Đêm Trung Thu ngày xưa trong con hẻm nhỏ Sài Gòn

by Tim Bui
Đêm Trung Thu ngày xưa trong con hẻm nhỏ Sài Gòn

KALYNH NGO

Không ai biết Tết Trung Thu có tự bao giờ, vì không một tài liệu lịch sử nào biên rõ nguồn gốc của Trung Thu. Tất cả là điển tích. Mỗi quốc gia có một điển tích khác nhau và tên gọi khác nhau. Nhật Bản gọi là Tsukimi. Hàn Quốc gọi là Chuseok. Còn Việt Nam, là Tết Trung Thu, hay ấm cúng hơn, là Tết Đoàn Viên.

Có vài tài liệu ghi rằng người ta tin Tết Trung Thu xuất phát từ truyền thống đế hoàng vị từ xưa, khi tất cả các ngôi sao trên bầu trời đều rụng vào một đêm giữa Tháng Tám âm lịch. Đây cũng là dịp cho người nông dân tận hưởng mùa màng sau một vụ mùa vất vả. 

Nhưng dù là điển tích nào đi nữa, thì với người Việt Nam, Trung Thu là chiếc đèn ông sao xanh đỏ, là những miếng bánh ngọt lịm hấp dẫn thơm lừng mùi quế, bột, đậu, là giấc mơ bay lên cung trăng gặp chị Hằng, là chú Cuội đáng thương phải chịu phạt ngồi dưới gốc cây đa… Nói một cách nào đó, Trung Thu là một trời ký ức.

Cái thời thập niên 1980-1990, Sài Gòn lúc ấy vẫn còn thấm đượm hơi hướm của “Sài Gòn cũ.” Lứa con nít trong những con hẻm nhỏ vẫn còn được may mắn chưa nếm vị khô khan của đồ chơi công nghệ. Niềm vui được chờ đợi là những đêm tối điện cúp, không cần biết ba má than ngắn thở dài ra sao, chỉ biết khi “đèn tắt” là “sân khấu được kéo màn.” Cứ thế mà vở tuồng Mỵ  Châu – Trọng Thủy, hay nàng Kiều Nguyệt Nga, hay cô Diệu đáng thương của Lá Sầu Riêng lại hiện ra trong xóm. Mấy câu thoại cụt ngủn, nhớ đâu nói đó, vang lên trong xóm nhỏ. “Gánh hát” nghèo không có tiền thuê người nhắc tuồng, đổi lại là những lời cãi nhau, “mày hát sai rồi” hay “thôi xuống đi, để tao diễn cho.”

Đó cũng chính là những năm tháng rực rỡ nhất của Tết Trung Thu. Tháng Tám, đám học sinh đến trường với tâm trạng nao nao. Đứa nào cũng mong chờ hết giờ học được ba mẹ chở đi sắm một chiếc đèn thật oách để ngày mai đi học khoe với chúng bạn. Tháng Tám của những năm 80s đó, phố xá Sài Gòn bừng sáng, lộng lẫy đầy màu sắc. Trong Quận 5 có một khu phố lồng đèn, đến nay đã trở thành một nét văn hóa quen thuộc mỗi dịp Trung Thu. Nơi đây vừa là địa chỉ sản xuất, vừa bán nhiều loại lồng đèn khác nhau.

Thời ấy, khi Thương xá Tax chưa bị đổ sập để dọn đường cho “một trật tự mới” thì nơi đó cũng từng là một thiên đường của tuổi thơ mỗi khi mùa Trung Thu về. Dọc theo vỉa hè lát gạch viên, trẻ con nắm chặt tay ba mẹ, chần chừ không muốn bước đi khi đôi mắt trót chạm phải một chiếc lồng đèn giấy kính. Những cửa hàng theo thời vụ này níu chân trẻ con vì người bán thân thiện, dễ thương, không ồn ào, xô bồ như những tiệm lồng đèn trong Quận 5 vào buổi tối. Người bán dễ dàng cho bọn trẻ sờ thử, vuốt ve, rồi “gây mê” chúng để cha mẹ không đành lòng lấy ra khỏi tay của con mình mà trả lại cho họ. Nụ cười của trẻ con từng một thời đắt giá theo kiểu bình dân như thế.

Cũng trên vỉa hè đó, có một ông già ngồi trên tấm bạt, trước mặt là những bộ đồ chơi con giống làm từ bột gạo đủ màu sắc. Đôi tay ông thoăn thoắt bóc miếng bột khi to, khi nhỏ, dán dính vào nhau. Con dao nhỏ trong tay ông tỉa liên hồi trên miếng bột. Chẳng mấy chốc, hình dáng của chị Hằng, ông Địa, con gà, con lân, cô gái đội nón lá… hiện ra trên tay ông.   

Bên trong Tax, vào những ngày cuối tuần của Tháng Tám âm lịch, nền cầu thang khảm gốm Mosaic, 4 chú gà trống Goloa từng là chứng nhân của biết bao nụ cười trẻ thơ bước vào và bước ra với hạnh phúc viên mãn trong ánh mắt. Trên tay chúng là chiếc lồng đèn nhỏ xinh, sẵn sàng cho đêm hội trăng rằm với bạn bè cùng xóm.Những đèn lồng bằng giấy kiếng lấp lánh dưới nắng, lung linh vào đêm. Trẻ con với đôi mắt “sáng hơn sao” đứng nhìn đắm đuối, tay không ngừng chỉ trỏ. Vài phút thôi, những đứa trẻ đó sung sướng trở về nhà với đèn kéo quân, đèn ông sao, đèn cá chép, đèn con thỏ. Món quà vô giá của tuổi thơ trong lễ hội Trung Thu.

Rồi những đêm Tháng Tám đó, lũ trẻ con bỗng trở nên ngoan hiền kỳ lạ. Bài vở, cơm nước thật nhanh, để không cần “ông nhà đèn” nào đó cúp điện, không thèm cả chương trình “Trong nhà ngoài phố” vốn được chờ đợi hàng tuần trên màn ảnh trắng đen, con hẻm bừng sáng với đủ loại lồng đèn. Bọn trẻ nối đuôi nhau đi từ đầu trên đến xóm dưới. Có chị em nhà kia, đẩy một lon sữa bò kêu lách cách. Trong đó là cây nến màu đỏ. Ánh sáng quay vòng theo nhịp bước chân. Ba mẹ của hai chị em ấy ngày nào cũng đi khắp các xóm lân cận để mua sách báo cũ. Cái lồng đèn bằng lon sữa bò ấy được bọn trẻ con mê mẩn. Đứa nào cũng xin đẩy một chút. Trong đó có tôi.

Trung Thu chơi đèn. Trung Thu ăn bánh. Những hộp bánh Trung Thu một thời còn đơn giản. Mặt trên của hộp bánh chỉ với họa tiết chị Hằng vẫy cánh tay áo lụa bay về trời cũng đủ làm cho thị dân Sài Gòn trân quý món quà ý nghĩa. Trẻ con thì mong chờ món bánh nhân đậu xanh hình con lợn, con cá. Người lớn cung kính biếu nhau những chiếc bánh nướng nhân thập cẩm, bày tỏ tình làng nghĩa xóm. Cái thời người ta mong ngóng từng ngày, đếm ngược thời gian để được ăn bánh Trung Thu, mới hiểu được giá trị của một mùa lễ hội.

Những đứa trẻ của Sài Gòn thập niên 80s đó giờ muốn tìm lại chút ký ức của những đêm Trung Thu vọng nguyệt thì biết tìm nơi đâu? Chú gà trống Goloa đã đổ sập. Cầu thang khảm gốm Mosaic đã vỡ nát. Đèn ông sao, đèn bươm bướm, đèn chem chép… đã trở thành đèn điện vô hồn du nhập vào từ Trung Quốc. 

Trẻ con ngày nay hiếm ai còn mê mải chạy theo đám trẻ rước đèn, đám múa lân trong hẻm nhỏ mùa trăng xưa. Những hộp bánh Trung Thu đơn giản, mộc mạc xa xưa nay thi nhau trở thành “vedette” trên sàn diễn thời trang bánh. Hộp bánh sang trọng, cầu kỳ, vương giả được dùng để thay cho cái bánh mộc mạc tình làng nghĩa xóm ngày xưa.

Dẫu biết rằng theo thời cuộc, giá trị cũ cũng phải thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Biết thế nhưng vẫn bùi ngùi. Biết thế nhưng vẫn nhớ hoài tiếng lạch cạch của chiếc đèn lon sữa bò trong con xóm nhỏ. 

Biết thế nhưng ở một nơi rất xa, bài hát của bọn trẻ con ngày nào vẫn ẩn hiện trong tâm tưởng:

Ông giẳng ông giăng
Xuống chơi với tôi
Có nồi cơm nếp
Có nệp bánh chưng
Có lưng hũ rượu
Có khiếu đánh đu
Thằng cu vỗ chài
Bắt chai bỏ giỏ…”

Trung Thu đâu chỉ là tết, Trung Thu là ký ức.

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights