
Nhận lấy mấy dòng này yêu thương
Biết nhau ta gần nhau
Nối nhịp cầu đợi từ lâu…”
Viết lại “Đêm gác trọ” để nhớ gác gỗ, thương mến chiếc áo tơi và nhớ anh Trúc-Phương với những tình khúc Boléro của một thời và mãi mãi sẽ không bao giờ có nữa!
26.7.2023